Thấy ông Tô Lâm bảo sau khi có "thẻ căn cước", ai đã được cấp "căn cước công dân" muốn đổi sang thẻ mới hay không thì tùy, không bắt buộc.
Xin nói với ông, cả nước có gần 100 triệu dân, tính đến cuối tháng Tư vừa rồi đã có gần 80 triệu "căn cước công dân" được cấp, sau hai năm các ông ra quân, chiến dịch để thúc ép đạt chỉ tiêu. Nếu ai cũng muốn được cấp lại, tức là phải hủy bỏ gần 80 triệu cái thẻ cũ. Ngoài ra, số phôi chưa cấp chắc cũng không phải nhỏ.
Thưa ông đại tướng kính mến, tiền không phải là vỏ hến, dù là tiền dân hay tiền ngân sách nhà nước. Nói cho cùng, ngân sách cũng do dân đóng góp, đều từ túi dân cả.
Giả dụ những tấm "căn cước công dân" ấy được cấp cách nay mươi năm đã đi một nhẽ, đằng này chúng còn nóng hôi hổi, chỉ hơn 2 năm lại đây.
Gọi là "cấp" chứ thực ra dân phải mua với giá 25.000 đồng/cái mà các ông gọi là lệ phí. Làm gì có chuyện cấp. Xứ này đánh tráo bản chất sự việc qua từ ngữ rất giỏi, còn dân cũng rất dễ tính chấp nhận những kiểu như vậy.
Không thể đổ lỗi cho quốc hội việc ban hành Luật Căn cước, quy định tên cái giấy tờ tùy thân ấy là Thẻ căn cước, buộc các ông phải đổi theo. Các ông là nhà chức việc, được xã hội giao việc, suốt bao năm không lên tiếng về tên của tấm thẻ sao cho chính xác, hợp lý, mà chỉ cặm cụi cắm đầu làm, đổi xoành xoạch hết thứ này tới thứ khác, không cần biết đúng sai hay dở.
Việc đại sự quốc gia mà chả khác chuyện như đùa. Cùng tấm thẻ tùy thân, người thì có kiểu này, người thì kiểu khác, rất nhố nhăng.
Thưa cụ chủ lò, có nhẽ cụ cần lôi đám chịu trách nhiệm về những tai tiếng, tốn tiền trong vụ hộ chiếu mới và căn cước tống vào lò. Hành dân, tiêu phí tiền, làm mất uy tín của thể chế chính là chúng chứ chẳng ai khác.
NGUYỄN THÔNG 05.06.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.