samedi 24 octobre 2020

Hoàng Hải Vân - Sau lũ lụt, nước ngầm sẽ cạn kiệt


Ấy là do rừng bị phá. Nhưng đạo lý đó của thiên nhiên vẫn bị các bề trên Tài nguyên và Nông nghiệp cố tình tung hỏa mù để chạy tội.

Lũ lụt hay hạn hán giờ đã có con ma để đổ tội : Biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu diễn ra từ khi trái đất mới hình thành, chưa có lúc nào là không biến đổi, nay tự nhiên dựng lên thành một con ma cho tội ác núp bóng. Cái chương trình chống biến đổi khí hậu mỹ miều gì đó đã bị chính phủ Mỹ “bái bai” là có lý do của họ.

Tổng thống Trump gọi nó là “bịp bợm”. Đừng nghĩ ông già bạt mạng này hồ đồ muốn nói gì thì nói, đằng sau ông ấy là giới khoa học tinh hoa của nước Mỹ, những người không bị các nhóm lợi ích hưởng lợi từ sự phình to chính phủ chi phối. Nhưng cái con ma biến đổi khí hậu kia sẽ nói vào dịp khác. Tút này chỉ nói một đạo lý dễ hiểu nhất.

Nước trên mặt đất và trên biển bốc hơi tụ lại thành mây. Mây gặp lạnh hoàn nguyên thành nước, rơi xuống đất gọi là mưa. Cái này trẻ con cũng biết. Dù là mưa to hay mưa nhỏ thì nước mưa một phần rớt xuống biển, một phần rớt xuống đất. Trên mặt đất, nước mưa một phần sẽ thấm xuống đất, một phần sẽ tràn xuống sông suối, từ miền ngược chảy xuống miền xuôi, nếu mưa to sẽ sinh ra lũ lụt. Cái này chưa cần học hết tiểu học cũng hiểu.

Khi đất nước còn rừng, vẫn có lũ lụt, nhưng cái hại của lũ lụt không bằng cái lợi của nó. Vì lũ lụt mang phù sa bồi đắp đất đai làm tươi tốt mùa màng, thỉnh thoảng mới có một trận lụt lớn. Quê tôi ngày xưa năm nào không có lụt, năm đó mùa màng thất thu. Đồng bằng sông Cửu Long cho đến hiện nay, năm nào không có lũ thì rất nhiều người dân khốn đốn. Cho nên, lũ lụt bản thân nó không phải là thiên tai, chỉ có lũ lụt diễn ra bất thường mới là thiên tai. Dân ta mấy ngàn năm nay vẫn dựa vào sự tuần hoàn của thiên nhiên mà sinh cơ lập nghiệp.

Khi còn rừng, cây cối và lá mục sẽ giữ một lượng lớn nước mưa để chúng thấm từ từ xuống đất. Lượng nước mưa này sẽ bổ sung vào tầng nước ngầm. Nước ngầm tích tụ trong lòng đất và lan tỏa khắp nơi để giữ gìn sự sống cho muôn loài.

Vì sao mùa khô không mưa sông suối vẫn có nước ? Đó là nước ngầm trong rừng tiết ra thành những con suối, nhiều suối đổ ra thành sông, chảy quanh năm không dứt. Ở những nơi không có sông suối, con người phải sử dụng nước ngầm (bằng đào giếng, khoan giếng…) để phục vụ ăn uống, sinh hoạt và sản xuất. Đó là quà tặng của thiên nhiên, điều này ai cũng biết, không cần phải nói dài dòng.

Khi rừng bị tàn phá thì tai họa mới xảy ra. Không còn rừng nên mưa xuống trên mặt đất không còn gì giữ nước, nước phải tràn nhanh ra sông suối và chảy tuột hết ra biển, rừng càng bị tàn phá thì tần suất và tốc độ của lũ lụt càng dữ dằn. Tình trạng đó đang diễn ra ở miền Trung, không ai là không biết. Lũ lụt ào ạt dữ dằn, nhưng liền sau đó mặt đất sẽ nhanh chóng khô hạn, vì lượng nước khổng lồ đó đâu có thấm xuống đất bao nhiêu.

Càng khô hạn, con người càng phải khai thác nước ngầm. Khai thác nhưng không được bổ sung, vì có rừng đâu mà giữ nước cho thấm xuống đất, cho nên nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Tình trạng nước ngầm cạn kiệt đã được báo động hàng chục năm nay nhưng mọi giải pháp đều giải quyết trên ngọn, không có một tác dụng gì. Vì mọi giải pháp đều né tránh nguyên nhân căn bản là phá rừng.

Lũ lụt gây chết người hàng loạt, gây ra cảnh màn trời chiếu đất, tang thương đói khổ, điều đó ai cũng thấy. Và chúng ta, mỗi người một tay, đang hết lòng góp tiền góp sức, kẻ ít người nhiều giúp đỡ đồng bào mình. Nhưng nước ngầm cạn kiệt có gây chết người gây đói khổ không ? Chắc chắn là gây chết người, gây đói khổ không ít hơn lũ lụt, đó là những cái chết do bệnh tật, do suy dinh dưỡng, chết âm thầm phân tán khắp nơi, không ai thống kê, truyền thông không nhìn thấy.

Đó là chưa kể, Bộ Nông nghiệp và các cơ quan gọi là khoa học, đã mở đường để cho mỗi năm hơn 100 ngàn tấn thuốc trừ sâu cùng vô số những hóa chất độc hại phủ xuống đất đai, ngấm vào các tầng nước ngầm. Nước ngầm vừa cạn kiệt, vừa bị nhiễm độc, năm sau trầm trọng ít nhất là gấp đôi năm trước.

Người không chết tức tưởi, nòi giống không suy yếu mới là chuyện lạ.

HOÀNG HẢI VÂN 24.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.