Đây là bước thụt lùi nguy hiểm, sổ toẹt hết công trình xây dựng bộ danh pháp hóa học và danh từ hóa học tiếng Việt của các bậc tiền nhân trong 80 năm qua, kể từ khi cụ Hoàng Xuân Hãn xuất bản cuốn Danh Từ Khoa Học lần đầu vào năm 1942.
Tiếp nối, hoàn thiện và mở rộng công trình của cụ Hãn, miền Nam vào năm 1970 đã lập hẳn Ủy Ban Quốc Gia Soạn Thảo Danh Từ Khoa Học, tập hợp gần 20 nhà khoa học đầu ngành do giáo sư Lê Văn Thới đứng đầu.
Tự điển danh từ hóa học chưa ra đời trọn vẹn, nhưng bộ danh pháp hóa học theo Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn IUPAC đã được hình thành và đưa vào sử dụng trên mọi lãnh vực.
Bộ danh pháp này rất Việt Nam nhưng không xa rời cái chung của quốc tế. Ví dụ các từ acid, baze, oxyd, gluco, metal, etanol, aldehyd … không khác gì mấy với quốc tế nhưng học sinh Việt Nam vẫn đọc được dễ dàng.
Trong khi đó ở phía Bắc hầu như không có một công trình tập thể cấp nhà nước về việc soạn thảo và thống nhất danh từ khoa học. Cho đến hiện nay sau khi thống nhất gần 50 năm vẫn chưa có công trình như vậy.
Phía Bắc đã Việt hóa tùy tiện và quá đà danh pháp hóa học như acid thành a-xit, base thành ba dờ, metal thành mê-tan, aldehyd thành an-đê-hyt …
Sau này dấu gạch ngang giữa các chữ đã bỏ đi, nhưng cách phiên âm như vậy làm khác xa từ gốc của danh pháp quốc tế.
Nay bộ giáo dục lại tùy tiện thay đổi chuyển hết danh pháp hóa học theo tiếng Anh, từ thái cực này nhảy qua thái cực khác một cách kỳ quặc và nguy hiểm. Đã bỏ đi những tên gọi nguyên tố đã quen thuộc từ lâu như vàng bạc đồng chì sắt kẽm… khi thay chúng bằng tiếng Anh. Hủy bỏ hết hệ thống danh pháp hóa học theo kiểu Việt Nam đã hoàn thiện và quen dùng.
Tui nói tùy tiện, vì để thay đổi cách gọi tên hóa học như vậy phải được quyết định bởi một hội đồng khoa học và ngôn ngữ cấp quốc gia, phải được quốc hội thông qua. Không biết bộ giáo dục đã làm việc này chưa?
HUỲNH NGỌC CHÊNH 27.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.