samedi 31 octobre 2020

GS Nguyễn Văn Tuấn - "Groupthink", Trump và người Việt


Bà Hillary Clinton nói rằng những ai bầu cho ông Trump là "deplorable" (một chữ rất nặng nề, hàm ý nói hư hỏng về nhân cách). Những người Việt chống Trump thậm chí còn dùng những chữ nặng nề hơn cho những đồng hương có ý định bầu cho ông Trump.

Nhưng có phải người ủng hộ ông Trump là xấu xa và đáng lên án? Tôi nghĩ không. Sự chia phe cùng những phỉ báng lẫn nhau có lẽ là hiện tượng "Groupthink" (tư duy bầy đàn) mà thôi.

Có thể xem groupthink là một hiện tượng tâm lý. Người sáng chế ra danh từ này là nhà tâm lý học Irving Janis, lấy cảm hứng từ "Doublethink" trong cuốn tiểu thuyết "1984" của văn hào George Orwell [1]. Trong một bài báo trên tạp chí Psychology Today (số tháng 11/1971), Janis bàn về quá trình đi đến quyết định trong điều kiện căng thẳng, Và, ông dùng chữ groupthink lần đầu để chỉ hiện tượng các cá nhân trong nhóm kiềm chế không dám/muốn bày tỏ nghi ngờ và phán đoán đi ngược lại với đám đông trong nhóm.

Trong môi trường groupthink, và vì quyền lợi của tập thể, các thành viên có thể lờ đi những khía cạnh đạo đức để đi đến đồng thuận cùng đám đông. Nói cách khác, tư duy bầy đàn làm cho người ta tự kiểm duyệt, không nói ra những ý kiến trái chiều với tập thể. Giáo sư Janis xem groupthink là một căn bệnh tâm lý, và bệnh này làm cho 'bệnh nhân' mất khả năng đi đến quyết định sáng suốt trong môi trường tập thể.

Groupthink có ảnh hưởng lớn đến chánh sách công. Theo một nguồn tin bán chánh thống thì chánh sách (hay thiếu chánh sách) kiểm soát đại dịch của ông Trump có thể xem là hệ quả của groupthink. Theo nguồn tin này, các cố vấn của ông Trump họp mỗi buổi sáng về diễn biến của dịch, và nhóm cố vấn này có quan điểm cho rằng hãy để cho các tiểu bang chọn lựa cách đối phó, còn liên bang thì chỉ...theo dõi. Đó chính là lý do mà Chánh phủ Trump không có chánh sách từ cấp liên bang.

Nhóm cố vấn này gồm những chuyên gia và giáo sư có thể xem là 'bảo thủ' (như Peter Navarro, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Chết dưới tay China”) và họ đã có suy nghĩ như thế, chẳng có thành viên nào nếu có ý kiến khác dám phản đối. Nhóm này cũng không ưa Bác sĩ Anthony Fauci vì họ cho rằng ông bác sĩ "nay nói vầy mai nói khác"!


Groupthink và người Việt

Tôi thấy groupthink cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của cộng đồng người Việt chúng ta. Quan sát những tranh cãi trong cộng đồng người Việt về kỳ tổng tuyển cử lần này cho thấy hai phe rõ rệt: phe ủng hộ Trump và phe chống Trump. Không phải ủng hộ hay chống một cách bình thường, mà là tuyệt đối, hay có người gọi là "cuồng". "Cuồng Trump" và "Cuồng Chống Trump".

Điều thú vị là cả hai phe đều dùng những ngôn từ nặng nề để thóa mạ lẫn nhau. Phe ủng hộ Trump thì tố cáo phe chống Trump là vô ơn, là Tàu cộng, là... cộng sản. Phe chống Trump thì miệt thị phe ủng hộ Trump là ngu, dốt, vô đạo đức, không hiểu chánh trị Mỹ, là...McCarthy. Người ta cho rằng đó là sự chia rẽ, nhưng tôi nghĩ đó là triệu chứng của "căn bệnh" groupthink cấp cộng đồng. Có thể nhìn qua 5 triệu chứng đó như sau:

Triệu chứng thứ nhất là "lý trí’’. Người mắc chứng tư duy bầy đàn thường nghĩ rằng họ là người của lý trí, chớ không cảm tính. Triệu chứng này rất rõ trong nhóm chống Trump. Họ (người chống Trump) thường có suy nghĩ rằng những ai bất đồng ý kiến với họ là do ngu dốt, không am hiểu vấn đề, không tìm hiểu sự việc đến nơi đến chốn. Hàm ý rằng họ là người hiểu và biết vấn đề vì có tìm hiểu kỹ càng, rằng họ là thành phần trí thức (nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, KoL, giáo sư, v.v.) có học thức cao, cấp tiến, am hiểu thời sự quốc gia và quốc tế.

Họ mỉa mai những người Việt tị nạn ủng hộ Trump là dân lao động, kém học thức, dốt, không đọc báo tiếng Anh, nên không biết đa số báo chí Mỹ chống Trump. Do đó, họ rất thích quy kết cho những ai sắp bầu cho Trump là không có cái đầu, không biết suy nghĩ, thiển cận, ngu, y chang như suy nghĩ của bà Clinton. (Bà này là người thông minh, chớ không phải bình thường, mà còn suy nghĩ như thế!)

Triệu chứng thứ hai là áp lực tập thể. Trong môi trường bị thống trị bởi tư duy bầy đàn, khi một cá nhân hay thành viên trong nhóm bày tỏ ý kiến trái chiều, thì đám đông lập tức lên tiếng trách mắng kiểu 'nếu anh cảm thấy chúng tôi phạm sai lầm thì anh cứ tự do rời nhóm.' Do đó, theo dõi các nhóm gọi là "forum" chúng ta dễ dàng thấy có nhóm ủng hộ Trump tuyệt đối, không ai có ý kiến khác được. Ai nói gì ngược lại 'chủ trương' của tập thể là bị gán nhãn ngay ("cộng sản", "theo Tàu").

Ngược lại, các forum và trang thông tin có chủ trương chống Trump cuồng nhiệt cũng dứt khoát không cho ai nói bất cứ điều gì có lợi hay tốt cho ông Trump. Bất cứ báo Mỹ có bài nào chống Trump, họ nhanh chóng dịch sang tiếng Việt để chia sẻ với 'đồng chí', nhưng các bài ủng hộ Trump thì họ không dịch! Họ có vẻ rất tự hào vì mình biết tiếng Anh còn đồng hương "cuồng Trump" thì dốt tiếng Anh nên họ... cuồng.

Triệu chứng thứ ba là tự mãn. Người có triệu chứng tư duy bầy đàn rất tự mãn, và họ nghĩ rằng quyết định của họ là đúng, vì đâu có ai phản đối họ. Khi họ đã xem Trump là 'dân túy' thì họ tin vào phán xét của mình. Có người viết "Donald Trump là một tổng thống dân túy. Cộng sản và phát xít cũng là dân túy."

Và, để giải thích điều đó, người viết cho rằng Trump dân túy lợi dụng "những người ít học, tầng lớp thấp", "những người không theo kịp đà tiến hóa của xã hội, bị bỏ rơi, tiếc nuối quá khứ","Cổ vũ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, co cụm lại trong biên giới quốc gia hay trong giai cấp của mình." Họ khinh khỉnh xem những buổi xuống đường ủng hộ Trump là “gánh xiếc”, “trò hề”. Mà, một điều lạ là có khi người viết ra những chữ đó còn rất trẻ, đáng tuổi con cháu của những người xuống đường.

Triệu chứng thứ tư là đạo cao đức trọng (moral high ground). Người có tư duy bầy đàn lúc nào cũng nghĩ mình là kẻ có đạo cao đức trọng. Họ rất dứt khoát: tôi biết cái gì là đúng và cái gì là sai, và đây là điều đúng. Những người ủng hộ Trump hay giương ngọn cờ đạo đức vì họ tin rằng Trump là người bảo về nền tảng đạo đức Hoa Kỳ.

Ngược lại, những người chống Trump thì cho rằng ông ấy chỉ là con buôn vô đạo đức, kỳ thị chủng tộc, đạo đức giả, bất tài. Họ còn hỉ hả dùng bài báo của New York Times cho rằng Trump là kẻ "vô luân". Cả hai bên không ai chịu ai, vì ai cũng nghĩ mình có đạo cao đức trọng. Nhưng ít ai chịu nghĩ mình chỉ là con cờ bé nhỏ của các tờ báo thiên tả và hữu của Mỹ.

Triệu chứng thứ năm là rập khuôn và ảo tưởng nhất trí. Bởi vì chẳng ai trong nhóm dám nói ra ý kiến trái chiều, nên người có hội chứng tư duy bầy đàn nghĩ rằng quyết định của họ là sáng suốt nhứt và là quyết định sau cùng. Thành ra, một khi người có tư duy bầy đàn ngồi lại với nhau, họ là một tập thể đồng nhứt. Họ xem những ai thuộc một nhóm khác là hạ đẳng, hay thậm chí là đám 'mục hạ vô nhân'. Điều này cũng giải thích tại sao các "diễn đàn" internet khi đã "ám sát" ai thì họ làm rất tốt cái việc ám sát đó. Chỉ là tâm lý bầy đàn mà thôi.

Bệnh groupthink nó làm hạn chế suy nghĩ của một cá nhân. Bởi vì ở trong nhóm thì cá nhân phải hành xử theo "political correctness" (phải đạo), nên không thể hay dám suy nghĩ khác. Với chánh trị phải đạo, cá nhân khó có thể nói khác những gì mà tập thể đã xác định là chân lý, là lập trường, là chánh thống. Cá nhân không được quyền bất đồng ý kiến. Trump là kẻ xấu, bạn không được nói khác. Sự thù hận ông Trump của giới báo chí cánh tả, giới trí thức, giới văn nghệ sĩ, và giới khoa học có lẽ nói lên căn bệnh tư duy bầy đàn của giới truyền thông và văn hóa đại chúng, hơn là những cái [mà người Anh hay gọi là] 'peccadillos' của ông ấy.


Những "triệu chứng" trên đây có thể giải thích tại sao người Việt có sự phân định rất rõ rệt giữa ủng hộ và chống Trump. Một sai lầm của nhóm chống Trump là cho rằng đồng hương ủng hộ Trump là ngu xuẩn, thất học và vô đạo đức. Trong thực tế, trong cộng đồng người Việt ở Mỹ những người ủng hộ Trump cũng có học thức cao và giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống công quyền.

Những người như cựu tổng trưởng Việt Nam Cộng Hòa Hoàng Đức Nhã, dân biểu Trần Thái Văn, và tiến sĩ Phạm Đỗ Chí đều ủng hộ Trump. Một số người lập ra nhóm TAPA (Người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump tái đắc cử) do ông Phạm Đỗ Chí lãnh đạo. Họ tỏ ra quan ngại với chánh sách của Biden: "Điều quan trọng nhất mà chúng tôi e ngại là chủ trương thiên về chủ nghĩa xã hội của đảng Dân chủ, mà tiêu biểu là của cựu phó Tổng thống Joe Biden… nhất là trước tình hình Trung Quốc đang có thái độ hung hãn xâm nhập Hoa Kỳ đủ mọi phương tiện, kể cả chuyện đại dịch, gián điệp, âm mưu phá hoại kinh tế…".

Ông Trump có nhiều sai sót và tính cách, và điều đó thì không ai cãi. Nhưng tại sao người ta vẫn bầu cho ông ấy? Tại người ta "ngu dốt"? Một anh bạn tôi ở Mỹ, trong một email, giải thích rất rõ ràng: "Tôi bầu cho đường lối của ông Trump, cho đảng Cộng Hòa. Điều đó không có nghĩa rằng tôi chấp nhận nhân cách của ông Trump." Thiết nghĩ câu đó quá rõ ràng. Bầu cho chánh sách ông ấy, chớ không phải chấp nhận những sai sót về nhân cách của ông ấy. Tôi nghĩ nên nghe và tôn trọng ý kiến của phe ủng hộ Trump, chớ không nên thóa mạ người ta là ngu dốt.

GSNGUYỄN VĂN TUẤN 31.10.2020

[1] Doublethink là khái niệm được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "1984" của văn hào George Orwell. Cuốn tiểu thuyết độc đáo và 'visionary' đề ra rất nhiều thuật ngữ của giới toàn trị, nào là Big Brother, giai cấp vô sản, khắc phục, Unperson, Thoughtcrime, Bellyfeel, Newspeak, doublethink, v.v.

Orwell xem doublethink là một thủ thuật tuyên truyền nhằm gây mâu thuẫn trong tâm trí của quần chúng. Ba khẩu hiệu nổi tiếng trong tác phẩm "1984" minh họa cho doublethink là: "Chiến tranh là hòa bình; tự do là nô lệ; và dốt nát là sức mạnh." Các đảng rất thích vận dụng doublethink vì họ có thể làm cho công chúng hiểu đúng thành sai, sai thành đúng, biết là không biết, nói dối mà tưởng mình nói thật, rằng dân chủ là điều không thể, và đảng là người bảo vệ dân chủ!

Các nhà toàn trị rất thích thủ thuật này và họ dùng rất thành công để khống chế suy nghĩ của quần chúng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.