Hôm đó là một ngày rất đặc biệt của gia đình: trong ba tiếng đồng hồ nữa Vương sẽ lên máy bay đi Pháp. Giữa thập niên 1980, một thập niên sau khi Việt Nam được thống nhất bởi chiến thắng quân sự của Miền Bắc, Sài Gòn được đổi tên là Thành Phố Hồ Chí Minh, một người gốc Sài Gòn du học Pháp là chuyện rất rất hiếm, thậm chí khó tưởng tượng.
Chuyến đi được chờ đợi từ ba năm trước, khi phái đoàn của trường đại học Orsay điền tên Vương vào danh sách nhận học bổng bốn năm của Pháp, sang Paris làm một luận án về Phả Hệ Phát Sinh Các Loài Động Vật Có Xương Sống Bằng So Sánh Phân Tử ARN thông tin của Ribosome.
Tên luận án phức tạp, có lẽ không cần nói ra với những người không nằm trong chuyên môn, nhưng thật ngộ nghĩnh, Vương thấy cái tên của nó lại liên quan tới nhiều sự kiện trong cuộc sống. Phả Hệ Phát Sinh là môn học tìm hiểu các mối dây liên lạc bà con giữa Ngành, Lớp, Bộ… sinh vật trong tự nhiên. Trong xã hội Việt Nam, các mối dây phả hệ thật chằng chịt, ràng rịt, giằng níu phần lớn cấu trúc xã hội…
Người gốc Sài Gòn muốn có visa đi khỏi Việt Nam thiệt trần thân! Phải qua không biết bao nhiêu nấc xét duyệt, mà trước năm 1975 một người dân Miền Nam không bao giờ hiểu nổi. Phải khai trong lý lịch các chi tiết về cha mẹ, anh em ruột, ông bà nội ngoại, chú bác cô dì… Có ai ở nước ngoài không, nếu có thì rời nước trước hay sau năm 1975, đang công tác tại đâu, có liên hệ với tổ chức phản động nào không… Phải khai không những bà con ruột bên đương sự, mà cả bà con bên chồng hay bên vợ của đương sự!
Chính vì vậy mà với người con gái đang ngồi kia, mái tóc che khuôn mặt buồn vì ly biệt, dù cô và Vương thật lòng thương nhau, dù hai gia đình đã thân thiết, hai người vẫn chưa thể kết hôn: cô có hai người anh và năm chú, cô ruột là thuyền nhân đang sống tại châu Âu và châu Mỹ! Chỉ cần ghi trong lý lịch cô là vợ, cầm phần chắc Vương không được cấp visa rời Việt Nam.
Cô đang là sinh viên năm thứ tư Y khoa, thi đậu qua một kỳ thi chính thức dù không được ưu tiên điểm nào. Vậy mà trong hai năm học đầu tiên, tỉnh nhà của cô liên tiếp gởi thơ tới trường đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh yêu cầu cho cô nghỉ học vì gia đình thuộc thành phần địa chủ và di tản!
Cũng may, một người chú ruột nữa của cô cùng với người thím, không biết vì cơ duyên gì đi theo kháng chiến từ thời chống Pháp, can thiệp. Cô được tiếp tục học Y cũng nhờ cái Phả Hệ Phát Sinh. Trong cây Phả Hệ Phát Sinh của từng gia tộc, hầu như luôn có những nhánh nằm bên hai phe đối địch nhau trong cuộc chiến oan nghiệt vừa qua!
Chính vì vậy mà chú Ba của Vương, một người gắn bó với kháng chiến từ thời chống Pháp và hiện có một vị trí tại thành phố, cũng góp phần vào việc tìm visa cho thằng cháu bằng lời bảo lãnh.
Đang vẩn vơ nổi chìm trong những suy nghĩ về nguyên nhân và hệ quả của các mối liên kết bà con Phả Hệ trong xã hội, Vương giật mình trở về thực tại khi chú Ba nói lớn:
– Thôi, chuẩn bị rời nhà!
Chú Ba nói, thôi, hai tiếng đồng hồ nữa, khi bước chân lên máy bay, cháu sẽ ra khỏi xã hội xã hội chủ nghĩa, sống hẳn trong thế giới tư bản. Câu nói thật sự rúng động. Lúc đó là mười một năm sau ngày đất nước Thống Nhất, mười một năm xóa bỏ quá khứ, tới nỗi dù tâm tình còn gần gũi với thời trước, các kỷ niệm, hình ảnh thời đó đã nhạt nhòa…
Ông Trọng và chú Ba dắt tay Vương tới bàn thờ, thắp nhang. Chú Ba ngó bàn thờ nói lớn, Ba Má yên tâm, thằng Vương từ nay đi Pháp, tui tin thế nào nó cũng nên sự nghiệp, thành người có ích cho xã hội.
Ông quay lại nhìn Vương, cháu nhớ kỹ hôm nay, căn nhà này, nhớ gương mặt từng người trong gia đình. Gia đình mình ai cũng thương yêu nhau, bây giờ mọi người thương yêu và hy vọng nhất nơi cháu! Vương biết, chú Ba muốn anh trở về nước sau khi hoàn thành luận án, nhưng không nói ra. Ông để Vương tự quyết định, không muốn có thể gây khó xử về sau.
Tự nhiên Vương nhớ năm 1974. Lúc đó bạn bè anh cũng đang chuẩn bị du học bốn phương trời. Người đi Pháp, người đi Mỹ, đi Đức, đi Úc… Chúng bạn, tất cả, dặn nhau một câu tương tự: “Tụi mình chia tay năm, bảy năm, rồi trở về xây dựng quê hương. Ngày ấy chắc hết chiến tranh. Tụi mình làm gì cũng được, miễn đất nước mạnh giàu”.
Đất nước đó đã hết chiến tranh hơn một chục năm rồi, hiện nay với Vương vừa rõ rệt, vừa mơ hồ, anh đang đứng trong lòng nó mà thấy vừa gần gũi vừa rất xa xôi. Tai còn văng vẳng lời nói hôm qua của một người chị bà con thân thiết làm công chức chế độ cũ, mới được thả ra sau gần mười năm trong trại cải tạo:
– Cám ơn em tới từ giã chị. Nhưng mà nói thiệt, chị không biết chị đang sống ở đâu, nước này do người mình nắm quyền hay bị ai cai trị. Mà ngẫm nghĩ, chị cũng không biết em là ai. Bà con chị, bạn bè chị, họ là ai! Chị cũng không biết chị là ai!
Đất nước hiện nay mới cách xa đất nước thời trước có trên một chục năm!
Bước khỏi nhà, ra đầu hẻm Vương chào các dì, chị bán Hợp tác xã phường. Cậu đi mạnh giỏi. Đi lần này biết chừng nào mới về. Anh đi nhớ chúng em. Mai mốt có thịt ngon em biết để dành cho ai! Dì bán rau, gốc cô giáo trước năm 1975, tìm cách tới gần Vương. Cầm tay nói nhỏ, cậu qua bển thì ở luôn, đừng có dại dột quay về!
Đưa Vương ra phi trường có bà con, bạn bè chở nhau trên Honda hay xe đạp, đã khởi hành trước.
Chiếc xe hơi của cơ quan chú Ba đang đợi. Vương ngồi trước với tài xế, ông Trọng, chú Ba và chị Ba ngồi sau. Qua kính chiếu hậu, Vương thấy một bên mắt ông Trọng, con mắt mới mổ cườm, nổi màu đỏ. Chị Ba vẻ bình thản, còn chú Ba trầm ngâm…
Nhà cửa hai bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lùi về sau, thành phố lững thững với rất nhiều xe đạp. Chỉ chốc lát tới cổng kiểm soát. Anh bộ đội coi giấy tờ rồi kéo cây chặn lên. Phải nơi này là cổng Phi Long, nơi năm 1974 Vương ra đây mấy lần tiễn bạn du học, nơi lần đầu anh và các bạn thấy những chiếc phi cơ lớn thật lớn chở bạn bè cùng lòng háo hức, ước mơ, hoài bão bay xa tít lên trời cao…
Vương sắp bay, bay xa tít để bay về hay để rời nơi này mãi mãi?
LÊ HỌC LÃNH VÂN 27.10.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.