jeudi 29 octobre 2020

TS Lê Trung Tĩnh - « No to Trump » sẽ mang lại kết quả ?


Có hai cách tiến hành một cuộc vận động bầu cử hay một vận động chính trị, đó là bằng nỗi sợ (chống lại một ai đó, No to someone) hay bằng niềm tin (hãy thay đổi với chúng tôi, Yes to us).

Ví dụ kinh điển nhất của cách thức vận động bằng niềm tin là chương trình của ông Barack Obama với slogan tự tin và dễ nhớ “Yes We Can”. Thông điệp chiến thắng này đã góp phần thay đổi nước Mỹ và thế giới, sau nhiều năm mắc kẹt trong cách phân chia thế giới thành hai phía thiện ác dưới thời Tổng thống Bush, khi nạn khủng bố đang hoành hành. Ngay cả chính ông John McCain cũng đã thừa nhận Tổng thống Obama đã là một đại diện tốt hơn của niềm tin trong diễn văn ngay sau kết quả bầu cử năm 2008, một bài diễn văn dũng cảm và hàn gắn.

Không cần phải nói, các cuộc vận động bằng niềm tin mang lại cảm hứng và sự sảng khoái cho tất cả mọi người, người chiến thắng, người quan sát, và thậm chí cả ngay cả những người thua cuộc. Vì niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn vốn là một điều tích cực và phổ quát. Các cuộc vận động bằng niềm tin cũng thường có xác suất chiến thắng cao hơn, mặc dầu không chắc là một cách khách quan (Có cái nào tên gọi là khách quan trong chính trị ?) sự chiến thắng đó tốt hơn cho tất cả.

Ví dụ như cuộc vận động Brexit năm 2016 giữa hai phe là cựu Thủ tướng Anh David Cameron và người hiện giờ đang là Thủ tướng, ông Boris Johnson. Trong khi ông Boris Johnson vẽ nên một tương lai tươi sáng về Brexit với nước Anh độc lập, không phải chỉ bó buộc trong Châu Âu mà vươn ra biển lớn, phát triển cùng thế giới; thì ông David Cameron dẫn đầu một chương trình mang tên nỗi sợ Brexit: thất nghiệp, mất ổn định, kinh tế đi xuống vì Brexit. Cuối cùng ông Boris Johnson đã thắng, nước Anh đã và đang Brexit.

Tuy nhiên cũng có chương trình mang tên nỗi sợ đã thành công. Ví dụ như trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012, ông Francois Hollande thuộc cánh tả đã tiến hành một cuộc vận động không phải để khẳng định mình (ông còn nói ông là một người bình thường) mà để nói không với ông Nicolas Sarkozy, lúc đó đang là đương kim Tổng thống. Ông Hollande không phải đã thắng, mà vì ông Sarkozy đã bị người dân Pháp cho thua.

Có nhiều điểm tương đồng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Sarkozy. Cả hai ông đều thuộc cánh hữu, kiểm soát nhập cư, và thể hiện mình là những người lãnh đạo mạnh, muốn thay đổi, nhiều cá tính.

Ông Sarkozy cũng có tính đốp chát thẳng thừng và không ngại va chạm. Trong một lần đi vận động, có một người đâu đó gọi ông ấy là thằng khốn, thế là ông ấy dừng lại, kêu mày có giỏi thì xuống đây nói chuyện với tao. Cả hai ông đều có vợ là những người đẹp, đều theo đuổi trường phái chính phủ nhỏ, tự do và chú trọng phát triển kinh tế. Ông Sarkozy thì có dao động một chút sau những năm khủng hoảng kinh tế 2008. Ông Trump thì kiên định kiểu hữu của mình, ngay cả trong dịch.

Bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay rõ ràng cũng là một chương trình nói Yes hay No với ông Trump. Các màn hình và báo chí gần như chỉ tập trung vào ông Trump: smartphone thì còn cân bằng giữa khen và chê, TV và báo đài thì khỏi phải nói, chỉ trích ông Trump thậm tệ đã thành một tiêu chuẩn từ bốn năm nay.

Đáng lý ra để ủng hộ ông Biden, các kênh truyền thông chính cần đưa tin, phân tích và bình luận về ông Biden và chương trình của đảng Dân chủ nhiều hơn. Điều này ngoài việc tạo nên sự công bằng tối thiểu mà truyền thông đáng lý cần phải tuân thủ một cách tự nhiên, còn giúp phát triển những thảo luận dân chủ và tránh tạo những hiệu ứng ngược của việc đưa tin một chiều như hiện nay.

Chiến lược nói không với ông Trump đã tạo nên một cuộc vận động chính trị khắc họa bởi nỗi sợ tái đắc cử của Tổng thống đương nhiệm, càng đồng tần số với khung cảnh u ám của thế giới hiện giờ. Như một người quan sát, tôi vẫn từng mong là đảng Dân chủ đã có một chiến lược khác, dựa trên niềm tin vào chính họ nhiều hơn, nhưng đến giờ thì rõ ràng chương trình của họ là No to Trump.

Chúng ta sẽ biết kết quả của chiến lược này trong vài ngày nữa.

TSLÊ TRUNG TĨNH 29.10.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.