"Anh đã chán ngấy sự huyên náo của Paris, anh đã đến thị trấn Auvers-sur-Oise, ở đây tuyệt đẹp, có cả những ngôi nhà cổ đã ngày càng hiếm hoi, tuyệt vời..." - Van Gogh.
Auvers-sur-Oise, một địa danh trên đất Pháp, một Thánh địa hội họa của thế giới. Trên bản đồ hiển thị cái tên Auvers-sur-Oise, nhưng với dân bản địa, họ lại gọi thị trấn của họ là thị trấn Van Gogh để kỷ niệm nhà họa sĩ tài ba lừng danh Vincent Willem Van Gogh, và đây cũng là chốn đi về cuối cùng của Van Gogh. Đêm qua, trong giấc mộng, tôi lại một lần du hồn về đây...
Tuy rằng người ta gọi đây là thành phố của các nhà nghệ thuật. Paul Cézanne, Van Gogh, Camille Pissarro, Claude Monet, Charles-François Daubigny, Cuong Tuse...đều đã lưu lại các tác phẩm của họ ở đây, nhưng chỉ có Van Gogh đã để lại đây 70 ngày quý giá của sinh mệnh mình. Giai đoạn ấy, ông bị bệnh tật và sự túng thiếu dày vò một cách thảm hại, nhưng Van Gogh vẫn sung mãn với niềm đam mê nghệ thuật phi phàm. Ông sáng tác liền nhau 80 tác phẩm trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời.
Trong một lá thư cuối cùng ông viết cho em trai Théodore Van Gogh có đoạn: "Anh đã đem sinh mệnh ra làm cá cược để họa, vì nghệ thuật, anh đã để mất đi lý trí của một con người bình thường". Tôi cho là chuẩn, bởi chỉ có quên mình, mới có thể đưa nghệ thuật lên đến đỉnh cao.
Trong giai đoạn ấy, Van Gogh trú ngụ tại căn phòng số 5, một căn gác nhỏ chỉ 7 mét vuông của nhà trọ Auberge Ravoux, căn phòng có một cái cửa sổ nhỏ bằng nửa tờ báo nhìn xuống phố. Đây là nhà trọ rẻ tiền nhất thời bấy giờ tại Auvers-sur-Oise. Cho đến giờ, người ta vẫn giữ nguyên hình dáng của nó thời ấy, bức tường nứt cũ kỹ, ổ khóa hoen rỉ...không một chút nào được cố ý làm mới, để tưởng niệm người họa sĩ tài ba, người ta gọi đây là " Nơi ở cũ của Van Gogh".
Khi kể điều này, làm tôi nhớ đến một thiên tài khác cũng chết ở nhà trọ là Oscar Wilde - Nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng người Ireland, ông chết tại một nhà trọ rẻ tiền ở Paris. Ông có nói: "Giấy dán tường ngày càng rách nát phai màu, mà tôi thì ngày càng già nua bệnh hoạn, hai thứ này thể nào cũng có một thứ ra đi trước".
Trong khi Van Gogh còn mở mắt nhìn trần thế, dùng màu sắc xán lạn để bày tỏ nỗi niềm gan ruột của ông, nhưng tác phẩm của ông chẳng ma nào nhòm ngó. Mãi đến khi ông từ biệt cõi thế, tác phẩm của ông mới bỗng chốc hóa thân thành những tác phẩm triệu người hâm mộ, mọi người mới bắt đầu gọi ông là thiên tài, bắt đầu quan tâm đến ông. Và Auvers-sur-Oise đã biến thành một bộ phận di sản của Van Gogh, hấp dẫn người đời.
Nếu để ý đến các tác phẩm của Van Gogh, chắc các bạn sẽ nhớ ông có vài bức họa về vườn hoa Daubigny - "Daubigny's Garden"...Tôi bước chân trên thảm cỏ xanh rờn, nhìn bên trái, thấy có bức tượng Van Gogh đeo giá ảnh, hộp màu. Đói khát thể hiện lên khuôn mặt ông, thân thể ông như đang khát khao có được một bát canh thịt thơm ngon, nhưng linh hồn ông thì đang dấy lên khát vọng của sáng tác nghệ thuật. Cuộc sống hiện thực nghèo khổ lẫn lộn, nhưng trong ánh mắt ông là cả một thế giới muôn sắc màu. Như Don McLean - một nhà viết nhạc đồng quê của Mỹ đã viết để kỷ niệm về ông trong bài "Vincent", tạm dịch một đoạn như sau:
Đêm đầy sao, đêm đầy sao
Hoa nở rực rỡ như lửa bập bùng
Mây tím cuồn cuộn nhẹ bay
Phản chiếu trong ánh mắt xanh - Vincent
Màu sắc đổi thay muôn vàn
Cánh đồng ban mai tựa màu hổ phách
Những khuôn mặt dạn dầy nhuốm đau thương
Dịu dàng trên đôi tay yêu thương của nghệ sĩ
Starry, starry night
Flaming flowers that brightly blaze
Swirling clouds in violet haze
Reflect in Vincent's eyes of china blue
Colors changing hue
Morning fields of amber grain
Weathered faces lined in pain
Are soothed beneath the artist's loving hand
Tôi hay đến đây đi bộ, ngồi ở thảm cỏ, trầm tư, tưởng niệm về Van Gogh, nhưng là để viết một bài về nơi đây theo đơn đặt hàng.
Auvers-sur-Oise cách Paris có 30 cây số về phía bắc, bên tả ngạn sông Oise, địa thế nơi đây cao thấp không đều, những ngọn đồi thoai thoải với những ngôi nhà cổ im lặng như trong chuyện cổ tích. Van Gogh viết cho em trai khi đến đây: "Anh đã chán ngấy sự huyên náo của Paris, anh đã đến thị trấn Auvers-sur-Oise, ở đây tuyệt đẹp, có cả những ngôi nhà cổ đã ngày càng hiếm hoi, tuyệt vời...".
Đã hơn một thế kỷ trôi qua, Auvers-sur-Oise vẫn giữ nguyên hình hài của nó như hồi nào, "Nhà thị chính Auvers" cho đến "Nhà thờ Auvers" đều vẫn giữ nguyên cảnh quan cũ đã từng được thể hiện trong các tác phẩm của Van Gogh. Hầu như những cảnh quan nào được ghi lại trong tác phẩm của Van Gogh thì cảnh quan đó sẽ trở nên bất tử !
Những tác phẩm của Van Gogh khi sáng tác ở Auvers thể hiện một sự tự tại chín chắn, những đường nét sung mãn sống động. Phong cách hội họa về thị cảm khách quan của trường phái ấn tượng được cởi nút và giải phóng, hiển hiện lên lòng tự tin, phóng khoáng, không che đậy. Màu sắc của ông, gây cho người xem cảm xúc mạnh, nét bút thô, đường viền của hình ảnh lớn và chứa đựng đầy đủ nỗi đau khổ của một nghệ sĩ tài hoa nhưng cả đời phải sống vùi dập trong cảnh cô đơn và bệnh tật.
Năm 1890, Van Gogh lấy linh cảm của tòa lâu đài Château d'Auvers để vẽ bức tranh “Hoàng hôn của lâu đài Château d'Auvers”. Lâu đài này và vườn hoa của nó nằm ở trung tâm thị trấn, năm 1987 đã được liệt danh vào di sản văn hóa nhân loại. Tôi đến đây thường hay nghỉ đêm ở một khách sạn gần đấy có tên là "Castle of Méry-sur-Oise” Hotel, buổi tối hay đi bộ ở vườn hoa và ngắm nhìn bầu trời, tưởng nhớ đến bức họa “Đêm đầy sao” của ông.
“Dưới bầu trời thương cảm là cánh đồng lúa mì rộng lớn, tôi không cần tốn sức để thể hiện nỗi cô độc và bi thương tận cùng”. Chính vậy, qua ngòi bút của mình, Van Gogh đã thổ lộ nỗi bi thương cùng cực của mình qua tác phẩm “Đồng lúa mì và lũ quạ” (Wheatfield with Crows).
Một hôm sau khi hoàn thành bức họa kể trên, ngày 27 tháng 7 năm 1890, cũng ở ruộng lúa mì này, tiếng súng của Van Gogh đã làm đàn quạ sợ hãi bay đi. Van Gogh từng nói : ”Chúng ta không thể hy vọng có được những thứ chúng ta không thể nắm giữ được. Sinh mệnh chỉ có một mùa gieo giống, thu họach thì không phải ở đây”.
Từ nhà thờ thị trấn đi thêm một đoạn, xuyên qua một con đường nhỏ quanh co, tầm mắt bắt đầu rộng mở. Đi qua đồng lúa mì, rồi đi qua một bức tường thấp, bạn sẽ thấy hai tấm bia mộ xếp ngang nhau, trước mặt mọc đầy cây cỏ leo Thường Xuân xanh rì, đấy là mộ của Van Gogh và mộ người em - Théodore Van Gogh yêu quý nhất trần đời của ông.
Thế gian này, không còn nơi nào thích hợp hơn để chôn cất một con người kỳ tài này. Nơi đây được bao quanh bởi đồng lúa mì, buổi sáng có ánh mặt trời ấm áp, ban đêm thì có bầu trời đầy sao. Tôi thiết tưởng, Van Gogh nằm tại đây là quá dễ chịu, và quá toại nguyện.
Đứng lặng người bên mộ hai anh em nhà Van Gogh, một cơn gió lạnh thấu xương luồn vào cổ áo. Giật mình nhìn trời, hoàng hôn đã buông những đám mây màu tím, tiếng chuông nhà thờ cất lên cũng mang đậm một màu tím như bi kịch của đời ông. Bịn rịn chia tay ông, tôi bước những bước chân loạng choạng trên lối về mà hai bên đường trồng đầy những cây hoa Diên Vĩ, cũng một màu tím lạnh buốt con tim.
Với 37 tuổi đời ngắn ngủi, nhưng chỉ trong 10 năm cuối đời, Van Gogh đã sáng tác hơn 2.000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1.100 bức vẽ hoặc phác thảo. Phần lớn các tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh được sáng tác vào hai năm cuối đời, thời gian ông lâm vào khủng hoảng tinh thần tới mức tự cắt bên tai trái vì tình bạn tan vỡ với họa sĩ Paul Gauguin. Sau đó Van Gogh liên tục phải chịu đựng các cơn suy nhược thần kinh và cuối cùng ông đã tự kết liễu đời mình.
Ngày 27 tháng 7 năm 1890, ở tuổi 37, người họa sĩ bước ra cánh đồng và tự bắn vào ngực bằng một khẩu súng lục. Sau đấy, ông lại không nhận ra rằng mình đã bị thương nặng và quay trở lại tiếp tục hoàn thành bức tranh "Chân dung Adeline Ravoux". Hai ngày sau ông qua đời trên giường ngủ, câu cuối cùng ông nói với người em trai mình đang đầm đìa nước mắt đứng cạnh giường là:
”La tristesse durera toujours" - "Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi"
Tôi cho rằng, thị trấn Auvers-sur-Oise là thánh địa của hội họa. Mong rằng các bạn họa sĩ bạn tôi, nên tổ chức một cuộc hành hương về đây để đón nhận phước lành nghệ thuật được ban từ đấng tối cao thượng thặng của hội họa - Van Gogh.
PHÓ ĐỨC AN 26.06.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.