dimanche 11 avril 2021

Nguyễn Văn Tuấn - Hàn lâm hóa Nội các Chánh phủ


Nội các Chánh phủ Phạm Minh Chính có một điểm nổi bật nhứt là trình độ học vấn rất cao, cao hơn các bộ trưởng trong chánh phủ Úc và Mỹ.

Chúng ta biết rằng Nội các Chánh phủ mới có 28 thành viên [1], nhưng có đến 5 phó thủ tướng ! Chánh phủ Úc [2] hồi nào đến giờ chỉ có 1 phó thủ tướng. Chánh phủ Mỹ cũng vậy, chỉ có 1 phó tổng thống [3]. Không hiểu sao Việt Nam có nhiều phó thủ tướng thế.

Điểm thứ hai là nam giới 'thống trị' Nội các Phạm Minh Chính. Thật vậy, trong số 28 người chỉ có 1 người duy nhứt là nữ! Trong khi đó thời đại mới là tạo điều kiện và xiển dương vai trò của phụ nữ. Do đó, Nội các Morrison (Úc) có đến 23% là nữ, còn Nội các ông Bảy Đờn bên Mỹ thì có đến 46% là nữ giới.

Nhưng điểm quan trọng mà tôi muốn nói là trình độ học vấn của Nội các Phạm Minh Chính. Điểm tuyệt vời ở đây là có 14 người có bằng tiến sĩ, tức chiếm 50% tổng số thành viên trong Nội các. Trong số này, 11 là người miền Bắc. Con số này rất cao nếu so sánh với Úc, nơi không có bộ trưởng nào có bằng tiến sĩ, hay so sánh với Mỹ, nơi chỉ có 4 người có bằng tiến sĩ.

Thật ra, trình độ học vấn cao của các bộ trưởng Việt Nam không phải là điều gì mới mẻ. Chừng 10 năm trước (2010), Nội các Chánh phủ lúc đó có 26 người, thì 13 người có bằng tiến sĩ, tức cũng chiếm tỉ trọng 50%. Rồi Nội các Nguyễn Xuân Phúc cũng thế: số người có bằng tiến sĩ xấp xỉ 52%.

Ngay cả trong Bộ Chánh trị (BCT) cũng có nhiều tiến sĩ. Thật vậy, số liệu năm 2021 cho thấy trong số 18 thành viên BCT, có đến 10 người (56%) có bằng tiến sĩ. Nói cách khác, tỉ trọng tiến sĩ trong BCT còn cao hơn trong Nội các Chánh phủ.

Những so sánh trên đây cho thấy các bộ trưởng (và cả thủ tướng) Việt Nam học giỏi hơn và cao hơn các đồng nghiệp bên Mỹ và Úc. Có thể nói rằng chánh phủ Việt Nam ngày nay đã trở nên hàn lâm hóa (thay vì chánh trị hóa).

Cách đây chừng 10 năm, Báo SGGP có đi một loạt bài về vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Trong loạt bài đó, có một tác giả viết như sau: "Nhà khoa học, nhà quản lý các nước cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết được trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay, tỉ lệ tiến sĩ rất cao! […] Trên các nước, tiến sĩ nếu có trong bộ máy quản lý nhà nước thì cũng chỉ chiếm tỉ lệ rất ít." Nhận định này cho đến nay vẫn còn thích hợp.

Tiến sĩ (PhD) là văn bằng thuộc loại 'prestigious', là văn bằng cao nhứt trong một số nước trên thế giới. Văn bằng PhD là viết tắt từ chữ 'Doctor of Philosophy'. Chữ 'philosophy' ở đây không có nghĩa hẹp là triết học, mà có nghĩa rộng hơn. Trong tiếng Hy Lạp, 'Philo' có nghĩa là 'thương' (sau này trại ra 'philia') và 'sophia' có nghĩa là 'tư tưởng' (hay sáng suốt, hay thông thái). Như vậy, chữ 'philosophy' ở đây có nghĩa nghĩa rộng là 'yêu tư tưởng'. 

Bản chất của văn bằng PhD, theo nghĩa nguyên thủy của nó, mang tính lý thuyết hơn là thực hành. Sau này thì nhiều trường cho ra đời loại bằng tiến sĩ thực hành mà họ gọi là 'professional doctorate'.

Còn chữ 'doctor' ở đây xuất phát từ tiếng Latin 'docere' có nghĩa là 'thầy' hay 'giảng dạy'. Nhưng ngày nay, giảng dạy phải đi liền với nghiên cứu khoa học. Do đó, văn bằng PhD bản chất là một chứng chỉ của người hành nghề giảng dạy và nghiên cứu. Cho đến nay, văn bằng PhD được xem là 'passport' của nhà khoa học. Nó cũng giống như muốn hành nghề thầy thuốc thì phải có bằng MD, muốn hành nghề nghiên cứu và giảng dạy thì phải có PhD.

Thế nhưng, ở Việt Nam thì ý nghĩa của văn bằng PhD có vẻ trở nên lệch lạc. Nhiều cơ quan trong hệ thống công quyền ở Việt Nam có qui định rằng ứng viên phải có bằng PhD để đáp ứng tiêu chuẩn cho một chức vụ nào đó. Và, theo thời gian, những người đạt được những chức vụ đó được thăng tiến trong hệ thống chánh trị và có mặt trong Nội các hay BCT. 

Do đó, có thể nói rằng sự hàn lâm hóa chánh phủ ở Việt Nam ngày nay đã manh nha từ hơn 10 năm trước, và nó xuất phát từ cách hiểu lệch lạc về văn bằng tiến sĩ.

GSNGUYỄN VĂN TUẤN 10.04.2021

[1] Chính phủ Việt Nam đươngnhiệm

[2] Hon Alex Hawke MP

[3] The Cabinet

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.