samedi 24 octobre 2020

Thảo Dân - Nhớ Ngụy


- Viết khi nghe tin diễn viên điện ảnh Lý Huỳnh mất -

Một diễn viên gạo cội vừa qua đời làm mình nhớ lại nhân vật mà ông thủ vai rất thành công: Thằng Xăm trong phim Hòn Đất.

Mình đọc tiểu thuyết trước khi xem phim. Năm đó, mình 12 tuổi, học lớp 6 (vì mình đi học sớm 1 năm). Bao nhiêu năm chưa đọc lại nhưng vẫn nhớ những chi tiết: Thằng Xăm lách lưỡi dao vào chấn thủy người ta rồi bợ trọn buồng gan ra (tới giờ, mình cũng chưa tra xem chấn thủy là chỗ nào). Chi tiết mép hắn dính máu người, khi về gặp mẹ đã khiến bà Cà Xợi lăn ra bất tỉnh. Chi tiết hắn giết người rồi vô xóm mượn đĩa nhôm để đựng gan nhắm rượu sống. Chi tiết bà Cà Xợi định giết con vì Xăm đã chặt đầu chị Sứ, khi hắn ra tay, tóc chị dày và dài, chặt mãi, chặt mãi mới đứt.

Bây giờ, chai lì với chuyện cướp giết hiếp trên báo cách mạng rồi, và mình cũng đã già, chứ khi đó, những chi tiết này xói óc mình ghê lắm. Đến nỗi ngủ còn không dám vì cứ nhắm mắt vào lại hiện lên mồn một từng chi tiết. Mình lại vốn là đứa giàu tưởng tượng.

Mình căm thù thằng Xăm và bọn lính giết người tàn bạo, hãm hiếp đàn bà con gái. Khi bà Cà Xợi run rẩy định giết con, mình cầu mong bà giết được. Căm thù từ năm 12 tuổi, thậm chí, cả trước đó, khi đọc thơ Lê Anh Xuân và những bức thư Cà Mau. Mình còn nuôi một ao ước, lớn lên sẽ giết chết những thằng ngụy ác ôn.

Mười hai tuổi, mình đã được cấy cái ác vào não như vậy đó. Kinh chưa. Bé tí đã cầu cho mẹ giết con.

Rồi, như định mệnh, mình được gặp Ngụy, vào cái tuổi bắt đầu nhận thức thế giới bằng trí óc chứ không chỉ cảm xúc. Ngụy thật ngoài đời, không phải trong phim ảnh, tiểu thuyết. Ngụy biết chơi đàn, chụp hình, mê đọc tiểu thuyết. Ngụy đánh trận tơi bời và cũng yêu đương bất tử. Ngụy mang nỗi buồn vong quốc. Ngụy thà bị tù đày, thà chọn cái chết chứ không ở lại đội chung trời. Ngụy chỉ lắc đầu cười đau đớn bất lực khi nghe đứa con gái Bắc cộng hỏi ngô nghê, Có phải ngụy ăn gan uống máu người không? Chú đã như thế bao giờ chưa?

Ngụy hát tình ca Pháp. Đọc Thao Thức, Xa Mạc Tư Khoa trong tù. Ngụy nói về nhóm "Bàn thành tứ hữu". Ngụy hỏi mình có biết Chế Lan Viên không, mình vênh váo gật đầu. Em biết. Người đi tìm hình của nước. Ngụy cười. Đọc mình nghe nhiều bài trong tập Điêu tàn, để từ đó bóng dáng Tháp Chàm, "bóng ma Hời sờ soạng dắt nhau đi" khiến mình ám ảnh. Ngụy nói về Hàn Mặc Tử, về Ave Maria, để sau này, mình đã chọn Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử làm đề tài tốt nghiệp.

Ngụy, khi đó, mới chỉ khiến mình bán tín bán nghi, sự bán tín bán nghi như một dòng nước nhân vị, nhân bản, thanh tẩy những mầm ác hận thù trong trí óc non nớt của mình, để mình tỉnh ngộ.

Rất lâu về sau, mình vẫn còn kinh ngạc rằng, ngay khi mình đã lớn, chiến tranh đã lùi rất xa, mà mình và bạn bè cùng lứa bên này vĩ tuyến 17 không hề hay biết khắp đất Bắc vẫn giam nhốt những ông Ngụy tinh hoa đến thân tàn ma dại.

Những Con Người nếu được lưu dụng, thậm chí, bằng cách lấy báng súng mà thúc vào lưng bắt phải làm, như ông Hà Thúc Sinh đã viết trong Đại học máu, thì sự nghiệp kiến quốc tái thiết đất nước thời hậu chiến đã không gian nan nhục nhằn đến thế. Và sự phân ly trong lòng người đã không dai dẳng đến tận bây giờ vẫn chưa có điểm dừng.

Mãi mãi, mình biết ơn những hạnh duyên trong đời, cho mình biết và hiểu. Nếu không gặp Ngụy, lỡ đâu, mình vẫn như thạc sĩ Văn học nọ, thạc sĩ Lịch sử kia, như chị cán bộ đó, kiên định bất thần nổi dóa khi mình mơ tưởng về một nghĩa trang chung cho những người ngã xuống trên quê hương. "Làm sao có thể vô ơn như thế. Làm sao có thể để những anh hùng liệt sĩ nằm chung với những kẻ tay sai ăn gan uống máu đồng bào". Họ hận thù lây sang cả cái ý nghĩ mơ mộng đó của mình, làm mình lao đao mấy năm trời. Sợ thật.

Và hôm nay, đọc bài viết về nghệ sĩ nọ trên trang bạn bè, mình đã bình luận rằng, Nghiệm ra, những người Việt Nam Cộng Hòa mà được phong nghệ sĩ ưu tú, nhân dân này khác, xét cho cùng, là một sự bội ơn với thể chế đã dung dưỡng nên mình.

Người Bắc còn có lý do, vì họ bị nhồi nhét lý tưởng. Chứ người bên kia vĩ tuyến, được thụ hưởng một nền giáo dục nhân văn, một đời sống sung túc đủ đầy, được ăn học, được phát triển tài năng, được trọng đãi...mà trở mũi giáo như thế, thì không biết họ nghĩ gì khi nhìn mặt những đồng bào cùng thời đang bị đọa đày trong các trại giam từ Nam chí Bắc, trên những vùng kinh tế mới. Thật lạ. Đã đành là vì cơm áo...

THẢO DÂN 24.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.