mardi 23 janvier 2024

Dương Quốc Chính - Vụ bán con lấy 18 triệu


 Vụ hai vợ chồng bán con lấy 18 triệu tạo nên nhiều nghịch lý xã hội. Cặp đó bán một đứa con út (hình như mới 1 tháng tuổi), tức là chưa đầu tư gì vào việc nuôi dạy, cũng chưa có nhiều tình cảm gắn bó, để lấy tiền nuôi ba đứa còn lại lớn hơn.

Nhưng họ bị bắt bỏ tù, tức là sẽ không có 18 triệu để nuôi con (cũng chưa chắc thực tế đã vậy). Mà hơn nữa, bốn đứa con mất luôn bố mẹ, chỉ còn trông vào ông bà, đói rách bệnh tật. Chúng nó sẽ sống sao?

Tòa cho rằng, bán con đã là một tội, bán mà còn không quan tâm đến người mua là ai, hoàn cảnh thế nào, thì tội nặng hơn.

Nhưng ngẫm lại, nhà này đã quá nghèo, dưới đáy xã hội rồi, thì cho ai nuôi thì đứa bé cũng sướng hơn sống với bố mẹ đẻ. Nên bán con có khi lại là giúp con có cuộc sống tốt hơn, vì không thể khổ hơn được nữa (người nghèo hơn sẽ chẳng có tiền mà mua con).

Mình nghĩ tòa xử không sai, mức án là đích đáng, vì tội buôn bán trẻ em (lại chính là con mình), về mặt đạo đức cũng không thể chấp nhận. Nhưng về lý tính mà suy xét thì bản án tưởng chừng như để răn đe xã hội, lấy lại công bằng cho nạn nhân (như mục tiêu của việc xử án nói chung) thì trong vụ này lại tạo nên một nghịch lý là làm hại thêm nạn nhân, chính là những đứa con, tạo thêm gánh nặng cho gia đình họ. Bố mẹ lẽ ra phải đi làm để nuôi con, thì nay lại không phải nuôi nữa, và chính họ lại được nhà nước nuôi ở tù!

Còn việc bán con, tưởng chừng như làm hại nó, thì có lẽ lại tốt cho nó hơn. Một đứa trẻ 1 tháng tuổi đang là vô tri, nó sẽ chả đau buồn gì cả, mà chính bố mẹ nó mới đau buồn, nếu có tình mẫu tử. Tức là hành động bán con không làm hại ai, chả hại xã hội, mà chỉ làm hại chính thủ phạm.

Vậy bản án đúng về pháp lý, nhưng lại sai về mặt xã hội? Có cách nào để giải quyết nghịch lý này không? Chính quyền, các tổ chức xã hội có trách nhiệm gì không?

Đúng là quá nghèo mà lại đẻ nhiều thì là làm hại xã hội. Nếu các tổ chức, cá nhân, không đứng ra gánh vác, thì chính cơ quan bảo vệ pháp luật đã góp phần bóp chết bốn đứa bé không ai nuôi.

Nhưng người nghèo làm cách nào để hạn chế đẻ, khi mà họ chả có tiền mua bao cao su, không muốn/không có tiền để đặt vòng, uống thuốc tránh thai (bản chất là triệt sản tự nguyện). Họ sinh đẻ tự nhiên như cây cỏ, như động vật hoang dã thôi, sao mà hạn chế được. Đây mới là nghịch lý xã hội lớn nhất. Phải chăng các bệnh viện công cần có dịch vụ triệt sản miễn phí cho người nghèo? Nghe thì có vẻ ác và phân biệt đối xử, sad but true.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 23.01.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.