lundi 26 octobre 2020

Bùi Chí Vinh - Ký ức về tổng thống Ngô Đình Diệm


Ngày 26-10 là ngày Quốc Khánh của Đệ Nhất Cộng Hòa thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cứ đến ngày này tôi lại nhớ mấy câu thơ học thuộc lòng trong sách Quốc Văn ngày xưa:

Ngày hai mươi sáu tháng Mười

Là ngày Quốc Khánh dưới trời tự do

Say sưa tiếng hát câu hò

Reo vang hạnh phúc ấm no hòa bình...

Thời ấy chúng tôi đi học trong túi chỉ có 5 cắc mà xài hoài không hết, là bởi vì vô trường đã được cho ăn bánh mì phô mai, uống sữa nóng miễn phí nên tiền lúc nào cũng dư. Càng nghĩ về ngày Quốc Khánh càng tiếc thương Tổng thống Ngô Đình Diệm biết bao. Nay tôi trích lại một chút kỷ niệm về ông trong hồi ký Giai Thoại Của Thi Sĩ, để hiểu cách ông đối xử với kẻ thù chính trị và con cái họ như thế nào...

KÝ ỨC VỀ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Tôi bước vào ngôi trường tiểu học chậm mất hai năm so với bạn bè cùng lứa tuổi, vì một lý do bất đắc dĩ.

Ba tôi là ông Bùi Văn Trình, đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam thời kỳ đầu thành lập, ông từng sang Paris học nghề thợ giày dành cho người tàn tật và gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp. Lúc về nước ông tiếp tục hoạt động và bị bắt giam dưới chế độ Ngô Đình Diệm, bị tịch thu cửa hiệu mặt tiền “Tiệm giày tàn tật Bùi Văn Trình” trên đường Yên Đổ (tức đường Lý Chính Thắng bây giờ). Khi bị bắt ông đang là thành viên Ban Tuyên Truyền Thi Hành Hiệp Định Geneve do ông Mai Văn Bộ làm trưởng ban.

Mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Mùi cũng tương tự như vậy, bà mang bí danh Mỹ và Định, bà cũng là đảng viên Đảng Lao Động (tiền thân của Đảng Cộng Sản) nhưng thời gian ở tù ít hơn chồng. Bà thường tự hào nói với con cái rằng “Gia đình mình là gia đình Công Giáo yêu nước”. Bà từng bị giam ở bót Hoàng Hùng, bót Catinat…và có thời gian ở chiến khu.

Trong tù bà bị nhốt chung với vài nhân vật lịch sử như bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Lan Mê Linh...Bà từng kể “Bà Nguyễn Thị Bình còn gọi là Châu Sa, tính tình như con trai, ăn nói rất táo bạo”. Còn trong chiến khu bà từng mô tả về cách sinh hoạt đặc biệt của ông Lê Duẩn thuở hàn vi, lúc ra suối tắm thân thể đầy ghẻ, dáng lam lũ và có máu khôi hài không thua gì ông Lưu Bang lúc chưa lập nên nhà Hán.

Những chuyện kể của bà loáng thoáng như món rau muống luộc chấm nước tương trong bữa ăn nhà nghèo khiến tôi không mấy quan tâm. Điều tôi quan tâm là bà đã thay mặt người chồng nằm trong vòng lao lý, dạy dỗ ba đứa con nên người bằng nghề thợ may thuê cực khổ.

Năm 1961 ba tôi được chế độ Ngô Đình Diệm thả về, trên lưng và ngực đầy những vết thương tím bầm do bị tra tấn bằng roi điện, roi cá sấu. Ngày ông xuất hiện trước cửa căn nhà sàn vách ván lềnh bềnh trên mặt sông với bộ đồ bà ba đen, thằng con trai đầu lòng mới 7 tuổi là tôi đã từ chối ông.

Từ trước đến giờ tôi quên mất mình có cha và chỉ được học đánh vần bởi người mẹ bằng cuốn “Nhị Thập Tứ Hiếu”. Tôi đã quay lưng với ông suốt một tuần lễ mặc kệ đêm nào ông cũng rơi nước mắt khi nằm bên cạnh các con. Ấy thế mà chỉ trong vòng một năm tập làm quen tình phụ tử với nhau, tôi đã được ông dạy gần hết chương trình tiểu học. Tôi đã học giỏi đến mức có thể đi biểu diễn ở các trường công và trường tư lúc mới vừa…8 tuổi.

Tại trường tiểu học tư thục Sao Mai dưới chân cầu Công Lý, các thầy giáo nhà dòng đã dẫn tôi đến tất cả mọi lớp từ lớp Năm đến lớp Nhất (tức lớp 1 đến lớp 5) để đọc bảng cửu chương từ 2 cho đến 9 đọc xuôi rồi đọc ngược, sau đó làm toán chia bốn con lẫn toán phân số của bậc trung học. Tôi biến thành tấm gương hiếu học một cách kỳ lạ. Tại trường tiểu học công lập con trai Tân Định (giờ là trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn) tôi đã được thầy hiệu trưởng đặc cách nhận vô học lớp Tư (tức lớp 2) sau khi trắc nghiệm năng lực về văn và toán.

Trong phạm vi bài viết này thiết tưởng cũng cần nói lên sự ưu việt của nền giáo dục thời đó dành cho trẻ em nghèo. Tuy đất nước trong thời chiến, nhưng những đứa trẻ con chúng tôi mỗi buổi sáng đến trường không cần phải lấy tiền của cha mẹ, bởi trước khi vào lớp đều được nhận một phần ăn bánh mì phô mai và ly sữa bột nóng miễn phí. Đứa nào trốn xếp hàng nhận phần ăn sẽ bị cấm vào lớp học.


Chính vì thế con nít thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm hầu như không có chuyện thiếu dinh dưỡng bị còi xương. Thanh niên trưởng thành đều phát triển chiều cao sức khỏe đúng tiêu chuẩn khoa học, hợp với câu thành ngữ “Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh”.

Chưa kể nhà trường còn chăm sóc đến cuối năm đứa nào nghèo quá thì được lãnh phần thưởng “Cây Mùa Xuân” gồm quần áo sách vở, không hề phân biệt gia đình có hoạt động chống lại chế độ hay không. Cụ thể là gia đình “tù chính trị” nghèo mạt hạng của tôi luôn có thêm phần thưởng ấy.

Chưa kể học tiểu học được dạy môn Đức Dục, lên trung học có môn Công Dân, đều là những môn dạy căn bản đạo lý làm người. Chính nhờ những môn học nhân văn bắt buộc ấy mà từ trẻ em đến người lớn khi ra đường thấy đám ma đi ngang đều dừng lại cúi đầu chào, nghe tiếng quốc ca vang lên đều đứng yên phăng phắc, đến ngã tư thấy đèn đỏ đều tự động dừng lại trước vạch vôi trắng, phát hiện người già người tàn tật băng qua đường đều tự giác dẫn họ qua.

Ở quận, phường khóm nào cũng có nhà thương thí, trạm y tế, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nghỉ cho đồng bào bệnh hoạn hoặc bất hạnh có chỗ nương thân. Và đặc biệt những nơi này hoàn toàn miễn phí không thu một cắc. (Nếu tôi không quá chủ quan trong nhận định, thì có thể nói thời điểm ông Diệm cầm quyền là thời kỳ vàng son nhất của miền Nam trên trường quốc tế).

Thời điểm ấy nền kinh tế và dân trí Việt Nam Cộng Hòa sánh ngang với Nhật Bản, hơn Đại Hàn và tất nhiên hơn xa các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương Quần Đảo. Thời điểm ấy Sài Gòn sạch sẽ như Singapore và được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông cũng không có gì thái quá.

Giờ xin trở lại với lứa tuổi hồn nhiên… vô số tội. Hai thành tích của tôi trong giai đoạn này là đoạt giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á lúc mới 9 tuổi, đang học lớp Ba 1 trường Tân Định, với bức tranh màu nước mang tựa “Quang Trung Hành Quân” và giải thưởng truyện ngắn Viết Trên Quê Hương Điêu Tàn của một nhật báo đối lập lúc 15 tuổi với truyện “Trái Đầu Lâu”.

Trong bức Quang Trung Hành Quân tôi vẽ cuộc tiến công thần tốc của Hoàng Đế Quang Trung ra Bắc bằng cuộc chuyển quân trên võng, cảnh tượng cứ hai nghĩa quân Tây Sơn đi như chạy cáng võng một người nằm quả là hình ảnh đặc sản chỉ có ở con người Việt Nam và ở sự sáng tạo thần kỳ của Nguyễn Huệ.

Đầu năm 1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thân mời người đối kháng với chế độ ông là cha tôi Bùi Văn Trình (từng bị ông nhốt tù chính trị) dẫn tôi vào Dinh Độc Lập nhận giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á, với sự có mặt của các vị Đại Sứ nước ngoài. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng cũng đủ bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông, một vị Tổng Thống có tinh thần mã thượng, biết quý trọng hiền tài không phân biệt xuất thân, lý lịch. Một Tổng Thống có vẻ ngoài hiền hậu nhưng lại có tầm nhìn xa thấy rộng, không cho phép người Mỹ can thiệp quân sự vào hiện tình đất nước Việt Nam.

Đáng tiếc là một Tổng Thống anh minh như thế lại bị chết oan ức, chết thảm khốc trong cuộc đảo chính quân sự 1-11-1963 do chính người Mỹ giật dây theo kịch bản của họ. Ông Diệm chết vài tháng sau khi đọc diễn văn khai mạc Trại Hè Thiếu Nhi Xuất Sắc Toàn Miền Nam tại Bà Rịa Vũng Tàu mà tôi là một đại biểu thiếu nhi được mời tham dự. Sự trả giá sau cái chết của ông Diệm cũng được tôi đề cập trong truyện Trái Đầu Lâu.

Trong truyện Trái Đầu Lâu tôi nói về sự tích trái bã đậu thường rơi rụng trên vỉa hè đường Tú Xương mà tôi hay đi qua. Trái bã đậu chín khô có hình dạng như cái sọ người. Trong số tuổi 15 non nớt tôi tưởng tượng cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn Nam Bắc đang lan dần trên thành phố qua những “trái đầu lâu” mỗi ngày rơi lộp độp.

BÙICHÍ VINH 26.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.