mardi 17 novembre 2020

Lưu Trọng Văn - RCEP có là cơ hội ?

Nhiều người trong đó có cả giới tinh hoa cho rằng do Trump rút khỏi TPP tạo khoảng trống ở vành đai xuyên Thái Bình Dương, nên cộng sản Trung Quốc mới chiếm lĩnh được kinh tế Đông Nam Á và Đông Á qua hiệp định RCEP.

Sự lo ngại như sự lo ngại của chuyên gia kinh tế yêu nước Phạm Chi Lan là cần thiết vì cảnh báo sự xâm nhập sâu của cộng sản Trung Quốc vào lõi kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy gã nghĩ không phải vì Mỹ có vấn đề mà các đồng minh chiến lược hàng đầu của Mỹ như Nhật, Hàn, Úc lại thống nhất với 10 nước ASEAN ký với Trung Quốc hiệp định kinh tế có tiềm năng kinh tế hàng đầu thế giới này.

Mọi người e ngại với sức mạnh kinh tế Trung Quốc sẽ chi phối kinh tế, từ đó chi phối quan hệ chính trị các nước trong đó có Việt Nam.

Không dễ !

Nhiều khi do chính những ràng buộc kinh tế đã cam kết và cùng hưởng lợi, Trung Quốc sẽ không thể hung hăng bắt nạt các nước nhỏ hơn về vấn đề chủ quyền là thành viên của khối 15 nước trên.

Mọi hành động ở Biển Đông, Biển Hoa Đông Trung Quốc buộc phải cẩn trọng. Không thể muốn làm gì thì làm vì sẽ bị chế tài bởi lợi ích RCEP mà Trung Quốc muốn là chủ đạo, để tạo hình ảnh mới cho mình.

Việt Nam sẽ ra sao ; khi là quốc gia thành viên và là nhà tổ chức ký kết RCEP?

Trước RCEP, điều tệ hại nhất của Việt Nam là bị trói đến tê liệt có tính hệ thống, bởi kinh tế bẩn bùn thải của Trung Quốc. Kinh tế bẩn bùn thải ấy đã làm tha hóa các quan chức Việt Nam ở nhiều cấp độ.

Với CPTPP và EVFTA, hai hiệp định kinh tế mà Việt Nam nhiệt tình chủ động tham gia chứng tỏ Việt Nam muốn đa phương hóa kinh tế, từ đó đa phương hóa các quan hệ để không quá phụ thuộc Trung Quốc. Gã ủng hộ lựa chọn này.

Khi Việt Nam tham gia RCEP có vai trò Trung Quốc mà các điều khoản cơ bản không khác các điều khoản CPTPP và EVFTA, trong đó có cả ràng buộc công đoàn độc lập. Việt Nam đã khôn ngoan dựa vào hiệp định này để thoát dần khỏi kinh tế bẩn với Trung Quốc - xưa nay không có bất cứ kiểm soát nào của các nước khác qua quan hệ kinh tế có tiêu chuẩn quốc tế với Trung Quốc - dưới sự giám sát của hiệp định mà nhiều cường quốc kinh tế văn minh như Nhật, Úc, Hàn giám sát chặt chẽ.

Thoát Trung cơ bản nhất là thoát kinh tế bẩn của Trung Quốc. Thực ra đồ thải độc hại của Trung Quốc tồn tại được chính nhờ sự tha hóa của các nhóm lợi ích bẩn của Việt Nam, chỉ biết lợi nhuận cho mình bất chấp Quốc gia, Đồng bào.

Khi thoát được từng bước rồi thoát hẳn kinh tế bẩn, hàng hóa bẩn, công nghệ bẩn, thiết bị bẩn, nguyên liệu bẩn, thị trường bẩn nhờ minh bạch quan hệ kinh tế có kiểm soát, chất lượng cao của chính Trung Quốc - cường quốc kinh tế thứ hai thế giới - thì Việt Nam sẽ có điều kiện trở nên đối tác có tư cách đàng hoàng với chính Trung Quốc ấy.

Gã cũng cho rằng đó là lựa chọn khôn ngoan.

Tuy vậy Việt Nam phải luôn minh bạch quan hệ đâu ra đó với Trung Quốc. Dứt khoát không khoan nhượng chủ quyền với họ, như Nhật đã làm. Còn quan hệ kinh tế phải minh bạch có chế tài và kiểm soát của quốc tế.

Việt Nam cũng sẽ cơ bản phải thay đổi sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn RCEP. Sẽ không còn chuyện xuất khẩu hàng hóa, nông sản không an toàn thực phẩm qua Trung Quốc bằng tiểu ngạch hoặc lậu được nữa.

Điều này vô cùng quan trọng đối với chính hàng triệu nông dân Việt Nam, khi cái bầu sữa dung dưỡng nông sản bẩn sẽ từng bước bị cắt bởi chính hiệp định RCEP kia.

Và ngược lại, nông sản độc hại của Trung Quốc cũng không dễ có đường lộng hành công khai đầu độc Dân Việt.

Theo gã trước tác động chuyển hướng của Trung Quốc về kinh tế, chắc chắn Mỹ sẽ sớm vào cuộc để cạnh tranh. Cuộc cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc bắt buộc trên nền tảng kinh tế sạch và tuân thủ pháp lý, sẽ dẫn đến các nước muốn phát triển kinh tế sạch như Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tự vươn mình lên, đột phá thay đổi để bền vững tồn tại.

Hãy nhìn RCEP là cơ hội !

Điều lo ngại duy nhất là thể chế chính trị còn quá nặng bởi sự lôi kéo của các nhóm lợi ích, cùng các doanh nhân Việt Nam quá quen với những lợi nhuận sau cánh gà,  liệu có nhận rõ những EVFTA, CPTPP và RCEP là cơ hội vươn lên của mình hay không mà thôi.

LƯUTRỌNG VĂN 17.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.