Hôm nay, 19/1/2024, tròn 50 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.
Phải khẳng định ngay, Hiến chương Liên Hợp quốc cũng như tất cả các văn bản luật quốc tế đều không thừa nhận việc sử dụng vũ lực để chiếm đóng lãnh thổ, biển đảo của một quốc gia có chủ quyền. Mọi hành vi cưỡng chiếm bằng vũ lực đều không có giá trị về mặt pháp lý.
Vì thế không có chuyện thời hiệu 50 năm Việt Nam mất chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa! Đó chỉ là "sợi dây" một số người tự đem ra trói mình để rồi lo lắng và gây áp lực, tuyên truyền méo mó. Mãi mãi, Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Chọn đường lối hòa bình, cuộc đấu tranh giành lại biển đảo, giành lại chủ quyền tuy trường kỳ, cam go nhưng chúng ta chưa bao giờ nguôi quên hay ngừng nghỉ.
Và chúng tôi cũng đã góp chút phần nhỏ bé vào công cuộc đấu tranh trường kỳ đó. Cũng hôm nay, tại Đà Nẵng, những anh em báo chí từng có mặt trên tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư ra Hoàng Sa tham gia đẩy đuổi giàn khoan Hai Yang 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép tháng 5-2014 sẽ có buổi họp mặt, vừa kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa, vừa ôn lại 10 năm những ngày sẻ chia sóng gió vụ Hải Dương Thạch Du-981. Thật đáng tiếc, hùi hụi, vì công việc tôi không ra được. Nhưng câu chuyện 10 năm, 50 năm thì chẳng thể nào quên.
Bài viết dưới đây là một trong nhiều kỳ báo đăng trên ANTG và CAND mà tôi đã thực hiện sau chuyến đi 8 ngày trên biển của 10 năm về trước. Tôi ra Hoàng Sa trên tàu CSB 4033, về lại đất liền bằng tàu CSB 2013. Ở đó, tôi đã chụp 1.200 bức ảnh, quay 43 đoạn clip, viết và đăng hơn 15 bài trên nhiều báo.
****
Hoàng Sa – Sóng dữ mùa biển lặng
Kỳ I: Giữa muôn trùng vây ANTG - Thứ Ba, 10/06/2014, 17:35
Đầu tháng 5/2014, cả nước sôi sục. Cánh nhà báo chúng tôi cũng đứng ngồi không yên. Một cuộc chạy đua sôi động trong báo giới nhằm tìm cho được cơ hội tháp tùng tàu Cảnh sát biển (CSB) để có thể có mặt ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực Nam Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã thật sự diễn ra.
Chiều Chủ nhật 11/05, từ Hà Nội, đồng nghiệp Phan Đăng báo cho tôi một tin đáng thất vọng: Báo Công an nhân dân chỉ được chấp nhận một suất đi Hoàng Sa. Tên tôi có trong danh sách đăng ký nhưng không nằm trong danh sách được tham gia đoàn. Hai ngày trước đó, đã "bước hụt" trong chuyến đi đầu tiên tổ chức cho 19 nhà báo theo tàu Kiểm ngư ra Hoàng Sa nên lần này, tôi quyết không để cơ hội vuột khỏi tay mình. Ngay lập tức, tôi đặt vé máy bay ra ngay Đà Nẵng.
Cái lắc đầu kiên quyết của Thượng tá Đinh Quốc Ruân, Phó Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 khiến tôi tiếc hùi hụi nhưng không buộc được tôi bỏ cuộc. Tôi nói với anh Ruân, nửa đùa nửa thật: "Tôi không về đâu. Nói ra Hoàng Sa là phải đến Hoàng Sa. Giờ mà tôi quảy ba lô về, vợ tôi sẽ...đánh chết".
Gọi điện hàng chục cuộc, gõ đủ mọi cửa, mọi cấp, 18 giờ ngày 12/05, tôi được tiếp cuộc điện thoại của Thiếu tướng Hoàng Văn Đồng, Phó Chính ủy CSB Việt Nam. Ông yêu cầu: "Bằng mọi cách, anh phải có mặt tại Đà Nẵng để họp đoàn vào 19 giờ tối nay!". Khi nói câu đó, tướng Đồng chắc là đang đinh ninh tôi vẫn ở TP Hồ Chí Minh, không thể nào ra kịp. Hụt chuyến đi chắc chắn là lỗi tại tôi không đáp ứng về giờ giấc. Còn tôi thì mừng quá, tôi quên mất mình đã tỏ ra hơi đường đột: "Báo cáo thủ trưởng, tôi đã đứng trước cửa phòng họp từ lúc 16 giờ chiều rồi ạ!".
Đúng 1 giờ sáng ngày 13/05, chúng tôi được lệnh xuống tàu. Trùng hợp bất ngờ, con tàu đưa chúng tôi rời cảng Tiên Sa - Đà Nẵng mang số hiệu CSB 4033, chính là chiếc tàu đã xuất hiện nhiều lần trong các bản tin thời sự đặc biệt về Hoàng Sa mấy năm trước và ngay hồi đầu tháng 5/2014. Đợt Trung Quốc cho tàu xâm nhập cắt cáp quang năm 2012, tàu này đã 2 lần va đâm với tàu Hải Cảnh Trung Quốc. Ngày 03/05/2014, nó đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc đâm thẳng vào mạn phải, gây hư hỏng trầm trọng. Về cảng sửa chữa không đầy một ngày rưỡi, tàu 4033 lại nhận được lệnh ra khơi vào 15 giờ chiều ngày 12/05, chỉ 3 giờ trước khi tôi nhận được quyết định tham gia đoàn!
Ngoài 23 nhà báo trong nước, tham gia chuyến hải hành trên tàu CSB 4033 còn có thêm 9 phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài của Kyodo News, AP, AFP, Bloomberg, Ashahi TV…Họp đoàn, chúng tôi được quán triệt: phải nhường những cơ hội tác nghiệp tốt nhất và hết sức giúp đỡ các đồng nghiệp nước ngoài. Những ghi nhận và thông tin khách quan của họ sẽ rất có lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa.
Lên tàu, đồng nghiệp Vatagal Toshihiro cho tôi biết, anh đang là Trưởng phân xã Đông Nam Á của Hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản), thường trú tại Băng Cốc, Thái Lan. Dù đang trong đợt thông tin cao điểm về thời sự bầu cử, biểu tình tại Thái, nhưng khi nghe tin có đoàn đi Hoàng Sa, Toshihiro đã sang Việt Nam ngay chứ không cử bất kỳ phóng viên nào khác. Anh bảo: "Hoàng Sa của các bạn cũng giống như Senkaku (Điếu Ngư) ở trên biển Hoa Đông của chúng tôi, đang phải đối đầu cùng một nguy cơ, cùng một đối thủ. Tôi không thể bỏ lỡ cơ hội được quan sát tận mắt!".
Thêm một trùng hợp may mắn nữa: tàu CSB mà chúng tôi đang có mặt được coi là hạm kỳ - Chỉ huy Biên đội tàu CSB của chuyến công tác. Đại tá Võ Văn Kính, Phó chính ủy; Thượng tá Đinh Quốc Ruân, Phó chủ nhiệm chính trị; Thượng tá Trần Quang Tuấn, Chỉ huy phó; Trung tá Trần Lê Trang, Phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng CSB 2 đều cùng lúc có mặt trên tàu.
Ngẫu nhiên nữa, Trung tá Trần Lê Trang và tôi là bạn đồng hương, cùng tuổi, ở cùng xóm, cùng xã, 36 năm trước chúng tôi là bạn học tiểu học với nhau ở Trường cấp I, II Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ly hương lang thang già nửa đời người, công việc hoàn toàn khác nhau, nhưng khi đất nước có nguy cơ, hai thằng bạn chăn trâu ngày xưa lại chung một con tàu cùng hướng ra biển lớn, tiến vào điểm nóng.
9 giờ sáng ngày 13/05, tàu chúng tôi đã ra đến Hoàng Sa, thả trôi cách nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khoảng 10 hải lý. Dù đã biết trước sự căng thẳng, chúng tôi vẫn khá sốc trước thực tế được nhìn tận mắt. Hướng đông bắc của con tàu, đường chân trời của biển Hoàng Sa bị cắt vụn thành nhiều mảnh bởi hàng chục tàu Trung Quốc đủ các loại, từ hải giám, hải cảnh, ngư chính cho đến tàu tuần tiễu tấn công nhanh lớp Hải Thanh, lớp Giang Khải, tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Hậu Tấn…
Bằng mắt thường, tôi đếm được 21 tàu trong tầm nhìn. Nằm ở phía ngược sáng trong nắng sớm, những con "tàu bạn" (nghe rất mỉa mai) nổi lên như những bóng ma đen thẫm, cứ lừ lừ tiến tới hoặc bám theo lẳng nhẳng mỗi khi tàu CSB của chúng tôi đi ngang. Trong màn hình ra đa trinh sát đặt trong cabin chỉ huy của tàu CSB 4033, biên đội 6 chiếc tàu CSB Việt Nam bị áp mạn bởi hàng chục tàu Trung Quốc, hiện ra lốm đốm như một vốc kính vỡ. Chỉ cần tàu Việt Nam sơ suất một chút là sẽ bị chúng cứa sườn.
Những ngày sau đó, giữa tàu Trung Quốc và tàu ta, những cuộc rượt đuổi và vòng tránh đâm va đã liên tục diễn ra. Theo nhiệm vụ chấp pháp trên biển, các tàu CSB Việt Nam gồm 4033, 8003, 2013, 2016… thường xuyên thay nhau tiến sâu về phía giàn khoan để tuyên truyền, giải thích và yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực.
Cứ mỗi lần tàu Việt Nam vào cách giàn khoan 8-9 hải lý là lập tức hàng loạt tàu hải cảnh của Trung Quốc lại lao ra. Chiếc bám song song bên mạn phải, tìm cách áp sát để phun vòi rồng hoặc tìm cách bổ ngoặt húc vào mạn tàu Việt Nam gây hư hại, buộc tàu ta phải tránh, rút. Chiếc đuổi theo, vòng sang trái rồi bất ngờ chặn đầu, buộc tàu ta phải chuyển hướng ra xa, giãn cự ly so với giàn khoan, nếu không muốn cầm chắc sẽ tông va vào tàu Trung Quốc lớn hơn nhiều, vừa cầm chắc thiệt hại, vừa tạo cớ cho họ bôi nhọ, vu cáo. Những cú chặn đầu này còn khiến tàu ta phải chậm lại, lùi lái để phòng tránh, tạo điều kiện cho các tàu đang áp mạn của Trung Quốc có thêm thời gian cơ động tiếp cận và thực hiện những cú va đâm kiểu cắn trộm.
Thường thì âm mưu của tàu Trung Quốc đều nhanh chóng bị tàu ta phát hiện và xử lý kịp thời. Quán triệt chủ trương tránh va chạm tối đa và không rơi vào bẫy khiêu khích của tàu Trung Quốc, tàu Việt Nam thường khéo léo ngoặt hướng vòng tránh. Không dám liều lĩnh tấn công khiêu khích trực diện những tàu lớn của ta như các chiếc CSB 8003, CSB 8001, tàu Trung Quốc to lớn hơn thường tìm cách cắt tốp các tàu nhỏ CSB 2013, CSB 2016, CSB 4033… khi những tàu này vào sâu chấp pháp, sau đó 4-5 tàu Trung Quốc sẽ vây chặt một tàu CSB nhỏ của Việt Nam và cố tình gây va chạm, đâm phá, vừa uy hiếp, gây thiệt hại vừa khiêu khích.
Những lúc bị dồn ép giữa vòng vây, nhỏ cũng có cái lợi, bởi khẩu độ khi ngoặt trái, phải sẽ nhỏ và nhanh hơn. Khi tàu ta đã kịp thời rẽ ra khỏi cự ly nguy hiểm, tàu Trung Quốc lớn hơn vẫn chưa kịp mở hết vòng ngoặt nên thường bị tụt lại, không thực hiện được âm mưu phun nước hoặc va đâm. Tuy vậy, dã tâm không bỏ, họ vẫn luôn lởn vởn rình rập.
Sáng 14/5, 20 tàu Trung Quốc vây 6 tàu Việt Nam. Khi tàu CSB 4033 của chúng tôi tiến vào ở cự ly cách giàn khoan khoảng 6 hải lý, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc số 3411 và 2112 đã thay phiên cắt chéo mặt và khóa đuôi, dồn ép tàu ta. Chiều hôm đó, vẫn 20 tàu này tiếp tục dàn hàng chạy cắt ngang đường đi của biên đội tàu CSB, ngăn không cho tàu ta vào sâu chấp pháp.
Sáng hôm sau, cách giàn khoan hơn 8 hải lý, hai tàu 3411 và 2112 của Trung Quốc mở hết tốc lực cố dồn ép tàu 8003 của ta ra xa. Đã bố trí đội hình đề phòng từ trước, 5 tàu còn lại của biên đội CSB đã đồng loạt lao ra hỗ trợ, chặn âm mưu khiêu khích. Sau khi bám đuổi khoảng 6 hải lý, các tàu Trung Quốc không thực hiện được âm mưu, đành bỏ cuộc và chuyển sang khiêu khích các nhóm tàu kiểm ngư của Việt Nam - có kích thước bé hơn, tốc độ cũng chậm hơn.
Dù cố tránh, nhưng thiệt hại vẫn là điều không thể tránh khỏi. Chỉ riêng trong sáng 18/05, 2 tàu Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công gây hư hại. Tàu CSB 2013 bị húc vào mạn, sườn móp méo, gãy toàn bộ lan can bên phải. Tàu kiểm ngư KN 762 bị tàu đầu kéo Trung Quốc phun vòi rồng và tông húc bể toàn bộ cửa kính cabin, sập mái che sau đuôi, gãy xuồng cứu sinh và dập một phần mạn phải. Lúc đó, tàu CSB của chúng tôi ở cách khá xa, chỉ có thể chứng kiến bằng mắt thường nhưng không kịp cơ động ứng cứu giải vây.
Chứng kiến thường xuyên những sự thật trên biển, phóng viên Vatagal Toshihiro khi được phỏng vấn đã phải thốt lên: "Thật không tin nổi. Tôi thật sự bị sốc. Chưa bàn đến chuyện cơ sở pháp lý chủ quyền, chỉ với hành vi mà tôi đã chứng kiến, phía Trung Quốc cũng đã thể hiện một sự ngạo mạn, ngang ngược không thể chấp nhận nổi. Tôi sẽ nêu rõ điều này trong các bản tin của mình".
Đáng tiếc, anh phóng viên của Hãng Kyodo cùng tất cả các phóng viên nước ngoài khác đều rời tàu 4033 (và các tàu khác) chỉ sau 3 ngày hải hành. Họ vừa vắng mặt thì đến lượt tàu 4033 của chúng tôi bị tấn công trực diện liên tiếp.
Sáng 16/05, 3 tàu CSB 2013, 2016 và 4033 tiến sâu vào cách giàn khoan khoảng 5,5 - 6 hải lý. Lập tức cùng lúc 6-7 tàu Trung Quốc lao ra, cứ 2-3 tàu Trung Quốc bọc sườn cắt mặt một tàu Việt Nam trong khi 8 tàu khác dàn hàng ngang lập hàng rào không cho tàu ta tiến vào chấp pháp. Từ khoảng cách 0,5 hải lý, 1 tàu đầu kéo và 2 tàu hải cảnh 33101 và 31101 của Trung Quốc đã thi nhau tăng tốc lao thẳng về phía tàu 2013 của CSB. Khi đến gần, các tàu này đều tháo bạt các nòng pháo 25 ly và vòi rồng phun nước, trong khi vẫn không giảm tốc.
Tàu CSB 4033 lập tức cơ động tiến ra, phát loa cảnh báo, yêu cầu tàu Trung Quốc dừng ngay các hành động khiêu khích và lập tức rời khỏi khu vực. Sau khoảng 15 phút không dồn và áp sát được tàu CSB 2013, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc bổ ngoặt sang đuổi tàu CSB 4033. Tàu 33101 bọc đầu, tàu 31101 áp mạn, chạy song song phần đuôi tàu 4033. Bất chấp lời cảnh báo từ tàu ta phát ra, khi cự ly hai sườn tàu chỉ cách nhau khoảng 20 m, tàu Trung Quốc đột ngột kéo còi xin vượt bên mạn phải. Âm mưu của họ là nếu ta để cho họ vượt lên theo luật, con tàu này sẽ bất ngờ xoay ngang, khiến tàu ta, nếu không đâm vào tàu Trung Quốc thì sẽ bị chính tàu Trung Quốc đâm ngang sườn.
Không mắc mưu, thuyền trưởng tàu 4033, Thượng úy Lê Trung Thành lập tức ra lệnh: "Máy trái, phải 1000, máy giữa 1250". Chiếc CSB lập tức tăng tốc lao vọt đi, vượt sau đuôi chiếc 33101 vừa vòng cắt mặt đồng thời cho chiếc 31101 phía sau “ngửi khói”. Chiếc tàu hải cảnh này cũng rú lên, tăng tốc, nhưng ngày càng bị bỏ xa, tụt lại dần. Sau 15 phút đuổi riết, cả hai tàu đành bỏ cuộc.
Sáng ngày 17/05, một cuộc rượt đuổi tương tự lại lặp lại. Lần này kẻ truy đuổi tàu CSB 4033 của ta là chiếc hải cảnh 46001 đã bị anh em cảnh sát biển nhẵn mặt vì nổi tiếng hung hăng. Nó đã từng đâm thẳng vào tàu CSB 4032 của ta và bị… rơi mất một chiếc neo vào sáng 13/05. Tàu 4033 vừa chạy dích dắc phòng tránh va đâm, vừa tăng tốc lên đến 28 hải lý/ giờ. Sau khoảng 15 phút, chiếc 46001 bị bỏ rơi, đành giảm tốc và vòng về co cụm.
Tuy nhiên, tối hôm đó, khi tàu 4033 đang thả trôi cách giàn khoan 11 hải lý, chính nó lại cùng một tàu khác bất ngờ vòng hai bên mạn, bật đèn pha chiếu thẳng vào tàu ta và tháo bạt nòng súng phun nước, sau đó lại tiếp tục truy đuổi. Cũng như những ngày trước, âm mưu khiêu khích và uy hiếp của các con tàu này lại bất thành. Chúng đành bỏ cuộc và quay lại mà không thể gây thêm tổn thất nào cho chiếc CSB 4033 nữa...
NGUYỄN HỒNG LAM 19.01.2024
Ảnh chụp trên cabin tàu CSB 4033, trên biển Hoàng Sa ngày 14/05/2014. Từ trái sang: Lê Văn Chương (Báo Biên Phòng), Lê Mạnh Thường (Báo Hải Quân), Nguyễn Hồng Lam (báo An Ninh Thế Giới), Phan Thanh Hải (Báo Lao Động), Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ).
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.