lundi 25 décembre 2023

Huỳnh Ngọc Chênh - Xin các ngài đừng làm rối rắm thêm cách gọi danh từ hóa học

 

Lo người Việt không có từ khoa học để diễn đạt và giảng dạy, từ năm 1942, học giả Hoàng Xuân Hãn đã cất công soạn ra cuốn danh từ khoa học. Từ đó người Việt đã không dùng nguyên xi tiếng Pháp để diễn đạt các nội dung khoa học nữa.

Đặc biệt trong lãnh vực hóa học, tên các nguyên tố, các chất hóa học rất khó Việt hóa, nhưng Ông Hoàng Xuân Hãn vẫn dày công nghiên cứu và Việt hóa khá trọn vẹn. Như oxygen, nitrogen, sodium, potasium, acide, oxyde, acide sunfurique, acide sunfureuse, hydroxyde de fer II ...  Việt hóa ra thành ô xy, ni tơ, natri, kali, axit, oxyt, axit sunfuric, axit sunfurơ, hydroxit sắt nhị ...

Hầu hết danh từ hóa học ông Việt hóa từ tiếng Pháp và cả từ tiếng Latinh. Ví dụ tiếng Pháp gọi là potasium, sodium thì ông Việt hóa thành Kali, Natri từ gốc tiếng La tinh là kalium, natrium.

Ông đưa ra một số nguyên tắc Việt hóa:

- Tiếng Việt đã có và quen dùng thì dùng tiếng Việt như: Sắt, đồng, nhôm, kẽm... ôxit sắt, ôxit nhôm ...

- Tiếng Pháp viết khác xa với ký hiệu hóa học thì dùng tiếng La Tinh để phiên ra như: Natrium ra Natri (ký hiệu Na), calcium ra canxi (ký hiệu là Ca) ...

Dĩ nhiên sau này, hệ thống danh từ khoa học của ông Hoàng Xuân Hãn không còn đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và ngôn ngữ tiếng Việt. Các nhà khoa học và ngôn ngữ về sau đã nghĩ đến chuyện hoàn thiện hệ thống danh từ khoa học.

Ở miền Nam vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đầu ngành như giáo sư (GS) Phạm Hoàng Hộ (Sinh), GS Trần Kim Thạch (Địa chất), GS Nguyễn Chung Tú (Vật lý), GS Lê Văn Thới, GS Chu Phạm Ngọc Sơn (Hóa) GS Đặng Đình Áng (Toán) ... đã họp nhau lại dưới sự chủ trì của giáo sư Lê Văn Thới theo yêu cầu của Bộ Giáo dục đương thời. Thống nhất các quy tắc cơ bản định danh danh từ khoa học rồi dựa vào đó soạn lại toàn bộ danh từ khoa học bao gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa chất, Thiên văn, Điện toán ...

Nguyên tắc của nhóm này đưa ra dựa trên nguyên tắc của ông Hoàng Xuân Hãn và phát triển thêm hợp lý hơn. Các danh từ được kế thừa lại từ danh từ đã Việt hóa của học giả Hoàng Xuân Hãn và phát triển mở rộng, hoặc hiệu đính lại những chỗ chưa hợp lý.

Công việc đồ sộ này bắt đầu triển khai từ năm 1972, đến năm 1975 thì đã đi quá nửa chặng đường, nhưng rồi bị bỏ dở vì biến cố chính trị.

Tuy bộ từ điển danh từ hóa học mới chưa được soạn xong, nhưng hệ thống danh pháp hóa học đã được định hình và đưa vào sử dụng thống nhất từ bậc tiểu học lên đến đại học và cao học.

Hệ thống danh pháp này rất là Việt Nam, không theo Pháp, không theo Anh, đã đi vào chương trình giáo dục và quan trọng khá gần gũi với công chúng bên ngoài.

Công chúng đã quen với các từ như acit clohydric, ôxyt nhôm, hydroxyt natri, ôxyt sắt tam, vàng, đồng, chì, kẽm, natri, kali ... Nay tự dưng lại bắt đổi hết ra từ tiếng Anh vô cùng xa lạ như aluminum oxyde, sodium hydroxyde, iron three oxyde, gold, copper, lead, zinc, sodium, potasium ...

Từ lúc chữ Quốc Ngữ còn sơ khai của thời học giả Hoàng Xuân Hãn (1942) đến thời của nhóm giáo sư Lê Văn Thới (1975), trải qua hơn 30 năm, các bậc tiền nhân mới Việt hóa được hệ thống danh từ khoa học nói chung và danh từ hóa học nói riêng từ tiếng Pháp, giúp dân ta thoát khỏi sự lệ thuộc vào tiếng Pháp về mặt ngôn từ khoa học. Đó là điều vô cùng quý giá, chúng ta thế hệ đi sau cần phải gìn giữ và tiếp tục phát triển.

Ấy vậy mà bộ giáo dục ngày nay lại làm một việc ngu xuẩn đến kinh hồn. Các vị lại chuyển đổi hệ thống danh từ hóa học tiếng Việt ra thành tiếng Anh gọi là cải cách.

Các vị bắt học sinh méo mồm gọi ôxyt sắt là iron oxyde, hydroxyt nhôm thành aluminum hydroxide, sunfua kẽm thành zinc sulfur, cái mâm nhôm thành mâm aluminum, bộ lư đồng thành bộ lư copper, dây chuyền vàng thành dây chuyền gold, cánh cửa sắt thành cánh cửa iron ... vô cùng quái dị.

Theo đà này có khi các ngài bên khoa học nhân văn sẽ bắt học sinh gọi chính phủ là goverment, luật pháp là law, văn hóa là culture ...

Các vị rảnh quá và không biết cái gì để cải cách, thì ngồi im chơi cho dân nhờ. Các vị đừng có gây rối việc học hành của thế hệ trẻ nữa vốn đã quá rối rồi.

HUỲNH NGỌC CHÊNH 25.12.2023

Ảnh 1 Bìa sách Danh Từ Khoa Học của học giả Hoàng Xuân Hãn

Ảnh 2 Bảng phân loại tuần hoàn với tên gọi các nguyên tố hoàn toàn theo tiếng Anh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.