mercredi 7 juin 2023

Lê Hồng Anh - Thảm họa Kakhovka : Ai vô tình, ai hữu ý ?

Mới hơn một ngày trước, không cần tiếng nổ tên lửa hay các cảnh quay chiến tranh, báo chí thế giới đồng loạt đưa tin con đập Kakhovka gần Kherson đã vỡ, dâng mực nước vùng hạ du lên 4-5 m, tối đa vào hôm nay có thể là 7 m, nhấn chìm gần 50 làng mạc hai bờ thuộc cả hai phe xâm lược cùng chống xâm lược.

Tuy mỗi bên đều đổ lỗi cho bên kia, nhưng không thể phủ nhận là toàn bộ khu vực xảy ra thảm họa đang còn nằm trong tay quân Nga, kể cả nhà máy điện hạt nhân cách mấy chục kilomet bên bờ hồ chứa cũng đang bị đe dọa mất nước làm mát, và có khả năng bị gây sự cố bất kể lúc nào thích hợp.

Truyền thông các bên hầu hết đưa tin hời hợt khiến người đọc-nghe muốn biết bản chất sự việc đều rất khó hình dung. Lúc thì nói nứt vỡ đập bê tông, lúc nói nhà máy hư hại, vậy là đành phải hỏi cụ Gúc cho rõ! Nếu đơn thuần về quân sự thì đã có thể hỏi lão Phúc Lai !

Một con đập chắn nước đều phải gồm một hồ chứa và một hoặc nhiều đập chính lẫn phụ, chúng được xây bằng đất hoặc bê tông. Với đập Kakhovka nằm cuối cùng trên dòng Dniepr thì được xây từ 1956 thời Liên Xô, tuổi đời hơn nửa thế kỷ, là công trình vĩ đại nhất hồi đó, góp phần điện khí hóa Liên Xô với lòng nhiệt tình của tổng bí thư Khrutsev dâng tặng quê hương cùng bán đảo Crimea về sau.

Chuyện Crimea thì thật ra trước đó không hẳn thuộc Nga, chính xác chỉ đơn giản là thuộc Liên Xô, giao về cho Ukraina để dễ quản lý cả nguồn điện và nước (lấy từ chính hồ này). Và còn do Ukraina lúc đó là quốc gia độc lập tại Liên Hiệp Quốc song hành cùng Liên Xô, vì thế về chính danh thì Crimea cần xác nhận quyền quản lý để Liên Hiệp Quốc và thế giới cùng biết.

Nếu ngược về trước nữa, năm 1919 khi Ukraina gia nhập Liên Xô cùng Nga thì Crimea chẳng thuộc nước nào mà chỉ là vùng tự trị của người Tatar, còn gọi là Kozak, vốn được nhiều bên cả Hồng lẫn Bạch quân lôi kéo để mượn nhờ tài đánh kiếm và kỵ binh của họ. Đến thời Khrutsev thì việc tự trị của người Tatar gặp khó khăn do dân cư đã bị Stalin lừa chuyển đi vùng Kazan và càng khó khăn với nguồn điện-nước…

Nhưng ta quay lại chuyện con đập!


Hồ-đập thủy điện Kakhovka xây dựng trên sông Dniepr và đến nay vẫn đứng trong top 20, nhưng hồi ra đời thì nó lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Grand Coulee của Mỹ. Kakhovka có thiết kế tràn bê tông-nhà máy thủy điện nằm ngay lòng sông và hai nhánh đập đất gồm bờ hữu gần 1 km và bờ tả gần 2 km, phần ngang sông được đập-tràn chắn dài 3,2km, chiều cao đập 30m. 


Đường ống áp lực dẫn từ hồ chứa về tổ máy lấy độ chênh cột nước gần 30 m và dài đến ~ 80 km, là khoảng cách từ khu hồ chính đến khu đập-tràn-nhà máy phát điện vừa bị sự cố (xem hình 2&3). Hồ này trữ đến 18 tỉ mét khối nước, lớn gấp đôi so với hồ Hoà Bình , càng hơn nhiều hồ Trị An chỉ 2,5 tỉ khối của xứ Việt!


Các ảnh chụp tình trạng vỡ đập (Hình 1) cho thấy sự cố xảy ra tại khu nhà máy và đập giáp ranh, chúng có bề rộng cũng hơn 100 m và quá đủ để tháo nước rồi dần phá hủy mở rộng. Như vậy hầm chìm các tổ máy coi như xong phim, và đường ống áp lực đang tàn phá thoải mái. Chưa thấy công bố thiệt hại nhân mạng, từ năm ngoái cũng đã có thông tin Nga thay đội ngũ vận hành thủy điện sau khi gài đồ chơi khắp nơi để “bảo vệ” trước quân Ukraina, trừ nhà máy điện hạt nhân giáp hồ chứa xa phía trên thì vẫn để người Ukraina vận hành. Như vậy tại nhà máy điện, nếu không có thiệt hại nhân mạng đã chứng tỏ không phải do phía Ukraina phá hoại bất ngờ, mà do Nga tự làm có tổ chức.


Một điều nữa là ở đây cho thấy sự phá hủy các tổ máy ngầm dẫn đến xói trôi phần đập đất tiếp giáp. Nếu do Ukraina pháo kích thì đạn pháo phải thuộc loại mạnh xuyên sâu cỡ vài chục mét bê tông và cực chính xác trúng công trình ngầm xả ống áp lực, và quan trọng nhất vẫn là phải có tiếng nổ và nhà cửa phần nổi phải bị rung chấn hư hại. Nhưng trên ảnh thì phần nhà máy còn lại vẫn nguyên vẹn, dân cư cũng không ai nghe tiếng nổ pháo, các liều thuốc nổ đặt ngầm thì vốn không cần nhiều, chỉ cần nứt nhỏ kết cấu rồi để nước áp lực làm nốt các việc còn lại. 

Giả thiết về đặc nhiệm Ukraina lẻn vào phá hoại là không thể có và cũng chưa có, trừ khi sau này phía Nga bí quá lại dựng ra tiếp. Nhưng đặc nhiệm nào vào khoan lỗ đặt chất nổ ngon lành thế, hóa ra quân đội Nga không chỉ bảo vệ trên không đã dở mà dưới đất cũng dở nốt !

Đi kèm một sắc lệnh không điều tra các phá hoại do chiến tranh mới được ngài Pu “biết tuốt” ký chưa ráo mực, ta không kỳ vọng gì về an toàn hạt nhân sắp tới như giả bộ cạn hết nước làm mát, quốc tế vào giám sát sẽ không được hợp tác nữa. Vẫn cái trò thấy Crimea khả năng mất dù là lằn ranh đỏ nhất, không ăn thì đạp đổ vẫn là cách xử sự của những người hùng giang hồ!

Tội chồng tội là thứ mà kẻ ưa gây tội luôn coi thường nhất, nhưng dũng khí đối mặt lại chả có xíu nào nên lựa chọn như Hitler xưa vẫn thường là giải pháp!

LÊ HỒNG ANH 07.06.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.