Hôm qua 29.03.25, hệ thông tin đa dạng ở xứ này đưa tin buồn: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ qua đời. Ông thuộc dạng cây cao bóng cả của nền âm nhạc cách mạng, được người đời yêu mến, tôn trọng, cả về nhân cách và tác phẩm.
Tôi chỉ được gặp bác Vũ và bác gái - nhà thơ Lê Giang có mỗn lần, nên viết riêng về bác là điều không thể.
Năm xa đó, hình như 1981 - 1982 thì phải, ông bạn đồng nghiệp đồng hương đồng môn Nguyễn Văn Vy dạy cùng trường rủ tôi đi mời hai bác Lư Nhất Vũ - Lê Giang tới nói chuyện về ca dao, dân ca Nam Bộ cho sinh viên nghe. Bác trai là chuyên gia về nhạc dân gian, bác gái là đại chuyên gia về ca dao hò vè. Thầy Vy trước đó đã từng mời hai bác, các thầy cô và sinh viên thích lắm nên lại mời tiếp.
Bác Lư Nhất Vũ cao nên trông càng gầy, mặt vêu vao, má hóp lại, hình ảnh sinh động về thời đói kém, gạo không đủ ăn. Nhưng nói về dân ca Nam Bộ thì thôi rồi, cả một kho tri thức, lại còn tự đệm đàn và hát nữa. Sao ông trời sinh ra những người tài giỏi, đạo đức thế, và buồn nỗi cứ vắng dần đi, ngày càng hiếm.
Chỉ gặp lần ấy nhưng không phải không biết tên, bởi lứa chúng tôi ở miền Bắc đã đôi lúc được nghe qua đài truyền thanh cái tên Lư Nhất Vũ, nhạc sĩ người miền Nam, gần gần lứa với Hoàng Hiệp, Bửu Huyền... chênh vài ba tuổi.
Giữa thập niên 60, ở tuổi thiếu nhi, tôi thỉnh thoảng nghe đài phát bài hát của ông, còn nhớ có bài gì về bản Mèo, giai điệu hay lắm, người hát giọng tình cảm lắm. Sau này lớn mới biết đó là bài “Chiều trên bản Mèo” ông viết năm 1961, khi ấy khoảng 24 - 25 tuổi. Tài, tí tuổi mà đã có bài hay thế.
Bây giờ thiên hạ nhắc đến ông thường lôi mấy bài “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” hoặc “Bài ca đất phương nam” ra để khen, nhưng cá nhân tôi cho rằng bài Mèo kia mới đúng hàng đỉnh của Lư Nhất Vũ. Bài tải đạn, anh tôi có lần nghe còn cười bảo “Sài Gòn đó đang chờ ta tải đạn về” nghe kinh chết đi được, để giết người Sài Gòn hay sao, rồi chậc chậc, thời ấy nó thế.
Điều tôi muốn nói sâu trong tút này không phải về bác Vũ mà tôi kính trọng, mà là thế hệ ca sĩ hát bài của bác những năm xa ấy. Chả là tôi vừa nhắc tới ca khúc “Chiều trên bản Mèo”. Hồi đó, thập niên 60 - 70, vùng núi cao Tây Bắc, Việt Bắc thu hút văn nghệ sĩ ghê lắm. Rừng núi, con người đầy hấp dẫn chứ không chuồi chuội, dễ chán như ở miền xuôi.
Nhạc sĩ Bửu Huyền viết “Anh đi khai phá miền tây, rừng núi bao la bừng giấc say”. Mèo Mán Thái Tày… dễ làm say lòng người dưới xuôi. Bằng chứng là bài hát của ông trẻ Lư Nhất Vũ qua giọng hát tuyệt vời của nữ ca sĩ Mộng Dung và đoàn ca nhạc đài tiếng nói Việt Nam.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 30.03.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.