Sau khi bản sơ yếu lý lịch ở mục “đảng viên, đoàn viên” được nắn nót chữ “đoàn viên” mà không phải gian dối, sợ sệt, lo lắng gì nữa, tôi yên tâm nộp hồ sơ dự thi, rồi chó ngáp phải ruồi, đậu.
Tháng 10.1972, thằng bé lặn lội lên tận tỉnh Hà Bắc, huyện Yên Phong, xã Yên Trung, thôn Sát Thượng ven sông Cầu, nơi khoa Văn, trường Tổng hợp đang sơ tán ở đó, nộp hồ sơ, giấy báo nhập học.
Người ta cũng chả thèm xem lý lịch để biết cái đứa nhếch nhác nhà quê kia có phải đoàn viên không, chỉ săm soi kỹ cái giấy cắt hộ khẩu và phiếu chuyển lương thực. Khổ, đứa ranh ở nông thôn cả đời chỉ ăn bám thày bu, lấy đâu ra lương thực mà chuyển. Nhưng họ máy móc đặt ra quy định vậy, cứ phải có phiếu chuyển thì mới được cấp tiêu chuẩn lương thực mới, tôi nhớ láng máng 17 kg/tháng. Tiền ăn (học bổng) 18 đồng/tháng.
Gọi là tiêu chuẩn lương thực và học bổng nhưng có bao giờ thấy mặt nó đâu, bởi người ta mặc nhiên giao hết cho phòng hành chính quản trị, cho nhà ăn, cho chị Thụy anh Nghề. Được cái “nhà nước” thời đó rất sòng phẳng, nếu hè hoặc tết, sinh viên về quê, cắt cơm, thì phần lương thực không nấu không ăn được quy ra tem lương thực.
“Mệnh giá” nhỏ nhất của tem lương thực là 25 gr. Đám chết đói lại lấy tem đó vào Thượng Đình hoặc ngã tư Sở mua bánh mì (phải có tem lương thực mới mua được), cứ 200 gr cộng 1 hào thì được một ổ; hoặc đổi bánh cuốn cho mấy chị huyện Thanh Trì bán dạo trong các khu ký túc xá. Công nhận bánh cuốn Thanh Trì ngon, khổ nỗi đói 24/7 thì thứ gì chả ngon. Gái Thanh Trì bán bánh cuốn cô nào cũng được nước, có nhẽ do ăn nhiều bánh cuốn.
Từ khi nhập học tới khi ra trường, tôi chả thấy ai kêu mình sinh hoạt đoàn. Bọn sinh viên không khoái đoàn đội nên đứa nào cũng lờ đi. Tiếc cái công phấn đấu hồi cuối năm lớp 10. Biết thế chả thèm vào, chả “đây một mùa xuân trăm hoa hé tưng bừng” làm gì. Tới giờ tôi bặt không nhớ tí ti lớp mình có chi đoàn hay không, đứa nào làm bí thư, trong khi nhớ rõ ai bị hắc lào, ai có xe đạp, cặp nào yêu nhau. Đảng, bọn sinh viên còn nhìn bằng nửa con mắt, đoàn là thá gì.
Nhưng có đoàn khoa, đoàn trường. Hệ thống chính trị nó vậy, cứ phải đủ ban bệ, tay phải tay trái. Nhớ đoàn khoa năm đó bí thư là anh Nguyễn Xuân Liễu hình như K14 hoặc K15, chữ viết bảng cực đẹp. Cứ có thông báo gì của đoàn khoa, đoàn trường là bác Liễu lại lom khom tay phấn tay giẻ nắn nót vào cái bảng ngay gốc xà cừ gần bể nước công cộng.
Có lần tôi còn nhìn thấy bí thư đoàn trường trong hội diễn văn nghệ trường Tổng hợp ở hội trường Mễ Trì, nghe người trong ban tổ chức (bây giờ gọi là MC) giới thiệu “anh Nguyễn Tiến Võ, bí thư đoàn trường”, anh Võ ngồi cạnh thầy Nguyễn Đình Tứ bí thư đảng ủy trường, đứng lên. Vỗ tay rào rào. Chức bí thư đoàn trường hồi ấy to lắm.
Sau 1976 đám chúng tôi ra trường tung tóe đi khắp nơi, vài năm sau đọc báo thấy đăng anh Nguyễn Tiến Võ về Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc, hình như còn to nữa, từ bấy lờ mờ hiểu muốn làm to phải chui vào đoàn. Thì thầy Tứ cũng về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, làm bộ trưởng, rồi từng ủy viên bộ chính trị, chỉ có điều không kịp nhậm chức phút giây nào.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 31.03.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.