Hôm qua, ngày 08/01/2018 bắt đầu xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân
Thanh. Một trò diễn tiếp của vở kịch nhiều màn. Nhắm mắt, người ta cũng biết:
Tòa sẽ không dám quyết án quá 20 năm cho Đinh La Thăng. Kẻ phải bị kết án tử
hình là Trịnh Xuân Thanh, nhưng sẽ giảm vào phiên phúc thẩm với những trò xin
nộp lại tài sản, thành khẩn ăn năn v.v…
Trịnh Xuân Thanh chỉ là cấp thừa hành, là kẻ biết lợi dụng các
kẽ hở của cấp trên và chỉ là kẻ ma mãnh, biết tranh thủ vơ vét cho cá nhân, khi
biết rõ ý định tham nhũng của cấp trên mình. Dưới Đinh La Thăng không chỉ có
một mình Trịnh Xuân Thanh, còn Nguyễn Xuân Sơn, Hoàng Văn Thắm, còn Vũ Đình
Duy, còn Lê Chung Dũng, còn hàng chục đầu mối tham ô và gây thiệt hại hàng chục
ngàn tỉ khác.
Hàng trăm dự án mà Đinh La Thăng đề ra và tìm cách cung cấp kinh
phí cho chúng, chính là hàng trăm đầu mối tham nhũng như đầu mối Trịnh Xuân
Thanh. Mục đích là giải tỏa đống tiền đang nằm trong két sắt của PVN, đi qua
các Ban quản lý để đến thẳng tay các nhà thầu, các công ty dưới tay và trong
tay của Trịnh Xuân Thanh. Nhưng đích đến cuối cùng là sự quay lại của những
đồng tiền buông ra đó. Và nếu quay lại cho một đầu mối tới hàng trăm tỉ đồng
thì tới Thăng không thể tính bằng số trăm tỉ được. Tòa tất nhiên không ngu đến
nỗi không thấy điều đó.
Trịnh tham ô 20 tỉ, làm thiệt hai 3.300 tỉ, nhưng Đinh La Thăng
làm thiệt hại hàng trăm nghìn tỉ, phá hủy hàng trăm cơ sở nền tảng của nền kinh
tế, có thể gây thiệt hại hàng triệu tỉ. Hệ thống chính quyền mất hàng nghìn cán
bộ. Cuộc sống của hàng chục triệu dân bị ảnh hưởng. Tất cả những văn bản, những
quyết định, những
cú phôn v.v.., chỉ là những tiểu tiết tất yếu, nhằm đạt bằng được mục tiêu tham
nhũng. Nếu xử Trịnh tử hình, thì Đinh xứng đáng bị xử hàng chục lần tử hình.
Nhưng đảng sợ, ông Trọng sợ. Trước hết là sợ tạo ra làn sóng
khủng bố làm tê liệt xã hội. Thứ hai là Đảng sợ phản ứng của phe cánh của nhóm
lợi ích gắn liền với với tham nhũng toàn quốc, mà đứng đầu là cựu thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng và cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Không một quan chức nào, cả những kẻ đã hạ cánh lẫn đương chức,
trong suốt ba mươi năm cải cách mở cửa không dính tới tham nhũng. Đặc biệt như
nấm mùa xuân thời ông Dũng, vì biết tường tận những hành vi tham nhũng của ông
Dũng. Nếu ai cũng cảm thấy không an toàn thì hoặc là bỏ mặc buông xuôi tất cả,
gây tê liệt hoàn toàn xã hội, hoặc là tự tìm cách tự vệ và phản công, theo quy
tắc «được ăn cả, ngã về không» hoặc «đạp đổ hay chờ chết».
Nhưng có một nguyên nhân sâu xa là, khi quy kết tội tham nhũng
cho một cán bộ cao cấp cỡ ủy viên Bộ Chính trị, người ta biết rõ phía sau lỗi
cá nhân, có lỗi hệ thống. Phía sau sự tha hóa cá nhân có nguyên nhân từ cơ cấu
của thể chế. Có thể giết oan mạng sống một dân thường, hoặc cao hơn là của một
quan chức, nhưng giết chết mạng sống của một trong 19 người đứng đầu chế độ
không còn là vấn đề pháp luật nữa. Đó là vấn đề chính trị, đó là vấn đề nền
tảng tính chính danh của chế độ.
Hệ thống đẻ ra tham nhũng. Hệ thống sinh ra và tạo ra sự tha hóa
của con người. Hệ thống biến những con người đạo đức ban đầu thành những kẻ
tham lam vô đạo. Hệ thống tạo ra những Nguyễn Tấn Dũng chỉ tìm kiếm phát hiện
và bồi dưỡng những đảng viên có biệt tài ăn cắp và biệt tài cung phụng cấp
trên.
Ngay chính Bộ Chính trị nghi ngờ tư cách xét xử và phán quyết
một cái án như vậy. «Mạng phải trả bằng
mạng», ông Trọng, khi không dám tin vào tính chính danh của chính mình, có
dám liều mạng để chịu nhận một trách nhiệm cá nhân như vậy không? Khi không
thừa nhận tính đại diện công lý của Tòa, thì trách nhiệm sẽ được tính cho cá
nhân người quyết định cao nhất.
Người ta biết, nếu Thanh «chết»
hay Đinh La Thăng «chết», bất cứ kẻ
nào bị «xử chết» tại Tòa án chính trị
Cộng sản, dứt khoát phải có sự đồng ý của cá nhân ông Trọng, của Tổng bí thư
đảng. Vì «đảng lãnh đạo toàn diện và
tuyệt đối», không phải là luật pháp, luật chỉ «thể chế hóa của cương lĩnh đảng».
Chính vì vậy mà sẽ chẳng có án tử hình nào cả. Nếu có thì sẽ chỉ
là đóng kịch. Sẽ tuyên án, rồi vài năm, sẽ giảm án, khi có thành tích hối cải.
Cái chính là bản án có thể đã thỏa thuận trước trong đảng và với chính bị can.
Đó là Tòa án kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa, của một nhà nước XHCN.
Ông Trương Tấn Sang, hôm qua nói trên Vnexpress.net: «Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến những kẻ
có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc
túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui
sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh
sôi, nảy nở?»
Đọc những dòng chữ này, người ta hiểu ông Sang nói tới ông Dũng
và những kẻ thuộc vây cánh của ông Dũng đang «chui sâu leo cao». Ông Trần Đại Quang leo lên chức Chủ tịch nước,
Nguyễn Văn Bình lên trưởng Ban Kinh tế trung ương, Đinh La Thăng lên Bí thư Sài
Gòn, Hoàng Trung Hải lên Bí thư Hà Nội. Ông Dũng đã bỏ quên ông Vũ Huy Hoàng. Nếu
ông Vũ Huy Hoàng lọt vào Bộ Chính trị, thì sự việc chưa chắc suông sẻ như vậy
cho ông Trọng.
Nhưng ông Sang quên không hỏi tiếp: «Rồi đảng sẽ làm gì tiếp nữa? Nhân dân không muốn sau khi trảm những
nhân vật này, đảng lại đưa lên những kẻ tương tự khác, với thủ đoạn tinh vi cao
siêu hơn ». Bởi vì những điều kiện để tạo ra tham nhũng là «Quyền chức» và «Của công» vẫn còn nguyên. Quyền chức vẫn do duy nhất đảng nắm giữ
và ban phát, không một quyền lực độc lập nào kiểm soát được đảng.Quyền lực
không thể kiểm soát là nguồn gốc của tham nhũng.
Cái mục tiêu vươn tới của tham nhũng là chiếm đoạt «của công» thì mọi thứ vẫn là «của công». Đất và tài nguyên quốc gia
vẫn là «sở hữu toàn dân», ông Bộ
trưởng, ngài Thủ tướng hay bà lão bán rau, thằng bé đánh giày đều là chủ. Nhưng
bà bán rau và thằng bé đánh giày chỉ có thể khốn nạn thêm khi ông Bộ trưởng hay
ông Thủ tướng giàu có thêm với quyền làm chủ của mình. Các tập đoàn kinh tế nhà
nước vẫn «mỗi ngày một lớn mạnh», «giữ
vai trò chủ đạo», chiếm giữ mỗi ngày một nhiều tiền vốn của nền kinh tế,
thứ tiền vốn của nhà nước, tức là tiền không phải của ai cả. Và cái lượng tiền
không của ai cả này sẽ vào túi kẻ có quyền có chức.
Công cụ hiệu quả nhất chống tham nhũng là Tư pháp độc lập và Tự
do báo chí, thì vẫn tiếp tục bị cấm. Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt của dân
vẫn bị quy thành tội chống đối chế độ và bị bắt giam 9-10 năm dù là phụ nữ đơn
thân nuôi mẹ già và con nhỏ.
Cho nên, việc xử ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng hôm nay, hay
có thể còn tiếp tục với những kẻ khác, không tạo ra lòng tin của dân đối với
đảng hay bất cứ kẻ nào. Ông Sang đừng ảo tưởng nhầm lẫn như vậy. Đảng chống phe
này hay phe kia cuối cùng không phải là để tiêu diệt tham nhũng, mà chỉ thay
tên, đổi chỗ kẻ tham nhũng.
Nhưng biết đâu, diễn biến của các phiên tòa cũng lại vượt ra
ngoài khả năng kiểm soát của đảng. Vì ngoài đảng Cộng sản công khai cầm quyền,
còn một thứ không thành đảng nhưng chi phối mọi thứ lý trí và tình cảm của xã
hội: Đó là lòng dân.
Và những ông thẩm phán, ngoài nghĩa vụ đảng viên còn có còn gia
đình vợ con, còn bà con thân thuộc, còn bàn dân thiên hạ, còn nỗi khổ của dân
nghèo hiện hình hàng ngày, còn những khát vọng tự do, và ngay chính danh dự và
lòng tự trọng.
Mục đích hướng tới của vụ án là «cái đáng phải xử và phải sửa là chế độ, chứ không phải chỉ là tội lỗi
của cá nhân con người thuộc chế độ đó».
BÙI QUANG VƠM 09/01/2018
(Tác giả gởi blog Thụy My)
"Cho nên, việc xử ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng hôm nay, hay có thể còn tiếp tục với những kẻ khác, không tạo ra lòng tin của dân đối với đảng hay bất cứ kẻ nào."
RépondreSupprimer