dimanche 30 mars 2025

Lưu Trọng Văn - "Đóng góp được cái gì cho đất nước thì mình cố mà đóng góp"

 

Sáng Chủ nhật 30.03, Viện Nghiên cứu Phương Đông và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt giữa các nhà hoạt động chính trị với một số trí thức tên tuổi.

Tại cuộc gặp này, bí thư Thành ùy Nguyễn Văn Nên và phó Ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt đã lắng nghe các tâm sự, phát biểu, kiến nghị của giới trí thức.

Gã sẽ lần lượt giới thiệu bạn đọc một số phát biểu, theo đánh giá của bí thư Nguyễn Văn Nên là rất thẳng thắn và xây dựng này. Sau đây là một số nội dung ý kiến của giáo sư Tương Lai thông qua một bức thư mà giáo sư gửi cho gã, gã xin tóm lược một số ý chính.

“Tôi bị bệnh ập đến bất ngờ, cái chân trái đột nhiên bị tê liệt không cử động được nên rất tiếc không thể dự được cuộc gặp mặt này. Tôi gửi Văn tóm tắt một vài suy nghĩ, ý tưởng vụn dưới đây, coi như đó là những đóng góp của tôi với tư cách một công dân trước hiện tình của đất nước”.

1. Giáo sư cho rằng: “Kỷ nguyên mới” đã chập chờn hiện ra, khi người đang giữ vị trí quyết định của quyền lực đã lần đầu tiên dám tung ra luận điểm xác định “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”. GS coi đây chính là sự: “dịch chuyển và đột biến của quyền lực… kinh tế” chưa từng có ở nước ta.

Từ sự “chuyển dịch” với sức mạnh đòn bẩy này làm cho tôi thêm tin chắc vào luận đề của Tocqueville, tác giả của cuốn “Nền Dân trị Mỹ”, khi ông đưa ra luận điểm “Les jeux sont faits” - Ván bài đã ngã ngũ - thắng lợi của nền dân trị (những ông chủ của nền kinh tế tư nhân) là không có gì có thể ngăn cản, sớm muộn sẽ là chung quyết và bất khả vãn hồi”.

Giáo sư viết: “Đây là luận điểm mà tôi mong chờ từ lâu, từ rất lâu và hy vọng sẽ đến lúc nó xuất hiện như một tất yếu của một quốc gia muốn vươn mình thoát khỏi những giáo điều, bảo thủ.

Gió đã cuốn đi và rơi đậu lại ở trên vai những ai đó, dưới đôi mắt của một số người có hiểu biết và quan tâm đến thế cuộc với vận nước trong thời đại của internet nối mạng toàn cầu. Và nay thì may mắn thay, không phải mượn “Gió cuốn đi” nữa, mà đài báo chính thống đã đàng hoàng chạy tít đậm trên trang nhất:“Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”.

2.GS Tương Lai trong thư của mình còn đề cập tới những điểm nghẽn mà quyền lực không được giám sát sẽ tác hại thế nào. Ông nhắc lại lời của Montesquieu, nhà “khai sáng” Pháp đã chỉ ra: “Sự sa đọa của mỗi chính thể hầu như bao giờ cũng bắt đầu từ sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể ấy”.  Và trong thư ông tha thiết hy vọng Đất nước sẽ không bị vấn nạn này.

3. GS nhấn mạnh các giá trị đạo đức phải được tôn trọng để các thước đó nhân bản, nhân văn, nhân tình luôn là hiện thực cuộc sống, chứ không phải trên lý luận, diễn đàn.

Kết thúc bức thư ông nhắc lại lời của Vương Dương Minh, một trong bốn vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho, có nói: “Làm thầy thuốc lầm thì giết một người. Làm thầy địa lý lầm thì giết một họ. Làm thầy chính trị lầm thì giết một nước…”.

Và tự đáy lòng ông kết luận: “Hy vọng rằng đất nước ta tránh được đại họa ấy khi bước vào “Kỷ nguyên mới”. 

Khi gã đọc bức thư của giáo sư Tương Lai cả phòng họp không một tiếng động.

Vâng gã biết, trong lúc ấy, ông giáo sư dòng dõi tôn thất vua chúa triều Nguyễn đang phải nằm trên giường bệnh với cái chân không còn nhúc nhích được nữa.

Gã nhớ lời tâm sự của ông: “Cái nỗi đau thể xác không bằng cái nỗi đau niềm tin. Thôi thì sức tàn lực kiệt đóng góp cái gì có lợi cho Đất nước thì mình cố mà đóng góp.”

LƯU TRỌNG VĂN 30.03.2025

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.