samedi 31 octobre 2020

Đỗ Duy Ngọc - Đừng biến những đập thủy điện thành nấm mồ của dân

Báo VnExpress trong bài "Tranh cãi tác động của thủy điện nhỏ tới mưa lũ", có đăng phát biểu của ông Nguyễn Tài Sơn vốn là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện, PGS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Đại học Tài Nguyên và Môi trường. Ngoài ra còn có ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

Cũng như lập luận của các lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và một số Tiến sĩ, Giáo sư và Phó Giáo sư công tác hoặc liên quan đến Bộ Môi trường. Tất cả các ông ấy đều cho rằng thủy điện không phải là nguyên nhân đưa đến lũ lụt.

Cũng phải thôi, tất cả đều có kiếm ăn từ những dự án thủy điện, ai dũng cảm đập bể nồi cơm, tự cắt lợi nhuận của mình do đó họ bắt buộc phải bảo vệ thủy điện.

Nhưng tất cả các lời ngụy biện đó không thể che giấu một sự thật là những dự án thủy điện lớn và nhỏ đều góp phần tàn phá và quét sạch rừng. Đồng thời khi nước lớn về, các đập thủy điện phải xả lũ, nên nước lên nhanh không ứng phó kịp, nếu không thì tai họa.


Dù có biện hộ cách nào, dù có mang những con số để chứng minh, thì cũng không thể che giấu được tác động của thủy điện đến tình hình lũ lụt kinh hoàng của những ngày qua ở các tỉnh miền Trung. Người ta sẽ trở thành tỉ tỉ phú khi phá rừng, và người ta cũng giàu có hơn khi nhận những chiếc phong bì để ký cho phép những dự án thủy điện.

Người ta tự hào sống trong căn nhà tiêu tốn hàng trăm mét khối gỗ với những trang bị cũng từ rừng mà có. Và người ta vẫn dửng dưng, vô cảm trước những nỗi đau của đồng bào mình hứng chịu đau thương vì lũ lụt. Một cách gián tiếp, phá rừng cũng đưa đến sạt lở đất giết chết người, những cái chết tức tưởi, oan khiên đó chỉ biết kêu trời chứ chẳng biết kiện ai.

Trái với những phát biểu trên, TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng thủy điện nhỏ không có khả năng điều tiết mà còn góp phần tăng thêm mức độ nghiêm trọng của lũ. "Lưu lượng xả có thể không tăng so với dòng chảy tự nhiên, nhưng tốc độ chảy sẽ nhanh hơn khiến sức tàn phá của nước lũ lớn hơn". "Rừng tự nhiên sẽ có khả năng tiêu lũ khác so với rừng trồng. Diện tích rừng trồng có thể tăng lên nhưng chưa chắc đã giữ được nhiều nước bằng rừng tự nhiên". Đó là nhận định chính xác.

Trong những ngày này, nhân dân miền Trung hứng chịu những đau thương và mất mát vì lũ lụt và lở đất. Thiết nghĩ chính phủ và nhất là Bộ Tài nguyên, Môi trường, Bộ Công thương phải thấy rõ nguy cơ, hậu quả của việc phá rừng và xây dựng các thủy điện lớn nhỏ để có những quyết định đúng đắn về vấn đề này. Đừng biến những đập thủy điện trở thành nấm mộ khổng lồ của dân, đừng biến rừng thành nơi gắn bia mộ của nhân dân.

Đành rằng lụt bão là thiên tai, nhưng chính con người cũng góp phần không nhỏ vì tham lam, dốt nát. Thiên tai và nhân tai đều là những tai họa mà con người phải gánh chịu. Trong thời đại này nhân tai còn kinh khiếp hơn thiên tai nữa.

Một chính phủ không bảo vệ được mạng sống của nhân dân, chính phủ đấy là một chính phủ yếu kém và bất lực, không làm tròn trách nhiệm nhân dân giao phó.

ĐỖDUY NGỌC 31.10.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.