jeudi 7 mars 2024

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 07/03/2024

1. Chiến sự trong hai ngày qua nóng rực, chẳng hiểu tại sao lại thế.

• Chỉ riêng ngày hôm qua, quân Nga đã có thêm 1.160 “kiện hàng 200”, mất 51 xe chiến đấu bọc thép, 42 hệ thống pháo binh và 17 xe tăng, theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine trên Facebook. Trong hôm qua có 92 cuộc đụng độ đã diễn ra. Các hướng có nhiều đợt tấn công của Nga là:

- Kupyansk: 4 đợt; Bakhmut: 11 đợt; Avdiivka: 21 đợt; Novopavlivka của vùng Donetsk 20 đợt; hướng Orikhiv 16 đợt.

- Còn ngày hôm kia, số lượng kiện hàng 200 là 1.250 (kinh dị!), chúng mất 40 xe chiến đấu bọc thép, 50 hệ thống pháo binh và 21 xe tăng. Cả ngày có 86 cuộc đụng độ, cụ thể: -Kupyansk: không có tấn công; Lyman: 6 đợt, Bakhmut: 2 đợt; Avdiivka: 23 đợt; hướng Novopavlivka vùng Donetsk: 39 đợt; Orihiv: 5 đợt và Kherson: 3 đợt.

Bình loạn : Chắc hẳn quý vị sẽ để ý tại sao lại có hướng Novopavlivka (vùng Donetsk) hai ngày nay đánh nhau ác thế. Tôi xem bản đồ thì hóa ra, nó là hướng Krasnohorivka mà hôm trước chúng ta đã bàn luận, nhưng tổng thể thì chắc hẳn nó được xếp vào hướng chính là Novopavlivka. Tọa độ của địa danh này ở đây.

Cụ thể, ngày hôm kia các khu dân cư bị Nga tấn công ở khu vực này gồm có Krasnohorivka, Georgiivka, Pobeda, Novomykhailivka, ngày hôm qua vẫn là Georgiivka, Novomykhaiivka, Prechistivka và Krasnohorivka.

Như vậy là vẫn câu chuyện Krasnohorivka cũ từ hôm nọ mà tôi đã viết ngày 01/03. Và nếu đúng như vậy thì “trước đây là Avdiivka, bây giờ là Krasnohorivka”. Và chưa hết, cả hướng Novomykhailivka cũng bị Nga tấn công, chính là để giải bài toán hậu cần mà tuyến đường sắt chúng đang cố gắng xây dựng từ Ilovaisk đi Mariupol.

Cứ đà này thì dãy các địa danh trên lại biến thành những Avdiivka mới, nôm na là những “tân cối xay”. Thực sự chúng ta cứ chê quân Nga nhưng rõ ràng là chúng cũng có giải những bài toán mang tính chiến lược đấy chứ có phải không đâu. Không đẩy được quân Ukraine về phía Novopavlivka (quãng đường sơ sơ 50 ki-lô-mét đường chim bay thôi) thì cái tuyến đường sắt kia có được xây dựng xong thì cũng vứt. Xin quý vị quá bộ xem bản đồ số 1.

2. Cảnh quay rõ ràng đầu tiên cho thấy một giàn HIMARS bị phá hủy.

Trước đây đã có những tuyên bố về việc HIMAR bị phá hủy nhưng chưa bao giờ có bất kỳ cảnh quay thực tế nào về nó. Lần này, Nga đã công bố được cảnh quay rõ nét và rất thật, không có yếu tố cho thấy nó là thứ được dàn dựng. Vụ tấn công tiêu diệt HIMARS được cho là của tên lửa Iskander, do tin báo của UAV.

Trước đây, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí tầm xa để săn lùng, tấn công và tiêu diệt HIMARS, nhưng việc quay được cảnh quay rõ ràng là rất khó khăn. Hiện chưa có xác nhận nào của phía Ukraine, nhưng các hãng tin phương Tây sử dụng các công cụ phân tích cho thấy nó khá đáng tin cậy. Như vậy, Nga đã phá hủy được giàn HIMARS đầu tiên của Ukraine.

Điều đáng nói là ngoài video này, ngay lập tức trên mạng xã hội Nga xuất hiện vài video khác, khẳng định có đến hai HIMARS khác bị tiêu diệt, nhưng chất lượng cảnh quay không đủ tốt để xác minh rằng đó thực sự là HIMARS hay không. Đoạn video tốt nhất thể hiện giàn HIMARS có màu tương tự cát sa mạc là yếu tố rất đáng chú ý. Sau khi nó bị bắn trúng khi đỗ gần rặng cây, khói lửa bốc lên cuồn cuộn rất ghê rợn.

Không ai biết thực tế có bao nhiêu HIMARS đã bị mất, nhưng đây không phải lần đầu Nga tuyên bố tiêu diệt được cái thứ được cho là rất khó chịu đối với họ này. Cuối năm ngoái, khoảng tháng 11 đã có những tuyên bố không thể xác minh được từ phía Nga là tiêu diệt được một giàn. Tuy nhiên chỉ vài tuần sau đó, người ta đã phát hiện thấy giàn HIMARS này với những đặc điểm tương tự giàn “đã bị tiêu diệt” được chất lên tàu để chuyển về phía Tây để bảo trì. Trong ảnh chụp có thể thấy rõ ràng những lỗ thủng mảnh đạn trên cabin, kính một cửa sổ bị vỡ và có vẻ như có cả lỗ đạn ở bên hông.

Ngày 01/01/2024, David Axe của Forbes viết bài xác định, bất chấp những nỗ lực phi thường của người Nga, chưa có giàn nào trong số 39 giàn Ukraine nhận được bị tiêu diệt. Nhưng nếu lần này chúng thành công, thì cũng không phải là một điều gì đó to tát, vì sau một năm rưỡi săn lùng mà bây giờ mới diệt được MỘT GIÀN thì kết quả thật là quá khiêm tốn.

Nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng cái lần đầu tiên một HIMARs bị tiêu diệt có vẻ vẫn không đúng sự thật. Thôi kệ nó, chuyện không quan trọng.

 

3. Nói tiếp vụ tàu tuần tra “Sergei Kotov” đã bị phá hủy ở Crimea (GUR đã xác nhận)

Cụ thể là vào đêm 4 rạng ngày 5 tháng 3 năm 2024, “Nhóm 13” – một đơn vị đặc biệt của Tình báo Quốc phòng Ukraine đã tấn công tàu tuần tra của Hạm đội biển Đen “Sergei Kotov” của Nga. Nhiệm vụ được thực hiện với sự hợp tác của Hải quân Ukraine và với sự hỗ trợ của Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine.

Tàu “Sergei Kotov” được cho là đang làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ cầu Kerch, và sau vụ tấn công thì nó đã ngoẻo.

Bình loạn : Tôi gửi kèm theo bài này một tấm ảnh, chiếc drone mặt nước mới của hải quân Ukraine được sản xuất hàng loạt bằng kinh phí quyên góp được từ nguồn xã hội hóa. Trên thân của nó chúng ta có thể thấy tên của loại drone mới này là “Avdiivka.” Cái lùm lùm phía trên, là ngụy trang che phủ antenna bắt sóng Starlink.

Loại drone mặt nước này dài 5 mét rưỡi nhưng chỉ cao có nửa mét, nghĩa là nếu nó chạy trên mặt biển thì không có khả năng nhìn thấy được bằng mắt thường, vì sóng biển chỉ cần 1 mét đã che hết nó rồi. “Avdiivka” có thể cõng được vài trăm ki-lô-gram đến cả tấn thuốc nổ. Đến vệ sĩ Kotov còn bị tẩn đến mức chìm nghỉm, chẳng hiểu nếu vài chục “Avdiivka” tràn vào thì cầu Kerch chống vào đâu. Có mà chống vào mũi.

4. Tin thêm không bình luận:

• Ukraine thực hiện thành công cuộc tấn công quy mô lớn vào máy chủ của Bộ Quốc phòng Nga

Tình báo quân sự Ukraine hôm thứ Hai (04/03) cho biết họ đã đột nhập thành công vào máy chủ của Bộ Quốc phòng Nga, giành quyền truy cập vào nhiều tài liệu mật của nhiều quan chức.

“Hiện cơ quan đặc biệt Ukraine sở hữu phần mềm bảo vệ và mã hóa thông tin từng được Bộ Quốc phòng Nga sử dụng, cũng như một loạt tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Nga”, Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) tuyên bố trong một bài đăng trên kênh Telegram chính thức của mình.

Không phải chỉ Ukraine hack được Nga, mà Nga cũng hack Ukraine ác liệt. Gần đây, Ukraine bị mất liên lạc trên toàn quốc sau khi tin tặc Nga xâm nhập vào Kyivstar, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Ukraine. Một tháng sau, GUR cho biết tin tặc mạng của họ đã đánh sập một “kênh thông tin liên lạc đặc biệt” được Bộ Quốc phòng Nga sử dụng.

Theo bài đăng hôm thứ Hai của GUR, dữ liệu thu thập được gần đây đã giúp các đặc vụ của họ xác định được thông tin nhiều chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga. GUR viết: “Thông tin thu được cho phép chúng tôi thiết lập cấu trúc hoàn chỉnh của hệ thống của Bộ Quốc phòng Nga và các đơn vị trực thuộc”. Thông điệp của GUR lưu ý rằng họ đã có quyền truy cập vào các tài liệu chính thức của Timur Ivanov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga và cựu Phó Thống đốc tỉnh Mục-tư-khoa.

Cuối bản tin, GUR không quên cảm ơn Séc-gây Shói-gù vì đã để mở cửa hệ thống của Bộ cho tin tặc Ukraine kéo vào.

5. Sukhoi 34 là cái gì?

• Trong một cuộc họp báo ngày thứ Hai 04/03/2024, người phát ngôn của Lực lượng Phòng không – Không quân Ukraine, đại tá Yury Ihnat nói rằng Nga đã giảm đáng kể việc sử dụng máy bay chiến đấu và GAB/KAB (bom lượn có dẫn đường) trên lãnh thổ Ukraine. Ông nói: “Kẻ thù đang nhận ra bài học. Họ đã giảm hoạt động sử dụng hàng không bằng GAB. Và máy bay A-50 (AWACS) thực sự đã không còn xuất hiện trên bầu trời, sau một vụ bắn rơi Su-34 khác vào tháng Ba. Không quân Nga đã chạy trốn khỏi không phận của chúng tôi và bầu trời trong xanh trở lại.”

Bình loạn : Hôm trước tôi có dịch (khá vội, hú họa trên nền Google) bài “Nga còn bao nhiêu cái Sukhoi?tại đây.

Cho đến nay, Lực lượng phòng không – không quân Ukraine đã bắn rơi 347 máy bay quân sự của Nga kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine – đó là con số báo cáo chính thức của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine. Nếu “quy ra thóc” thì chỉ riêng trong tháng Hai năm 2024, Nga đã mất số máy bay trị giá hơn 1 tỉ USD, trong đó đặc biệt phải kể là có đến 10 máy bay chiến đấu – ném bom Sung-khui 34 trị giá 50 triệu USD mỗi chiếc.

Lịch sử của cái Sukhoi 34 này là, cuối thập niên 1980 không quân Liên Xô có nhu cầu thay thế các loại máy bay Sukhoi 24 đã bắt đầu già nua, cũ kỹ. Nhiệm vụ được giao cho Viện thiết kế Sukhoi và nhóm của Viện này bắt tay vào việc: Họ chọn phương án “đúng theo kiểu Nga” tức là phát triển một kiểu máy bay mới trên cơ sở cái máy bay cũ, và Su-27 được chọn.

Do vướng mắc về công nghệ chế tạo, các nhà thiết kế không muốn kéo dài khung của Su-27 nên họ chọn phương án thay cho nó một buồng lái (cockpit) mới to phình ra theo chiều ngang để đủ chỗ cho một phi công thứ hai, chính xác là sĩ quan điều khiển hệ thống vũ khí ngồi ngang hàng với phi công lái chính. Không phải theo kiểu ngồi trước – sau như trên một số kiểu máy bay khác, đặc biệt như F-14 Tomcat của Mỹ. Đó là lý do nó được gọi là “Thú mỏ vịt” vì cái mõm bè bè mỏng dẹt của nó.

Chúng ta cần chú ý: với cùng tính năng, cùng “phân khúc” Su-34 ra đời sau F-14 Tomcat đến 35 năm. “Sự thay thế F-14” ra đời sau nó chỉ 8 năm – F/A-18C “Hornet”, nhưng với công nghệ vượt trội, F/A-18C “Hornet” chỉ cần một phi công mà vẫn thực hiện được nhiều nhiệm vụ phức tạp cùng lúc. Còn đến chiếc F/A 18E/18F “Super Hornet” hai chỗ ngồi sau này (bay chuyến đầu tiên là năm 1995) thì Su-34 càng không thể so được.

Tất nhiên, với báo chí Phía Đông nước Lào thì cái gì của Nga cũng là nhất, shit của Putox còn thơm nữa là – chúng ca ngợi cái Su-35 là tiêm kích đa năng kiêm cường kích như thế nào thì cái Su-34 được ca ngợi là máy bay ném bom tốt nhất thế giới. Trên thực tế thì các chuyên gia cho rằng việc phát triển F/A 18E/18F “Super Hornet” là do nhu cầu có máy bay lớn hơn 2 chỗ ngồi để thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn, chứ chiếc F/A-18C “Hornet” cũng đã đủ rồi.

Trong khi đó việc Nga phát triển Su-34 lại là một câu chuyện khác: công nghệ không đủ để phát triển một loại máy bay ném bom thực hiện được nhiều nhiệm vụ phức tạp cùng lúc (đa nhiệm) mà chỉ có một chỗ ngồi. Vì vậy với các chuyên gia, Su-34 dù được bơm thổi đến mấy vẫn chỉ là một trò bịp bợm mới của Tập đoàn Sukhoi, vốn được cho là rất tài luồn lọt để đánh bại Mikoyan (Mikoyan-Gurevich).

Máy bay Su-35 còn tệ nữa – nó có khung giống hệt Su-27 “Flanker” (thời Liên Xô được đưa vào sử dụng năm 1985). “Flanker” thua xa các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây ở khả năng tác chiến tầm xa vì nó chỉ có một radar cổ, cũng không mang được nhiều nhiên liệu cho lắm so với suất tiêu thụ nhiên liệu nổi tiếng ăn khỏe của nó. Sau đó, quả thực Sukhoi cũng có những nỗ lực khi nâng cấp Su-30SM đã biến Su-27 thành một máy bay đa chức năng thực sự, thì Su-35 lại giống một bản nâng cấp vá víu với chi phí thấp. Su-27 có nhiều biến thể phái sinh và xuất khẩu với các radar khác nhau được xuất khẩu sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như Su-30MKK, Ấn Độ là Su-30MKI và Malaysia là Su-30MKM.

Mới đây nhất, Malaysia vừa lau mồ hôi vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động toàn bộ phi đội máy bay mua của Nga.

Sau đây là 9 (chín) điểm tồi tệ hơn do các nguyên tắc thiết kế của nó kế thừa đã dẫn đến vụ “thảm sát Sukhoi” – hay còn gọi là “đại khai sát giới máy bay Nga” trong cuộc chiến tranh ở Ukraine dẫn đến nó được chúng ta đặt cho cái tên mới là “Sung-khui” – máy bay như “khui” và rụng thì như “sung.”

Thứ nhất: Radar và hệ thống điện tử hàng không từ thời Liên Xô. Nga là quốc gia duy nhất xuất khẩu máy bay chiến đấu không có radar quét mảng điện tử chủ động (AESA). Các biến thể sản xuất nội địa của Nga Su-57 và MiG-35 được trang bị radar mảng pha Irbis-E và Zhuk-M thời Liên Xô vì radar AESA nguyên mẫu của Nga đã thất bại trong cuộc thử nghiệm trên băng tải.

Radar PESA Irbis-E của Su-35 có bộ truyền động điện-thủy lực hai bước, giúp quay ăng-ten một cách cơ học đến 60° theo góc phương vị và 70° theo góc cuộn. Ngược lại, thiết bị ăng-ten quét bằng chùm tia được điều khiển điện tử theo góc phương vị và góc nâng trong các khu vực vượt quá 60°. Điều này có nghĩa là radar Irbis-E PESA không có góc nhìn rộng như radar Raven ES hay Captor AESA của Châu Âu.

Tệ hơn nữa, Irbis-E dễ bị gây nhiễu bởi các bộ EW hiện đại do băng thông nhỏ hơn, điều này chúng ta có thể nhận ra nguyên nhân từ độ phân giải SAR kém hơn. Máy bay được trang bị buồng lái cũ và hệ thống điện tử hàng không thời Liên Xô. Phi công Nga bị bắt Andrey Fedorchukov nói với các quan chức Ukraine rằng Bộ chỉ huy Không quân Nga đã phân phối thiết bị GPS của hãng Garmin và Pronebo để họ có thể định vị được ở Ukraine vì hệ thống hướng dẫn GLONASS của Nga có chất lượng kém. Trước đây Nga phải sử dụng Su-24 và Su-25 thế hệ cũ ở Syria và Ukraine vì Su-34 cùng Su-35 mới chế tạo thiếu khả năng tấn công chính xác do hệ thống dẫn đường GLONASS bị lỗi.

Thứ hai: Không có tác chiến điện tử. Hệ thống tác chiến điện tử Khibiny được phát triển từ những năm 1990 nhưng được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Vũ trang Nga vào năm 2013 để bảo vệ máy bay trước các hệ thống phòng không. Nhiệm vụ phát triển hệ thống EW được thực hiện từ năm 1977 đến năm 1990. Hầu hết các hệ thống EW của Nga đều được phát triển vào đầu những năm 1990 nhưng được áp dụng vào năm 2013 hoặc muộn hơn. Đây là nguyên nhân chính khiến Phòng không – Không quân Ukraine bắn rơi 2 máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga. 

Theo tập đoàn KRET, sự phụ thuộc của Nga vào Bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số (DRFM) là cơ sở cho các tín hiệu được tạo ra bởi các thiết bị gây nhiễu này. Đây là một hệ thống trong đó thư viện mối đe dọa của hệ thống EW nhận ra tín hiệu radar mà nó đang nhận và bắt chước tín hiệu đó để hệ thống radar dường như không liên lạc được gì. Phương pháp này phụ thuộc vào các xung từ đối thủ có tần số không đổi trong khoảng thời gian đều đặn. Tuy nhiên, radar AESA hiện đại luôn tạo ra các tần số khác nhau, khiến các thiết bị gây nhiễu tần số vô tuyến dựa trên DRFM của Nga khó theo dõi tần số hơn và khiến hệ thống tác chiến điện tử Khibiny không thể hoạt động và vô dụng trong chiến đấu thực tế.

Thứ ba: Không có datalink và IFF. Nga đã từng bắn hạ máy bay ném bom Su-35 và Su-34 của chính mình. Việc thiếu năng lực trong “nhận dạng địch ta” (IFF) và liên kết dữ liệu là hai lý do chính khiến Không quân Nga không hoạt động được theo đội hình trong tác chiến ở Ukraine.

Quân đội Nga thiếu mạng lưới và liên kết dữ liệu chung giữa các lực lượng, tạo ra rào cản liên lạc cho các hoạt động đa miền trong cuộc chiến Ukraine. Các binh sĩ quân đội Nga đã được phát hiện mang theo ăng-ten băng tần FM và bộ đàm thương mại bán sẵn trên thị trường và mang vào trận chiến một cách kỳ dị. Lực lượng tác chiến điện tử Ukraine thậm chí còn chơi nhạc, chửi thề và gây nhiễu đài FM của Nga.

Thứ tư: Vũ khí thời Xô-viết. Su-35 chỉ có thể phóng tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động, cụ thể là R-27, nhiệm vụ này yêu cầu máy bay chiến đấu hướng mũi vào mục tiêu trong suốt thời gian bay của tên lửa. Su-35 và Su-34 thiếu khả năng phát tín hiệu gắn trên mũ bảo hiểm và khả năng đánh xa hơn tầm nhìn của tên lửa R-73.

Khả năng không đối đất của Su-35 rất cơ bản, nó chỉ có thể sử dụng một số vũ khí dẫn đường như bom dẫn đường bằng laser bán chủ động FAB-500L, đó chính là lý do ban đầu Nga sử dụng máy bay chiến đấu Su-24 cũ hơn để làm nhiệm vụ ném bom mặt đất. Su-24 được trang bị SVP-24, một hệ thống định vị hoạt động như một máy ngắm bom vi tính do công ty Gefest & T của Nga sản xuất.

Theo Không quân Ấn Độ, R-77 chưa bao giờ được thử nghiệm kỹ lưỡng để tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào, điều này chứng tỏ tính hiệu quả của nó trên chiến trường. Tuy nhiên, R-77 đã nhanh chóng được xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc để kiếm tiền, đồng nghĩa với việc nó được quảng cáo rùm beng mà không cần thử nghiệm thêm.

Tên lửa này đã được chứng minh là không chính xác trong cuộc giao tranh ở Kashmir. Sau cuộc xung đột này, tên lửa R-77 của máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ do phi công Ấn Độ điều khiển đã bị thu giữ. Sau đó Pakistan đã đem trưng bày chúng tại trụ sở Lực lượng Không quân Pakistan ở Islamabad vào ngày 24 tháng 2 năm 2020 để kỷ niệm Chiến dịch “của Lực lượng Không quân Pakistan đã phản công nhanh chóng chống lại Không quân Ấn Độ.”

Thêm một ông nữa choáng váng vì bị Nga lừa, bán cho hàng đểu. Đó là ông Ấn Độ.

Tầm bắn 80 km của R-77 là nguyên nhân chính khiến Không quân Ấn Độ thua trong cuộc giao tranh Kashmir trước F-16C của Pakistan với tên lửa AIM-120B AMRAAM 110 km.

Hầu hết Su-35 bay với các biến thể trang bị thiết bị tìm kiếm hồng ngoại và bán chủ động cũ hơn của R-27 vì R-77 đang bị thiếu hụt. Việc thiếu vũ khí trang bị tốt khiến Su-35 gặp bất lợi đáng kể. Tên lửa tầm ngắn R-77 khiến Su-35 gặp bất lợi đáng kể trong tác chiến sử dụng tên lửa ngoài tầm nhìn (BVR).

Bom dẫn đường bằng laser bán chủ động FAB-500L của Nga có độ chính xác không cao (không muốn nói là khá thấp) và phải được thả từ độ cao thấp. Những thứ “bom ngu” khác của Nga như bom FAB-500 có tầm lượn ngắn hơn, đòi hỏi phi công phải bay gần chiến trường, khiến nó dễ bị tấn công bằng tên lửa từ mặt đất, đó chính là lý do khiến Nga mất 35 chiếc Su-34 và 28 chiếc Su-35 cho đến nay. Trong những trường hợp đó, các hệ thống tên lửa RBS-70 MANPAD, IRIS-T SLM và Patriot của phương Tây đều có thể trở thành mối đe dọa đối với Sung-khui.

Thứ năm: Mặt cắt radar (RCS) cao. Đặc điểm nổi bật nhất của các thiết kế thế hệ 4.5 hiện đại của phương Tây là sử dụng vật liệu hấp thụ radar và khung máy bay được sửa đổi để giảm tiết diện phản xạ sóng radar, tăng cường khả năng sống sót trước mọi cuộc tấn công ngoài tầm nhìn.

Ngược lại, Su-34 và Su-35 đã sử dụng cùng một khung máy bay từ những năm 1980 mà không có bất kỳ sửa đổi nào để giảm thiểu mặt cắt radar. Đáng chú ý, Su-35 có tiết diện radar phía trước cao hơn đối với máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ thứ 4 và cao hơn so với “Gripen” của Thụy Điển, “Super Hornet” của Mỹ hay “Rafale” của Pháp.

Những chiếc Su-35 với radar tầm cao rộng tới 15 mét vuông xuất hiện trên Hệ thống quét điện tử chủ động (AESA) hiện đại của phương Tây gồm IRIS-T SLM, NASAMS và Hệ thống tên lửa Patriot từ cách chiến trường hơn 250 ki-lô-mét, khiến chúng dễ bị tấn công từ mặt đất hơn.

Thứ sáu: Động cơ không đáng tin cậy và kinh khủng về khói. Độ tin cậy của động cơ RD-33 và AL-31 là một trong những vấn đề chính khiến lực lượng không quân Malaysia lo lắng. Động cơ RD-33 và AL-31 của Klimov thải ra quá nhiều khói, khiến các phi công Malaysia bị đặt biệt danh là “Những tên cướp khói mù”. Nếu tôi dịch tôi sẽ dịch là “Những tên cướp bán bún chả.”

Tổng Kiểm toán Ấn Độ đã tiến hành kiểm toán Hindustan Aeronautics và báo cáo 17 vấn đề về thiết kế với các máy bay có động cơ nguồn gốc từ Nga và 21 lỗi thiết kế liên quan đến động cơ lắp trên các máy bay MiG-29K và Su-30MKI của Nga, dẫn đến nhiều vụ tai nạn máy bay ở Ấn Độ.

Thứ bảy: Chi phí bảo trì cao. Có lẽ nhược điểm đáng kể nhất của Su-35 so với các đối thủ cạnh tranh là yêu cầu bảo trì và chi phí vận hành cao. Điều này khiến loại máy bay này khó được duy trì ở tình trạng sẵn sàng hoạt động mức độ cao và có nghĩa là dù giá bán loại máy bay này có tốt đến đâu, nó vẫn sẽ khiến bất kỳ Bộ quốc phòng nào phải cấp vốn đáng kể cho nó trong suốt thời gian tồn tại của mình.

Chi phí vận hành và bảo trì cao càng bị tác động trong thời chiến vì máy bay chiến đấu có thể xuất kích ít hơn, thời gian nằm chờ dài hơn và dễ bị tổn thương hơn trước các nỗ lực ngăn chặn của kẻ thù nhằm vào nguồn cung cấp nhiên liệu và phụ tùng thay thế.

Thứ tám: Đào tạo kém. Trong nhiều năm Không quân Nga được cho là đã phải vật lộn với việc có đủ kinh phí để đào tạo phi công. Các phi công chiến đấu của Nga chỉ tích lũy được tổng cộng 120 giờ bay mỗi năm sau khi được phân công về đơn vị. Trong khi đó các phi công Mỹ ở cùng thời điểm trong sự nghiệp, đạt gần 924 giờ mỗi năm.

Hầu hết các chuyến bay huấn luyện tiền tuyến của Hàng không vũ trụ Nga đều là các tình huống vô hại với các nhiệm vụ đơn giản như bay dẫn đường, vận chuyển vũ khí không cần điều khiển ở phạm vi mở và bay mô phỏng mục tiêu phối hợp với hệ thống phòng không trên mặt đất. Nga thiếu khả năng tiếp cận cơ cấu huấn luyện và tập trận thực binh để cạnh tranh với lực lượng không quân NATO.

• Thứ chín: Nga thiếu kinh nghiệm vận hành máy bay Cảnh Báo Sớm (Earling Warning)

Việc bắn rơi hai máy bay cảnh báo sớm A-50 đã gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng không quân Nga. Lực lượng không quân nước này đã thua, chủ yếu trước tên lửa đất đối không tầm xa của Ukraine – đặc biệt là hệ thống Patriot PAC-2 do Mỹ sản xuất. Chỉ trong một tháng Giêng năm 2024, tám chiếc máy bay tốt nhất của Nga, bao gồm cả chiếc A-50 ở Trudovaya Armenia, Krasnodar Krai đã bị người Ukraine bắn hạ.

Trước hai vụ bắn hạ A-50 này, không quân Nga chỉ có 8 chiếc A-50MU hiện đại hóa. Thế là, bây giờ số lượng giảm xuống còn sáu, mà không biết tình trạng sẵn sàng hoạt động của chúng như thế nào. Trước đây có một chiếc A-50 đã bị quân du kích Belarus phá hủy ở Belarus bằng máy bay không người lái cảm tử nhỏ.

Tóm lại, Su-27 ra lò vào ngày 20/05/1977, hơn một thập kỷ sau, Liên Xô sụp đổ. Su-35 chính là Su-27 với những tính năng… được thổi phồng, thậm chí có tính lừa đảo, chẳng hạn như lô Su-35 đã phá vỡ thỏa thuận với khách hàng Indonesia và người ta không nghi ngờ rằng, có nhiều khách hàng khác đang phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Các khách hàng tham rẻ có thể kể: Ai Cập, Ấn Độ, Algeria và thậm chí xứ phía Đông nước Lào.

Từ trước đến nay, vũ khí Nga vốn bị thổi phồng để dễn bán hàng, và máy bay của Nga không phải là ngoại lệ, nhưng có lẽ trong lịch sử của ngành buôn bán vũ khí thế giới, chưa có chiếc nào đạt được mức độ bốc phét như Su-35 và dòng Su-27 “Flanker” nói chung. Thực tế, máy bay Nga chỉ xuất sắc tại các cuộc triển lãm hàng không mà thôi.

6. Nhận xét và kết luận

Ngày 17/02/2024 – Nga chiếm được Avdiivka. Từ đó đến nay đã được gần 20 ngày (tháng Hai chỉ có 29 ngày) và quân Nga vẫn miệt mài tấn công ở khắp các mặt trận. Câu này bọn nhà báo xứ phía đông nước Lào viết đúng.

Vấn đề là, mùa xuân là mùa vừa có tuyết rơi và sau đó nó tan khá nhanh. Tháng Hai, tháng Ba và tháng Tư là thời gian ở Ukraine mà các hoạt động tấn công trong chiến tranh gần như không thể xảy ra.

Ukraine được thiên nhiên ưu đãi bởi lớp đất đen sâu tới 1 mét, hàm lượng hữu cơ lên tới 20 %. Loại đất đen này vô cùng màu mỡ nhưng cũng rất dễ hình thành lớp bùn dày và sâu có thể nuốt chửng xe tăng nếu chúng dám loạng quạng đi vào. Đó là lý do tại sao việc tấn công vào mùa xuân và mùa thu rất khó khăn, mưa biến đất thành bùn và khiến việc chuyển quân trên đường trải nhựa dưới tầm pháo của đối phương trở thành hành động của một kẻ điên.

Mọi thứ đều di chuyển rất chậm với sự hỗ trợ rất hạn chế từ các phương tiện hạng nặng. Tiếp tế cho tiền tuyến chỉ được tiến hành trên đường sắt và sau đó là đường bộ, không có khả năng sử dụng các con đường dã chiến. Tóm lại, lúc này là thời điểm tồi tệ nhất để tấn công.

Trong khi đó, sau Avdiivka, quân Nga của Shoigu đang phải sử dụng lực lượng dự trữ tích lũy của chúng tới các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn của Ukraine. Chúng làm điều đó không vì bất cứ một mục tiêu chiến lược nào, do đó không có chút hiệu quả quân sự nào. Chúng cũng không làm điều đó vì kém năng lực, bất cứ người lính Nga cũng đều biết rất rõ về Rasputitsa. Chúng tấn công trong giai đoạn này, chỉ vì cuộc bầu cử đang đến gần và chúng cần thứ gì đó, bất cứ thứ gì để giữ cho các kênh truyền thông tràn ngập tin tức về những thắng lợi trên chiến trường Ukraine.

Câu chuyện Sukhoi rụng như sung biến thành Sung-khui – cũng không nằm ngoài quá trình trên. Thèm chiến thắng giả tạo quá rồi.

Đó cũng là lý do mà chúng ta đọc thấy tin tức của báo chí phía Đông nước Lào cũng gào lên man rợ, dường như Ukraine sắp sụp đổ đến nơi. Mỗi tội cái sự gào thét này đã kéo dài quá lâu mà vẫn chưa thấy ai tên là SỤP ĐỔ, và bất cứ độc giả nào với trí lực trung bình cũng có thể đặt câu hỏi: tại sao lũ “lều báo” này chúng hô hét lâu như thế, mà Nga Putox vẫn chưa chiến thắng?

Những dấu hiệu này cho thấy rằng, Putox và bộ sậu thân cận đang nhận ra chúng gặp rắc rối. Từ đó dẫn đến các sự kiện: những kẻ đầu sỏ thân cận với Điện Kẩm-linh rơi qua cửa sổ một cách “đều như vắt tranh,” các cơ sở kinh tế trong nước cháy nổ đều đều mà “đâu ra người Ukraine đốt mà lắm thế”, sau cùng là Navalny chết trong tù.

Những người đến tưởng nhớ Navalny chỉ là con số lẻ, rất lẻ. Điều đó Putox và bộ sậu của hắn biết.

Chỉ có một lời giải thích khả dĩ cho tất cả tình trạng này: Kẩm-linh dự kiến sẽ gặp rắc rối trong cuộc bầu cử hoặc ngay sau khi Putox được tuyên bố là người chiến thắng. Đó là lý do tại sao chúng vứt hàng vạn mạng thanh niên Nga để thu hút sự chú ý của dân chúng Nga vào chiến thắng giả tạo mà không chú ý đến bầu cử nữa đồng thời hạ thủ những người từng là những người trung thành, những nhân vật quan trọng với chế độ.

Cuộc tấn công hiện nay trên chiến trường Ukraine thực sự nói lên sự tuyệt vọng của Putox. Tôi đã từng nói với các bạn Facebook của mình: theo kế hoạch thì hắn muốn đánh nhanh thắng nhanh ở Ukraine, mọi chuyện gói gọn trong vài tháng, rồi cuối năm 2022 kỷ niệm 100 năm Liên Xô, hắn tuyên bố thành lập Liên bang mới. Năm 2023 là năm để hắn đi khắp nơi trong nước, rồi loạng quạng đi dọa dẫm các nước Liên Xô cũ, ra cả nước ngoài “nâng cao vị thế ngoại giao” trong khi phương Tây giương mắt ngồi nhìn, như một lũ gián. Sang năm 2024 là huy hoàng bước lên ngai đại đế Toàn Nga. Chẳng ai cướp được của hắn bất cứ cái gì, kể cả uy tín.

Chẳng ai ngờ cuộc chiến lại kéo dài đến thế, kéo đến tận… bầu cử. Bây giờ là lúc bầu cử đến nơi mà vẫn còn ép Shoigu xua quân đi đánh nhau vỡ mặt ở tận đẩu tận đâu, chưa có cái phi lý nào như cái phi lý này. Điều này tôi đã viết vài lần: Đã bầu cử ở một siêu cường có vũ khí hạt nhân, quân đội thứ hai thế giới và bây giờ còn là “kinh tế mạnh nhất châu Âu” (mả mẹ thằng bốc phét) thì phải diễn ra trong hòa bình thịnh trị, trong nắng xuân, trong mưa xuân phơi phới bay… chứ ai lại diễn ra trong… Chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tài, Putox thật là tài! Tất cả đã nằm trong tính toán của Putox cả. Chỉ có người hiểu ĐẠO TRỜI ĐẤT thì nhận ra, vận số của con quỷ này đã hết, chỉ là lúc nào ĐỔ NGHIỆP mà thôi.

Tôi không biết Putox đang gặp rắc rối gì và đến mức nào, nhưng chắc chắn hắn nhận ra mình đang gặp rất nhiều rắc rối và đang có những hành động đáp ứng. Chuyện này sẽ không kéo dài, cùng lắm là trong khoảng một tháng nữa sẽ có những sự kiện hay ho ra trò để chúng ta chứng kiến.

Xin post lại một câu chuyện tiếu lâm của Nga.

TẠI SAO MỸ ĐANG THUA TRONG CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE?

Một người vợ Nga quay sang chồng mình và hỏi: “Chiến dịch quân sự đặc biệt mà lãnh tụ vinh quang của chúng ta vẫn hay nói đến là gì?” Chồng cô trả lời: “Đó là cuộc chiến để ngăn chặn thế lực thù địch – Mỹ và NATO.”

“Ôi chao, đúng rồi” cô vợ thốt lên. “Mọi việc thế nào rồi?”

“Ồ,” – Anh chồng trả lời – “cho đến nay chúng ta mới mất có hơn 20 tướng, hơn 315.000 quân ch_ết hoặc bị thương, 3.000 xe tăng, 300 máy bay, hàng trăm máy bay trực thăng, vô số xe bọc thép, pháo binh và xe tải, soái hạm của chúng ta cùng với các tàu hải quân khác… quân đội của chúng ta đang bị đánh bại ở hầu hết các khu vực và chúng ta đã phải áp dụng biện pháp bắt 500.000 người Nga đi lính, bao gồm cả những kẻ giết người và hiếp dâm để bù đắp những tổn thất của chúng ta.”

“Ồ!” – cô vợ lại thốt lên “Thế còn Mỹ và NATO thì sao”?

“Họ vẫn chưa xuất hiện!”

Ha ha ha…

PHÚC LAI 07.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.