samedi 7 novembre 2020

Jimmy Nguyen Nguyen - Ban Mê Thuột

Tháng 10 vừa rồi, lần đầu tiên xứ miệt dưới bầu "hội đồng xã" bằng thư. Tui thấy cách này tiện lợi thiệt chứ, khỏi phải xếp hàng, lại có thì giờ nghiên cứu lá phiếu và đánh dấu.

Mấy lần trước đi bầu xếp hàng gần một tiếng, vô được phát lá phiếu to, bầu một lúc đủ thứ và có cả trưng cầu dân ý. Tui quẹt đại cho lẹ, cứ xem cái tên ai có vẻ phe ta là ok. Đứng lâu quá người ta tưởng mình... không biết chữ (không biết thiệt, nói thì bập bẹ, chữ nào khoảng bốn năm mẫu tự thì dịch được, chữ dài hơn là thua, dân thợ hồ được vậy là hay rồi).

Cái vụ bầu bằng thư tui thì ủng hộ. Ông già vợ (sắp cưới) cũng thích. Ổng 85 tuổi, đâu có đi được, mà " bỏ bầu " là bị phạt cả trăm đồng chớ không như nước Mỹ.

Cái phiếu gởi về mình phải ghi tên tuổi, địa chỉ và ký tên. Dĩ nhiên trên bì thư là có tên và địa chỉ của mình rồi và ai có tên trong danh sách cử tri (Quốc tịch và quyền được bầu) mới được gởi thư.

Tui thấy phần tên và chữ ký của mình có dấu vạch và in cái kéo, có nghĩa là người nhận phiếu sẽ cắt phần này đi để bảo đảm thông tin cá nhân không bỏ vô thùng phiếu nhưng có mã vạch như siêu thị cả hai bên, nên nếu cần ráp lại phần cắt là làm được liền (theo kiểu bài thi gọi là "phách". Chánh chủ khảo đánh mật mã vào bài và phách rồi cắt đi. Trao bài thi cho thầy cô chấm bài. Mình chấm bài mà không biết chấm cho trò nào nên không ăn gian được. Sau này ráp phách lại là biết ai bao nhiêu điểm).

Bầu bằng thư thì "làm giùm" được. Nghĩa là nếu người trong nhà lười thì nhờ người khác quẹt rồi ký tên là xong. Người ta có ghi cảnh báo đó là phạm luật nhưng làm ở nhà thì ai biết, làm giùm hàng xóm thì không dám.

Có điều chờ kết quả rất lâu, hình như hai ba tuần sau mới có kết quả chớ không biết liền vào buổi tối như những lần trước. Mấy người đẹp Việt Nam ra ứng cử đều đậu, chứng tỏ mình bầu đúng cử xứng. Rất hài lòng.

Nhưng sao kỳ này bên Mỹ lại có lộn xộn hay sao ấy vì thấy có tiểu bang ông này đang dẫn trước ông kia khá xa, còn vài phần trăm nữa thì ngưng. Rồi kiểm tới phiếu qua thư thì ông này qua mặt ông kia vù vù, giống như số phiếu có vẻ không đeo bám như bầu trực tiếp...

Tại sao những loạt bài về nước Mỹ tui lại dành nhiều cảm tình, vì tui thấy dân Mỹ trung thực. Tui nhớ có kỳ ông Nixon đã đắc cử vẻ vang mà vì để đệ tử chỉ nghe lén đối phương thôi mà phải từ chức. Kinh khủng chớ ! Chỉ ở nước Mỹ mới vậy. Từ đó tui yêu mến cái tinh thần thượng võ của Mỹ và rất mong ước được sống trên đất Mỹ. Nhưng nay được ở Úc cũng...tàm tạm, vậy cũng được.

Nhưng hồi trưa đang lót gạch (làm nhưng vẫn để Facebook nghe những livestream). Thấy tổng thống rầu rầu lên nói chuyện. Và ông tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận.

Nếu gian lận "có tổ chức" thì đối với tui điều đó quá kinh khủng. Giống như cả đời mình tôn thờ ai mà bị lường gạt. Báo chí hay dân bàn ra tán vào chuyện gian lận thì không sao, hoặc tổng thống lâu lâu cũng có cảnh báo thì cũng thường. Nay ông lên bục phát biểu điều đó trước cả tỉ người trên hành tinh này, chắc chắn : một là điều đó có thật (phải có bằng chứng). Hai là ổng phải chịu trách nhiệm với quần chúng.

Tổng thống ! Tui biết làm được như ông thì không phải dạng vừa và ông biết trước những kẽ hở (nếu có) để nếu ai muốn gian lận phải làm như vậy, thì ắt hẳn ông và tham mưu phải có kế sách đối phó và kế này phải hoàn toàn bí mật. Và khi ông dám lên tuyên bố vậy thì ắt hẳn phải có bằng chứng thuyết phục, có điều...ngu gì nói lúc này.

Người ta nói đôi khi nỗi buồn nhân đôi. Ông không tái đắc cử thì buồn nhưng dân chơi là phải chấp nhận, đem nỗi buồn về "gặm nhấm", bốn năm sau chơi lại. Nhưng nếu đây là cuộc đấu không công bằng thì còn ..."buồn muôn thuở".

JIMMYNGUYEN NGUYEN 06.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.