mercredi 21 octobre 2020

GS Trần Văn Thọ - Một Đông Du mới


(VnExpress 21/10/2020) Một sáng sớm, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe mấy câu tiếng Việt phát ra từ văn phòng của ban quản lý ga tàu điện ở Tokyo.

Đó là khoảng 5, 6 năm trước, khi tôi bước từ khoang khách xuống sân ga tàu điện để đi bộ đến Đại học Waseda. Buổi sáng giờ cao điểm tại một ga rất đông hành khách nên ban quản lý lưu ý và đưa ra các hướng dẫn để tránh xáo trộn. Trước đây, họ chỉ phát thanh bằng tiếng Nhật. Độ 20 năm trước, nhà ga thêm tiếng Trung Quốc, bây giờ thêm tiếng Việt.

Đi trên đường phố Tokyo những ngày này tôi cũng thường bắt gặp nhiều người, chủ yếu là giới trẻ, vừa đi vừa trò chuyện bằng tiếng Việt. Người Việt Nam ở Nhật đã lên tới 410.000 - thống kê cuối năm 2019 - chiếm 14% trong tổng số người nước ngoài tại đây, đông thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tôi không ngạc nhiên khi nghe tin tân Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước đầu tiên công du chỉ sau một tháng nhậm chức. Ngoài hai yếu tố Việt Nam là nước bị ảnh hưởng tương đối nhẹ trong đại dịch và đang giữ ghế chủ tịch trong khối ASEAN, yếu tố quan trọng nhất là quan hệ hai nước đang phát triển mạnh về đầu tư, ngoại thương, du học, lao động. Và Việt Nam ngày càng có vị trí chiến lược đối với ngoại giao Nhật Bản.

Đối với Việt Nam, quan hệ Nhật - Việt hiện là cơ hội để đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhật là một trong bảy nước tiên tiến hàng đầu lại có vị trí gần Việt Nam về địa lý và văn hóa, đặc biệt là nước mong muốn thấy một Việt Nam phát triển mạnh mẽ nên đã kiên trì xúc tiến các kế hoạch hợp tác chiến lược với ta. Nhưng để tận dụng các cơ hội đó, Việt Nam phải chủ động tạo tiền đề cần thiết và đưa ra các định hướng chiến lược, không để các quan hệ phát triển tự phát. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi chỉ đưa ra ba vấn đề.

Thứ nhất, một phong trào Đông Du mới đã xuất hiện. Trong số 410.000 người Việt Nam tại Nhật có tới 80.000 là du học sinh, tăng tới 15 lần trong 9 năm qua. Chưa có thống kê chính thức, nhưng trong đó số nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ước tính lên tới 3.000 người, và có ít nhất 1.000 người đã lấy bằng tiến sĩ và đang nghiên cứu theo chế độ hậu tiến sĩ (postdoc).

Đây là con số rất lớn, chỉ cần một nửa trong số đó trở về nước làm việc ở các đại học, viện nghiên cứu hay các cơ quan, doanh nghiệp; và số còn lại vừa làm việc ở Nhật vừa kết nối với các đơn vị trong nước thì tri thức khoa học và kinh nghiệm phát triển của Nhật sẽ đóng góp to lớn vào việc phát triển đất nước.

Hơn 100 năm trước, Phong trào Đông Du chỉ có khoảng 200 thanh niên sang Nhật do Phan Bội Châu và các đồng chí của ông tổ chức. Ngày nay, du học sinh sang Nhật với con số rất lớn, chủ yếu tự phát. Song nhà nước cần có kế hoạch, tạo điều kiện để những tài năng này đóng góp hữu hiệu cho phát triển.

Thứ hai, hiện có khoảng 220.000 thực tập sinh kỹ năng và trên 2.300 người có kỹ năng đặc biệt - những người vừa hoàn thành các khóa thực tập kỹ năng vừa được bồi dưỡng thêm các kỹ năng đặc biệt. Đây cũng là vốn quý của Việt Nam. Do dịch Covid-19, nhiều người lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn vì đã thực tập xong mà không về nước được, ở lại Nhật thì thất nghiệp, vì các công ty Nhật cũng đang gặp khó khăn, không tuyển thêm người. Trong lúc đó tại Việt Nam, nhiều nhà máy đang thiếu các lao động tay nghề này. Khẩn trương tổ chức nhiều chuyến bay đặc biệt, lần lượt cho mở lại các chuyến bay thương mại là cách để giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, còn có nhiều lao động người Việt làm việc tại Nhật ngoài chương trình thực tập sinh kỹ năng. Khó có con số chính xác về số lao động này nhưng ít nhất phải trên 100.000 người. Đa số họ phải tốn một số tiền rất lớn, thường phải vay mượn, để làm các thủ tục đi lao động ở nước ngoài nên phải làm việc vất vả, chịu cuộc sống khó khăn vì tiết kiệm để trả nợ.

Một số người khó khăn sinh ra trộm cắp, cướp giật và các hành vi phạm tội khác. Trong số người nước ngoài tại Nhật, người Việt đông thứ ba nhưng người phạm tội lại đông nhất, gây hình ảnh rất xấu tại đây. Lao động xuất khẩu phải tốn số tiền quá lớn cho các công ty môi giới là cái gốc của vấn đề. Tôi chỉ thắc mắc, chuyện đã được nói đến hàng chục năm nay, tại sao không được giải quyết? Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải giải trình về bi kịch này.

Thứ ba, nền công nghiệp Việt Nam còn mỏng, lại chủ đạo lắp ráp chế biến nên càng xuất khẩu càng phải nhập khẩu linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian khác từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhân cơ hội có dòng thác FDI mới chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước ASEAN và Ấn Độ, trong đó doanh nghiệp Nhật là một tác nhân quan trọng, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các điều kiện về chính sách, hạ tầng và nhân lực để tiếp nhận những dự án có thể chuyển dịch cơ cấu công nghiệp Việt Nam.

Nếu để cho dòng thác FDI tự phát chảy, có thể chỉ còn các dự án chất lượng kém đến từ mấy nước lân cận, vừa không phù hợp với nhu cầu công nghiệp hóa hiện nay vừa gây ra cạnh tranh không cần thiết với doanh nghiệp nội.

Nếu muốn những doanh nghiệp hàng đầu của Nhật đến triển khai các dự án chất lượng cao, chính phủ cần tích cực tiếp thị, bàn thảo cùng họ những chính sách và chuẩn bị cần thiết. Chẳng hạn, chỉ định vài khu công nghiệp đặc biệt và đầu tư hạ tầng tốt để những doanh nghiệp Nhật có công nghệ cao, có quy mô và năng lực lan tỏa lớn đến Việt Nam đầu tư sản xuất, lập trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, lập bản bộ quản lý dây chuyền cung cấp cho cả vùng châu Á.

Chúng ta đang muốn doanh nghiệp Nhật đến đầu tư ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhưng hình như nhiều doanh nghiệp Nhật không hưởng ứng lắm. Theo tôi tìm hiểu, bởi đa số họ cho rằng vị trí địa lý của Hòa Lạc không có tính kinh tế do xa sân bay Nội Bài, xa cảng Hải Phòng; cơ sở hạ tầng sinh sống cho người nước ngoài lại chưa được đầu tư. Làm sao để có lực lượng lao động đáp ứng được các dự án công nghệ cao cũng là quan tâm của họ. 

Trong ngắn hạn, nếu tổ chức tốt việc đưa số thực tập sinh kỹ năng và lao động có tay nghề trong nhóm đã hoặc sắp hết hợp đồng lao động tại Nhật, ta sẽ giải quyết ngay được vấn đề. Còn trong dài hạn là giáo dục, đào tạo.

Chuyến thăm của thủ tướng Suga là cơ hội cho Việt Nam chủ động hành động, thiết lập tầm nhìn chiến lược và tận dụng phong trào Đông Du mới để đẩy mạnh công nghiệp hóa.

TRẦN VĂN THỌ

Giáo sư kinh tế, Đại học Waseda

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.