mercredi 31 janvier 2024

Nguyễn Ngọc Chính - Rồng Rắn Lên Mây hay Lên Chùa?

 

Chúng ta sắp bước vào Năm Con Rồng, một trong 12 con giáp trong chu kỳ 12 năm của Âm lịch. Con vật “huyền thoại” đó đã đi vào nếp sống của người Á Đông, tại Việt Nam, năm nay là năm Giáp Thìn, khác hẳn những năm khác dựa vào những con vật gần gũi như chó, mèo, heo, gà…

Rồng còn được cất nhắc xếp vào hạng mục “tứ linh” cùng với “ly, quy, phượng”, là biểu tượng cho những chuẩn mực của người Á Đông về giá trị văn hóa tâm linh: cao quý, phúc đức, sung mãn… Có điều, chưa một ai được nhìn thấy chân dung con rồng thật ngoài đời!

Đi khắp các vùng đất nước từ phương Bắc đến phương Nam chúng ta thấy rồng đã để lại nhiều dấu ấn qua các địa danh, từ Thăng Long thủ đô xưa ờ miền Bắc, vịnh Hạ Long ngoài biển cả, Thanh Hóa có cả một ngọn núi mang tên… Hàm Rồng.

Vào đến miển Nam lại có núi Bửu Long và con sông Mekong chảy qua năm quốc gia, khi vào Việt Nam lại rẽ ra chín cửa, gọi là Cửu Long Giang, khu vực vựa lúa của cả nước rộng hơn bốn triệu hécta.

Từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ta bắt gặp Long Khánh, Long Thành, Long Đất, Long Sơn, Long Điền, Long Giao, Phước Long, Bình Long… Sang đến miền Tây Nam bộ, sẽ gặp Long An, Long Định (Tiền Giang), Long Hồ (Vĩnh Long), Long Mỹ (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Long Phú (Sóc Trăng) …

Trong ngôn ngữ hàng ngày người ta thường mô tả sự bay bướm của “rồng bay phượng múa”, “Song Long chầu ngọc”, hay ít ra cũng đề cao “rồng đến nhà tôm”. Tuy vậy, lại cũng có thành ngữ “vẽ rồng vẽ rắn” để chỉ sự vẽ vời của hình ành con rồng mà trên thực tế chẳng ai biết con rồng “thực sự” trông như thế nào!

Rồng cũng đi vào ký ức tuổi thơ với trò chơi “Rồng rắn lên mây” của thời thơ ấu. Đây là một trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, nhất là đối với những cô bé, cậu bé sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn khoáng đãng.

Để chơi được trò này cần một khoảng đất tương đối rộng rãi, ôm lưng nhau tạo thành hình ngoằn ngoèo như một con rắn… đến nhà ông thầy thuốc hỏi mua thuốc chữa bệnh. Đối thoại giữa thầy thuốc và rắn được thể hiện qua một bài đồng dao:

“Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Có nhà hiến binh

Thầy thuốc có nhà hay không?”

Khi hát đến chữ cuối cùng, cả đoàn rồng rắn khi đó sẽ dừng lại trước mặt thầy thuốc, để hỏi xem thầy có nhà không? Thường thì thầy thuốc rất “chảnh” trả lời còn bận! Mãi sau vài lần mới chịu có nhà và hỏi lại tuổi tác của bệnh nhân. Cũng mất mầy vòng đi tới đi lui thầy mới đồng ý cho thuốc… với điều kiện “chia bệnh nhân làm ba phần”: 

Thầy thuốc “xin khúc đầu” được con bệnh đáp “cùng xương, cùng xẩu”. Đi một vòng thầy lại “xin khúc giữa” được trả lời “cùng máu cùng me”. Sau cùng thầy “xin khúc đuôi” thế là con bệnh đồng thanh đáp: “Tha hồ thầy đuổi”.

Thế là thầy thuốc tìm đủ mọi cách để chạm được con bệnh cuối cùng trong khi con rắn cứ trườn quanh cố dấu cái đuôi, phần yếu nhất của con rắn. Nếu túm được khúc đuôi, cuộc chơi sẽ chấm dứt với phần thắng thuộc về thầy thuốc!

Tró chơi đòi hỏi một sự đoàn kết của những trẻ làm rắn, kể trước người sau ôm ngang eo nhau thật chặt khi đi chuyển để tránh bị “ông thầy thuốc” bắt được. Có nhiều khi con rắn ngã bổ chửng như vẫn kiên cường ôm chặt lấy eo của người trước, giữ nguyên… “đội hình”!

Có người còn ví trò chơi “rồng rắn lên mây” là một hình thức “cầu mưa” ngày xưa khi nông thôn bị mất mùa vì hạn hán. Ngày nay, cũng có một cách để cầu bình an trong cuộc sống khó khăn mà tôi tạm gọi là “rồng rắn lên chùa” của những người “khiếm thị”, nôm na là… “người mù”!

Tại ngã tư đường Hoa Sứ-Nhiêu Tứ thuộc quận Phú Nhuận tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh người khiếm thị xếp một hàng dài, người sau vịn vai người trước theo sự hướng dẫn của người sáng mắt để đến chùa Huê Nghiêm trên đường Nhiêu Tứ. Hình như họ là “thành viên” của một “hội người mù” nào đó, cứ đến ngày rằm và mùng một đến chùa lễ Phật. Phương tiện di chuyển là bằng xe buýt của hội, có khi lại là xe 12 hoặc 50 chỗ.

Xe dừng lại trước quán cà phê sáng nào tôi cũng ngồi nên có dịp quan sát cảnh “xếp hàng vịn vai nhau dò dẫm từng bước” để đến chùa! Hình ảnh trước mắt gợi nhớ cảnh “rồng rắn lên mây” thời thơ ấu ngày nào. Khác nhau ở chỗ trẻ con thì vui đùa với trò chơi còn những người khiếm thị giữ yên lặng với một một tấm lòng thành kính.

Tôi tự hỏi, không biết có ai trong số họ cầu nguyện những gì? Chắc chỉ có Đức Phật mới hiểu tấm lòng của họ, những người đã bị cuộc đời cướp đi ánh sáng. Những lời cầu nguyện đó (nếu có) chắc chắn sẽ được Đấng Từ Bi ghi nhận nếu so với những Phật tử khác giữa thời buổi “mạt pháp” ngày nay. Tôn giáo đâu phải chỉ được mua bằng tiền để đối lấy sự che chở của đấng linh thiêng?

Chùa càng to, càng đẹp, càng “hoành tráng” bao nhiêu sẽ “tỉ lệ nghịch” với những gì mà Phật tử kỳ vọng. Chúng sinh chỉ cần lòng thành là đủ!

NGUYỄN NGỌC CHÍNH 31.01.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.