samedi 3 octobre 2020

Vòng kim cô Bắc Kinh siết chặt nền giáo dục khai phóng của Hồng Kông


Đăng ngày:

Thầy Shum khoảng 30 tuổi, chuẩn bị ngày khai giảng vào cuối tháng Chín tại trường trung học ở khu phố thương mại bình dân Sham Shui Po (Thâm Thủy Phụ) một cách thấp thỏm. Không khí kiểm duyệt nặng nề đến nỗi thầy cô giáo không biết nên nói về đề tài nào, nên cho tranh luận những gì. Tất cả đều có thể trở thành « nhạy cảm » dưới mắt chính quyền, và người thầy dạy môn giáo dục công dân lo sợ bị phụ huynh hoặc đồng nghiệp tố cáo vì những lý do không đâu.

Việc ban hành Luật an ninh quốc gia hôm 30/06/2020 do Bắc Kinh soạn ra để đè bẹp tinh thần phản kháng tại cựu thuộc địa Anh - từ hơn một năm qua bị rung chuyển bởi phong trào dân chủ quy mô - đã có những tác động cụ thể lên các cơ sở giáo dục. 

Các câu khẩu hiệu của phong trào phản kháng bị cấm, sách giáo khoa bị đục bỏ những yếu tố có thể làm Bắc Kinh giận dữ. Giáo viên được bộ Giáo Dục yêu cầu « xem xét lại phương tiện giảng dạy » có liên quan đến bốn loại tội phạm theo luật mới : nổi dậy, ly khai, khủng bố, thông đồng với thế lực nước ngoài.

Mới cách đây vài tháng, sự tách biệt quyền hành với Bắc Kinh còn là một trong những niềm hãnh diện của Hồng Kông. Shum thở dài : « Khái niệm này đã bị xóa khỏi sách giáo khoa vào mùa hè, chính quyền Hồng Kông khẳng định chỉ có Bắc Kinh đứng trên tất cả. Nếu tôi nói rằng Hồng Kông có quy chế riêng thì vi phạm luật mới, nhưng nếu nói theo các luận điệu nhà nước, thì tôi đã dối trá về quyền hiến định ».

Một số giáo viên thậm chí còn không dám đề cập đến Covid-19 vì sợ phải tự kiểm duyệt phần trách nhiệm của Trung Quốc về đại dịch.

Môn công dân giáo dục bị kiểm duyệt

Đối với Trung Quốc, hệ thống giáo dục Hồng Kông thừa hưởng từ thời Anh khác hẳn với kiểu nhồi sọ ở Hoa lục, là « có vấn đề ». Hồi năm 2012, chính quyền Hồng Kông theo lệnh Bắc Kinh đã toan đưa « giáo dục ái quốc » của Hoa lục vào chương trình giảng dạy, nhưng bị người Hồng Kông phản đối kịch liệt. Giờ đây học sinh trung học bị dò xét vì đã tích cực tham gia biểu tình trong những tháng gần đây. Trong số 10.000 người bị bắt từ tháng 6/2019, cứ 6 người lại có 1 em vị thành niên.

Một môn học bị đặc biệt chú ý là « liberal studies », tức môn công dân giáo dục được người Anh đưa vào năm 1992, năm năm trước khi Hồng Kông bị trao trả cho Trung Quốc. Môn này là bắt buộc tại các trường trung học, cổ vũ tinh thần phản biện, nay bị cho là « làm cho một số thanh niên có thái độ bạo lực hoặc trở nên cực đoan ».

Một số khái niệm bị báo chí Hoa lục coi là « nọc độc », như « bất tuân dân sự », bị 6 nhà xuất bản – hầu hết có liên hệ với Trung Quốc – gỡ bỏ khỏi giáo trình. Tất cả những gì liên quan đến phong trào đòi quyền tự quyết, hình ảnh các cuộc biểu tình dân chủ mới đây, hay vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đều biến mất.

Giáo viên được chọn các bộ sách để giảng dạy, nhưng họ biết mình bị theo dõi. Năm ngoái, ngay cả khi chưa ra luật an ninh mới, đã có ít nhất 200 cuộc điều tra nhắm vào các thầy cô giáo bị nghi là « xúi giục học sinh nổi dậy ». Những giáo viên mới được tuyển dụng bị chất vấn về quan điểm chính trị.

Phó chủ tịch nghiệp đoàn giáo chức Hồng Kông (HKPTU) lo ngại âm mưu « tẩy não ». Khoảng 1/3 giáo viên cho biết họ nhận được lệnh miệng không nên nói về chính trị trong lớp hay trên mạng xã hội, và 80% khẳng định không còn dám đụng đến những chủ đề « nhạy cảm ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.