Hôm 23.10, báo chí ồn ào thông tin vụ Tổng liên đoàn Lao động cách chức hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng của ông Lê Vinh Danh. Đây là cái kết đã được báo trước, với sự toa rập của các thế lực đang nắm quyền. Nhiều tờ báo mậu dịch cũng hả hê với kết quả này bởi không nịnh chính quyền thì nịnh ai.
Sự đúng sai của vụ việc có khi phải mất nhiều thời gian, thậm chí vài chục năm, mới rõ ràng. Xứ này đã quá nhiều chuyện nay đúng mai sai, nay được tung hô, mai bị dập vùi, nay chịu xử tệ, mai lên đài vinh quang. Đó là biểu hiện của thời loạn, không có chân lý, chỉ có bạo quyền.
Điều tôi muốn nói liên quan tới vụ “trường Tôn Đức Thắng” là về sự tồn tại phi lý trong giáo dục đã kéo dài quá lâu, chung quy cũng bởi quyền và tiền, chứ không phải cho mục đích giáo dục.
Trong một chế độ, một nhà nước pháp quyền, mỗi lĩnh vực đều có cơ quan trung ương được lập ra để làm nhiệm vụ tổ chức, quản lý, điều phối, nắm mọi hoạt động, chịu trách nhiệm trước chính phủ. Về y tế có Bộ Y tế, về xây dựng có Bộ Xây dựng, về giao thông có Bộ Giao thông, về pháp luật thì Bộ Tư pháp, về quan hệ với nước ngoài thì Bộ Ngoại giao, về giáo dục có Bộ Giáo dục…
Tất cả mọi vấn đề về hoạt động giáo dục, đương nhiên phải giao cho Bộ Giáo dục, thuộc quyền Bộ Giáo dục. Cho ra đời sản phẩm bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo, nhà nghiên cứu, nhà công nghệ, v.v…đều từ nhà trường do Bộ Giáo dục quản lý. Những ngành nghề nào, lĩnh vực nào cần bao nhiêu nhân lực, trình độ thế nào, thay đổi theo thời gian ra sao, cứ căn vào tình hình cụ thể mà thông báo lại cho Bộ Giáo dục để Bộ lên chương trình, kế hoạch đào tạo đáp ứng.
Thói đâu có cái thói anh nào cũng đòi làm chủ quản. Trường giao thông, trường hàng hải thuộc Bộ Giao thông; trường y dược thuộc Bộ Y tế, trường kinh tế thuộc Bộ Công thương, trường tài chính do Bộ Tài chính quản, thậm chí cả hội đoàn cũng đòi nắm để chấm mút, để ra oai quyền hành, mà vụ Tổng liên đoàn Lao động đòi quản trường đại học Tôn Đức Thắng là một ví dụ. Cái tổng này, nó quản trường đại học công đoàn đã đi một nhẽ, bởi đây là trường chuyên chỉ phục vụ cho nó, chứ trường Tôn Đức Thắng thì nó biết mẹ gì mà cũng xưng xưng quản với chả lý.
Chính vì thế nên rất mắc cười. Một anh ất ơ vốn cán bộ đoàn được tấn phong làm phó chủ tịch Tổng liên đoàn đã ăn nói vớ vẩn thế này : “Theo ông Hiểu, năm nay trong bối cảnh hiệu trưởng bị đình chỉ công tác, chỉ có một đồng chí phụ trách trường mà tỉ lệ tuyển sinh của Đại học Tôn Đức Thắng vẫn tăng 11% so với năm ngoái, chứng tỏ sự lãnh đạo của Tổng liên đoàn và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà trường vẫn rất tốt” (theo báo Tuổi Trẻ).
Cha bố nhà anh, nó không lo tuyển sinh để tồn tại, nhất là khi nó là đại học tự chủ, thì chết đầu nước, chứ ở đó mà chờ sự lãnh đạo sáng suốt của các anh. Chuyên giở cái thói “Lý Thông cướp công Thạch Sanh”, thấy hay thấy tốt là ôm là giành về mình.
Thời Pháp cai trị, dù là “ách thực dân” nhưng nền giáo dục xứ này rất rõ ràng nhất quán. Mọi trường lớp từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao đều quy về một mối, tạo nên nền giáo dục cực kỳ chất lượng, đầu vào đầu ra đâu vào đấy. Không có cái kiểu loạn cào cào sứ quân giáo dục như bây giờ. Ông nào cũng nhảy xổ ra làm bố thiên hạ, để trơ khấc cái Bộ Giáo dục chỉ làm vì, như tượng đất gặp lụt, chỉ loanh quanh luẩn quẩn với những thứ lạc hậu cũ rích. Được giao quyền quản về giáo dục mà nó chỉ “chắp tay lạy má xin cơm”, mặc kẻ khác lấn sân mà không làm gì được, trách nó cũng chỉ tổ phí nhời.
Để giáo dục xứ này đột phá khỏi đám bùng nhùng lằng nhằng dây điện, điều đầu tiên là phải có một Bộ Giáo dục ra trò, quản toàn bộ lĩnh vực giáo dục, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trước chính phủ, trước dân. Không làm được thì phế ngay, thay bằng những người có năng lực. Và đồng thời, phải chấm dứt tình trạng loạn sứ quân, bỏ thẳng cánh các bộ chủ quản, cơ quan chủ quản của các trường. Tiền và quyền, hãy đi kiếm chác, chấm mút ở chỗ khác, chứ không phải ở giáo dục.
NGUYỄNTHÔNG 24.10.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.