dimanche 31 mars 2024

Nguyễn Thông - Lễ Phục Sinh và nhà thờ

 

Điều đầu tiên cần tỏ bày, rằng kiến thức của tôi về đạo Thiên chúa, Ki tô giáo… rất lơ mơ ít ỏi.

Một kẻ vô thần, lại lớn lên và trưởng thành ở miền Bắc trước năm 1975, chỉ được nhồi nhét chủ nghĩa Mác - Lê Nin vô thần. Tận mắt chứng kiến những nhà thờ bị đập phá, đọc nhiều sách viết bậy bạ về nhà thờ, về các đức cha, linh mục (như Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan, Bão biển của Chu Văn, Xung đột của Nguyễn Khải…). Nghe những câu xàm xí về Đức Chúa và hang đá.

Thấy những người có đạo bị hắt hủi, thậm chí bị công khai gạch tên, loại bỏ khỏi danh sách này nọ (không kết nạp đoàn, kết nạp đảng, không bổ nhiệm làm lãnh đạo), khi khai lý lịch trong mục “Tôn giáo” nếu ghi “không” sẽ được coi là ưu điểm… Thì làm sao có thể hiểu sâu biết kỹ về các tôn giáo. Đầu óc cả đám bị đổ bê tông bởi câu loạn xằng của Các Mác ông tổ cộng sản “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

Dần dà, cuộc sống mở mang và đầu óc cũng mở ra. Quen và chơi với những người có đạo, chẳng hạn thầy tu xuất Cung Bỉnh Duyệt từng dạy cùng trường, với anh Đoàn Khắc Xuyên một nhà báo giỏi nghề từ trong bụng mẹ, với nhiều bạn bè là con chiên ngoan đạo, tôi được bổ sung chút ít hiểu biết về đạo, nhà thờ, mục tử (chăn chiên), thánh ca, các lễ…

Tuần có lễ Phục Sinh, với người có đạo là Tuần Thánh, và ngày cuối tuần - Chủ nhật là ngày lễ Phục Sinh, để tưởng nhớ sự khổ nạn, biết ơn sự thương khó của Chúa. Chủ nhật, hay còn gọi Chúa nhật, nghĩa là “ngày của Chúa”. Vì thế, 7 ngày trong mỗi tuần, từ thứ hai tới thứ bảy đều viết thường, còn ngày cuối “của Chúa” thì viết hoa thành Chúa nhật/Chủ nhật. Về mặt tiếng Việt, có lẽ cũng nên lưu ý chỉ viết Chủ nhật chứ đừng rườm rà thành “ngày Chủ nhật” bởi thừa chữ “ngày”, cũng như nhiều người rất hay sai khi viết/nói “ngày sinh nhật”.

Hôm nay 31.03 là lễ trọng Phục Sinh. Phục Sinh là sống lại. Chúa đã sống lại để gánh trọng trách che chở, dẫn đường cho con người. Tôi thấy các nhà thờ ở Sài Gòn rộn không khí hân hoan, tràn ngập niềm vui đón Chúa phục sinh. Mấy bạn có đạo còn bảo lễ này quan trọng và lớn hơn cả lễ Giáng Sinh (Chúa ra đời).

Tôi lúc rảnh hay đến ngó, chiêm ngưỡng các nhà thờ. Ngắm bên ngoài, có lúc bạo dạn vào hẳn bên trong. Nhà thờ là hình ảnh kiến trúc quen thuộc ở xứ này suốt từ nam ra bắc, nhiều nhất là ở các vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Cũng dễ hiểu, các cha cố người Bồ Đào Nha, Pháp, nói chung là phương tây, đã đến sớm nhất và “hành nghề” ở phía nam nhiều hơn so với vùng ngoài.

Trong các công trình nhà cửa được xây dựng ở xứ này, nhà thờ đạo Thiên chúa luôn gây ấn tượng đặc biệt về nhiều mặt. Dường như nó không chỉ là cơ sở vật chất, nơi để giáo dân tới lễ, cha giảng đạo, mà còn là sản phẩm tuyệt đối về tinh thần, tâm hồn, ý thức, là kết tinh về nghệ thuật, là nơi gửi gắm tất cả tâm huyết nghề nghiệp kiến trúc, xây dựng của các đức cha và thợ xây.

Có thể nói mà không sợ sai rằng những nhà thờ được xây thời thuộc Pháp, hồi thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đều là những tuyệt tác, hoành tráng uy nghi, cực đẹp, đẹp không thể tả. Mỗi nhà thờ là một tuyệt phẩm, được nhà kiến trúc, người thợ xây chăm chút từng đường nét tỉ mỉ, nói như ông anh trai tôi, chi tiết tới từng hạt cát. Bên ngoài đẹp, nội thất lại càng đẹp. Đẹp vô cùng, ngắm mãi không chán.

Anh tôi từng bảo, không hiểu tại sao thời đó vật liệu còn kém, kỹ nghệ xây dựng thô sơ, sự vận chuyển rất khó khăn, thi công chủ yếu làm thủ công, không có máy móc như bây giờ… nhưng mỗi nhà thờ thời Pháp đều đỉnh cao, trên hẳn một bậc so với những nhà thờ làm sau này. Anh tôi kết luận chỉ kiến trúc Đông Dương mới tạo nên được.

Trong đó các nhà thờ, rồi nhà hát lớn Hà Nội, phủ toàn quyền, nhà Bác cổ, dinh thống sứ Sài Gòn, nhà bưu điện Sài Gòn, trụ sở tòa án, khách sạn Majestic, nhà chú Hỏa… thời Pháp là đỉnh cao của kiến trúc xứ này, về sau không thể nào đạt tới nữa. Những cao ốc, lâu đài, khách sạn hiện đại ra đời trong mấy chục năm qua chỉ là thứ chém đinh chặt sắt. Còn nếu đặt bên cạnh các nhà thờ thời Pháp thì chúng chỉ là những khối bê tông cục mịch không hơn không kém, người ta có thể thốt lên lời trầm trồ về độ hoành của nó rồi quên ngay.

Tôi đã từng vào bên trong các nhà thờ cực phẩm ở Sài Gòn, như nhà thờ Lớn, nhà thờ Hạnh Thông Tây, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Huyện Sĩ, cả nhà thờ Cù lao Giêng ở tuốt tận hòn đảo trên sông Tiền miệt An Giang nữa (nhà thờ này có sớm nhất, được xây trước cả nhà thờ Lớn Sài Gòn)… Lần nào cũng lẩm nhẩm “tuyệt vời” bởi không thể nói được gì hơn thế, không còn từ nào diễn tả hết. Bạn không tin ư, hãy thử một lần vào nhà thờ Tân Định hoặc Hạnh Thông Tây chẳng hạn, tôi sẽ nhường cho bạn từ “tuyệt vời” khi bạn đang lặng lẽ thành kính chiêm ngưỡng “nhà của Chúa”.

Ôi, Chúa Phục Sinh để che chở cho các con. Lòng Chúa rộng vô cùng.

NGUYỄN THÔNG 31.03.2024

Ảnh: Bên trong nhà thờ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp, Sài Gòn). Ảnh Internet bởi hôm tôi tới không đem máy ảnh.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.