vendredi 30 octobre 2020

WSJ: Giải cứu binh nhì Biden


(NCQT 29.10.2020) Tiêu chuẩn báo chí cho năm 2020: Không đặt câu hỏi hóc búa nào cho cựu phó tổng thống.

Trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, trang nhất của tờ New York Times đã đưa ra một phán xét từ trên cao: Trong thời đại Donald Trump, tính khách quan của báo chí là thứ xa xỉ mà nước Mỹ không thể có được. 

Hóa ra báo chí thiên vị không đủ để ngăn ông Trump giành chiến thắng. Vì vậy, đến năm 2020, báo chí đã đưa ra một chính sách mới: Không bao giờ được hỏi Joe Biden một câu hóc búa nào. 

Trong quá khứ, sức ép cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông, cộng với sự tương tác của ứng cử viên tổng thống với người dân Mỹ dọc theo lộ trình tranh cử, sẽ khiến điều này là không thể. Nhưng Covid-19 đã giúp cho Biden có một lý do để ở lại trong tầng hầm của mình, và đoàn quân báo chí đã can thiệp giúp Biden hơn là trình bày câu chuyện cho công chúng. 

Hiện tại, những câu hỏi hóc búa mà ông Biden đang né tránh là về những hợp đồng béo bở mà con trai ông đã thực hiện với các doanh nghiệp Trung Quốc và Ukraine có liên hệ chính trị, đôi khi là trong các chuyến đi cùng cha mình trong chiến Air Force 2. 

Tuần vừa rồi, một trong những đối tác kinh doanh cũ của Hunter Biden, Anthony Bobulinski, đã cáo buộc cựu phó tổng thống nói dối khi nói rằng ông chưa bao giờ thảo luận về các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của con trai mình - và câu chuyện Hunter Biden đã trở thành câu chuyện Joe Biden. 

Biden bác bỏ tất cả các cáo buộc là tin giả của Nga, mặc dù cả giám đốc Tình báo Quốc gia và Cục Điều tra Liên bang đều nói rằng không có bằng chứng nào cho điều đó. Cụ thể, Biden vẫn chưa nói rằng các email là giả mạo và máy tính xách tay không phải của con trai ông. Với lại, một lần nữa, ông ấy chưa bao giờ phải nói ra điều đó vì truyền thông sẽ không ép ông ấy phải làm vậy. 

Và không chỉ báo chí. Khi tờ New York Post công bố các văn bản và email từ máy tính xách tay của Hunter Biden, cùng với lời giải thích về cách làm sao họ có được những tài liệu đó, Twitter và Facebook đã can thiệp bằng cách chặn câu chuyện này - cũng như tờ New York Post - trên các nền tảng của họ. Lý do dường như là vì ông Biden sẽ không thể xử lý được các câu hỏi đặt ra, và người dân Mỹ không thể được tin cậy sẽ hành xử đúng đắn khi tiếp nhận các câu trả lời. 

Cách tiếp cận kiểu “không thấy, không nghe, không nói” về những điều xấu đối với Biden bắt đầu với Tara Reade, một cựu nhân viên Thượng viện, người cáo buộc Biden đã quấy rối tình dục bà vào năm 1993, khi bà còn đang làm việc cho Biden. Khi Julie Swetnick khẳng định vào năm 2018 mà không có bất kỳ bằng chứng nào rằng bà ta đã chứng kiến ​​ứng cử viên được đề cử làm thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh tham gia vào các vụ cưỡng hiếp tập thể tại các bữa tiệc của trường trung học, tờ New York Times đã đăng tải câu chuyện ngay cùng ngày. Nhưng khi Reade cáo buộc Biden tấn công tình dục, tiêu chuẩn “phải tin phụ nữ” trước đó của tờ báo đã bị làm ngơ, và họ mãi 19 ngày sau mới đưa tin. 

Trong khi đó, các cuộc họp báo của Biden đôi khi trở thành cuộc thi giữa các phóng viên và ứng cử viên xem ai là người ghét ông Trump nhất. Hồi tháng 8, sau khi một câu chuyện từ nguồn ẩn danh trên tờ The Atlantic cáo buộc ông Trump miệt thị những người lính Mỹ đã hy sinh trong Thế chiến I, phóng viên Edward-Isaac Dovere của tạp chí này đã hỏi Biden “Khi ông nghe những nhận xét như – “suckers”, losers”… – nó cho ông thấy điều gì về tâm hồn và cuộc sống của Tổng thống Trump?” 

Ed O’Keefe của CBS News tường thuật rằng Biden đã nói rằng ông cố gắng kiềm chế bản thân về ông Trump và sau đó tỏ ra cứng rắn: “Không phải là có nhiều người ngoài kia ủng hộ bạn hoặc có xu hướng không muốn bỏ phiếu cho tổng thống, sẽ hỏi, “Tại sao Joe Biden không giận dữ hơn về tất cả những điều này?” 

Hay hãng AP thì sao? Vào tháng 9, hãng đã sửa đổi sổ tay hướng dẫn cách viết để nhắc các phóng viên nên sử dụng thuật ngữ “unrest” (bất ổn) thay vì “riots” (bạo loạn) khi mô tả bạo lực tội phạm ở các thành phố từ Portland, Oregon, đến Kenosha, Wisconsin. AP hiện cũng không muốn dùng những từ như “looting” (cướp bóc), kêu gọi cần thận trọng hơn vì Tổng thống Trump đã sử dụng thuật ngữ này. 

Công việc của báo chí là đặt ra những câu hỏi khó và đòi hỏi chủ thể phải đưa ra câu trả lời, ngay cả khi có nguy cơ bị ghét bỏ. Chẳng hạn, không có gì là thiên vị nếu hỏi Tổng thống Trump tại sao các cuộc thăm dò cho thấy hơn một nửa số người Mỹ nói rằng họ giờ có cuộc sống tốt hơn so với trước khi ông ấy đắc cử, nhưng rất nhiều người vẫn sẽ bỏ phiếu chống lại ông ấy vì họ không thích tính khí của ông. 

Nhưng thái độ cứng rắn đó nên được áp dụng công bằng. Và không một nhà quan sát trung thực nào có thể nói là mọi thứ công bằng khi sau cuộc tranh luận gần đây, trong khi trên kênh ABC, Biden đã trò chuyện nhàn nhã với George Stephanopoulos thì trên kênh NBC Savannah Guthrie tìm mọi cách xỉa xói Trump. Chưa kể đến việc các phóng viên liên tục kêu gọi tổng thống lên án những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng trong khi cố gắng tránh hỏi Biden về nhận xét trịch thượng của ông rằng bất kỳ ai không ủng hộ ông đều không thể là người da đen. 

Tiêu chuẩn mới trong việc đưa tin bầu cử hiện nay đã được Mark Hemingway của trang RealClearInvestigations tóm tắt một cách ngắn gọn. Sau một cuộc họp báo đặc biệt tung hô Biden, Mark đã thuật lại đánh giá của một người bạn: Xem cách báo chí ưu ái Joe Biden giống như “xem ai đó đang cố gắng đảm bảo rằng một đứa trẻ ba tuổi sẽ thắng trong trò chơi Candyland”. 

William McGurn là thành viên ban biên tập Wall Street Journal. Trước đây, ông từng là người viết diễn văn chính cho Tổng thống George W. Bush. 

Nguồn: William McGurn, “Saving Private Biden”, The Wall Street Journal,26/10/2020. 

Người dịch: Phan Nguyên

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.