Tôi thích anh Đỗ Nam Trung vì vài lý do sẽ nói ở dưới, nhưng tôi không mảy may chê bai các bạn thích anh Ngô Bí Đần, anh Ô Bã Mía, chị Hỷ Linh Tốn hay chị Béo Lộ Xì chủ tịch Hạ viện Mỹ. Dù vậy, tôi chắc cũng sẽ tiếp tục mất thêm một số “bạn bè” trên Facebook ngay sau khi đăng cái tút này.
Rất lạ lùng là cuộc bầu cử ở Mỹ lại khiến một bộ phận trong “cộng đồng” Facebook Việt chia rẽ. Trong thế giới hiện đại, sự “mất đoàn kết”, đỉnh cao là tình trạng máu chảy đầu rơi, thường xuất phát từ những người khuynh tả. Còn tôi thì không tả nên chuyện gì ra chuyện đó. Mà anh Đỗ hay anh Bí Đần trúng cử thì ảnh hưởng gì đến nước tôi ? Có chút chút đấy !
Thứ nhứt. Nếu anh Bí trúng, ảnh sẽ thực hành “xây dựng chủ nghĩa xã hội” ở nước Mỹ (chủ nghĩa xã hội không phải là độc quyền của hai anh rậm râu đâu nhé). Điều đó sẽ khiến cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước tôi mất vai trò “đầu tàu”. Tất nhiên câu này tôi nói đùa, nhưng vẫn hàm chứa một sự thật.
Trong lời giới thiệu nhân dịp 50 năm xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Đường về nô lệ” của F. A. Hayek, Milton Friedman - nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ nổi tiếng thế giới - đã nói về sự bành trướng vô tội vạ của chính phủ Mỹ (một thời gian dài do Đảng Dân chủ chi phối), khiến cho chi tiêu của chính phủ nước này, cả trung ương lẫn địa phương, đã tăng từ 25% vào năm 1950 lên 45% GDP vào năm 1993.
Sự bành trướng mà trong suốt 8 năm cầm quyền, tổng thống Reagan “chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể đảo ngược được”. Friedman cảnh báo : “Nói rằng ở hai bên bờ Đại Tây Dương, chúng ta đang rao giảng tự do cá nhân và tư bản cạnh tranh, nhưng lại đang thực hành chủ nghĩa xã hội chỉ là phóng đại một chút mà thôi”.
Anh Bí mà làm tổng thống, ảnh sẽ tăng thuế để phình to chính phủ, mở rộng an sinh xã hội để biến chính phủ thành nhà nước vú em chăm lo cho “miếng ăn giấc ngủ” của người Mỹ. Mà phình to chính phủ chừng nào là tước đoạt bớt tự do của người dân chừng đó, không thực hành chủ nghĩa xã hội thì là gì ? Bài ca này xuất phát từ bậc “tiền hiền” của Đảng Dân chủ là anh Rú Sờ Véo (F.D. Roosevelt).
Anh Rú đã mang chủ nghĩa tư bản kinh tế thị trường tự do sang lai tạo với chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa của Liên Xô để đẻ ra Chính sách kinh tế mới (New Deal). Anh Rú phù phép rất được lòng dân sau cuộc Đại khủng hoảng, nên trúng cử luôn 4 nhiệm kỳ tổng thống, quyết lấy an toàn thay cho tự do để kiếm phiếu bầu, hậu quả mặc kệ đời sau gánh chịu, đúng như lời anh Kèn Né (John Maynard Keynes) “trong dài hạn tất cả chúng ta đều chết”. Bài ca của anh Rú được anh Bã Mía hát lại, nay biến thành dàn đồng ca do anh Bí và chị Béo Lộ Xì làm nhạc trưởng. Đại khái thế.
Thứ hai. Nước tôi đang xây dựng CNXH. Bởi thế nên phải mang hai anh râu rậm và một anh hói đặt trên bàn thờ, dù ba anh này sinh thời không hề biết nước tôi là nước nào. Từ mấy chục năm nay, ba anh trên bàn thờ đã từng nói những gì không ai còn nhớ. Một số người có nhớ nhưng chỉ nhớ để đi thi lấy bằng chính trị ra làm quan rồi quên luôn. CNXH hình thù tròn méo thế nào, bao giờ xây xong thì có giao cho một số anh vừa đi đánh gôn vừa ngâm cứu, ngâm cứu bao giờ xong biết chết liền.
Nói kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng định hướng vào chỗ không có hình thù thì ai biết đâu mà lần, cuối cùng cũng phải lưu ý dù định hướng XHCN nhưng cũng phải có kinh tế thị trường đầy đủ đã (theo tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội XIII), hàm ý rằng cứ kinh tế thị trường đầy đủ mà thực hành nhé.
Cái này anh Đỗ (và những chính khách cũng như kinh tế gia theo trường phái tự do khác trên thế giới) liếc qua chỉ thấy nước tôi đặt CNXH trên bàn thờ chớ hổng thấy thực hành, cho nên ảnh lờ đi, cứ để nước tôi làm “đầu tàu” xây dựng CNXH trên bàn thờ cũng chẳng sao. Ảnh chống là chống mấy anh thực hành CHXN ở Mỹ, như các anh Ô Bã Mía, Ngô Bí Đần và chị Béo Lộ Xì. Đại khái thế.
Thứ ba. Từ sau anh Rí Gần (Reagan) thì anh Đỗ là tổng thống kiên quyết nhất trong nỗ lực khôi phục tự do cho nước Mỹ, không phải bằng những tuyên bố màu mè “Tứ tự do” như anh Rú Sờ Véo, mà bằng hành động. Để người dân được tự do thì chính phủ phải nhỏ lại, chính phủ càng bé thì tự do của người dân càng to, vì vậy ảnh đã thực hiện một cuộc giảm thuế lớn nhất trong lịch sử, cắt bỏ nhiều sứ mệnh ngồi lê đôi mách vô tích sự can dự vào chuyện nội bộ của nước khác để giảm bớt tiền bạc cho dân.
Ngay trong ngày thứ 11 kể từ khi nhậm chức, ảnh đã ra một sắc lệnh tấn công vào tệ quan liêu, theo đó thì 1 quy định mới chỉ được ban hành nếu bãi bỏ 2 quy định hiện hành. Sau hơn 3 năm làm tổng thống, anh Đỗ đã làm được những chuyện lịch sử mà chưa một tổng thống Mỹ làm làm nổi : kinh tế tăng trưởng nhanh, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Đối đầu không khoan nhượng với Trung Quốc để lấy lại công bằng thương mại cho người Mỹ và kiềm chế giấc mộng bá quyền của họ Tập. Không để xảy ra một cuộc chiến tranh nào do Mỹ khởi xướng. Dàn xếp một cách khôn ngoan để tạo ra thành tựu hòa bình chưa từng thấy ở Trung Đông... Cho đến khi đại dịch do virus Trung Quốc đưa tới, ảnh bị mấy anh thực hành CNXH cùng đám trí thức ăn theo và báo chí tả khuynh mang hết tội nợ đổ lên đầu.
Tôi không quan tâm đến những phát biểu bỗ bã của ảnh bị truyền thông tả khuynh Mỹ khai thác triệt để, dựng thành một hình ảnh chẳng ra gì. Báo chí Mỹ giống hệt mấy anh chị tọc mạch lắm mồm ở nước tôi thời bao cấp, suốt ngày dòm dòm ngó ngó ; hễ thấy nhà ai ăn con gà hay nói mấy câu vui vẻ phi chánh trị liền mang ra tổ dân phố đấu tố. Tôi không cuồng Đỗ, tôi chỉ quan tâm những gì mà ảnh làm được để khôi phục tự do cho nước Mỹ.
Nước tôi không nhập khẩu tự do của nước nào, nhưng nước Mỹ được khôi phục tự do sẽ tạo nhiều cảm hứng cho thế giới, trong đó có nước tôi, như ngày xưa anh Rí Gần và chị đầm thép Anh Cát Lợi đã từng : Giảm mạnh thuế khóa, nhà nước bé lại, cởi bỏ những quy định trói buộc doanh nghiệp và người dân để mọi người được tự do làm ăn không bị các cơ quan nhà nước nhũng nhiễu. Thúc đẩy hoàn thiện thể chế cho thị trường tự do vận hành thông suốt, để dân tôi sớm giàu, nước tôi sớm mạnh, để mọi người được tự do bày tỏ chánh kiến xây dựng đất nước mà không bị ghi sổ đen nhằm làm khó dễ.
HOÀNGHẢI VÂN 30.10.2020
P/s : Phải lưu ý lại chuyện này. Báo chí Việt Nam suốt ngày ra rả hùa theo báo chí tả khuynh Mỹ gọi phía Đảng Dân chủ là “Tự do”, phía Đảng Cộng hòa là “Bảo thủ”. Cần biết, cái từ “Tự do” (liberty) theo nghĩa Mỹ ngày nay không còn nguyên nghĩa như thời lập quốc là được tự do lựa chọn cuộc sống theo ý mình, không xâm phạm đến tự do của người khác, không bị chi phối bởi nhà nước hay các thứ quyền lực nào. Từ này đã bị trường phái tả khuynh của Đảng Dân chủ “cưỡng đoạt” dùng để chỉ quyền của con người phần lớn được nhà nước ban phát, bắt đầu từ thời tổng thống F. D. Roosevelt. Sự cưỡng đoạt này gọi là “cấp tiến”.
Hầu hết những người theo Đảng Cộng hòa vẫn duy trì chủ nghĩa tự do truyền thống thời lập quốc, họ mới đích thị là người tự do, nhưng được gọi là “bảo thủ”. Triết gia tự do Ludwig von Mises và nhiều học giả theo chủ nghĩa tự do khác đã tìm cách “đòi” lại từ này để trả về cho những người theo chủ nghĩa tự do chân chính. Nhưng nó đã được truyền thông Mỹ sử dụng rộng rãi với tần suất áp đảo, nhất là vào thời hoàng kim của chủ nghĩa can thiệp đầu nhứng năm 60 của thế kỷ trước, nên đã “chết tên”.
F.A. Hayek rất không muốn sử dụng từ liberty đã bị “cưỡng đoạt” làm cho bị ô uế này để trình bày tư tưởng tự do của ông, nên ông muốn dùng từ “tolerance” (khoan dung) để thay thế. Khi ông Reagan lên làm Tổng thống Mỹ, ông nói trái tim và linh hồn của chủ nghĩa bảo thủ chính là tự do cá nhân. Ông bảo có sự nhầm lẫn về tên gọi, rằng nếu trở lại thời kỳ lập quốc, những người được gọi là “bảo thủ” hiện nay chính là những người tự do và ngược lại. Khái niệm “liberty” theo nghĩa Mỹ hiện nay còn hàm chứa Chính phủ lớn đánh thuế cao dẫn dắt người dân, còn khái nhiệm “liberty” nguyên nghĩa hàm chứa Chính phủ nhỏ đánh thuế thấp tránh xa đời sống riêng tư của người dân. Người Anh hiện nay vẫn hiểu “liberty” theo nguyên nghĩa. (HHV)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.