Ngày mai chúng ta sẽ biết ông Trump hay ông Biden sẽ thành tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Phải nói là thời làm sếp Tòa Bạch Cung ông Trump có tác động đến hợp tác khoa học giữa các nước phương Tây và Tàu. Có lẽ chánh phủ ông là những người đầu tiên cảnh báo về sự xâm nhập của giới quân sự Tàu trong các đại học phương Tây, và có những hành động cụ thể để hạn chế sự xâm nhập. Bài dưới đây là tóm lược một báo cáo chiến lược của một chuyên gia tình báo Úc về sự xâm nhập đó.
"Hái hoa xứ người, làm mật Trung Hoa" là một cách ví von của giới quân sự Tàu cộng trong chiến lược nắm lấy, kể cả ăn cắp, công nghệ cao từ các nước phương Tây. Chiến lược đó được gắn cho một cái danh xưng hết sức thi vị là "Picking flowers, making honey". Đó cũng là tựa đề của một báo cáo của Alex Joske về sự xâm nhập của giới quân sự Tàu dưới vỏ bọc "nhà khoa học" trong các đại học Úc (1).
Các nước phương Tây càng ngày càng quan tâm đến những hoạt động mang tính khoa học trá hình cho các âm mưu đánh cắp công nghệ của Tàu. Mấy năm trước, tôi có điểm cuốn sách "Silent Invasion" của Giáo sư Clive Hamilton (2), trong đó ông cảnh báo Úc về viễn cảnh Tàu xâm nhập chính trường và kinh tế Úc. Thật ra, cuộc xâm lăng (có thể dùng chữ đó) đã diễn ra cả 20 năm nay. Cuốn sách của Hamilton đã đánh động nhiều người Úc, nhưng dường như trong giới có học, người ta vẫn thờ ơ.
Tuần vừa qua, tôi ngồi 'tán dóc' với một quan chức cao cấp thuộc một đại học ở Sydney, khi bàn về cuốn sách của Hamilton, anh ta nhún vai nói "Ông ấy thổi phồng vấn đề quá đáng." Nhưng hai ngày trước, một báo cáo của Viện chính sách chiến lược của Úc (Australian Strategic Policy Institute -- ASPI) mới công bố một phúc trình, trong đó tác giả chỉ ra rằng một số đại học Úc có những nghiên cứu không phục vụ cho lợi ích an ninh của Úc, mà phục vụ cho ... Tàu (1).
Bản phúc trình cho biết Tàu cộng có chiến lược gởi các nhà khoa học quân sự ra nước ngoài để học hành và hợp tác nghiên cứu, với mục tiêu chính là nắm lấy công nghệ và ý tưởng của phương Tây để hiện đại hóa quân sự Tàu. Thật vậy, mục tiêu hợp tác nghiên cứu khoa học quân sự của Tàu rất rõ ràng. Họ khuyên các nhà khoa học của họ rằng "take full advantage of the cutting-edge research conditions and environment abroad" (tận dụng tối đa những điều kiện và môi trường nghiên cứu tiên phong ở nước ngoài).
Bản phúc trình cung cấp nhiều dữ liệu và thông tin làm cho nhiều người ngạc nhiên. Ngay cả tôi thỉnh thoảng có theo dõi vấn đề cũng cảm thấy ngạc nhiên trước những thông tin trong bản phúc trình chỉ 30 trang. Ở đây, tôi chỉ tóm tắt một số điểm chính và ý nghĩa đằng sau những hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Tàu và các đại học phương Tây.
Nhắm đến "Ngũ Nhãn"
Tính từ năm 2007 đến 2017, các trung tâm khoa học quân sự Tàu đã gửi hơn 2.500 nhà khoa học sang các nước phương Tây làm nghiên cứu. Khoảng phân nửa trong số này là nghiên cứu viên cấp tiến sĩ; trong đó có một số cấp hậu tiến sĩ và giáo sư. Những lĩnh vực mà giới quân sự Tàu quan tâm hợp tác là vật lý lượng tử, xử lý tín hiệu (signal processing), mật mã học (cryptography), công nghệ định vị (navigation technology), và xe hơi tự điều khiển (autonomous vehicles). Đó là những lĩnh vực chiến lược mà thế giới phương Tây đang ở thế thượng phong.
Họ tập trung vào những nước mà họ gọi là "Five Eyes" (ngũ nhãn: Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan, và Anh) và Singapore và Đức. Báo cáo chỉ ra 10 đại học có nhiều hợp tác nhất với Tàu: Học viện Công nghệ Nanyang (Singapore), ĐH New South Wales (nay đổi tên là "UNSW Sydney"), Đại học Southampton, ĐH Waterloo (Canada), ĐH Manchester (Anh), ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Công nghệ Deft, ĐH Quốc gia Úc (ANU), ĐH Toronto (Canada), và ĐH McGill (Canada). Nhìn qua danh sách trên, chúng ta dễ dàng thấy Tàu tập trung vào việc hợp tác với các đại học hàng đầu của Úc, Canada và Singapore.
Giả danh?
Thật ra, trong khoa học, việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu là hết sức cần thiết. Hợp tác nghiên cứu là cơ hội để mở rộng 'biên cương' nghiên cứu, để có ý tưởng mới. Đối với nước nghèo, hợp tác khoa học là dịp để học hỏi thêm về ý tưởng và công nghệ; đối với nước giàu thì đó là dịp để xây dựng các mối quan hệ lâu dài.
Hợp tác nghiên cứu còn là một cách chia xẻ tài nguyên giữa đôi bên hay nhiều đối tác. Người có ý tưởng, kẻ có tiền, kẻ có phương tiện, v.v. tất cả hợp lực với nhau để làm những nghiên cứu quy mô lớn, hay gọi là "Big Science". Nhiều công trình nghiên cứu quan trọng là nhờ có hợp tác quốc tế tầm cỡ Big Science. Hợp tác nghiên cứu trong khoa học là quy luật, chứ không phải là ngoại lệ.
Nhưng đó là hợp tác nghiên cứu khoa học dân sự, còn hợp tác khoa học với giới quân sự luôn đặt ra nhiều vấn đề tế nhị. Đặc biệt là đối với một nước như Tàu. Tàu và Úc không phải 'kẻ thù', nhưng cũng không phải là 'bạn thân'. Tàu theo thể chế toàn trị; Úc dân chủ. Tàu đàn áp tự do tư tưởng; Úc tôn trọng tự do tư tưởng.
Tàu dùng khoa học và công nghệ để xây dựng quân sự và dùng quân sự để xâm chiếm và lấn át các nước láng giềng ở Biển Đông; Úc xiển dương tự do hàng hải. Tàu dùng sức mạnh quân sự cho mục tiêu du côn; Mỹ dùng sức mạnh quân sự để gìn giữ hòa bình. Do đó, tác giả Joske cho rằng hợp tác khoa học với giới quân sự Tàu là một việc làm cần phải xem xét lại, bởi vì sự hợp tác đó không đem lại lợi ích cho an ninh nước Úc.
Hợp tác khoa học với Tàu là phải chấp nhận những "lắt léo" và mưu mẹo mờ ám của họ. Chẳng hạn như trong bản phúc trình, Alex Joske cho biết các nhà khoa học Tàu được gửi sang các nước phương Tây làm nghiên cứu cố tình che giấu cái gốc quân sự của họ. Họ giấu cái gốc quân sự bằng cách ký tên với những trường đại học hay trung tâm "ma" (không có thật ở Tàu). Thật ra, ngay cả ký tên với một số trường đại học dân sự, nhưng lại có quan hệ rất mật thiết hay làm nghiên cứu cho quân đội Tàu.
Bằng cách nào mà các sĩ quan quân đội Tàu có thể có visa để sang các nước phương Tây làm nghiên cứu? Hóa ra, cách họ làm rất đơn giản, chỉ cần thay đổi tên gọi bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như học viện quân sự Tàu (民间称呼, "National University of Defence Technology") nhưng họ dịch sang tiếng Anh là "Changsa Institute of Technology" rất ư ... dân sự. Do đó, các sĩ quan quân đội Tàu muốn có visa đi nước ngoài hợp tác nghiên cứu, họ chỉ cần bỏ hết các quân hàm và dùng cái vỏ bọc dân sự gắn liền với một một đại học nào đó.
Mà, các cơ sở làm thủ tục cho họ đi nước ngoài cũng không giấu diếm gì cái mẹo đơn giản này vì họ công bố trên mạng nói rõ ràng như thế. ("NUDT, for example, is externally known as Changsha Institute of Technology. This is the best way [to avoid having your visa application rejected"). Tương tự, Đại học Kỹ thuật Quân sự Tàu (PLA Rocket Force Engineering University) được đổi thành "Xian Research Institute of High Technology" trên giấy tờ (nhưng không hiện hữu). Đã có ít nhất 17 người sang Úc dưới những "viện" và "đại học" không hiện hữu như thế.
Tất cả các sĩ quan Tàu mang vỏ bọc khoa học đều là đảng viên đảng cộng sản Tàu, và họ còn có nhiệm vụ theo dõi các sinh viên dân sự ở nước ngoài. Chỉ năm 2013, các sĩ quan của NUDT đã thiết lập được 8 chi bộ đảng ở nước ngoài. Ngoài ra, họ lập ra những trang web "fan" WeChat (giống như Facebook) để kiểm soát tư tưởng của du học sinh Tàu ở nước ngoài. Nói tóm lại, họ không chỉ làm khoa học, mà còn làm chính trị và đóng vai trò như một cánh tay nối dài của đảng cộng sản Tàu ở nước ngoài.
Nỗi sợ (hay quan tâm) lớn nhất của giới tình báo Úc là ăn cắp ý tưởng và công nghệ. Câu hỏi đặt ra là đã xảy ra một vụ ăn cắp công nghệ nào chưa? Bản phúc trình của Alex Joske không có câu trả lời cho câu hỏi này. Khi được phỏng vấn, anh cho biết chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra, nhưng "ngừa bệnh hơn chữa bệnh", nên bản phúc trình của anh mang tính cảnh báo và phòng ngừa.
Phòng ngừa bằng cách nào? Bản phúc trình đưa ra hàng loạt biện pháp để ngăn chận những mất mát về khoa học của Úc cho Tàu cộng. Những biện pháp này bao gồm xác định chủ đề nghiên cứu, tăng cường tính minh bạch trong việc đánh giá nghiên cứu, chia sẻ thông tin về sự gian lận của giới khoa học quân sự Tàu cho các đối tác bên Mỹ và Âu châu, lập hội đồng an ninh thẩm định những hợp tác công nghệ cao giữa Úc và Tàu, kiểm soát việc đào tạo các chuyên ngành chiến lược, v.v.
Về phía các đại học, bản phúc trình để nghị nâng cao nhận thức của các giáo sư và nhà khoa học, làm sao cho họ thấy hiểm nguy và đừng 'ngây thơ' tin vào Tàu nữa.
Không rõ có phải do tác động của bản phúc trình này hay vì lý do khác mà năm nay, mà sắp tới sẽ có thay đổi về quy định trong tài trợ cho nghiên cứu. Đích thân Bộ trưởng Bộ khoa học Úc ra quy định mới là bắt đầu từ năm tới (2019) tất cả các dự án nghiên cứu phải có phần giải trình dự án nghiên cứu đem lại lợi ích gì cho Úc. Lợi ích ở đây là xã hội, kinh tế, và an ninh.
Nhìn người lại nghĩ đến ta
Quay trở lại bản phúc trình của Alex Joske và hàm ý cho Việt Nam, tôi nghĩ nó đặt ra vài vấn đề để suy nghĩ. Sự thật là Việt Nam là nước chịu nhiều ảnh hưởng của Tàu trên mọi phương diện và lĩnh vực. Việt Nam có lẽ không sợ Tàu đến lấy công nghệ (vì Việt Nam chắc chẳng có gì để Tàu học), nhưng Việt Nam có nhiều điều để Tàu khai thác.
Có thể nói không ngoa rằng Việt Nam lệ thuộc vào công nghệ Tàu, và việc Tàu thu thập thông tin tế nhị về an ninh và quốc phòng (không phải học thuật) từ Việt Nam chẳng khó khăn gì. Có lẽ họ đã hái nhiều hoa và săn nhiều mật từ Việt Nam. Nhưng giới an ninh Việt Nam đã có những nghiên cứu hay những bản phúc trình như Alex Joske đã làm cho Úc. Tôi nghĩ rất cần một bản phúc trình như thế cho Việt Nam.
GS NGUYỄN VĂN TUẤN 03.11.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.