1. Thế là cái phải đến, đã đến
+ Lần thứ nhất tôi viết về vấn đề “càng đáp” (landing gear) của máy bay Nga, là trong bài ngày 18/07/2022 tại đây.
Khi đó tôi viết “Về chiến lược, ngoài hậu cần thì vấn đề lớn nhất của Nga bây giờ là làm sao phục hồi được hiệu lực của không quân – nếu không thì HIMARS còn làm mưa làm gió. Nhiệm vụ này trong hoàn cảnh bị cấm vận và trừng phạt, hoàn toàn không phải là dễ dàng vì như hôm trước tui viết là càng đáp và nhiều động cơ máy bay Nga, đặc biệt là Kamov-52 đang phụ thuộc vào nước ngoài.”
=> Bây giờ đọc lại thì thấy ngớ ngẩn và thiếu hiểu biết vì sự thật đúng là như vậy, tôi không phải chuyên gia quân sự hoặc vũ khí, mù tịt về khí tài… Nhưng đây là một dự đoán hợp lý vì lúc đó tôi chỉ có trong tay thông tin rằng Nga đang phụ thuộc nước ngoài, nhập khẩu rất nhiều cơ phận quan trọng của máy bay.
+ Khoảng hơn nửa năm sau, tôi lại nhắc lại vấn đề này tại đây.
Khi đó tôi viết: “Hồi đầu chiến tranh, không quân Nga làm chủ bầu trời Ukraine, bay vào tận thủ đô Kyiv và không quân Ukraine chiến đấu trong tuyệt vọng. Tui còn nhớ ông Viện trưởng viện chiến lược Bộ Quốc phòng (Việt Nam) còn nói: Nga đánh tan hết hệ thống phòng không – không quân Ukraine. Nhưng được vài tháng, nhất là thời gian diễn ra The Battle of Donbas, máy bay Nga vừa rơi nhiều, vừa bay ít dần đi. Và tui có báo cáo với các bác một vấn đề là do bay với tần suất quá cao, máy bay của họ hỏng rất nhiều và dần khả năng sửa chữa sẽ kém đi.
Một vấn đề nữa không kém nghiêm trọng là máy bay chiến đấu Nga còn phụ thuộc vào linh kiện mua của Tây. Ví dụ hệ thống gì đó chống tên lửa phòng không của máy bay trực thăng Nga (cả Kamov và Mil) không còn mua được của Pháp nữa, dẫn đến nó không còn khả năng tự vệ; hệ thống phân biệt trời đất cũng có vấn đề làm máy bay dễ lao xuống đất. Cuối cùng là “landing gear” hay càng đáp của một loại Sukhoi rất mới cũng phụ thuộc vào... Pháp và do đó chẳng có để mà bay.”
=> Sở dĩ tôi viết như vậy là đã có thêm nhiều thông tin, từ Pháp về luôn. Chuyện cái thiết bị gì đó để trực thăng Nga có thể tự vệ được trước tên lửa Stinger, không mua được của Pháp nữa, tìm cách đút lót mua lậu cũng không được, sao mà mấy ông Pháp này máy móc cứng nhắc thế không biết. Lúc đó chuyện càng đáp vẫn chưa đến, nhưng tôi đoán sẽ có ngày nó đến.
+ Lần thứ ba, thực chất là nhắc lại hay nói thêm của lần thứ hai, vào ngày 01/04/2023 tại đây.
Khi đó tôi viết “Về vũ khí nặng, từ năm ngoái đã có tin nhiều loại máy bay Nga sẽ không bay được chỉ vì thiếu… càng đáp vốn mua của Pháp. Nếu thiếu cái đó chỉ có thể hạ bụng xuống cánh đồng phủ tuyết mới đủ độ lãng mạn. Về xe tăng, năng suất sản xuất hiện tại là khoảng 20 xe tăng mỗi tháng, sẽ mất khoảng 8 năm để thay thế hoàn toàn lượng xe tăng bị mất, với điều kiện không bị trừng phạt và cầm vận.
Về kinh tế, chắc chắn tiền đang cạn dần. Trong vòng sáu tháng tới, Nga sẽ phải đối mặt với những khó khăn cho nền kinh tế của họ. Khi hết tiền, cách duy nhất để kéo dài sự sống lâu hơn một chút là in thêm tiền và điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, sẽ diễn ra trong vòng một năm tới.”
=> Ơ hóa ra đầu năm 2023 tôi đã dám liều hình dung chuyện cạn tiền của Putler nhỉ. Đến cuối 2024 phía Ba Lan đã công bố chuyện “Nga bán lậu 100 tấn vàng dự trữ trong năm 2024” thì phải biết là quân vô lại Putler đã bán máu nuôi chiến tranh từ lâu rồi. Hóa ra mình chẳng phải chuyên gia mà dự báo đúng ra phết quý vị ạ.
Lần cuối cùng, tôi viết: “Năm ngoái tui đưa tin rằng máy bay Nga sau 1 năm sẽ hỏng hàng loạt, căn cứ vào thông tin rằng bộ càng đáp của Sukhoi mua của Pháp và không mua được nữa do cấm vận, như thế thì phải tìm cách lắp… càng nội và chỉ sang năm 2023 có mà đáp bằng bụng xuống đất. Bây giờ thì bay không chỉ rơi vì bị bắn mà còn rơi vì phụ tùng lộ cộ. Ngoài ra, chỉ trong 3 ngày bị hạ 53 cái xe tăng, 43 xe thiết giáp và 101 khẩu pháo. Chưa hết, xe tải và xe bồn lên đến 62 cái. Đánh nhau kiểu này thì còn gì nữa mà đánh.”
Đó là ngày 08/08/2023.
=> Hồi đó tôi viết sai về năm, chính xác phải là “sang năm 2024” – nghĩa là chúng ta có quyền chờ đợi cái sự “đáp bằng bụng xuống đất” trong năm 2024, và sai số cũng chỉ là khoảng 3 tháng.
Cuối cùng thì hôm qua, chị Phạm Thị Minh bạn tôi, cựu phi công tiêm kích MiG-21 viết (tôi có sửa lỗi chế bản và biên tập lại một chút):
“Đúng trong 10 ngày, 19/03-29/03 đã có 4 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng của không quân và hàng không Nga, làm chết hai phi công. Một chiếc máy bay lên thẳng Mi-28, một Su-25, một Su-34 và đắt giá nhất chiếc AN-124 trị giá khoảng 300 triệu đô la, tổng cộng thiệt hại khoảng 400 triệu đô la.
Nguyên nhân chủ yếu của 4 vụ tai nạn là do kỹ thuật hàng không: chiếc Su-34 và chiếc AN-124 đều thả càng đáp không ra hoặc ra không hết, buộc phi công phải hạ cánh trượt bụng xuống đường băng, cũng cần nói thêm là chiếc AN-124 chủ yếu do Ukraine chế tạo, nhất là động cơ thì 100 % là Ukraine làm, bị Ukraine cấm vận, những chiếc AN-124 không có phụ tùng thay thế, trong khi Nga không chế tạo được, nên các hỏng hóc xảy ra thường xuyên…
(Mới nhất) thêm một chiếc máy bay vận tải AN-12 của Nga vừa bị tai nạn, máy không có người chết, máy bay bị trượt ra ngoài đường băng. Nguyên nhân giống chiếc Su-34 và AN-124 là một càng đáp không ra, máy bay xông ra ngoài đường băng cả hai cánh đều đập xuống đất, chắc cũng phải bỏ luôn vì hư hỏng này khó mà khắc phục. Như vậy 10 ngày mà tới 5 vụ tai nạn bay, máy bay đều hư hỏng và không thể khắc phục, sửa chữa được.”
Bình loạn : Chỉ là dự báo trượt vài tháng, nhưng đã đến lúc hỏng, là hỏng hàng loạt. Máy bay Nga bây giờ chỉ dành cho phi công cảm tử, cất cánh lên làm nhiệm vụ xong rồi quay về vớ vẩn là toi cùng máy bay luôn.
Nhân tiện xin nhắc lại chuyện ông tướng Viện trưởng Chiến lược (Bộ Quốc phòng Việt Nam) trả lời phỏng vấn của một trong hai tờ: hoặc Thanh Niên, hoặc Tuổi Trẻ khi cuộc chiến tranh của Putler mới diễn ra được một, hai ngày gì đó: Nga hạ gục toàn bộ hệ thống phòng không của Ukraine bằng vũ khí chính xác. Điều này có thể có trong… kịch bản ban đầu, nó từa tựa hay là sự sao chép những chiến dịch như “Bão táp sa mạc” của Hoa Kỳ và liên quân năm 1991 khi tấn công Iraq.
Nhưng thực tế, không quân Ukraine dù yếu hơn Nga nhiều, vẫn bay, vẫn chiến đấu, và máy bay Nga vẫn bị bắn rơi. Đến ngày 28/02/2022, đã có 29 máy bay chiến đấu và 29 chiếc trực thăng Nga bị bắn hạ. Đến cuối tháng 3/2022, cặp con số này tăng thêm 106 chiếc, thành 135 máy bay chiến đấu và thêm 102 chiếc, thành 131 chiếc máy bay trực thăng bị bắn hạ.
Các chỉ số này rất đều, những tháng sau đó toàn vài chục chiếc mỗi loại một tháng cho đến khi… máy bay Nga ít bay hẳn đi. Chúng ta sẽ không nói đến việc sau này, các dàn phòng không phương Tây Ukraine nhận được đã làm cho năng lực phòng không của họ ngày càng mạnh mẽ hơn, và bây giờ thì so với Nga đã là một trời một vực.
Có rất nhiều điều cho đến trước cuộc chiến tranh này chúng ta mới “ồ à…” Cũng y như chuyện vòng bi vậy, cực kỳ nhiều người choáng váng khi biết rằng, “Ồ hóa ra Nga không sản xuất được vòng bi!”. Có, có sản xuất được nhưng là vòng bi cho máy xay thịt quay tay thôi.
Còn đây là ý kiến của chị Phạm Thị Minh sau khi tôi tham khảo thêm vào chiều nay:
Thất vọng và ngạc nhiên nhất là về lực lượng không quân Nga. Trong tháng đầu tiên của chiến tranh, máy bay tiêm kích Nga rơi chủ yếu là do tên lửa Stinger và tên lửa phòng không của Liên Xô cũ. Sau này Mỹ và Phương Tây tăng cường các loại tên lửa phòng không hiện đại khác như Iris-T, SAMP Patriot … thì không quân Nga gần như mất dạng trên không phận Ukraine và cả khu vực chiến sự.
Nguyên nhân là hệ thống gây nhiễu tích cực, tiêu cực của Nga kém, không vô hiệu hóa được tên lửa vác vai Stinger, vốn được trang bị các cảm biến hiện đại làm việc trên hai kênh theo dõi máy bay gồm tia hồng ngoại và tử ngoại. Cũng không gây nhiễu được các loại radar hiện đại như Patriot, SAMPT, NASAM, Iris-T… nên thiệt hại lớn, buộc Nga phải lùi xa ra khỏi chiến tuyến và sử dụng bom lượn. Nay bom lượn cũng bị vô hiệu hóa, nên không quân Nga chỉ còn có tên lửa hành trình và UAV mà thôi.
Giai đoạn đầu cuộc chiến Ukraine, Nga không có bom lượn, bom điều khiển GPS cũng rất ít, buộc phải bay thấp để ném bom ngu, gặp phải Stinger với độ chính xác hơn 80 % nên thiệt hại rất lớn. Chiến tranh không quân không gây nhiễu được hệ thống tác chiến điện tử của đối phương, thì lực lượng không quân xem như bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Ở giai đoạn đầu của chiến tranh (“kế hoạch 3 ngày”) Nga có kế hoạch tiêu diệt phòng không – không quân Ukraine nhưng không thực hiện được. Hệ thống phòng không Ukraine chỉ bị thiệt hại nhỏ ở một số đơn vị radar cảnh giới quốc gia và còn gần như nguyên vẹn, ngay cả không quân cũng vậy.
Về lý thuyết, mục tiêu tiêu diệt được các đơn vị phòng không tên lửa đối phương thì quân đội nước nào cũng biết cả, nhưng làm được hay không lại là chuyện khác. Ví dụ muốn tiêu diệt một trận địa S-300, 400 gì đó, người ta phải xác định được vị trí chính xác đài radar các loại của nó, sau đó sử dụng tên lửa hành trình, bom điều khiển hay UAV để ném và phá hủy, hoặc sử dụng tên lửa bức xạ chống radar như AGM-88, của Nga là Kh-29 thì phải. Nhưng các đơn vị phòng không đó nó cũng có các biện pháp gây nhiễu để làm các tên lửa hành trình, bom, tên lửa chống bức xạ radar, làm cho vũ khí bay lệch hướng…
Nga biết những điều đó nhưng họ không làm được, cho dù Nga cũng đã thành công trong một vài trường hợp như bắn hỏng một bệ phóng Patriot, lệch hướng Himars, nhưng Mỹ đã nhanh chóng khắc phục làm tên lửa hay thiết bị gây nhiễu Nga mất tác dụng. Trong chiến tranh Việt Nam, chính người Nga đã rất thành công trong chiến tranh điện tử, nguyên lý vẫn vậy, nhưng công nghệ chống nhiễu, gây nhiễu người Nga không phát triển, bị lạc hậu quá xa nên chính họ bây giờ lại thất bại.
Xin trân trọng cảm ơn cựu “giặc lái” Phạm Thị Minh. Tôi nhớ khi chúng ta còn căng thẳng theo dõi trận đánh bảo vệ Mariupol, à nhà máy thép Azovstal, một người Ukraine nói với tôi: Khó khăn lắm bạn ạ, chúng có nhiều máy bay, và chúng ta không làm chủ được bầu trời. Rồi sẽ đến ngày các lực lượng vũ trang Ukraine làm chủ được bầu trời, còn Nga thì không. Mà như vậy là thua chắc.
2. Bác Linh Mít bảo tôi bức xúc về bài viết của một lão HHV nào đó.
Thật ra tôi chẳng bức xúc gì, mà định mồi để viết một chuyện khác. Từ khi Donald Trump quay lại ghế Tổng thống, ông ta thực sự đã có những nỗ lực… phi thường để thực hiện cú chém gió lịch sử của mình: “đem lại hòa bình trong 24 giờ”. Đã có nhiều ý kiến cho rằng thôi thì hòa bình là đỡ chết dân cả hai bên, dừng giết chóc là điều tốt.
Về nguyên tắc tôi đồng ý với điều này, “một nền hòa bình tồi tệ còn hơn là cuộc chiến tranh “tốt đẹp””, cứ dừng chiến là đỡ chết chóc, cái này đúng 100 %. Bản thân tôi cũng chỉ mong cuộc chiến tranh này dừng bất cứ lúc nào, càng sớm càng tốt, vì viết cũng mệt mỏi quá rồi chứ.
Nhưng thực tế nhiều khi nó không chiều ý chúng ta, tôi có hô cùng một số người “Hòa bình đê, hòa bình đê!” hay “Hỡi những người Ukraine kia, đồng ý ngừng bắn ngay đê!” thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Vì nếu người ta đồng ý với những điều kiện “như đầu hàng” thì thà đầu hàng luôn từ ngày 24/02/2022 rồi, cần gì phải đánh nhau đến bây giờ. Cái sự ngoan cường này của người Ukraine thường bị bọn xấu tính giải thích một cách ác ý là do sự xúi giục và cưỡng bức của bọn cầm quyền… phát-xít Kyiv.
Nhưng phát-xít gì mà tồn tại từ cách đây đến gần 300 năm vậy? Trong gần 150 năm, cho đến năm 1918 khi Đế quốc Áo – Hung sụp đổ, Đế chế này đã cai trị một phần miền tây Ukraine ngày nay, đôi khi xa về phía đông như các tỉnh Ternopil và Chernovtsi.
Các cuộc đàm phán giữa Nga, Phổ và Áo về lần phân chia Ba Lan đầu tiên đã dẫn đến việc Đế quốc Áo – Hung nhận được một số khu vực của Halychyna vào năm 1772. Thành phố lớn nhất của khu vực, Lviv, đã phát triển thành một trung tâm thương mại, hành chính và văn hóa. Tờ báo đầu tiên trên lãnh thổ Ukraine, Gazette de Leopol bằng tiếng Pháp, bắt đầu xuất bản tại đây vào năm 1776. Cùng năm đó, nhà hát thành phố đầu tiên của Lviv đã được thành lập.
Khi chế độ nông nô bị bãi bỏ ở Đế quốc Áo – Hung vào năm 1848, người Ukraina đã bắt đầu cuộc đấu tranh giành quyền đại diện chính trị và quyền tự chủ quốc gia. Bầu không khí của những thập kỷ tiếp theo đã được phản ánh một cách khéo léo bởi nhà cải cách và nhà văn vĩ đại Ivan Franko: “Tôi là con của nhân dân, con của một quốc gia đang trỗi dậy.”
Nhờ các chính sách tự do hơn của chế độ Đế quốc Áo – Hung, Lviv đã trở thành trái tim của nhiều tổ chức quan trọng đối với sự phát triển bản sắc Ukraine. Các tổ chức ngân hàng, tiết kiệm và cho vay xuất hiện dưới dạng các chi nhánh của các ngân hàng Đế quốc Áo – Hung hoặc các dự án địa phương của người Ba Lan, Do Thái và Ukraine, các nhóm dân tộc chiếm ưu thế trong khu vực. Thế kỷ 19 chứng kiến sự cải thiện về cơ sở hạ tầng của khu vực, với Lviv trở thành một ngã ba đường sắt quan trọng ở Đế quốc Áo – Hung –Hung và Đông Âu.
Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ năm 1914 đã dẫn đến sự đàn áp người Ukraina của cả người Nga và người của Đế quốc Áo – Hung. Người Nga đã đàn áp mọi hoạt động văn hóa và chính trị của người Ukraina và lưu đày nhiều người nổi tiếng đến Siberia. Người của Đế quốc Áo – Hung rút lui đã xử tử những người Ukraina bị nghi ngờ là có cảm tình với Nga. Người Đế quốc Áo – Hung đã chiếm lại miền tây Ukraine vào mùa xuân năm 1915. Trong nỗ lực cứu vãn chế độ quân chủ Habsburg, người ta đã hứa sẽ cải cách xã hội và chính trị, nhưng người Ukraine vẫn đấu tranh giành độc lập.
Ngày nay, ảnh hưởng của Đế quốc Áo – Hung đối với chính phủ, giao thông và kiến trúc Ukraine vẫn còn được cảm nhận ở vùng lãnh thổ được gọi là Halychyna. Đồng thời người Ukraine nhìn lại thời kỳ Đế quốc Áo – Hung với sự yêu mến và coi đó là thời kỳ có những bước tiến trong việc thiết lập ý thức dân tộc, vì các chính sách tương đối tự do hơn đến từ Vienna.
Đó là chuyện của Đế quốc Áo – Hung trong quan hệ với Ukraine. Còn về quan hệ của Ukraine với “Đế quốc Ba Lan,” câu chuyện còn bi thảm hơn. Quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine trong thế kỷ 20 được đặc trưng bởi xung đột quân sự và biến động chính trị trên cơ sở sắc tộc, dẫn đến thảm sát và di cư cưỡng bức.
Vốn cũng bị chia sẻ và áp bức bởi Đế quốc Phổ, một phần bởi Đế quốc Áo – Hung và phần lớn là thuộc địa của nước Nga Sa Hoàng, chỉ đến sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, một Ba Lan độc lập đã xuất hiện, trong khi người Ukraine bị chia cắt giữa các vùng lãnh thổ của Ba Lan và Liên Xô. Giai đoạn 1918 – 1920 chứng kiến cả cuộc chiến giữa Ba Lan và Ukraine để giành lãnh thổ và liên minh của họ chống lại nước Nga Bolshevik.
Hy vọng tan vỡ về việc xây dựng một nhà nước Ukraine độc lập đã làm dấy lên sự thất vọng và tức giận trong các phong trào dân tộc chủ nghĩa Ukraine. Do đó, giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh đã chứng kiến mối quan hệ Ba Lan – Ukraine xấu đi, lên đến đỉnh điểm là vụ thảm sát người Ba Lan ở Volhynia và Đông Galicia, chấn thương in sâu ở cấp quốc gia ở cả hai nước.
Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc vào năm 1919 đã thay đổi trật tự quốc tế và ranh giới chính trị trên lục địa châu Âu. Các đế chế Đức, Nga và Áo – Hung sụp đổ, làm thay đổi cán cân quyền lực. Với sự sụp đổ của các đế chế này, triển vọng thành lập các quốc gia độc lập, có chủ quyền đã nảy sinh. Ba Lan và Ukraine, các quốc gia kế thừa của đế chế Nga và Áo – Hung đã sụp đổ, có nguyện vọng thành lập quốc gia của riêng mình, giống như các quốc gia được giải phóng khác khỏi sự cai trị của thực dân và đế quốc.
Lợi ích của các quốc gia này xung đột về việc phân chia lãnh thổ của các vùng đất, dẫn đến Chiến tranh Ba Lan – Ukraine từ năm 1918 đến năm 1919 trên lãnh thổ phía đông Galicia, tỉnh lớn nhất của Đế quốc Áo – Hung… Nếu như nhắc lại các chiến dịch quân sự thì người Ba Lan (trong “Thép đã tôi thế đấy” Nikolai Ostrovsky đã gọi là “bọn Bạch vệ Ba Lan”) đã có những chỗ vượt qua sông Dnipro, đến tận Kharkiv… và sau đó Tukhachevsky lại đưa quân đến tận ngoại vi Varsaw và bị đánh tan.
Người Ukraine ở giữa, cũng là chịu đủ cảnh đau thương. Nhưng đau thương nhất vẫn là sự cai trị của người Nga trong suốt không chỉ 300 năm, mà còn dài hơn, có lẽ là từ sau thời kỳ Bogdan Khmennisky. Trong cuộc chiến tranh lần này của Putler xâm lược Ukraine, đã có nhiều bài viết và cả tôi cũng viết nhiều lần về mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc này.
Và chúng ta vẫn chưa quên ngay khi xua quân vượt biên giới, Putler đã có bài phát biểu thủ tiêu dân tộc Ukraine, không phải là một dân tộc độc lập mà là phái sinh của dân tộc Nga; quốc gia Ukraine không phải là một quốc gia tự nhiên mà là… nhân tạo, sản phẩm của Lê-nin… Với lý thuyết như thế này, chúng ta cần phải hiểu là người Ukraine rất rõ: Putler sẽ bằng mọi cách xóa sổ dân tộc Ukraine, văn hóa Ukraine, và cả quốc gia Ukraine luôn.
Trên đây chúng ta đã nhìn lại lịch sử. Khi bước vào cuộc chiến tranh này, người Ba Lan đã làm chúng ta cảm động nhất vì những nỗ lực hỗ trợ Ukraine đúng là không bờ bến, không toan tính, bất chấp những quan hệ đau thương trong quá khứ. Nhưng xuyên suốt cái lịch sử đó, là hai dòng lịch sử tuy độc lập nhưng vẫn có điểm chung là cùng đấu tranh chống ách thống trị, chống cái ác của người Nga.
Vì vậy, họ đã thông cảm và bỏ qua cho lịch sử. Nhưng ách thống trị và cái ác của người Nga vẫn còn nguyên. Cả hai dân tộc Ba Lan và Ukraine không còn lạ gì người Nga, vì vậy nếu để cho Nga Putler thoát qua được lần này, nghĩa là sẽ còn phải chiến đấu lâu dài trong tương lai.
Chúng ta, những người đứng ngoài phải chấp nhận và tôn trọng lựa chọn đó của người Ukraine. Nếu họ không chấp nhận, thì chẳng lý gì chúng ta lại có quyền đứng ngoài, và phê phán họ không yêu chuộng hòa bình. Nếu như bây giờ chính quyền Bắc Kinh lại đem quân sang để áp đặt lên một chế độ Bắc thuộc mới lên chúng ta, thì chắc chắn hầu hết chúng ta không ai chấp nhận thứ hòa bình dưới ách thống trị đó cả.
Mỗi người chúng ta có quyền hiểu đúng, hiểu sai người Ukraine… người ta có biết chắc chỉ là nỗi buồn thoáng qua rồi lại phải quay lại chiến đấu. Nhưng với một số thằng cha con mẹ, mang tiếng là nhà báo với KOL mà viết cả một bài dài trích dẫn toàn… kiếm hiệp Kim Dung (shit!) để cuối cùng lửng lơ ca ngợi một nền hòa bình dưới ách thống trị Putler, một trò ngụy biện ba xu giẻ rách, thì đó là loại KOL đáng phỉ nhổ.
Và nỗ lực của Trump để đưa Ukraine quay về với máng lợn Nga, cũng đáng phỉ nhổ.
3. Quay lại với cuộc chiến
3.1. Nào, quý vị nào có định phê bình tôi là lải nhải mãi về những chuyện… tài phiệt Nga nữa không nào. Vừa trong bài cách đây 4 hôm tôi mới đề cập đến chuyện này tại đây.
Xin quý vị bỏ quá cho, tôi đã lải nhải cái gì quá nhiều, có nghĩa là tôi linh cảm thấy điều đó đến rất gần rồi, và bây giờ là cái sự lật đổ có lẽ là đến rất rất gần. Chuyện một trong cả chục cái xe Limo của Putler hôm qua bị làm sao, đánh “bùm” một cái rồi cháy ngùn ngụt ngay gần trụ sở Ủy ban an ninh quốc gia Liên bang – phố Lubyanka, là một sự kiện nghiêm trọng.
Không cần nói nhiều, chỉ cần đặt câu hỏi: bình thường ấy, nếu là xe của Tổng thống Liên bang Nga, nước có quân đội thứ hai thế giới, sở hữu vũ khí hạt nhân, ngồi cùng mâm cùng chiếu với Tổng thống Hoa Kỳ, có thằng nào dám đụng đến cái lông chân chứ nói gì đến… đốt cả long xa! Vừa vừa phai phải, vuốt mặt thì phải nể trứng cá, à nể mũi chứ. Đây đường đường là Tổng thống, vừa đem xe ra kiểm tra rửa xe thay dầu, hút bụi mà thằng nào dám cho mồi lửa như thế.
Thật là láo, quá láo. Chẳng biết là thằng nào, nhưng cũng chỉ loanh quanh mấy thằng từ mấy “gia tộc” máu mặt, mỗi gia tộc điều khiển một hoặc vài nhánh FSB, lại nắm vài tư lệnh quân khu trong quân đội… và lần này ra mặt cảnh cáo Putler. Không phải ai khác, chính là lời nhắn đến Putler: “Cái đầu của ông lấy cũng dễ như cái xe này mà thôi.”
Thật không khác gì God-father trong tiểu thuyết của Mario Puzo cho cắt đầu con ngựa. Lung lay lắm rồi.
3.2. Chưa hết. Chuyện này trong diễn biến liên quan đến thằng Kadyrov.
Những thông tin về việc nó thu xếp cho đại gia đình chỗ lánh nạn ở Trung Đông chưa nói lên điều gì, nhưng thông tin về phát biểu của nó là “lo sợ cho người dân của Chechnya” thì đúng là nó định phản thật – nếu điều này là đúng sự thật. Chẳng phải ai khác, chính Putler ra lệnh san phẳng Grozny. Chuyện lại do FSB báo cáo cho Putler, vậy Putler sẽ làm gì Kadyrov đây? Ban cho dải lụa hay cốc thuốc độc?
Kadyrov mà hết đời, thì chẳng có Lubyanka nào xử lý được 40 nghìn tên tướng cướp Chechnya vũ trang đến tận răng đang dạo phố Mục-tư-khoa. Thậm chí, Putler chỉ cần ho một cái, Kadyrov rất dám hô 40 nghìn thằng đó tràn vào điện Kẩm-linh, thì FSB với sư đoàn xe tăng trứ danh của nó, có mà chống vào mũi. Xe tăng bây giờ ra cái nào đốt cái ấy. Còn cái thằng Apti Alaudinov nữa, chẳng biết nó trung thành với ai, nó mà kéo quân về Mục-tư-khoa thì còn vui nữa.
Tầm này thì thằng nào cũng có thể phản Putler được cả.
3.3. Về chiến sự, tôi cũng sẽ không viết nhiều.
Một cậu thanh niên chịu khó theo dõi chiến sự nhắn cho tôi: “Mấy cái làng ở Belgorod vẫn ra ra vào vào liên tục…” rất tượng trưng và đầy ẩn ý. Nghĩa là cả hai bên, bên này ra thì bên kia vào, bên này vào thì bên kia ra… Đúng như tôi dự đoán về chiến thuật của phía Ukraine ở đây (và giống trước đây ở Kursk). Như vậy là quân Nga đã phải liên tục cố gắng đánh bật quân Ukraine về bên kia biên giới, chiếm lại làng, và bị quân Ukraine đánh tiêu hao.
Khi kiệt sức, quân Nga rút thì quân Ukraine lại vào. Cứ thế, không cho quân Nga ăn ngon ngủ yên, cứ phải đánh mãi cho đến khi đơn vị đó mất sức chiến đấu thì thôi. Hướng Donbas: Pokrovsk, Toretsk vẫn thế, Nga cố đánh thì Ukraine trụ và cần thì lùi, sau lại phản công. Xu hướng chung thì Nga hết bố nó hơi, tấn công cũng không có kết quả thì cũng sẽ phải lùi dần sau mỗi đợt phản công của Ukraine thôi.
3.4. Có độc giả đề nghị tôi bình luận về yêu cầu khoáng sản mới nhất của Hoa Kỳ – Trump vừa đưa.
Tôi trả lời: Mỗi lần đưa ra yêu cầu gì đó không được chấp nhận, lại đưa ra cái khác theo chiều hướng… tăng nặng, thì sao người ta chấp nhận cho được. Đối với phía bên kia, tức Putler thì hành xử của Trump cũng quái gở không kém: Bày cho Putler một mâm cỗ, hắn đổ đi; Trump soạn mâm khác nhiều sơn hào hải vị hơn nữa, Putler lại đổ đi. Từ là giơ cho Zelenskyy cái gậy, Zelenskyy cự tuyệt, và Trump giơ cái gậy to hơn. Với Putler, Trump giơ củ cà-rốt.
Với cả hai cách hành xử, Trump đều đi đến cùng một kết quả là thất bại, không bao giờ có thể đem lại ngừng bắn với hòa bình. Nếu Trump là vô liêm sỉ, thì Putler là con quỷ vừa độc ác, vừa mất dạy đốn mạt và không có điểm dừng.
Nhưng với chiều hướng của cả hai phương diện trên đây, tôi dự là chắc chắn Trump sẽ phản thùng theo hướng tiêu cực: Lại quay lại cắt viện trợ và chấm dứt cung cấp tin tình báo, thậm chí còn một số hành động ngu ngốc hơn nữa. Ukraine sẽ phải lo lắng theo chiều hướng này, nhưng diễn biến chiến trường những ngày qua cho thấy dần dần các hỗ trợ của châu Âu, cụ thể là Pháp đã bắt đầu đi vào ổn định được tình hình. Cứ cho Trump cắt hẳn đi, dễ ăn nói, xử lý, giải quyết.
Tôi không tin là Trump sẽ tồn tại được lâu, với những gì lão ta đang gây ra tứ tung cả cho trong nước lẫn quốc tế, sẽ có chuyện. Như bác nào vừa viết: sóng ngầm không đùa được đâu. Đúng là chính trường nước Mỹ đang im ắng, nhưng im ắng mới là nguy hiểm.
3.5. Tất cả đang chờ sự nhậm chức của Merz…
Nhìn chung ván cờ châu Âu đã an định xong các thế trận: Anh Pháp đều đã xác định được rõ về lập trường và chính sách. Những nước như Ba Lan thì là… không phải nghĩ. Đúng là chỉ còn có Đức. Với những trò mèo của Trump, tôi không thấy có hy vọng nào cả, miễn là lão ta đừng có phá thêm. Nhưng với thái độ không biết lẽ phải điểm dừng gì hết của Putler, thì cái sự đáng ngại đó cũng vừa phải thôi, may thế.
Điều hay là nhiều cái đang quy tụ vào một điểm.
+ Nga đang hết hơi về quân sự, và tôi cho rằng tin mới nhất, lên cả báo chí của xứ Việt là “chuẩn bị cho chiến dịch tấn công mới” là đòn tâm lý chiến. Hoặc nếu có thì người Ukraine cũng sẽ chống được tốt, như các chiến dịch vừa qua vậy. Chỉ cần nhìn lại chiến dịch phản công Kursk mới vừa rồi thôi, huy động đến 7 vạn quân mà mãi hôm qua mới thấy tin trên báo xứ Việt: Nga thông báo đã đến được biên giới quốc gia ở Kursk. Cứ từ thông báo này cộng thêm cả tháng nữa may ra mới đến được thật!
+ Nga đã đến điểm tới hạn về kinh tế. Gazprom sắp phá sản là cái chết được báo trước và mở đầu cho nhiều sự ra đi khác.
+ Sự ngoan cố của Putler ngày càng thúc đẩy các thế lực ngầm đen tối trong nội bộ của hắn: Càng tỏ ra không có giới hạn, thì càng đi đến giới hạn của sự diệt vong một cách chắc chắn hơn. Xin nhắc lại câu chuyện xe Limo cháy nổ trên đây: Phá xe Tổng thống Mỹ có thể còn được, nhưng phá xe của Tổng thống Nga thì không bao giờ. Thế mà bây giờ có đứa dám chơi C4 hay cocktail Molotov gì đó, gớm chưa.
+ Sự ngu ngốc đến phi lý của Trump. Đi từ “tôi có mối quan hệ tốt đẹp với Putler” nghĩa là nói một câu với Putler là xong ngay, và từ logic đó thì tốt đẹp với Putler, đốn mạt với Zelenskyy… Gần như chắc chắn Trump sẽ đi đến chỗ cởi trói cho Putler, và tăng cường sức ép lên Ukraine để Zelenskyy đầu hàng. Nếu đúng như vậy, thời gian sẽ không còn nhiều cho Ukraine và Zelenskyy.
Nhưng điều này lại thúc đẩy Ukraine quyết tâm hành động, làm một cú để đời. Sao cho bọn nào đó không chỉ lấy cái đầu con ngựa, mà lần này lấy luôn cả đầu thằng cưỡi ngựa, cho Trump thất bại luôn một thể. Tôi tin chuyện sẽ là như thế. Chỉ trong mùa hè này thôi.
PHÚC LAI 30.03.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.