mercredi 11 novembre 2020

Đức Hiển - Về ý kiến phản đối báo Tuổi Trẻ Cười

Mạng xã hội những ngày qua xôn xao vì các status và live stream của Thượng tọa Thích Nhật Từ phản đối Báo Tuổi Trẻ cười đăng tác phẩm hài hước: Bị vợ đánh lên núi méc thiền sư. Theo đó, nội dung trên của Báo Tuổi Trẻ Cười đã xúc phạm Phật giáo và các bậc tu hành, xúc phạm niềm tin tôn giáo của Phật tử.

Các đồng nghiệp báo Giác Ngộ cũng có bài viết tương tự.

Tôi xem tác phẩm hài hước này và tôi không thấy cảm xúc bị xâm phạm, dù tôi vẫn thắp hương Phật mỗi ngày. Tôi nghĩ tiếng cười cất lên từ một tình huống đời sống không nên bị quy kết.

Tôi cũng không bao giờ đánh đồng đức Phật với những người tu hành. Vì sao?

- Phật thì linh thiêng còn những nhà tu hành dù sao vẫn là người phàm, có những buồn vui giống mọi người và có thể có sai lầm. Trong một xã hội đa tôn giáo, bình đẳng giữa các tôn giáo, bình đẳng giữa người có tôn giáo và không tôn giáo, cái sai cái đúng của mỗi người theo tôn giáo nào đều có thể được tôn vinh ngợi khen và bị phê phán bởi dư luận. Các tình huống đời sống mà họ tham gia đều có thể phản ánh, kể cả bằng hình thức hài hước. Điều đó không chỉ bây giờ mới có, không chỉ Việt Nam mới có mà có từ xưa trên thế giới này.

- Về động cơ xuất gia, việc vì buồn chuyện gia đình, thất bại trong làm ăn dẫn đến muốn nương tựa của Phật tìm một lẽ sống khác cũng không hiếm. Không phải thời nay mà từ xưa, cả trong đời thực lẫn tác phẩm văn học nghệ thuật (Thúy Kiều trong Truyện Kiều; Lan trong Lan và Điệp, Tắt Lửa Lòng...)

Vì lẽ ấy, việc nói ai đó vì buồn cuộc sống phàm trần mà đi tu, dù tu thiền hay trường phái nào đi nữa, cũng không có nghĩa là xúc phạm. Báo chí chính luận hay báo hài hước, đề cập một tình huống đời sống như vậy bằng ngôn ngữ và hình ảnh đặc trưng của thể loại nào đó, cũng không nên bị kết án là xúc phạm Đức Phật hay niềm tin tôn giáo của công chúng.

Khi được một người bạn tu hành tặng bức tượng Phật Di Lặc, tôi đặt tượng trên xe của mình và nghĩ: trong đạo Phật, chúng ta vào chùa dù có là Phật tử hay không đều ăn mặc đứng đắn và bỏ dép giày, đi nhẹ nói khẽ. Thế nhưng hình tượng Phật Di Lặc với cái bụng to lòi rốn cũng đâu gợi nên sự thiếu nghiêm trang. Chính sự vui vẻ hồn nhiên tự tại, làm chủ được các căn của mình dù bị lũ trẻ nghịch phá xung quanh của Phật Di Lặc khiến ta thấy vui và nhắc mình về sự tĩnh tại nội tâm.

Đức Phật và Phật Giáo vốn rộng lòng như thế, là Phật tử hay không, tôi nghĩ, ta đều nên học.

Tôi không đồng ý với bất kỳ ai, bất kỳ hành vi nào xúc phạm tôn giáo, dù là tôn giáo nào. Nhưng tôi cũng không đồng ý việc quy kết ai đó về lỗi này một cách suy diễn!

NGUYỄN ĐỨC HIỂN 11.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.