lundi 22 janvier 2024

Tạ Duy Anh - Khổ đau tột cùng

 

Mải việc cưới xin cho con và sau đó chống đỡ cơn đau thần kinh cấp, đêm qua tôi mới có thời gian và tâm trí để tìm hiểu về "vụ án bán con", của một cặp vợ chồng trẻ.

Tôi không thể nào ngủ được.

Mẹ tôi lúc nhỏ từng bị đem "bán" (thực ra là gửi vào cửa khác) và nhờ thế bà mới có cơ hội sống sót để rồi có chúng tôi.

Cô ruột tôi từng phải đem cho đứa em sinh đôi, mà nếu tính thứ tự, nó đứng thứ 10. Ngày ấy tôi đã đủ lớn, để hiểu sự khổ đau của người mẹ phải cho con sang nhà khác, dù nhờ thế nó sướng hơn đứa được giữ lại. Giờ hai em tôi đều trưởng thành và chúng không hề trách cô tôi.

Trừ rất ít trường hợp bị xem là quỷ ám, trong đại đa số các lựa chọn, cha mẹ luôn lựa chọn điều tốt nhất cho con. Đó là bản năng vĩ đại của người làm cha mẹ. Mất bản năng này, thứ bản năng không thể bị nghi ngờ, nhân loại chắc chắc bị diệt vong từ trứng nước.

Buôn bán trẻ con, trong đó không ít trường hợp núp dưới danh nghĩa nhận và cho con nuôi trái luật, là hành vi tội ác phải bị nghiêm trị và phải tìm mọi cách để tiễu trừ tận gốc tệ nạn đó. Nhưng luật pháp không chỉ là các nguyên tắc phổ quát, được cụ thể hóa bằng các khung hình khi xét xử, mà còn rất cần xét tới từng trường hợp phạm tội cụ thể. Vai trò của quan tòa chính là để thỏa mãn điều kiện tưởng chừng trái ngược này.

Tôi đã đọc kỹ các diễn biến được tường thuật công khai, về trường hợp "bán con" đang nói tới. Để thấy và tin rằng có rất nhiều tình tiết cần phải được quan tòa xem xét theo hướng xót xa cho thân phận đồng loại, đồng bào, từ đó giảm nhẹ hình phạt, tha thứ cho cha mẹ cháu bé. Họ đáng trách, vô cùng đáng trách, nhưng họ là những người cùng đường về sinh kế. Những kẻ cùng đường, khổ cùng cực, luôn là những người rất dễ đánh mất lý trí. Chưa  kể có một nguyên tắc lượng hình bất thành văn: kẻ không biết mình phạm tội, thường là được miễn tội!

Nhưng trong mọi trường hợp như vậy, với một xã hội văn minh, trách nhiệm của cộng đồng phải rất lớn. Lớn đến mức đủ để bất cứ ai trong chúng ta cũng đủ an lòng để tin chắc chúng ta vẫn đang trong một xã hội văn minh!

Ngần ấy thời gian, xã hội đã làm gì để cưu mang họ, kéo họ khỏi vũng bùn đói rét đến mức thành cùng quẫn?

Trong vụ án này, tôi có câu hỏi dành cho các quan tòa và cho cả cộng đồng: Có đáng phải giam cha mẹ của bốn đứa con nhỏ không nơi nương tựa khi thiếu họ chúng có thể chết, trong khi tội họ gây ra hoàn toàn có nhiều cách khác để trừng phạt, giáo dục?

Họ đâu có gì nguy hiểm cho xã hội?

Trước phiên tòa, chúng ta có sáu người được biết đến là những kẻ cùng khổ. Sau phiên tòa, vẫn là họ, giờ trở thành những kẻ khổ đau tột cùng của nhân loại!

Luật pháp trong vụ trừng phạt này hoàn toàn không hề vì thế mà mạnh lên, nó chỉ đáng sợ hơn!

TẠ DUY ANH 22.01.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.