dimanche 21 janvier 2024

Dương Quốc Chính - Gió thổi chênh vênh

 

Tút trước mình chỉ viết ngắn vì chưa có thời gian. Nên không rõ ý. Vì thế nên nhiều anh em vào phản biện này kia. Nay mình mới viết cụ thể về chuyện hai anh kia chửi nhau.

Với mình thì chuyện đó lẽ ra là không đáng có, nên mình mới viết là do vấn đề nhận thức. Mình trước giờ không có giao du gì đáng kể với những người đã từng hoạt động (mà tút trước mình viết là anh em dân chủ). Có quan hệ, gặp gỡ với một vài người cũng chỉ mang tính xã giao. Chính vì thế nên mình tin là mình có góc nhìn khách quan khi đánh giá về các anh.

Về anh Chênh, mình biết anh có quá khứ tham gia phong trào sinh viên miền Nam cùng anh Khế, anh Mẫm...Mình tạm gọi là anh thôi chứ đúng ra phải gọi là chú. Mình khá hiểu lịch sử giai đoạn đó nên cũng hiểu vai trò của các anh sau này với chế độ mới, tại sao được trọng dụng ở báo Thanh Niên. Nhóm này thực ra rất gần với thành phần thứ ba thời đệ nhị Cộng hòa.

Tất nhiên với quá khứ đó, sẽ có nhiều người thuộc phe vàng coi họ là Việt cộng và căm ghét họ. Cho dù một số người trong nhóm đó lại quay xe, có những hành động phản đối chính quyền mới, điển hình như Huỳnh Tấn Mẫm là thế hệ đầu, rồi tới Huỳnh Ngọc Chênh. Anh Mẫm là người sáng lập báo Thanh Niên, anh Khế là tổng biên tập lâu nhất của báo và anh Chênh từng là thư ký tòa soạn báo Thanh Niên Chủ nhật hay Online gì đó, đại khái cũng là một vị trí quan trọng.

Như vậy, anh Mẫm, anh Chênh có số phận khá éo le khi làm phản động ở cả hai chế độ và bị cả hai phe nghi kỵ. Anh Mẫm bị nhiều hơn, vì là nhân vật quan trọng hơn, làm to hơn anh Chênh. Nhưng lần này là anh Chênh dính đòn. Mà đòn này lại xuất phát từ anh Hiếu gió, từng là một người hoạt động với anh và vợ anh (chị Hạnh).

Anh Chênh làm quân anh Khế lâu năm, dĩ nhiên sẽ có tình cảm sâu đậm, chưa kể còn cùng lý tưởng từ trước 75. Là con người thì ai cũng có tình cảm cá nhân, nằm ngoài lý tưởng, quan điểm chính trị. Nếu hiểu điều đó, thì sẽ thấy việc anh Chênh viết status có một chữ BUỒN khi anh Khế bị bắt, thì không có gì đáng để chê trách cả. Đó là tâm trạng của ảnh khi thấy sếp cũ, một người anh bao năm gắn bó bị ngã ngựa thôi.

Thế nhưng anh Hiếu lại cà khịa anh Chênh, coi anh Chênh là lâu nay vốn che giấu tội cho anh Khế, lại tỏ ra thương xót "kẻ tham nhũng". Mình không rõ trong thời gian trước, anh Chênh có bao che tội lỗi gì cho anh Khế không, nhưng ở mấy tút gần đây thì mình thấy anh Chênh có thái độ chừng mực khi kể về quá khứ của anh Khế. Tất nhiên không chửi sếp cũ rồi.

Mình cho là với người từng chịu ơn (làm nhà nước thì lính mà được ở vị trí tốt thì đều ơn sếp vậy cả), thì phản ứng vậy là phù hợp. Không có gì đáng chửi. Chả nhẽ anh em cần thấy anh Chênh phải chửi anh Khế giống thời cải cách ruộng đất người làm đấu tố ông chủ, thì mới chấp nhận sao? Mình cho là với những người rất thân thiết thì việc để tình cảm cá nhân lên trên quan điểm chính trị cũng là điều chấp nhận được. Thế mới là con người.

Một trường hợp điển hình khác kể cho anh em so sánh. Đó là tướng Giáp - người phải chịu ơn Chánh mật thám Đông Dương Marty, vì ông ta có công lôi ông Giáp ra khỏi tù và cho ăn học thành một trong những lãnh tụ cộng sản Việt Nam có học nhất thời đó.

Sau này, khi được nhà báo phương Tây hỏi về Marty, ông Giáp tuyệt nhiên không nói gì. Kể cả trong hồi ký, sách báo chính thống, ông Giáp cũng không hề chửi ông Marty. Mà ông Giáp là người cộng sản toàn tòng, đã từng khá cực đoan chống thực dân. Trong khi Marty có rất nhiều nợ máu với cách mạng, chánh mật thám Đông Dương cơ mà. Nhưng tướng Giáp vẫn không chê hay khen ông Marty, tuyệt nhiên không. Vì nói gì thì cũng đều bất lợi cả! Rõ ràng hai người ở hai bên chiến tuyến, đều ở vị trí rất cao cấp, đối đầu nhau, tức là quan điểm đối nghịch. Đó là cái khôn ngoan và cũng đáng nể ở ông Giáp.

Như vậy, nếu hiểu biết, thì anh Hiếu, cũng như các anh em khác nên hiểu cho anh Chênh. Lẽ ra anh Chênh không nói gì luôn thì khôn ngoan hơn. Trong tút kể về dự án Bến Vân Đồn, anh Chênh có cho là KHÔNG BIẾT nhiều chuyện, điều đó khiến cho nhiều anh em căm tức, vì cho là bao che cho anh Khế! Nhưng anh em nên nhớ là trong luật hình sự, người ra cũng không truy cứu việc thân nhân không tố giác tội phạm là người thân. Nếu để lý tưởng đè lên tình cảm cá nhân thì chỉ có cộng sản mà thôi.

Một chuyện khác, mình nghĩ nhiều anh em fan anh Hiếu cũng có nhận thức rất sai, khi cho là anh Khế nhập kho là do anh Hiếu tố cáo bấy lâu nay! Chính vì thế, nên họ mặc nhiên về phe anh Hiếu để chống lại anh Chênh. Vì đơn giản là họ căm ghét cộng sản, căm ghét quan tham, trong khi anh Hiếu tố giác quan tham còn anh Chênh thì bao che! He he, dễ hiểu chưa?

Thực ra, đọc tin anh Hiếu viết, thì cần thấy rằng, những tin nhạy cảm mang tính thâm cung bí sử, anh Hiếu không thể có nguồn lực tự điều tra được, mà phải có người gửi tin. Có nghĩa là anh Hiếu là người đưa tin, một kiểu loa phường, anh có thể sáng tác thêm một chút văn vẻ, câu chữ, đọc cho nó ly kỳ rùng rợn. Đọc tỉnh táo là phải thấy như vậy.

Đương nhiên người ta chuyển tin cho anh Hiếu là phải có mục đích riêng, có thể đấu đá nội bộ, có thể ai đó trong hệ thống tự diễn biến, hoặc đơn giản là họ cần vận động/thăm dò dư luận, ném đá dò đường mà thôi. Có nghĩa là việc bắt anh Khế bản chất là "công lao" ở nhóm điều tra, truyền tin. Mình dự là phe cánh đâm nhau là khả năng cao nhất. Các tin tức "xấu độc" về anh Khế còn có từ giai đoạn "đại chiến Ba-Tư", tức là "tiền đốt lò" cơ. Nên bảo công bác cả đốt lò cũng chả đúng hoàn toàn.

Mình chỉ là thằng đứng ngoài quan sát, bình luận chính trị, xã hội nên chỉ phân tích theo ý hiểu của mình vậy thôi, không có mục đích định hướng anh em. Mà giờ mình bị Facebook chặn tương tác rồi, nên đừng ai vu mình là KOL hay nhà dân chủ gì nhé, phải tội!

Còn quan điểm cho rằng dân chủ là phải cãi nhau, phải có mâu thuẫn, về cơ bản không sai lắm. Ngoại trừ việc đa số anh hiểu hiểu sai khái niệm dân chủ. Thực ra cái nói trên là tự do ngôn luận. Dân chủ nó khác với tự do, chế độ dân chủ hoàn chỉnh là phải có tự do, trong đó có tự do ngôn luận. Nói tóm lại, nếu coi chế độ dân chủ là một bức tường thì các loại tự do (ngôn luận, lập hội, kinh tế, bầu cử và ứng cử...) là gạch và vôi vữa xây nên bức tường đó. Tường dân chủ sẽ bền khi tự do có đầy đủ.

Không phải cứ chỗ nào có cãi chửi nhau có nghĩa là có tự do ngôn luận. Tự do luôn phải được giới hạn bởi pháp luật là rào cản cứng và quan điểm đạo đức, tôn giáo (là rào cản mềm). Đừng thấy các nghị sĩ ném giày vào nhau thì coi đó là dân chủ, thử ném giày mà gây thương tích xem, vẫn đi tù đó. Đừng có nhìn bề ngoài mà suy diễn ra tổng thể.

Hai anh kia chửi nhau, mình cho là không dựa trên kiến thức và lý lẽ nhiều. Tất nhiên nó chưa tới mức phạm pháp, nhưng về nguyên tắc tranh luận theo chuẩn mực chung thì không có, vì thiên về tấn công cá nhân. Nên đừng có cổ vũ kiểu "tranh luận” đó và cho đó là tất yếu phải có của nền dân chủ. Nền dân chủ sẽ có mâu thuẫn và tranh cãi, nhưng nếu tranh cãi mà đa số không văn minh, thiên về ngụy biện, thì tốt nhất là không có tự do ngôn luận. Tự chửi nhau thoải mái chả có luật lệ gì, thì là tự do kiểu hoang dã, nó không phải là nền tảng cho chế độ dân chủ đâu.

Mình từng tranh luận với các anh Ngô Bảo Châu, anh Huỳnh Thế Du, anh Hồ Đắc Ngã...cũng khá kịch liệt. Nhưng nói chung các bên vẫn dựa trên lý lẽ nhiều hơn và không thấy cần phải block nhau. Mình chỉ block mấy chú bò đỏ chửi bới ngụy biện thôi.

Bao giờ đa số những cuộc tranh luận mà dựa trên chuẩn mực văn minh thì đó mới là lúc mà nền dân chủ trở nên bền vững và đáng có.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 21.01.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.