dimanche 11 avril 2021

Vũ Thư Hiên - Thưởng thơ trong tù

 

... Một Chủ nhật, trại được nghỉ, chúng tôi đang chuyện vãn, thì có người gọi tôi. Từ tầng trên của cái giường dài chạy suốt chiều dọc của nhà giam, tôi thấy một người đàn ông dài ngoẵng, gày quắt và đen nhẻm đứng dưới ngó lên.

- Nị có thư.

Nghe giọng anh ta thì biết là người Hoa.

- Ai gửi cho tôi vậy?

- Ông Trần mà. Nị biết chớ? Ông ở nhà B.

Tôi đọc qua rồi đưa bức thư cho ông bạn già vừa đến chơi với tôi. Ông tên là Trúc, làm chức gì đó nghe rất kêu, tương đương thông phán, từ thời vua Bảo Đại còn được người Pháp tin dùng. Cũng là một người bị vào tù vì tính cẩn thận của chính quyền, chứ ông không có chân trong bất cứ đảng phái phản động nào, cũng không làm gì chống nhà nước hết. Ông đã qua vô số trại, biết vô số tù số lẻ, là người có kinh nghiệm sống trong môi trường tù.

Ông nhón tờ thư, đọc lướt qua rồi nói:

- Lão Trần, đại tá đặc vụ. Tôi biết lão từ trại tạm giam Hải Phòng. Hơi toqué (gàn) một tí, nhưng là người đàng hoàng. Anh cứ sang chơi.

- Được, anh về trước đi. Tôi sẽ sang. - tôi nói với anh chàng đưa thư.

Anh ta vui vẻ chạy đi.

Trong bức thư, viên đại tá đặc vụ của Trung Hoa Dân Quốc gọi tôi bằng “tiên sinh”, khẩn khoản mời tôi đến chơi, tức là sang nhà giam bên cạnh, cách mấy bước chân, mà ông gọi là “tệ xá”.

Trần Chấn Hoa cũng đang ngồi tán dóc với chúng tôi, nói:

- Để em đưa anh đi. Em cũng quen bác Trần.

- Không tiện. Người ta mời một mà mình đi hai là không lịch sự.

Y tiu nghỉu.

Tôi thay quần áo. Không thể không thay quần áo để yết kiến một người già đối xử trịnh trọng với mình như thế. Chúng tôi chẳng có nhiều quần áo để thay đổi. Không kể bộ pi-gia-ma vợ tôi mang lên khi tôi còn ở trại quân pháp đã rách nát tôi có hai bộ đồng phục tù mới tinh do Trần Chấn Hoa đem thuốc lá đi chác cho tôi.

Thì ra lão Trần chính là cái ông già lụ khụ, tuổi có dễ suýt soát tám mươi, với gương mặt nhăn nhúm ló ra từ cái mũ len tứ thời. Nặng nề và chậm chạp trong bộ quần áo không giống ai, bó chẽn cả vạt áo lẫn gấu quần, với đôi tất to sù của vận động viên bóng đá, ông được miễn lao động, sáng sáng cầm cái chổi xể cán dài quét xoèn xoẹt trước cửa nhà B. Tôi biết mặt ông, chỉ không biết ông là đại tá đặc vụ.

Lão Trần ở giường trên lập cập trèo xuống, chắp hai tay vái tôi:

- Thỉnh tiên sinh.

Tôi nói:

- Chào bác. Xin miễn lễ.

Chúng tôi theo nhau trèo lên.

- Tiên sinh an vị.

- Đa tạ.

Tôi ngồi vào chỗ lão chỉ, xếp chân bằng tròn.

Anh chàng đưa thư - đệ tử của lão Trần - nhanh nhảu dọn bàn trà. Trong tù mỗi nhân vật khác thường một chút bao giờ cũng có vài đệ tử. Người thì do cao tuổi, tư cách đáng trọng, người thì do giàu có, được người nhà tiếp tế thường xuyên nên được bạn tù nghèo hầu hạ để ăn theo. Lão Trần thuộc loại thứ hai, loại giàu có. Những người tù nghèo kiết xác, không thể có đệ tử, thì có anh em kết nghĩa, bố con kết nghĩa, tạo thành một gia đình. Thứ gia đình thế phẩm này là biểu hiện của xu hướng quần tụ tự nhiên, nhưng trong nhà tù, đôi khi nó cũng bệnh hoạn lắm. Những vụ đánh ghen xảy ra thường xuyên, có cả máu chảy.

Để tiếp khách quý, lão Trần mua hẳn một lạng trà "tự biên tự diễn" mua của cánh lâm sản. Trên cái đĩa sắt tráng men cóc gặm, một gói Polyvitamine vàng rực được đổ ra. Trong tù, nó là sự chiêu đãi long trọng.

- Thỉnh tiên sinh khai trà.

Viên đại tá đặc vụ trong bộ quần áo xơ xác, trông như con chuột cống già, giơ bàn tay với những ngón cong queo vì phong thấp kính cẩn mời tôi. Tôi lễ phép nâng chén lên ngang tầng mắt, nhìn ông lão qua làn hơi nước. Cuộc thưởng trà diễn ra trịnh trọng, giống như trong một màn tuồng cổ.

Hóa ra viên đại tá đặc vụ không mời tôi đến chơi vì một lý do nào khác ngoài chuyện ông lên cơn nhớ thơ phú. Không để ý tới đám tù ồn ào nằm ngồi lộn xộn, người chơi cờ, người may vá, người bắt rận, chúng tôi im lặng cạn chén trà đầu tiên. Bằng cách đó chúng tôi đồng tình tạo ra một sự tự kỷ ám thị như thể không phải chúng tôi đang ở trong tù mà ở một nơi nào khác của xã hội văn minh, nơi con người có thể nhẩn nha đàm đạo văn chương.

Sau tuần trà thứ hai buổi chuyện thơ bắt đầu. Lão Trần là một thi sĩ bất phùng thời. Lão yêu thơ và rất thuộc thơ Lý Bạch, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ cũng như những nhà thơ danh tiếng khác của nước Trung Hoa cổ. Tôi thì nhớ lõm bõm, câu được câu chăng, luôn nhầm lẫn nhà thơ này với nhà thơ khác. Lão Trần rộng lượng không để ý chuyện đó. Tôi chẳng qua là cái cớ cho cuộc trở về với thơ của lão, cho vơi nỗi nhớ thơ của lão. Cứ mỗi bài thơ qua lão Trần lại biến đổi trước mắt tôi. Không phải là ông già lẩn thẩn quét rác nữa mà là một lão nho thư thái, ung dung tìm được phút giây hạnh phúc trong những vần thơ bất tử.

Tôi thích cách thưởng thơ của lão Trần. Lão có những lời bình độc đáo cho những vần thơ đa nghĩa khi người đọc chuyển dịch những dấu ngắt câu không có mặt trong thơ Trung Quốc. Sau mỗi bài thơ chúng tôi trịnh trọng mời nhau uống trà đặc sệt và chát xít đựng trong khúc nứa tép cắt ngắn và nhấm nháp mấy viên Polyvitamine.

Đại tá đặc vụ họ Trần thời trẻ là giáo viên dạy văn trung học. Vui chuyện, lão kể cho tôi nghe đời lão. Thì ra lão là nhân viên tình báo Trung Quốc thật, không sai.

- Bác công tác trong ngành tình báo được bao lâu?

Lão cười không có tiếng:

- Công tác khỉ gì đâu, thưa tiên sinh. Tôi chỉ ghi tên vào đấy thôi.

- Tức là...

- Có tên ở đấy coi như đã vào lính, hức - lão bật nấc - Cái nghề tình báo có lợi là thế. Mình vẫn được là mình, hức, mà lại cứ như có mặt trong quân ngũ, Tôi vào được ngành này cũng là nhờ, hức, một người quen thân gia đình giới thiệu...

- Tôi chưa hiểu lắm...

- Thì để trốn lính mà – lão cười, phô hàm răng trên có nhiều lỗ thủng - Tình báo tình biếc gì đâu. Tháng tháng chỉ có việc ký vào giấy nhận lương là xong. Lương tôi đã có người khác lĩnh, ai lĩnh tôi cũng không biết. Thế rồi tuần tự như tiến, hức, tôi được thăng cấp, được lên lương, cấp trên tôi không biết ai, cấp dưới tôi không có, đã bảo là hoạt động tình báo mà. Thỉnh thoảng, hức, người ta còn bịa ra thành tích cho tôi nữa, để cho lương tôi tăng nhanh, lương tôi có tăng thêm thì họ mới được nhiều tiền hơn. Không thì họ thiệt. Thời bấy giờ lạm phát đại phi mã, hức hức, chắc tiên sinh còn nhớ...

Anh chàng đệ tử dài ngoẵng vội lết lại đấm lưng cho ông lão.

Tôi nhớ cái sự lạm phát ấy. Năm 1945, quân Tưởng vào miền Bắc giải giáp quân đội Nhật bại trận, mang theo hai thứ tiền: Quan kim và Quốc tệ, bắt người Việt phải tiêu. Tiền Quan kim còn có giá, chứ tiền Quốc tệ thì than ôi, nó chỉ đắt hơn giấy lộn chút ít. Ngày quân Tưởng sắp rút về nước, giá một bát phở gánh tương đương với một bị Quốc tệ. Những ông hàng phở bực dọc với lũ Tàu phù thu tiền xong là quẳng luôn vào bếp thay củi. Tiền Quan Kim in trên giấy tốt, rất đẹp, nhưng rồi cũng vứt đi. Nhóm bếp không được, nó cháy chậm và dễ tắt, còn kém cả tiền Quốc tệ. Mãi tới năm 1950 ở trong kho ủy ban tỉnh Tuyên Quang vẫn còn vài chục bao tải tiền Quan kim không biết dùng làm gì.

- Để theo kịp lạm phát, tôi được thăng cấp vèo vèo. – lão cựu điệp viên tiếp tục câu chuyện - Rồi Hoa quân nhập Việt, tôi được lệnh theo sang. Ở Hải Phòng, tôi xin được chân giáo viên dạy văn ở trường trung học Trung Hoa. Rồi tôi lấy vợ Việt Nam. Hoa quân rút, người ta chẳng gọi tôi, họ quên hay là họ mặc kệ tôi, không biết. Thế là tôi ở lại hẳn. Mình có vợ con rồi, yên chỗ rồi, đi đâu làm gì? Người Pháp đến, họ chẳng đụng đến tôi. Người Trung Hoa chúng tôi rất dễ sống trên đất lạ, ông ạ - ở đâu có cỏ mọc, ở đó có người Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam tiếp quản Hải Phòng, tôi vẫn tiếp tục dạy học. Thế rồi chẳng biết ai báo cáo, tôi bị công an gọi...

Tôi ngạc nhiên nhìn ông :

- Bác nhận ngay bác là đặc vụ?

- Vâng – ông già gật đầu, bình thản chiêu ngụm trà - Chối sao được hở ông, khi người ta biết rồi. Tại sao người ta biết, tôi chẳng hiểu. Chắc khi Hoa quân rút đi vội vã, giấy tờ vương vãi thế nào đấy, một cái bảng lương chẳng hạn. Người ta chẳng kịp, hoặc chẳng buồn huỷ những giấy tờ ấy vô dụng ấy đi làm gì, tống đại vào kho. Thế rồi nó rơi vào tay các ông Việt Minh. Chắc vậy. Ông công an hỏi tôi người hiền lành lắm, tử tế lắm. Nghe tôi kể tình đầu tại sao tôi là gián điệp, ông chỉ cười hì hì rồi khuyên tôi cứ khai báo thành khẩn, Đảng là đèn giời, Đảng sẽ xét cho. Tôi khai hết, chuyện là như thế như thế. Tiên sinh nghĩ, phận mình là dân, cứ thật thà là hơn, người ta hiểu, người ta sẽ tha cho về, giữ mình làm quái gì...

Ông lại cười, lại nhe hàm răng cái còn cái mất.

- Bác ở đây mấy năm rồi?

- Mười năm có hơn, thưa tiên sinh.

- Người ta xử bác mấy năm?

- Thiên nả ! Nào có được xử. Xử thì phải có tội mới xử được, đàng này tôi chẳng có tội gì...

Lão đại tá thở dài:

- Lẽ ra tôi nhận lấy một cái tội, chẳng hạn tôi được cơ quan tình báo Trung Hoa cài lại, để làm cái gì đấy... - ông ngẩn người, nghĩ ra một nhiệm vụ tình báo làm thí dụ, nhưng nghĩ không ra - Tức là, phải nhận một cái tội bé bé để người ta đưa ra xử. Nhưng tôi không biết, ngu quá! Không có tội ở chế độ ta khổ hơn có tội, tiên sinh à.

Tôi ngớ người. Chẳng lẽ đó là chuyện có thật? Nhìn vào mắt lão tôi tin lão không nói dối. Mà nói dối tôi phỏng có ích gì?

- Bác phải viết đơn khiếu nại chứ. Người này không tin còn có người khác.

- Tôi viết nhiều nhiều rồi đấy, nhưng chẳng có ai trả lời.

- Phải kiên trì, bác ạ.

- Vô ích mà, tiên sinh.

Lý Bạch, Đỗ Phủ và Khuất Nguyên đã ba chân bốn cẳng chạy mất dép rồi. Thời các vị, hơn hai ngàn năm trước, làm gì có cái luật pháp văn minh thế này.

VŨ THƯ HIÊN

(trích hồi ký)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.