mardi 13 octobre 2020

Hoàng Hải Vân - Sách giáo khoa « xã hội hóa » : Láo toét !

 


Nghe quý vị giáo sư Cánh Diều luôn mồm nói bộ sách giáo khoa lớp 1 của quý vị là sách “xã hội hóa”, rồi dẫn nghị quyết này chủ trương nọ về xã hội hóa sách giáo khoa để chứng minh rằng quý vị đây đang đi tiên phong khai phóng nền giáo dục nước nhà, chỉ muốn chửi : Láo toét !

Mọi người cần biết, khoảng vài chục năm nay nhiều ý kiến có trách nhiệm của giới khoa học và dân chúng đề nghị xóa bỏ tình trạng độc quyền, phải nói thẳng là rất đáng kinh tởm của Bộ Giáo dục đối với sách giáo khoa thông qua nhà xuất bản (NXB) Giáo dục. Những ý kiến đó va vào đôi tai điếc của nhiều đời Bộ trưởng Giáo dục.

Mãi đến năm 2014, sau gần 30 năm đổi mới đất nước chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, Quốc hội mới lần đầu tiên đề cập đến việc phá bỏ độc quyền kinh doanh sách giáo khoa trong Nghị quyết 88/2014/QH13 về “đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Bản Nghị quyết nêu rõ việc “thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa” trên tinh thần “có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học” với nội dung cụ thể như sau :

“Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo” (hết trích).

Chủ trương này dù đúng đắn nhưng đề ra quá chậm và lập tức bị nhóm lợi ích trong ngành giáo dục lợi dụng triệt để.

Kết quả mới nhất trong việc thực hiện "xã hội hóa" sách giáo khoa là : Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được đưa vào dạy học trên toàn quốc, bao gồm 4 bộ do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn và 1 bộ mang tên là Cánh Diều của công ty VEPIC phối hợp với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (Hà Nội) và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM biên soạn.

“Xã hội hóa” ở đây là có 5 bộ sách, nhưng có tới 4 bộ sách do NXB Giáo dục. Còn 1 bộ Cánh Diều thì do Công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) thâu tóm, không “phối hợp” với NXB Giáo dục mà “phối hợp” với hai NXB khác để ấn hành.

VEPIC là công ty nào ? Nó là công ty có vốn của một số đơn vị của NXB Giáo dục và một số cổ đông khác do một cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Chủ tịch HĐQT công ty này từng có vài chục năm đứng đầu NXB Giáo dục.

Tôi không nói NXB Giáo dục có sai phạm gì vì tôi không có chứng cứ. Tôi cũng không nói công ty VEPIC kia sai phạm gì, vì tôi cũng không có chứng cứ. Tôi chỉ muốn nói, NXB Giáo dục độc quyền kinh doanh sách giáo khoa mấy chục năm, tự tính đầu vào đầu ra của sản phẩm, bắt buộc học sinh và phụ huynh phải mua sách. Với số lượng sách giáo khoa in ra cực lớn mỗi năm mà giá bán không hề rẻ, siêu lợi nhuận của nó chạy đi đâu ?

Dĩ nhiên không chỉ có lợi nhuận theo kế toán chạy, lợi nhuận còn chạy từ giá cả của nguồn giấy khổng lồ và từ vô số chi phí đầu vào của giá sách. Không ai biết, dù có kiểm toán cũng không thể biết. Do lợi nhuận khổng lồ của việc kinh doanh sách giáo khoa, nên Quốc hội vừa mới “xã hội hóa” sách giáo khoa thì đã có ngay cái VEPIC thoát thai từ NXB Giáo dục đứng ra giăng lưới thâu tóm. “Xã hội hóa” sách giáo khoa ở chỗ nào vậy ? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có trả lời được không ?

Những người hay chữ cứ mở miệng ra là xã hội hóa xã hội hóa, nói không biết ngượng mồm. “Quà quà” lêu lêu.

HOÀNG HẢI VÂN 13.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.