Thời ở Hà Nội, tôi hay đi điếu đóm cho các loại hội nghị của World Bank, trong đó có Consultative Group Meeting (CG – Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam) bao gồm các bộ trưởng tài chính, các đại sứ và do World Bank chủ trì.
Thời đó làm lính IT nên khá nhàn, lo máy tính, hệ thống dịch chạy là OK. Không có việc gì làm nên tôi lấy sổ tay ghi chép như các nhà báo, rồi email cho các bạn văn phòng đọc. Thấy Hiệu Minh đi công tác là các đồng nghiệp đợi tin, nếu đi xung quanh văn phòng mà chị em cười rúc rích, y như là email của lão.
Hội nghị CG – Sapa 2003 và bác Vũ Khoan
Nhớ hồi đó, CG tập trung cho các tỉnh nghèo phía Bắc nên có CG-Sapa 2003 trong khách sạn Victoria khá đẹp. Tỉnh Lào Cai đón đưa khách CG rất sang trọng. Đi đâu cũng có ô tô công an dẫn đầu và khóa đuôi. Ngồi trên xe đi thăm các dự án vùng núi cao thấy IT cũng oai như cóc.
Bắt đầu CG là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Bác nói rất nhiều về khả năng thực thi dự án, những yếu kém của Việt Nam và cũng nói thêm là phía đối tác có những đòi hỏi rất khác nhau, nên việc thực hiện dự án có nhiều chậm trễ.
Khi bác nhắc tới minh bạch “Các quí vị đòi hỏi transparency, nhưng nhiều lúc minh bạch chưa chắc đã tốt. Đôi lúc phải nửa kín, nửa hở thì mới thấy cái thú vị của nó. Nếu tất cả đều transparent thì chẳng còn tò mò nữa…” Các vị Đại sứ cười nghiêng ngả.
Tôi vẫn cho bác Vũ Khoan là người thông minh và hóm hỉnh trong hàng ngũ các vị cấp cao thời đó. Gặp bác và nói chuyện dễ gần.
Nhìn thấy bác Vũ Khoan ở DC
Hồi 2004 tôi đã sang Washington DC làm việc cho World Bank và năm sau đó (6-2005) vẫn nhớ hình ảnh thủ tướng Khải rút tờ giấy gấp tư đọc trong buổi gặp với tổng thống Bush trong Nhà Trắng đã làm mạng sôi sục. Và đến nay đã 17 năm dư luận vẫn chưa hết bàn tán mỗi khi nhắc đến thủ tướng Khải.
Đại loại, thủ tướng Khải cảm thấy lo lắng trước cuộc gặp, lại bay gần một ngày mới tới Mỹ. Ở hai bên bán cầu, ngày bên Mỹ là đêm Việt Nam, chuyến bay ngược chiều mặt trời mọc càng làm cho việc ngủ khó hơn. Ai bay từ Á Châu sang Mỹ mà vượt Thái Bình Dương đều có cảm giác này, nhất là những người lớn tuổi như thủ tướng Khải lúc đó đã 72 tuổi (ông sinh năm 1933).
Theo bác Trần Xuân Giá, người đóng góp nhiều để chuẩn bị chuyến đi, do tính cẩn trọng của ông Khải trong cuộc gặp với ông Bush, nhất là lần đầu tiên trong lịch sử bang giao giữa chính quyền cộng sản và Hoa Kỳ, ông viết thành văn bản cho dễ. Chứ cụ Khải nói vo giỏi, và tôi chứng kiến vài lần trong các hội thảo.
Dân mạng thổi phồng, Bộ Chính trị chỉ đạo thủ tướng phải nói chính xác từng câu chữ, là hơi…võ đoán.
Tôi nhớ hôm đó thủ tướng Khải gặp gỡ với bà con Việt kiều trong sứ quán Việt Nam tại Washington DC mà tôi trực tiếp chứng kiến. Thủ tướng Khải ra chào với vẻ mặt rất mệt mỏi vì lúc đó là buổi chiều tối, cả ngày với các cuộc gặp kín lịch từng phút, jetlag vài ngày chắc chắn cụ già 70++ đã hết sức, chỉ nói vài câu chào bà con, rồi nhờ Phó thủ tướng Vũ Khoan lấp chỗ trống. Cụ Vũ Khoan vẫn nhanh nhẹn, nói đâu vào đấy, thỉnh thoảng pha trò, người dự rất vui. Tôi đoán là cụ này sẽ thay thủ tướng Khải.
Sự cố ngoại giao "dùng phao” nho nhỏ này đã khỏa lấp rất nhiều kết quả đàm phán mà đoàn thủ tướng Phan Văn Khải và phó thủ tướng Vũ Khoan mang về. Trong đó có cam kết của Mỹ về ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO vô cùng quan trọng vào thời điểm ấy, mở ra thời kỳ bang giao tốt đẹp chưa từng thấy.
Nhưng rồi lịch sử rẽ ngả khác. Vài năm sau thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ, và cuộc gặp với bà con trong đại sứ quán Việt Nam mà ông tới muộn hai tiếng, thì cảm giác của tôi là thủ tướng Dũng rất tự tin nói về những con số có trên…mặt báo. Mấy người bạn đi theo gọi là audio news, hay thì có hay, cuốn hút cũng có, nhưng lúc về thấy như mình vừa đọc báo.
Về nhà tôi cứ tiếc mãi, sao cụ Vũ Khoan không làm Thủ tướng thay ông Phan Văn Khải, vì cụ Khoan lấp chỗ trống rất giỏi. Sau gần 20 năm, chứng kiến những đời thủ tướng sau, tôi thấy sự “tiếc” cũng có lý.
HIỆU MINH 21.06.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.