Động đất, sóng thần, bão lũ, cháy rừng… đã khiến nhiều sinh mệnh, tài sản và cả những di sản mất đi. Rất nhiều.
Nhưng ngay cả khi xảy ra thiên tai và nguyên nhân sâu xa khiến những điều đó diễn ra, thì đôi khi nó vẫn ít được sự chia sẻ, cảm thông hay đồng hành khắc phục.
Hình như có một thế hệ mất mát đang tồn tại? Mất mát kết nối với đồng loại, với những giá trị nguyên bản hay sâu xa hơn là mất mát kết nối với những nguyên lý cơ bản nhất của tự nhiên?
Có lẽ vì người ta vội vã đến mức thích những điều nhanh, ngắn, gọn nên quên đi những thứ chậm hơn, dài hơn và sâu sắc hơn chăng?
Một tài năng âm nhạc có thể trong một đêm kéo hàng triệu view, nhưng sâu xa phía sau của câu chuyện của âm thanh ấy là gì? Người xưa rất tế nhị rằng “tiếc công cầm vàng” hay “tiếc hoài sợi dây”. Cũng ngắn gọn lắm chứ đâu cần “tát cho răng môi lẫn lộn”?
Chỉ vài tháng trước thôi, có người nói với tôi về sự hiệu quả của các “chiến thần livestream”. Nhưng Apple hay Space X và những thương hiệu hàng đầu có dùng “chiến thần livestream” để quảng bá đâu?
Chỉ vài ngày trước thôi, có người nói với tôi không hiểu vì sao mười năm làm khoa học học công nghệ mà sao anh em khoa học công nghệ không phát triển, không giàu? Tôi đáp: “Mười năm đó anh biết nhưng anh có đồng hành đâu?”
Chỉ trong một sát na, người ta có thể chứng kiến Lý Tiểu Long tung một thốn kình lợi hại, nhưng có bao nhiêu người bên cạnh huyền thoại võ thuật ấy khi tập luyện? Và nhìn vào lịch sử mà ta tạm biết về tuổi của vũ trụ, thì mấy chục năm đời người có khi còn ngắn hơn cả một sát na của đại tự nhiên.
Thực sự có bao nhiêu người trên thế giới này ý thức rằng mình đã dùng oxy miễn phí từ khi là tế bào trong bụng mẹ đến lúc sinh ra, lớn lên và chết đi mà chưa kịp trồng một cái cây nào để trả lại thiên nhiên?
Có lẽ có một thế hệ mất mát đang tồn tại. Mất mát vì muốn nắm giữ rất nhiều thứ…
MAI QUỐC ẤN 29.03.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.