Theo dự trù khi bỏ cấp quận, Gò Vấp sẽ gộp lại còn 3 phường là Gò Vấp, Thông Tây Hội và An Nhơn. Đây là những tên cổ có từ thời lập đất. Rất ý nghĩa.
Tôi đề nghị sẵn dịp này cải chính luôn tên Hạnh Thông (gọi sai từ trước năm 1975) thành tên đúng là Hanh Thông. Sửa tên chợ là Hanh Thông Tây.
Người xưa đặt tên Hanh Thông mang nghĩa "hanh" tượng trưng là một khoảng không gian thoáng, rộng, không có vật cản, đặt trong câu chữ thì nó có nghĩa khái quát nhất là sự thông suốt, thuận lợi. Còn “thông” cũng có một ý nghĩa nhàn nhã, thong thả, trôi chảy...
“Hanh thông” khi kết hợp còn mang nghĩa bỏ bớt đi những phiền não, mệt mỏi trong cuộc sống. Hạnh (thêm dấu nặng) không có ý nghĩa gì.
Hanh Thông Tây còn là vùng đất của gia tộc Nam Phương Hoàng hậu. Nhà thờ Hạnh Thông Tây (cũng không đúng) xây dựng từ năm 1921 đến 1924 hiện nằm trên đường Quang Trung, được ông Lê Phát An (1868-1946) bỏ tiền ra xây dựng.
Nhà thờ có tên hiệu Thánh Giuse, do hai nhà thầu chính đảm trách là Baader và Lamorte của Pháp thi công. Nguyên mẫu của công trình này là Vương cung Thánh đường Thánh Vitale ở thành phố Ravenna, Ý. Kiến trúc khá độc đáo so với các nhà thờ cổ tại Sài Gòn.
Trong nhà thờ còn có hai mộ tượng của vợ chồng ông Lê Phát An nằm đối diện hai bên, do các kiến trúc sư người Pháp thực hiện.
Ông Lê Phát An là nhân vật có thế lực ở Nam Kỳ Lục Tỉnh đầu thế kỷ 20, con của ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sỹ), một trong những "Tứ Đại Phú Hộ" của Nam kỳ thời đó. Ông An cũng là cậu ruột của hoàng hậu Nam Phương.
Ngay cả tên Gò Vấp cũng hông chính xác, vì xưa đây là vùng đất gò, mọc nhiều cây vắp, hiện chỉ còn vài cây trong Thảo cầm viên Sài Gòn. Nhưng vắp- vấp cũng được!
NGUYỄN ĐÌNH BỔN 26.03.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.