mardi 13 octobre 2020

Trịnh Hồng Thọ - Vụ sách giáo khoa Cánh Diều : Chửi không đúng lúc, đúng người

 


Cả tuần qua, dư luận mạng dậy sóng xung quanh cuốn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của Nhóm Cánh Diều. Có quá nhiều vấn đề cần đặt ra, thậm chí tôi nghĩ có thể nhân đây mở một diễn đàn chấn hưng tiếng Việt.

Qua cách giải thích của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên, và nhìn thành phần chủ biên gồm toàn giáo sư với tiến sĩ, nhưng cho ra đời một cuốn sách tệ hại như thế, đủ thấy tiếng Việt đã và đang bị phá nát như thế nào!

Vấn đề chuyên môn đặt ra thì nhiều, và cần phải được đào sâu, tuy nhiên có một điều có thể nói ngay, đó là việc mọi người chửi đồng loạt, mạnh mẽ, nhưng thật ra không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cơn sóng giận dữ vừa qua chỉ mới liếm quanh chân bức tường đá giáo dục trì trệ khổng lồ.

CHỬI KHÔNG ĐÚNG LÚC

Trước hết, xin nói về việc mọi người chửi không đúng lúc, nói cho chính xác là không kịp lúc.

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều này đâu phải mới từ trên trời rơi xuống. Ngay từ cuối năm 2019, nó đã ra mắt tại Hà Nội, theo báo Thanh Niên ngày 17/12/2019. Tờ báo viết rõ: ”Đây là bộ sách giáo khoa có 100% bản mẫu được các hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỉ lệ phiếu đồng thuận tuyệt đối”.

Còn theo VnExpress, ngày 22/1/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở tám môn học đã được Bộ trưởng phê duyệt. Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế khi có tới 4 bộ sách, 24 cuốn. Hai NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM, mỗi nơi bốn cuốn, hợp thành bộ sách "Cánh Diều".

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu các trường phải công bố kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 mới trước ngày 20/5/2020. Trang Vnn cho biết tính đến ngày 16/5, có 22 tỉnh, thành công bố lựa chọn sách của NXB Giáo dục và 20 tỉnh chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều.

Với bộ sách giáo khoa Cánh Diều, 100% các trường ở tỉnh Long An chọn toàn bộ 9 quyển (Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo đức 1, Âm nhạc 1, Mỹ thuật 1, Giáo dục thể chất 1) và hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1). Tỉ lệ chọn sách Cánh Diều tính theo số học sinh ở nhiều tỉnh khác cao, như Tây Ninh 95%, Tiền Giang 75,86 %, Thái Bình: 64,08%, Hậu Giang 77%...

Tại TPHCM, không thấy có số liệu toàn bộ các quận, huyện, nhưng trong bài của Thanh Niên đề cập ở quận Tân Phú có 2/17 trường lựa chọn bộ sách Cánh Diều. Còn quận Tân Bình, 30% số trường chọn bộ sách Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống.

Kể từ tháng 6, không thấy các báo đăng gì về lựa chọn sách giáo khoa nữa cho nên tôi cũng không rõ có tất cả bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu trường chọn bộ sách Cánh Diều. Tuy nhiên báo Nhân Dân ngày 6/8/2020, khẳng định mạnh mẽ: ”Không chỉ cung cấp kiến thức nhằm hình thành và phát triển năng lực cho học sinh, bộ sách Cánh Diều còn bồi dưỡng cho các em những phẩm chất tốt đẹp và kỹ năng sống cần thiết. Bộ sách này đã được các tỉnh thành trong cả nước lựa chọn với tỉ lệ cao nhất “.

Năm nay là năm đầu tiên các trường được lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoặc trọn bộ trong 5 bộ sách giáo khoa chứ không phải độc quyền như mọi năm. Việc chọn sách đã kết thúc vào cuối tháng 5 thế nhưng mãi đến khi năm học mới đã bắt đầu hơn một tháng, khi một vài cây viết facebook PHÁT HIỆN ra những sai sót của cuốn sách viết lên và ngay lập tức tạo thành sóng. Có phải là mọi người chửi đã quá trễ không?

Tôi hình dung nếu như phát hiện ra và phản ứng từ hồi tháng 5 hoặc sớm hơn nữa là hồi đầu năm khi mới thẩm định xong, lúc đó sách vẫn chưa in, thì có phải là đỡ hậu quả hơn nhiều không?

Có một thuyết âm mưu cho rằng vụ này được dấy lên để định hướng dư luận quên đi chuyện cặp da, bình hút lộc, khẩu hiệu 11 tỉ... chào mừng đại hội đảng và vụ bắt cô Phạm Đoan Trang, nhưng tôi thấy không có cơ sở nên không đề cập ở đây. Có điều là những vụ kia quả tình đã chìm lĩm, mất hút.

CHỬI KHÔNG ĐÚNG NGƯỜI

Hầu hết các bài viết ban đầu đều nhắm vào nhóm chủ biên, cũng đúng thôi vì họ là những người có trách nhiệm cao nhất đối với bộ sách Cánh Diều. Nhưng thử hỏi, nếu các bài viết ngớ ngẩn, cách dùng chữ lưu manh trong sách, như chén, cuỗm, tợp... này không được NXB duyệt thì sách có xuất bản được chăng?

Kế đến, theo tôi, chửi nhóm chủ biên một, thì phải chửi NXB hai. Để một cuốn sách ra đời phải qua bao nhiêu tầng kiểm duyệt, ai chưa hiểu xin tham khảo hành trình in cuốn sách "Gạc Ma-Vòng tròn bất tử" của Công ty Trí Việt-First News sẽ rõ.

Giả sử cuốn tiếng Việt lớp 1 là sách truyện cổ tích hoặc văn chương thì quy trình trên là đủ. Nhưng vì nó là sách giáo khoa, nên việc kiểm định chất lượng nghiêm ngặt hơn nhiều. Hội đồng kiểm định gồm toàn các vị tai to mặt lớn ở Bộ Giáo dục, có phải là những người đáng chửi hơn không, khi họ đã bỏ phiếu thông qua cuốn sách này? Và còn trách nhiệm cao nhất của bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Chửi vậy đã đủ chưa? Theo tôi là chưa, còn ba đối tượng nữa cũng đáng phải bị phê phán, thậm chí có những người đáng bị chửi hơn cả Bộ Giáo dục nếu nhìn ở góc độ đạo lý.

Đó chính là các ban giám hiệu, và các thầy cô giáo. Những người này đã có thời gian để lựa chọn sách, họ đã thẩm định như thế nào mà chọn cuốn sách này? Nếu do kiến thức kém, họ không xứng đáng làm thầy, còn nếu thấy sách sai, mà vẫn im lặng rồi mang nó đi dạy cho học sinh thì thật đáng phỉ nhổ!

Đối tượng thứ hai là phụ huynh học sinh. Theo quy trình, việc lựa chọn sách có tham khảo ý kiến của hội phụ huynh học sinh, không biết những phụ huynh này nghĩ sao nữa ! Hay họ cũng thẩm định theo kiểu vô trách nhiệm?

Một đối tượng nữa không thể không đề cập, đó là các phóng viên phụ trách mảng giáo dục. Những người này có xem các bộ sách giáo khoa trước khi đặt bút viết bài không, hay chỉ chờ nhận thơ mời, dự họp báo và viết theo Thông cáo báo chí, làm cái loa cho Bộ Giáo dục, cho các NXB?

Một trong những chức năng quan trọng của “báo chí cách mạng” là kiểm tra, giám sát... Nếu báo chí làm tốt vai trò này, thì cuốn sách có thể đã được chặn lại từ giai đoạn đầu chớ không để vỡ lỡ như hiện nay. Nhìn dưới góc độ của tôi, họ mới chính là những tội đồ.

—-

Nói thêm, hôm nay, thấy rải rác có một số ý kiến đòi xử lý hình sự nhóm chủ biên sách Cánh Diều về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tôi cho là không đúng. Nói xử lý hình sự là nói chơi cho vui thôi, theo tôi. Còn nếu bàn thêm thì nhóm chủ biên không phải là nhóm có trách nhiệm cao nhất trong việc đưa được cuốn sách tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều vào giảng dạy trong nhà trường.

TRỊNH HỒNG THỌ 13.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.