Nhân việc ông
Đinh La Thăng phải ra tòa vì tội “cố ý
làm trái”, tôi bỗng nhớ đến câu hỏi này của
Chúa.
Nhưng tôi muốn nói về một suy nghĩ khác của mình.
Trước hết tôi phải nói ngay: Tôi và ông Thăng duy trì
mối quan hệ bạn bè, khá bền vững, từ khi cùng chen nhau mua thịt tem phiếu ở
Hòa Bình, nhưng nặng tính xã giao. Vì chúng tôi có quá nhiều thứ xa nhau như
trời với vực.
Ông càng làm lên chức to, tôi càng ít gặp.
Một lần, tình cờ tôi gặp ông tại một quán ăn trên hồ
Trúc Bạch (ông đi cùng với mấy ông Ủy viên trung ương đang tham dự một cuộc họp
gì đó, còn tôi thì dự sinh nhật một người bạn). Ông định kéo tôi sang cùng ngồi
với mấy ông kia, nhưng tôi từ chối (tôi có nguyên tắc là không ăn uống, bắt
quàng với quan chức, dù họ là bất cứ ai).
Khi các ông ăn xong và ra về (chắc để kịp họp phiên
buổi chiều), ông Thăng nán lại, có ý chờ tôi, cũng đến lúc ra về. Ông cười bảo
tôi: “Cậu vẫn cứ sĩ thế nhỉ?” Và nói
với ai đó đang chờ để ra xe cùng: “Bạn tớ
ở Thủy điện Sông Đà. Thằng này được cái ưu điểm là viết cuốn sách nào ra bị cấm
cuốn ấy và hay chửi Chính phủ”.
Rồi cười toáng lên.
Sự hài hước của Thăng khi nói về người này người kia,
việc này việc khác, là một trong những đầu mối tai họa mà có thể mãi mãi ông
không biết. Trong một nền chính trị khép kín, mọi người luôn giả vờ làm ra
nghiêm trang, giấu biệt ý nghĩ thật của mình, thì Thăng lại cứ nói tuột mọi thứ
thành lời bằng lối hài hước.
Người biết hài hước thường là người tốt. Ngay cả giờ
đây, dù ông đang bị xét xử, tôi luôn tin rằng, so với đám quan chức còn lại,
ông Thăng vẫn là người tốt nhất.
Thời gian sau đó tôi xem cái clip cắt ra từ chương
trình của Đài truyền hình Việt Nam, thấy ông Thăng chỉ tay mắng xa xả mấy gã
người Tầu (trong đó gã to nhất đầu cúi xuống ra sức thanh minh) liên quan đến
dự án Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, tôi bảo với vợ: “Thăng sẽ phải đi, không lúc này thì lúc khác. Nỗi nhục lớn thế kia,
bọn Tầu không chịu đâu. Bác Nguyễn Cơ Thạch cũng mất chức chỉ vì khinh Tầu, mà
mới chỉ khinh thầm thôi, đằng này...”
Đến khi Thăng công khai ủng hộ Bob Kerrey làm chủ
tịch quỹ tín thác đại học Fulbright, thì tôi thấy lửa đã cháy đến cửa phòng
ông. Biết bao người sẽ sống bằng gì (cả tinh thần và vật chất) nếu giờ đây không
còn ai căm thù Mỹ nữa? Liệu bên kia biên giới phía Bắc, người ta có yên tâm
trước một Sài Gòn thân thiện với Hoa Kỳ?
Giờ kẻ đó mới là Bí thư thành ủy, biết đâu sẽ đến lúc
y là Tổng bí thư? Quá nguy hiểm! Người Tầu luôn biết lo xa cả trăm năm và sẵn
sàng ủ mối thù hàng chục năm, đợi cơ hội ra tay đáp trả. Thăng quá hồn nhiên về
mặt chính trị! Khi làm vậy, có lẽ Thăng quên mất vị trí của mình và ảnh hưởng
chính trị gây ra bởi quyết định ấy.
Giờ thì Thăng đi thật, với tội “cố ý làm trái”, một cái cớ không thể hợp lòng dân hơn khi nạn
tham nhũng đã thành thứ ung thư máu vô phương cứu chữa của chế độ và người dân
thì chán ghét, căm tức quan chức, bất kể ai, đến tận xương tủy. Hãy xem phản
ứng hỉ hả của người dân trước việc quan chức Yên Bái bắn giết nhau còn hơn bọn
côn đồ thanh toán đồng bọn, thì thấy rõ. Giờ đây, mỗi cái tin buồn của Ban chấp
hành Trung ương, của Nhà nước, của Chính phủ, của Quốc hội là cả một niềm vui
to lớn của dân chúng. Tôi không ủng hộ thái độ này, nhưng đó luôn là sự thật
hiển nhiên và xét cho cùng thì chuyện gì cũng có lý của nó.
Thăng phải trả giá cho thói quen làm việc quyết đoán,
quá tin vào bản thân mình đến mức chủ quan và sự cả tin vào cấp dưới. Chuyện đó
hãy để luật pháp phán xét. Có tội thì chịu tội, đó là lẽ công bằng của Trời
đất.
Thăng còn phải trả giá cho chính tính cách hào sảng
của mình. Hãy xem hôm nay báo chí và khá nhiều người đang thỏa sức bôi tro trát
trấu lên mặt ông, vu cho ông biết bao là thói xấu, lại cũng là chính những kẻ
đã tâng ông lên tận mây xanh. Thói đời là vậy. Họ cho mọi người cái cảm giác
công cuộc chống tham nhũng đã đạt đến đỉnh cao và chỉ vài năm nữa là đất nước
sạch bóng quan tham.
Tôi cũng nóng lòng mong điều đó.
Nhưng tôi nói luôn, để đạt được một phần như vậy
thôi, những gì Tổng bí thư đang làm, chả ăn thua gì, dù tôi biết và tin là ông
thành tâm và cũng đã cố hết sức.
Bởi vì, vẫn sẽ còn mãi câu hỏi: Gốc của tệ nạn quan
tham là ở đâu? Rằng, một thể chế mà người trong sạch cũng đồng nghĩa là sẽ bị
loại ra khỏi bộ máy, không thể làm lãnh đạo, không thể thể hiện tài năng, nó là
lỗi hay tội và liệu có sửa chữa được không?
Nhưng hỏi như vậy có vẻ giống như đánh đố,vì nó quá
xa vời. Thì đây, có ngay câu hỏi khác cụ thể hơn: Những kẻ đã, đang và sẽ còn
làm tan nát đất nước, tội lớn gấp nhiều lần Thăng mà ai cũng biết, bao giờ mới
phải ra tòa?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.