Nói gì thì nói, vùng đồng bằng sông Cửu Long, kể từ tỉnh Long An xuôi về phía tây nam, tới tận mép biển tây là Kiên Giang và biển tây nam là Cà Mau, gồm 12 tỉnh thành, là vựa lúa gạo không lồ đủ sức nuôi cả nước.
Đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng miền Trung chả là gì so với vựa gạo khổng lồ này. Vẫn biết phải duy trì vùng miền để thực hiện an ninh lương thực phòng khi xảy ra chuyện này chuyện nọ nhưng để có bát cơm, cả nước cần phải cảm ơn Đồng bằng sông Cửu Long.
Vậy mà có những năm dài, bên thắng cuộc nhìn miền Tây Nam Bộ xem như vùng sâu vùng xa, chỗ chỉ để khai thác, vơ vét (lương thực, thực phẩm, rau quả, sức lao động…), nơi thí cho thứ gì là ban ân huệ thứ ấy, chứ không quan tâm đầu tư phát triển.
Thấy rõ nhất, suốt mấy chục năm, đường sá, nhất là đường cao tốc, ở miền Bắc và miền Trung mở mang ầm ầm, tỏa muôn ngả, hiện đại như Tây, thì Đồng bằng sông Cửu Long vẫn con quốc lộ 4 cũ, sau đổi thành quốc lộ 1, ì ạch, chật chội, chen chúc, như cái xương sống đã bị thoái hóa. Kể từ năm 2010 đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương ra đời, rồi cầu Mỹ Thuận do Úc giúp đỡ nối đôi bờ sông Tiền năm 2000 thì Đồng bằng sông Cửu Long mới thực sự thoát khỏi tình trạng vùng sâu vùng xa bị quên trong sự phát triển chung.
Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, đồng bằng Bắc Bộ, vùng duyên hải Hải Phòng, suốt tuổi thơ và tuổi thanh niên lăn lộn với ruộng đất nên hiểu dân miền Bắc làm ra hạt lúa củ khoai vất vả thế nào. Mỗi hột thóc là một giọt mồ hôi. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Ruộng đất ít. Đã thế nông dân còn bị đè nén trói buộc, mà khổ nạn nhất là cái ách hợp tác xã.
Chính sách công hữu hóa ruộng đất của cộng sản, thực chất là cướp đoạt ruộng đất của nông dân, thu gom về một mối làm ăn theo phương thức kinh tế tập trung, xóa bỏ hoàn toàn kiểu cá thể, tư hữu… đã giết chết nông nghiệp, nông thôn, nông dân miền Bắc. Nông dân suốt mấy chục năm sống ngắc ngoải ngay trên chính ruộng đất quê hương mình.
Họ thành kẻ làm thuê trên ruộng đất của mình đã bị tước đoạt. Hột thóc củ khoai do chính họ trồng trọt cũng bị thu hết, hợp tác xã (thay mặt chính quyền, nhà nước) chỉ chia, bố thí cho họ phần rất nhỏ đủ tồn tại lay lắt qua ngày. Không một người, một hộ nông dân nào có thể làm giàu, giàu có, 100 % luôn, bởi giàu riêng là có tội, là chống lại đường lối của nhà nước trên con đường lớn xã hội chủ nghĩa.
Làm nông nghiệp, cụ thể là trồng lúa, ở miền Bắc rất buồn cười. Nền kinh tế tập trung, theo chỉ đạo, nhất cử nhất động tuân lệnh từ trên, từ trung ương. Việc trồng lúa đã gắn trăm đời, nghìn đời với nông dân, họ có nhiều kinh nghiệm, nhưng nay nhà nước bắt họ lúc thế này, khi thế nọ, sáng đúng chiều sai, nông dân rất khổ.
Hồi thập niên 60, tôi nghe thày bu nói rằng cán bộ huyện về phổ biến cho cán bộ xã, rồi cán bộ xã quán triệt nông dân, xã viên từ nay phải cấy dày, chấm dứt kiểu cấy thưa. Cấy dày là học cách bên Tàu. Để đỡ lãng phí đất, họ nó vậy. Truyền nhau câu ca “Cấy thưa thừa đất/Cấy dày thóc chất đầy kho”, kẻ vẽ thành khẩu hiệu ở khắp các bờ tường, bảng tin. Thí điểm được một vài vụ, năng suất kém, khó làm cỏ, bỏ phân, bị dẹp. Lại trở về cấy thưa. Dân gian dí dỏm truyền nhau câu “Cấy thưa thừa thóc/Cấy dày thì cóc được ăn”.
Cấy là một công đoạn để làm ra hạt gạo. Có thể tóm tắt cái quy trình ấy như thế này: Làm đất, gieo mạ, nhổ mạ, cấy (công đoạn cấy gắn với câu thành ngữ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chỉ giao cho đàn bà), tát nước - bỏ phân - làm cỏ - trừ sâu, gặt, đập, phơi thóc, xay giã giần sàng. Có hạt gạo, rõ lắm công đoạn vất vả.
Một dạo, người ta còn hướng dẫn các bà các chị cấy chăng dây cho thẳng hàng thẳng lối, dễ làm cỏ. Đi cấy đã phải gánh mạ còn lách cách đem theo cuộn dây thừng, tới nơi chăng từ bờ này sang bờ kia, ngắm ngắm nghía nghía, cứ như đang làm nghệ thuật. Cấy hết một hàng, lại nhổ dây cắm hàng tiếp. Lúa có hàng lối, trông đẹp thì đẹp thật, nhưng mất thì giờ.
Mấy ông nhạc sĩ nghe đám tuyên giáo và phụ trách nông nghiệp ca ngợi phương thức làm ăn hiện đại tiên tiến liền đổ xô về nông thôn, gọi là đi thực tế sáng tác. Ông An Chung viết bài “Ba cô gái đảm” ca ngợi “Ba cô đi cấy chăng dây/Ba cánh áo gụ này, ba cây súng trường/Khi đi trời chưa tan sương/Khi về nắng chiếu trên đường, trên đường tròn quay”… Ông Thái Cơ còn tả rõ hơn, triết lý hơn “Lửa bom trên đồng làng, mà lúa vẫn thẳng hàng đứng dọc ngang”, đại loại vậy. Văn nghệ sĩ theo đảng thì đảng bảo gì mà chả làm.
Tôi là con nông dân, sau đó từng là nông dân thực thụ, chứng kiến những gì xảy ra trong làm ăn nông nghiệp kiểu hợp tác xã ở quê mình. Nay có thể chốt lại rằng chỉ tinh những cải tiến cải lùi, chả có tác dụng gì lâu bền, làm quê nhà suốt bao năm nghèo đói xác xơ.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 29.01.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.