dimanche 15 novembre 2020

Jimmy Nguyen Nguyen - Đếm phiếu


Tiểu bang Georgia bắt đầu đếm lại phiếu từ hôm nay đến ngày 18/11. Mấy triệu phiếu phải đếm bằng tay. Coi bộ hơi mệt hén. Văn minh như Mỹ, cái gì cũng có máy móc làm thay cho con người, cuối cùng rồi cũng trở về thời nguyên thủy hi hi. Ấy vậy mà nghe tin này bà con vui mừng. Làm bằng tay là chắc ăn.

Tui có một kỷ niệm với máy scan. Năm 1972. Ở Việt Nam, cái tên IBM tượng trưng cho cái gì thần thánh. Đây là hãng computer đầu tiên của Mỹ hoạt động ở Việt Nam,  và cái từ ngữ máy điện toán cũng mới xuất hiện. Bây giờ công ty này chết rồi và có nhiều bạn không biết nó nữa.

Ngày xưa muốn lưu trữ thông tin gì người ta phải điền chữ hoặc đánh máy vào những tờ phiếu in sẵn, sắp xếp vào tủ theo mẫu tự abc. Thường lấy theo tên người. Do đó tên Nguyên như của tui thì mở tủ nhìn vần N, hoặc có nơi chia thêm NG, kỹ hơn nữa là 3 chữ NGU... sẽ kiếm mau hơn. Dĩ nhiên là sẽ trùng tên rồi, thường là một xấp. Lúc này phải cần thêm thông tin như ngày tháng năm sanh là lựa được liền.

Khi các cơ quan chính quyền miền Nam thời ấy có sử dụng dịch vụ của IBM, thì thông tin được mã hóa và lưu vào máy. Và họ lấy ra bằng cách đánh máy thông tin rồi máy sẽ quét và đưa ra. Thông tin họ chứa vào băng từ bự chảng chứ không phải dĩa CD hay chỉ là cái thẻ nhỏ như bây giờ. Cho băng từ vào máy và chạy từ đầu đến cuối, gặp thông tin trùng với hồ sơ lưu trữ máy sẽ dừng lại và người ta có thể in ra. Hồi đó vậy là ghê gớm rồi.

Những năm ấy, thí dụ như đi thi tú tài, họ phát cho mình cái đơn. Những thông tin gì họ cần thì có cái ô và mình viết chữ in hoa vào đó, máy quét sẽ đọc được và lưu vào máy. Máy sẽ in ra phiếu báo danh và nếu thi đậu, máy sẽ in ra chứng chỉ luôn.

Có lần xin thẻ Động Viên Tại Chỗ (nam thanh niên trên 18 tuổi phải có thẻ này chứng minh mình được...không đi lính vì lý do nào đó). Thẻ này cấp một năm một lần. Thí dụ tui sinh năm 1955, thì năm 73 phải nộp bản sao bằng tú tài mới được thẻ này. Không có bằng là không có thẻ. Đi đường mà bị cảnh sát xét giấy là "a lê hấp" cho lên xe nhà binh chở vô trung tâm huấn luyện Quang Trung, cạo đầu trọc lóc, ba tháng sau là ra đơn vị liền. Nhiều bạn mất thẻ, lúc gia đình xin lại thẻ mới thì đã thành... sư cụ.

Năm đó tui điền giấy để xin thẻ, tên tui Uy Nguyên, viết sao máy đọc thành...Vy Nguyên. Chừng có thẻ mình không xem lại, cứ đút túi đi...hiên ngang. Một bữa bị cảnh sát hỏi giấy, họ xem tên trong thẻ khác với tên trong căn cước. Tui bị bắt liền. May hồi đó có ông anh ở ngoài quen biết, đem giấy khai sinh lên Nha Động Viên nhờ sửa lại, họ sửa tên và đóng dấu vô, cảnh sát mới tha. Trễ vài ngày là họ cạo đầu liền rồi... tính sau.

Năm 74, toàn bộ các môn thi đều dùng hình thức thi trắc nghiệm như bên Mỹ và bài thi được máy IBM quét và chấm điểm, cộng điểm các môn thi, xác định đậu rớt và in bằng cấp. Hoàn toàn tự động nên rất nhanh chóng biết kết quả, không phải chờ cả hai tháng như những năm trước (hồi hộp lâu hơn) và cũng không tốn kém chi phí cho thơ ký và giáo viên chấm bài.

Nhưng nó cũng có kẽ hở là nếu lúc thi, giám thị không công bằng thì người học kém hơn chỉ cần copy giải đáp của bạn, tô đen vô ô trống là đậu. Rất nguy hiểm. Chớ thi viết thì dù có được bản copy, nếu không học thật sự cũng chưa chắc viết đúng, nhất là các ký hiệu toán học.

Cái máy tự nó không biết suy nghĩ, con người cho cái gì vô là nó đọc cái đó nên con người vẫn là quan trọng, nếu người...ăn gian thì máy vẫn tổng hợp thôi. Nhưng máy đôi khi trục trặc, lúc này hậu quả sẽ ghê gớm. Nghe nói mấy tay hacker giỏi có thể xâm nhập vào máy để xem trộm hoặc thay đổi kết quả. Nên dùng máy có lợi mà đôi khi cũng bất lợi.

Tuần trước, bầu cử Mỹ cũng có một máy đọc sai làm dượng bay mất mấy ngàn phiếu. Đó là một máy, biết đâu còn máy khác thì sao. Tình hình này coi bộ phải đếm tay lại rồi. Cái trăn trở suy nghĩ của bà con là nếu có gian lận, thì gian kiểu nào? Có đến mấy trăm trang những người làm chứng nhưng chỉ là gian lận lẻ tẻ, khó mà thay đổi kết quả.

Tui cứ suy nghĩ : phiếu mà cử tri bỏ vào thùng là không gian lận được vì không thể tráo số phiếu này (phiếu đều có mã vạch, chắc chắn có thứ tự trước sau và nơi chốn, đưa chồng phiếu nơi khác vào là không được). Phiếu bầu qua thư lại càng khó vì phải có chữ ký. Cũng không thể đánh tráo phiếu giả vì công nghệ mới, không thể làm giả.

Còn cái vụ người chết đi bầu thì ở đâu cũng có lỗi này. Bài trước tui có kể chuyện bà chị đó, vì muốn lấy lại chút tiền thuế hay trợ cấp mà bà già mất lâu rồi mà vẫn khai còn...nuôi để nhận tiền. Đến khi chính phủ gởi quà chúc thọ người trên một trăm tuổi thì mới hết hồn, vội xóa liền. Nếu họ không gởi quà chắc chị quên luôn, và có khi bà già sống đến hơn trăm tuổi...trên danh sách dân số.

Như vậy, nếu có gian lận bầu cử số lượng lớn thì chỉ ăn gian bằng công nghệ thôi, và vừa rồi tổng thống than phiền có mấy triệu phiếu có cả số lẻ bị bay hơi. Trời ! Nếu ổng biết tới số lẻ thì đây không phải chuyện xạo, ổng phải chứng minh tại sao có con số này.

Hôm nay có nhiều triệu người xuống đường đòi hỏi sự công bằng trong bầu cử. Đúng rồi, hai chọn một phải có thắng thua. Bên thua phải nhìn nhận cái sai để sửa đổi và tranh lại vào kỳ tới. Sự tiến bộ nó nằm trong cái... thua đó. Nhưng nếu thua vì gian lận thì ai mà chịu, nhất là ở Mỹ. Mong rằng trong cuộc bầu cử lần này người ta sẽ biết bộ mặt thực sự của nước Mỹ. Nó đạo đức hay...đạo đức giả, đừng làm cả thế giới thất vọng nghe !

JIMMYNGUYEN NGUYEN 14.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.