mardi 19 juillet 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 143 và 144 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (17/07/2022)


1. Hôm kia, hôm qua không có tin gì nhiều. Mỗi tội Hà Nội đang nắng vỡ đầu tự nhiên mưa cho 10 phút bây giờ nó như cái… nồi hầm Donbas của Putox, kinh quá các bác ạ. Mệt mỏi thôi rồi.

• Thật ra tin tức thì cả hôm kia lẫn hôm qua vẫn là Nga cố gắng tấn công ở nam Izyum và Donbas, nhưng đều không có kết quả, thậm chí bị tẩn thiệt hại.

• Trên hướng Kharkiv là đáng chú ý nhất, với tin hôm qua bọn Nga bắn dữ dội từ phía Belgorod bằng tên lửa, đồng thời cũng từ địa phận tỉnh này chúng bắn pháo sang Sumy đông bắc Ukraine.

• Tin này đến với chúng ta chỉ sau tin “Putox ra lệnh chiếm toàn bộ vùng Kharkiv.”

Bình loạn: Vậy theo các bác, thằng cha này định làm trò gì? Nếu như lão ta định xua quân chiếm cả tỉnh Kharkiv thật, thì chắc chắn là phải thúc đít được Lukashenko bước vào chiến tranh, nếu không thì “không có cửa.” Theo tin của cái nhà bác PCT bên Ba Lan thì hôm qua các xe bọc thép của Belarus gần biên giới nước này với Ukraine đã xóa bỏ số hiệu và được đánh dấu bằng hình vuông đỏ.

Nếu hắn xua 20.000 quân vào Ukraine từ hướng bắc thì lại lặp lại câu chuyện của Putox hồi đầu chiến tranh. Những con đường độc đạo hai bên “Pinsk Marshes” hay đầm lầy Polesie mà tui đã viết về nó hôm 03/04 ở đây, quân Belarus sẽ phải tránh.

Nếu không cần đọc bài các bác có thể xem bản đồ ở đây:

Như vậy để phối hợp với một số mũi tấn công của Nga từ Belgorod sang tỉnh Kharkiv, giả định là một mũi trực diện từ đông sang tây và một mũi phối hợp đánh vào nam thành phố, tức là từ đông nam lên tây bắc, từ phía Kupyansk chẳng hạn… Khi đó mũi tấn công của Belarus sẽ từ hướng nào? Tui không cho rằng họ sẽ tấn công theo các hướng mà Bộ Tổng tham mưu Ukraine luôn theo sát nhất cử nhất động của họ:

• Không có thay đổi nào về hướng Volyn (tây bắc Ukraine, chỗ Lviv) và Poliske (đông bắc, chỗ Sumy) 

Tuy nhiên, trên các hướng Chernihiv và Sumy thì phía Nga và Belarus vẫn phối hợp trinh sát từ trên không. Vậy theo hướng này thì liệu họ có tiến hành không – nó vẫn là những con đường rất sát với đầm lầy, do đó khả năng “vết xe đổ” lại hiện hữu. Để tẩn mũi tấn công này của Belarus nếu có, chẳng cần đến 20.000 quân của Ukraine đâu! Họ lại để cho quân Bạch Nga lao sâu vào theo những con đường độc đạo rồi diệt như hồi The Battle of Kyiv thôi, chẳng có gì cả.

Vì thế nếu họ tấn công, tui nghiêng về phương án tấn công theo hướng Kursk – Sumy hơn. Như thế họ sẽ tránh được địa hình đường độc đạo cạnh rừng và đầm lầy, và cũng tránh luôn những lực lượng lớn của Ukraine đang bố trí tại đây để bảo vệ thủ đô khỏi mối nguy bị tấn công từ phía bắc.

Nhưng cũng chính vì muốn thực hiện ý đồ này, họ phải chuyển quân bí mật từ Belarus sang Nga, tới vùng Kursk, mà nếu như vậy thì chỉ cần trước khi vào tuyến xuất phát khi tập trung một nhóm quân lớn, người ta đã biết rồi. Không thể giấu kín một ý đồ lớn như vậy được.

Thứ hai, nếu Belarus đánh theo hướng đó với quân số giả định là 2 vạn như trên đây, thì liệu trên hướng Volyn (tây bắc Ukraine, chỗ Lviv) còn được bao nhiêu quân, và họ có dám cho quân lao vào hay không? Theo quan niệm quân sự thì “chỉ là không rõ ràng khi anh chưa đánh, nếu anh đã đánh rồi thì mọi chuyện có khi lại dễ quyết định” – tui tin là mũi tấn công này của Belarus hoàn toàn có thể bị đánh tạt sườn từ một lực lượng đáng kể của Ukraine từ bắc Kyiv (xin xem bản đồ).


Lực lượng của Ukraine ở khu vực này còn nguyên đồng thời để bảo vệ vùng trời thủ đô, hệ thống phòng không chắc chắn tốt, máy bay Nga không thể hoành hành được. Nhìn chung nếu Nga định sử dụng lực lượng 5 BTG sẵn có ở đông bắc Kharkiv, 22 BTG què quặt ở Izyum quay về tấn công phối hợp, với khoảng 20 BTG từ Belgorod sang và cỡ 2 vạn quân của Belarus, chẳng ý nghĩa gì.

Tui không tin lắm về khả năng của các đơn vị Nga cả đông Kharkiv và 22 cái BTG của Nam Izyum sẽ làm nên chuyện. Như vậy muốn làm chuyện này, Putox buộc phải tuyển quân mới. Theo tin hôm trước thì với lệnh tổng động viên lão ta yêu cầu mỗi oblast (vùng) phải tuyển cho được 1 BTG, vậy theo lý thuyết sẽ phải đạt được con số 85 BTG.

Vậy có những căn cứ nào cho kế hoạch này?

+ Một, lệnh tổng động viên đã ban bố, sẽ có quân mặc dù chưa biết chất lượng như thế nào.

+ Hai, tỉnh Kharkiv tiếp giáp Belgorod nay tiền duyên của quân Ukraine đã rất gần biên giới quốc gia giữa hai nước. Vì thế trước mắt Nga có thể pháo kích từ những vị trí trên lãnh thổ của mình sang mà không sợ bị bắn trả vì những lý do cho rằng “Ukraine không được tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.” Điều đó cũng có nghĩa là các kho hậu cần đạn dược họ có thể bố trí sâu hơn nữa trong lãnh thổ của mình. Đồ hèn.

+ Ba, lực lượng bảo vệ Kharkiv hiện nay chỉ có 3 lữ đoàn (khá mỏng). Nếu đánh Kharkiv, lực lượng 6 lữ đoàn Ukraine đang chống trả với 22 BTG Nga ở nam Izyum hoàn toàn có thể phải rút bớt về chi viện.

Đó là những lý do khá hợp lý cho một kế hoạch, và thời gian này chính là thời gian chuẩn bị cho nó: Nga sẽ phải tăng tốc sản xuất đạn dược pháo phách để sắp sửa đánh tiếp.

Tất nhiên 3 điểm trên tui gạch đầu dòng ra, là trong trường hợp quân đội Ukraine không giữ được lực lượng dự bị chiến lược.

Cơ mà trong thời gian ông chuẩn bị thì tôi cũng chuẩn bị, và tui không nghi ngờ rằng trong khi Nga đi tuyển quân (già nhưng có kinh nghiệm, đỡ phải huấn luyện, ra đánh nhau luôn) thì phía Ukraine cũng đã và đang hình thành lên những lực lượng dự bị chiến lược lớn của mình (vụ Anh quốc huấn luyện cho 10.000 quân chắc cũng nằm trong kế hoạch này).

Chắc chắn sắp tới cũng sẽ có những diễn biến khác trên chiến trường, chẳng hạn chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao Ukraine lại nhận được một số lượng đạn 155 mm kha khá, mà lại là đạn chùm để chống bộ binh? Đến đây chúng ta hoàn toàn có thể hình dung ra nếu The Battle of Kharkiv mà diễn ra, thì chắc hẳn nó sẽ rất kinh khủng dù có thể là không to. Đã đến giai đoạn Nga yếu đi nhiều về pháo binh – dù có sản xuất đến mấy cũng không thể đủ với nhu cầu theo yêu cầu lý thuyết của họ được, nhất là nếu mở thêm cả một mặt trận nữa ở tỉnh Kharkiv.

Nếu cùng nhìn lại The Battle of Donbas, chúng ta sẽ thấy họ cứ co lại, co lại, co nữa lại các mục tiêu của mình cho đến khi chỉ mong chiếm được một miếng bé tí từ Rubizhne sang Serevodonetsk và sau đó là Lysychansk bên kia sông, mé mạn phía bắc thêm Lyman và Kreminna, ở dưới thêm mấy làng nữa như Popasna. Vậy thì bây giờ cũng lại thế thôi: chọn một chính diện mặt trận hẹp tí, tấn công làm khoảng 3 mũi như trên đây tui viết, mỗi mũi khoảng 2 kilômét chiều rộng thôi, rộng hơn Nga sẽ không đủ… đạn pháo.

Nếu chuyện ấy xảy ra, tui cũng ngờ rằng Ukraine bây giờ chẳng nhường nhịn gì đâu, dám bắn sang lãnh thổ Nga lắm. Còn nếu Belarus mà tham chiến, thì có khi lôi theo cả Ba Lan (không phải NATO nhé) theo một hiệp ước song phương giữa nước này với Ukraine mà người ta có thể ký với nhau bất cứ lúc nào. Lợi thế của Nga với lãnh thổ ở rất gần (của tỉnh Belgorod) một khi đã đẩy nhau đến mức đó, thì các đầu mối đường sắt của Belgorod cũng bị pháo kích là cái chắc.

Nếu chiến tranh đã lan rộng đến mức đó, thì quả sẽ là dấu chấm hết của Putox, cũng sẽ là điều chắc chắn.

• Tin hôm nay: Có tin lực lượng Nga ở nam Izyum đã rút về từng đơn vị lớn.

Bình loạn: Vậy là những trận bắn phá của Ukraine cùng chiến thuật vây ép đã như cú đấm kết quả tính mạng một số đơn vị, đến tầm thiếu thốn về hậu cần đạn dược lại qua thời gian đánh nhau dai dẳng quá dài, oải không chịu nổi mà về chứ còn gì.

2. Nói tiếp chuyện Nga tổng động viên.

Như vậy, lão quỷ Putox này đã tổng động viên toàn bộ nền sản xuất và một phần nhân lực quốc gia cho giai đoạn sắp tới của chiến tranh. Chúng ta cũng xem xét về khả năng tăng sản lượng của nền sản xuất nước này, nhất là công nghiệp quốc phòng. Bây giờ ta nói chuyện lịch sử một chút.

Trong suốt 4 năm của cuộc Chiến tranh Vệ quốc, Mỹ đã gửi cho Liên Xô hơn 55% nhôm, hơn 80% đồng, 2.000 đầu tàu hoả và 50% số thanh ray để xây dựng đường tàu hỏa. Chương trình Lend-Lease cũng gửi hàng tấn thiết bị nhà máy và máy công cụ sang Liên Xô, bao gồm hơn 38.000 máy tiện và các công cụ gia công bằng kim loại khác. Những chiếc máy như vậy có chất lượng cao hơn những chiếc máy tương tự được sản xuất ở Liên Xô, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp của Liên Xô.

Hôm nào đó chúng ta đã nhắc đến những con số 400.000 xe tải và xe Jeep, còn là 12.000 xe bọc thép (bao gồm 7.000 xe tăng, khoảng 1.386 trong đó là M3 Lees và 4.102 M4 Shermans); 11.400 máy bay (4.719 trong số đó là Bell P-39 “Airacobra” và 1,75 triệu tấn lương thực.

Hôm nào đó tui đã viết về vụ xe ủi đất, Mỹ đã chuyển cho Liên Xô 8.000 xe ủi đất và máy xây dựng công trình khác, thì hôm nay ta nói chuyện… máy tiện. Quay lại với con số 38.000 cái máy tiện – nếu bác nào làm trong ngành công nghiệp thì chắc chắn sẽ hiểu ý nghĩa của con số này, nó đủ trang bị cho hàng trăm nhà máy và điều quan trọng là đó là những máy gia công chính xác của thời đó – hồi đó máy tiện Mỹ như máy CNC xịn bây giờ.

Vậy với điều kiện hiện nay để mở rộng sản xuất, theo các bác Nga có thể kiếm được 3.800 cái máy tốt không? – như máy CNC chẳng hạn, bây giờ đến Trung Quốc còn thèm khát máy xịn nữa là Nga. Nếu tính nước buôn từ Trung Quốc sang Nga thì không thể buôn lậu cả cái máy to như thế qua biên giới được đâu, được 1, 2 chuyến là Tây nó biết ngay.

Tiếp theo, theo chương trình này Liên Xô đã nhận được 35.000 bộ radio thu phát, nôm na là điện đài, và điều đặc biệt quan trọng: đó là những bộ được dùng trên máy bay chiến đấu và dùng cho các mục đích đặc biệt, ví dụ như chiến tranh vô tuyến, mà bây giờ là chiến tranh điện tử. Giai đoạn đầu của chiến tranh, các phi công Liên Xô “hội thoại” bằng cách lắc cánh, trong khi phi công Đức thì chém gió ầm ầm. Mãi đến khi có Lend-Lease thì máy bay Liên Xô mới có bộ đàm để liên lạc với nhau. Cũng nhờ có rất nhiều linh kiện dự phòng của radio, Liên Xô mới từ đó phát triển lên những bộ radio của mình trang bị cho các phương tiện khác như xe tăng.

Câu chuyện của máy tiện và radio cũng chính là các máy móc công nghệ cao và những vấn đề về chiến tranh điện tử, điều khiển học, vệ tinh… của thời đại ngày nay. Bằng những thứ đang sẵn có, Nga có thể tăng gấp 3 sản lượng bằng cách làm tăng ca, nhưng sẽ đối mặt với khả năng những máy móc mua từ phương Tây sẽ lăn quay ra hỏng.

Về chuyện chiến tranh điện tử, trong bài báo viết cho “Nhịp cầu thế giới” tui đã dẫn thông tin về việc ngay từ sau 2014, Nga đã tiến hành gây nhiễu, chèn sóng và tạo sóng GPS giả trên lãnh thổ Ukraine.

Thì bây giờ họ làm còn nhiều hơn, nhất là trong giai đoạn của “Phase 2” góp phần hiệu quả trong hạn chế hoạt động của UAV Ukraine, nhất là các UAV có nguồn gốc dân dụng. Có báo cáo cho biết tuổi thọ của một UAV dân dụng được Ukraine sử dụng trên chiến trường trung bình chỉ được 1 tuần.

Tuy vậy cũng có chuyên gia cho rằng điều đó chỉ có thể làm được với những UAV cấp thấp. Nếu Ukraine có những UAV cấp cao hơn, Nga sẽ không làm như vậy được nữa.

3. Đoán mò.

Chúng ta đã trải qua “phase 2” là 72 – 73 ngày (gần hai tháng rưỡi, từ 19/04 đến 02/07). Lần trước từ “phase 1” qua “phase 2” họ cần 3 tuần để chuyển quân, tập hợp lực lượng mới, khuân vác pháo phách từ phía bắc Ukraine sang phía đông.

Nếu lần này họ (Nga) cố đánh tiếp, thì nhiều khả năng họ không duy trì được tấn công ở mặt trận phía Nam vùng Kherson (giữ được là may). Có thể, việc mở mặt trận đông bắc đánh Kharkiv là để Bộ chỉ huy Ukraine chuyển bớt quân ở phía Nam về chia lửa. Tui thì không nghĩ rằng nếu Nga đánh Kharkiv thì Ukraine sẽ chuyển bớt quân từ phía Nam về, xa xôi và chẳng đúng với những thông tin về lực lượng đã hình thành được của họ trong thời gian qua.

Như ở phần 1 tui đã đưa ra môt số giả định về khả năng đánh Kharkiv, thì cách đây cỡ 1 tuần có tin Nga chuyển thêm một số pháo từ đảo Kuril về chiến trường Ukraine. Thật ra việc này họ đã làm rồi, nhưng là chuyển từ Viễn Đông về khoảng 100 giàn Grad-1 lắp trên xe Ural cũ.

Nếu việc này là đúng, thì cũng có nghĩa là họ chuyển theo cả các cơ số đạn trang bị cho chúng về. Câu chuyện có vẻ càng ngày càng sát sự thật. Vậy cục diện chiến trường hiện nay ra sao? Chúng ta hãy xem xét một vài con số: 150/160/140/150/300/100/70/100/100/300/250/150/150/150/250/100/120 – đó là con số tổn thất về nhân mạng của Nga từ ngày 18/07 tính ngược về trước đến ngày 02/07 là ngày quân Ukraine rút khỏi Lysychansk.

Từ trước các bác và tui, chúng ta đã vài lần đoán mò là nếu như Nga cố đánh Donbas, thì chiếm được đến sông Siverskyi Donets rồi dùng nó như giới tuyến tự nhiên là tốt nhất. Tuy nhiên nếu như vậy hay thế nào thì với thái độ của người Ukraine hiện nay, nhất là với tương quan tình thế hai bên càng ngày càng có lợi cho họ (người Ukraine) thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận đình chiến.

Vì thế, chúng ta đã dự đoán rằng Nga có thể chiếm được, nhưng Ukraine sẽ không cho họ giữ được. Nhìn vào dãy số trên đây, chúng ta có thể thấy mặc dù từ ngày 02/07 quân Nga không tấn công nữa, hoặc có nhưng rất “nhẹ nhàng tình cảm” nhưng vẫn thiệt hại quân số. Tất nhiên trong đó có cả những ngày Ukraine họ tấn công ở Kherson và đánh trúng một số doanh trại khác nữa, chúng ta thấy số má nó vọt lên là như thế.

Như vậy những hình dung của chúng ta đã thành sự thật: quân Nga chiếm được đất nhưng không được yên thân. Một mặt, hậu cần càng ngày càng khó khăn, mặt khác chính trên chiến trường họ cũng đang bị đánh tiêu hao, cả trong những nỗ lực thử tấn công lẫn bằng nhiều cách bức rút khác của quân Ukraine.

Nhìn những động thái của Nga trong thời gian gần đây, cho thấy họ thực sự “mót” đàm phán – tức là ép Ukraine vào bàn đàm phán với việc chấp nhận giới tuyến hiện tại, nhưng như thế là vào bẫy của họ và đời nào Ukraine họ chịu. Thế mới có chuyện phía Nga hết ông nọ đến bà kia tru tréo lên là “Ukraine phá bỏ cơ hội đàm phán hòa bình” với “Phương Tây ngăn Ukraine ngồi vào bàn đàm phán” thậm chí lên án “Phương Tây kéo dài thêm xung đột Nga – Ukraine bằng cách cung cấp thêm vũ khí.”

Khôn như mấy ông Nga này quê tớ đầy.

Trên chiến trường Donbas và cả Izyum, hiện tại Nga sẽ phải cố trụ lại bằng cách nuôi quân thoi thóp, đạn pháo được quả nào bắn quả ấy. Mặt khác gây sức ép lên dư luận nội bộ Ukraine và cả quốc tế, bằng các trận tên lửa ào ạt nhắm vào dân chúng. Bác Zelensky xót dân ngồi vào bàn đàm phán là sa lưới.

Nhưng nếu bác ấy cứng cỏi không chịu mà tiếp tục tiến hành những kế hoạch quân sự của mình: tiếp tục phá hậu cần, trên chiến trường tiếp tục bức rút, tỉa đều tay, thì càng ngày quân Nga ở Donbas và Izyum càng núng thế, mà nếu như vậy thì khả năng “vây Ngụy cứu Triệu” bằng cách đánh Kharkiv là khá cao.

Còn về kế hoạch chiếm hoàn toàn Donbas, tức là chiếm được một thành phố lớn cuối cùng Kramatorsk và Slovyansk, theo tui là hoàn toàn vô vọng. Đến nay việc chiếm Siversk còn đang mù mờ, dù hôm qua truyền thông Nga ầm ĩ lên về việc đã chiếm được thị trấn này. Hôm nay thì chính thằng cha Igor Girkin “Strelkov” khẳng định là tin vịt. Quân Nga và ly khai mon men được vào gần đã bị đánh bật ra ngay trong hôm qua rồi.

Những kết quả của việc sử dụng HIMARS trên chiến trường đúng là làm thay đổi cục diện một cách đáng kể, đến mức Bộ trưởng Quốc phòng Nga, “đồng chí” Sergey Shoigu đã phải yêu cầu tìm mọi cách áp chế loại vũ khí này. Để bình luận, tên khủng bố Igor Strelkov đã viết: “Ông Nguyên soái Ván ép (ám chỉ nghề cũ của Shoigu) yêu cầu chế áp HIMARS. Nếu như vậy thì quân đội của ông ta chỉ có cách tiếp tục tấn công đẩy giới tuyến xa hơn nữa về phía trước khoảng 300 kilômét.”

Tuân theo mệnh lệnh này, các chỉ huy Nga đã rời về phía sau cách chiến tuyến có… 90 kilômét thôi.

Về chiến lược, ngoài hậu cần thì vấn đề lớn nhất của Nga bây giờ là làm sao phục hồi được hiệu lực của không quân – nếu không thì HIMARS còn làm mưa làm gió. Nhiệm vụ này trong hoàn cảnh bị cấm vận và trừng phạt, hoàn toàn không phải là dễ dàng vì như hôm trước tui viết là càng đáp và nhiều động cơ máy bay Nga, đặc biệt là Kamov-52 đang phụ thuộc vào nước ngoài.

HIMARS và 777, Xê-da gì đó đang “xử lý” các hệ thống phòng không Nga rất tốt, nên sắp tới cũng sẽ ghi nhận nhiều hơn các chuyến xuất kích tấn công có kết quả của không quân Ukraine trên cả khu vực Donbas. Không hiểu sao trưa nay nóng nực thế nào tui còn ngủ mơ thấy MQ-9 Reaper mới lạ chứ. Chẳng nhẽ hôm qua cách chức giám đốc SBU và cả tổng chưởng lý, để đón cái món này?

Bắn tên lửa thêm vài ngày một tuần nữa là cũng cạn cạn, bọn họ sẽ thôi và khi đó nếu thấy không ép được có đàm phán, sẽ phải tính kế khác.

Cơ mà cái nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm trong tay họ nguy hiểm quá các bác ạ. Hôm trước thì Nga chuyển quân từ Melitopol về Kherson, hôm qua thì chuyển sang hướng Zaporizhzhia. Hay là họ đánh hơi thấy cái gì chăng?

PHÚC LAI 18.07.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.