mardi 10 novembre 2020

GS Nguyễn Văn Tuấn - Nhạc sĩ Lê Dinh (1934 - 2020)


Sáng nay đọc một tin buồn: Nhạc sĩ Lê Dinh qua đời ở Montreal, thọ 86 tuổi. Vậy là thành viên cuối cùng của nhóm nhạc huyền thoại Lê Minh Bằng (Lê Dinh - Minh Kỳ - Anh Bằng) đã về cõi vĩnh hằng. Ông để lại cho đời nhiều ca khúc đặc sắc của một thời văn nghệ sáng chói của miền Nam.

Người Gò Công

Theo thông tin báo chí hải ngoại, ông tên thật là Lê Văn Dinh, sanh năm 1934 tại làng Vĩnh Hựu, Gò Công. Gò Công còn là quê hương của 'Con Nhạn Trắng Gò Công' Phương Dung, và xa hơn là Thái hậu Từ Dụ và Nam Phương Hoàng Hậu.

Thưở nhỏ, ông học chữ tại trường Collège Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho, và học nghề tại trường Cao đẳng Vô Tuyến Điện (Ecole Supérieure de Radio Electricité) tại Sài Gòn. Cũng như nhiều nhạc sĩ khác thời đó, sáng tác nhạc chỉ là nghề phụ, vì công việc chánh của ông là Chủ sự, phụ trách kỹ thuật của Đài Phát Thanh Sài Gòn từ 1956 đến 1975.

Năm 1979, ông vượt biên và được nhận cho định cư tại Montreal (Canada) cho đến ngày qua đời. Có thời ở Montreal, ông lập đài phát thanh và nguyệt san văn nghệ, nhưng ông cho biết vì sức khỏe không cho phép, nên ông nhượng lại cho người khác quản lý.

Lê Dinh chỉ học nhạc hàm thụ mà đã có sáng tác đầu tay ngay từ thời còn đi học trung học. Ông cho biết ca khúc đầu tiên chính là "Làng Anh, Làng Em" mà tôi hay ngân nga (bây giờ mới biết là của ông!) Tôi thích ca khúc đó vì có những lời ca rất gần với quê tôi như 'Làng anh làng em chung dòng sông văng vẳng câu hò / Trời nắng trời mưa con đò đưa thương nước đôi bên' và nhứt là câu 'anh Năm, cô Bảy, cô Ba'. Ca khúc mang đậm nét Nam bộ sông nước. Thử nghe bài này qua tiếng hát Phi Nhung: 


Nhóm Lê Minh Bằng

Nhưng có lẽ Lê Dinh được biết đến nhiều nhứt là qua nhóm nhạc Lê Minh Bằng. Ông kể lại trên kỷ niệm gặp nhạc sĩ Anh Bằng (lúc đó là quân nhân) ở Đài phát thanh Sài Gòn vào năm 1966 khi nhạc sĩ đến nhờ ông 'lancer' (quảng bá) một ca khúc mới [1]. Ngay sau buổi gặp mặt đó, ông chở Anh Bằng đến nhà nhạc sĩ Minh Kỳ (người Huế) để giới thiệu, và thế là nhóm Lê Minh Bằng ra đời.

Người cao tuổi nhứt là Minh Kỳ (đã qua đời năm 1975 trong trại cải tạo lúc mới 45 tuổi). Nhạc sĩ Anh Bằng sau này cũng vượt biên và định cư ở California, rồi thành lập trung tâm nhạc Asia. Anh Bằng qua đời 2015. Hôm nay, nhạc sĩ Lê Dinh qua đời có thể xem như nhóm huyền thoại Lê Minh Bằng đã khép lại trang sử.

Nhóm Lê Minh Bằng để lại cho đời nhiều ca khúc đặc sắc. Lê Dinh cho biết sáng tác đầu tiên mà nhóm Lê Minh Bằng ra mắt khán giả là bài Đêm Nguyện Cầu (1966). Nói chung, những ca khúc của nhóm viết về quê hương (Bốn ngã đường quê hương, Cô hàng xóm); thời cuộc (Thương về vùng hỏa tuyến, Trở về cát bụi, Những đêm chờ sáng, Người thợ săn và đàn chim nhỏ); và tình yêu (Tuyết lạnh, Hai mùa mưa, Tình đời, và nhứt là bài Linh hồn tượng đá Chuyện tình Lan và Điệp).


Dù tham gia nhóm nhạc 'liên minh', nhưng Lê Dinh vẫn có giữ được cái 'căn cước tính' của mình qua một số sáng tác để đời. Nhìn chung, những sáng tác của ông thời trước 1975 chủ yếu là dòng nhạc tình với giai điệu bolero là chánh. Khó nhớ hết những ca khúc đó, nhưng cá nhân tôi thì thích những bài như Hà Tiên, Chiều lên bản Thượng, Tình yêu trả lại trăng sao, Nếu anh đừng hẹn, Nếu ai có hỏi, Chỉ hai đứa mình thôi nhé, và nhứt là hai bài nổi tiếng Nỗi buồn hoa phượng (viết chung với Thanh Sơn), Cánh thiệp đầu xuân (viết chung với Minh Kỳ). Ca khúc Cánh thiệp đầu xuân cho đến nay vẫn là một trong những bài nhạc xuân hay nhứt về lời ca và giai điệu:

Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng

Xuân đến rồi đây nào ai biết không

Mang những hoài mong đi vào ngày tháng

Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa xuân sang

Lời ca tươi đẹp và lả lướt, đúng với cái không khí ngày Tết.

Nhận xét nhạc sau 1975

Lê Dinh là nhạc sĩ thuộc thế hệ cũ, thế hệ mà lời ca đậm chất thơ, và mỗi ca từ được viết ra một cách trau chuốt và đẹp đẽ. Do đó, không ngạc nhiên khi ông rất 'khó chịu' với những bài hát sau 1975. Khi được hỏi nhận xét về ca nhạc sau 1975, Lê Dinh nhận xét rằng: "Gần nửa thế kỷ, thời gian đủ dài để những 'đỉnh cao trí tuệ' giết chết tất cả, từ chữ nghĩa, văn hóa, đạo đức cho đến âm nhạc." Ông lấy một ví dụ về một bài ca nào đó mà có câu:

"Dậy đi mua đồ nấu canh chua

Về cho Ba mày bữa cơm trưa”

mà ông cho là "nghe lời ca quá buồn cười, giống như lời đối thọai trong một vở tuồng cải lương hạng bét".

Rồi ông so sánh với những ca khúc trước 1975 như:

Xuyên lá cành trăng lên lều vải.

Lòng đất ấm thương tình đôi mươi

[...]

Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt-Nam này,

Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài

Chúng ta nghe sao mà tha thiết quá, du dương quá và dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thương, dù cho cả đời mình hay một trăm năm sau cũng khó quên được."

***

Năm nay, những tháng ngày bị 'lockdown' hóa ra lại là cơ hội để nhắc nhớ đến những ca khúc xưa. Thường thì tháng này tôi có thể ở một hội nghị nào đó bên Hồng Kông, hay Hán Thành, hay Bangkok, hay Việt Nam. Nhưng năm nay thì chẳng đi đâu, và vậy là cứ đến cuối tuần thì bạn bè tụ tập vừa nhâm nhi sauvignon blanc, vừa ... karaoke. Mà, karaoke thì phải chọn bài dễ ca, trong đó có rất nhiều ca khúc của Lê Dinh và nhóm Lê Minh Bằng và nhóm Trịnh Lâm Ngân. Nhạc của hai nhóm này có lời đẹp rất hợp gu với những người bạn thuộc thế hệ tôi, giai điệu đơn giản, và quan trọng nhứt là dễ ca.

Nhiều khi tôi thấy mình may mắn vì được lớn lên trong một thời kỳ sáng chói của âm nhạc miền Nam. May mắn được thưởng thức những ca khúc để đời của những Phạm Duy, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, Trường Sa, Nguyễn Ánh 9, v.v. đến những dòng nhạc đại chúng của Lam Phương, Trúc Phương, Thanh Sơn, Nhật Trường, Huỳnh Anh, Vinh Sử, Trịnh Lâm Ngân, Hoài Linh, Minh Kỳ, Anh Bằng, Lê Dinh, v.v…

Ai chê đó là dòng nhạc sến thì cứ chê, nhưng tôi nói thật lòng mình: tôi thích dòng nhạc đó. Tôi mê dòng nhạc đó một phần là do lời ca đẹp nhưng dễ hiểu và dễ đi vào lòng người. Nghe những bài ca được giới 'trí thức' cho là 'sang' nhưng lời ca thì khó hiểu, cầu kỳ, trừu tượng cũng ... nhức đầu lắm chớ. Tôi biết rất rõ những người gọi là trí thức đó không biết và không giải thích được những lời ca (ví dụ như "Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao") trong những ca khúc mà họ gọi là 'sang' đó; họ chỉ làm bộ hiểu mà thôi.

Thử tưởng tượng sau một ngày làm việc mệt nhọc và bao nhiêu phiền toái của cuộc sống, mà nghe được những câu như

Tôi muốn nói lên trọn lời êm đềm

Kề tai em bằng con tim một người yêu em

Trưa nắng cháy sợ gió núi xô sóng khơi

Tan vỡ mau nên tôi nghẹn lời

Ôm cuộc đời vạn phần lẻ loi

(Lê Dinh)

hay

Thương em tiếng hát sang mùa

Một mai mưa ướt áo em

Áo mỏng đường mòn

Dáng nhỏ thân quen

(Trầm Tử Thiêng)

y như là văn chương của trái tim! Thi hào Shakespeare từng ví von rằng âm nhạc là thức ăn của tình yêu. Cám ơn nhạc sĩ Lê Dinh và các nhạc sĩ thời đó đã cho chúng ta những dinh dưỡng chất của tình yêu mà đến nay vẫn còn tuần hoàn trong tâm hồn chúng ta. Những ca khúc của nhạc sĩ Lê Dinh đã giúp làm cho cuộc đời thêm thăng hoa, và ông sẽ được chuyển nghiệp an lành với di sản quý báu đó.

_____

Năm 2003, trung tâm nhạc Thúy Nga thực hiện hẳn một chương trình nhạc Lê Dinh:

GSNGUYỄN VĂN TUẤN 10.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.