Bất cứ ai tự cho rằng mình là dân Sài Gòn chính gốc, đều không thể nói mình không biết tấm ảnh này thể hiện hình ảnh khu vực nào của thành phố đáng yêu ngày xưa trong lòng chúng ta. Ngay cả người không phải dân địa phương cũng vẫn biết!
Quá nhiều những cái tên, quá nhiều những ký ức, quá nhiều những kỷ niệm mà bất cứ ai, trong đời mình suốt thời quá khứ và đến cả bây giờ, như tôi và như nhiều bạn khác, một khi vẫn còn ở đây đều có thể nhớ ra.
Người phụ nữ trẻ trong ảnh đang đứng nơi vỉa hè thương xá Tax. Trước khi có nó, tại Sài Gòn cho tới 1945 thì cửa hàng Courtinat nằm ở ngã ba Catinat – Général Dupré (Về sau là Tự Do – Thái Lập Thành) do vợ chồng ông bà Auguste và Caroline Courtinat dựng lên vào năm 1893 với tên Bazar Saigon, mới là số 1 trong ý nghĩa một điểm tập trung bán hàng rộng lớn và rộng rãi cho giới thượng và trung lưu của thành phố.
Nhưng Courtinat cũng đuối dần và cùng với thất bại của người Pháp trong mặt trận Điện Biên Phủ, nó đánh mất vị thế của mình và thậm chí, từ rất nhiều năm trước đó, chính quyền thành phố đã nghĩ ra phải có một trung tâm mua bán bề thế khác để chia sẻ thị trường.
Cần nói thêm, khi người Mỹ vào Việt Nam, cháu nội ông Auguste là Philippe Courtinat, người giám đốc cuối cùng, đành thương lượng chuyện bán nó lại cho một doanh nghiệp Mỹ tỏ ý quan tâm. Nhưng chính phủ của ông Ngô Đình Diệm đã đi nước tiên, mua lại Courtinat trên tay người Mỹ vào năm 1958 để biến nó thành một khu triển lãm và buôn bán hàng mỹ nghệ Việt Nam – Vì lúc đó người ta đã có GMC (Les Grands Magasins Charner), chính là tiền thân của Tax, thay thế.
GMC khánh thành vào ngày 26/11/1924 và đáng ngạc nhiên thay, lúc ấy chỉ có một (Vâng, một!) phóng viên của tờ Écho (Tiếng Dội) An Nam trong nhiều nhà báo là sau khi đến dự, có chụp ảnh và viết bài tử tế. Có lẽ do lúc ấy, báo chí ít ỏi và cũng do, người biết chữ Quốc ngữ ở Sài Gòn cũng chưa nhiều. Người ta mô tả về một đám đông đứng tụ tập trước cửa chính của GMC, đợi cắt băng khánh thành xong, thì ùa vào trong, tỏa ra khắp các tầng của nó để nhìn ngắm khắp nơi chứ chưa hẳn để mua sắm.
Hàng chục nhân viên mặc tuxedo đứng thành hai hàng nơi cửa ra vào đã lễ độ mời tất cả khách bất kể sang hèn vào trong, để khách sẽ càng ngạc nhiên khi thấy một người máy mang hình dáng một anh Tây đen mặc áo đỏ với tay áo viền vàng đứng ngay giữa sảnh. Nó luôn toét miệng cười, dẫu không nói được lời nào nhưng tay cầm gậy thì cứ luôn vung vẫy để chỉ về phía dãy tủ kính sáng choang bày bao nhiêu là hàng hóa nằm phía bên tay phải, và hai mắt thì chớp mí liên hồi.
Cái hay nhất lúc ấy, ngay trong lòng GMC đã có dãy hàng ăn và trong góc, có cả một nhà sách. Trên tầng 1, là một nhà hàng – phòng trà – Salon de thé – mà hôm đó, quan toàn quyền Martial Henri Merlin từ Hà Nội vào cũng có mặt theo lời mời của ông chủ Marcel Eutrope. Người ta ngồi xúm xít quanh những chiếc bàn tròn nhỏ, nhấm nháp Champagne và ăn bánh ngọt miễn phí để nghe quan toàn quyền nói chuyện.
Tên GMC chắc chắn ra đời thoạt đầu, bởi vì vị trí của nó là nằm ở điểm vàng giao cắt giữa hai đại lộ Charner (Nguyễn Huệ về sau) và Bonard (Lê Lợi). GMC được xây theo phong cách kiến trúc Pháp với những nét chấm phá văn hóa Á Đông đây đó, chuyên kinh doanh các mặt hàng bazar sang trọng nhập cảng chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương Tây, nhằm phục vụ giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ vào thời kỳ đó.
Hình ảnh đặc trưng của nó chắc chắn là chiếc cầu thang to nằm ngay giữa sảnh, đi qua ba tầng, với lan can bằng thép có uốn nan hoa và với tay nắm bằng đồng. Đứng tựa người vào lan can tầng 1 và tầng 2, người ta có thể nhìn bao quát khắp cả khu mua sắm ấy và thậm chí nhìn ra ngoài vỉa hè Charner. Từ đầu thập niên 1960, người thì bảo chính xác năm 1960, người lại bảo là 1961, GMC mang tên mới là Tax.
Trong tấm ảnh này, nhìn về phía xa nơi có tấm bảng quảng cáo ngoài trời màu xanh chưa có nội dung, người ta có thể nhìn thấy rạp Eden với tấm panneau trứ danh của nó nằm trên cửa vũ trường Queen Bee. Tất nhiên, đó là passage Eden nổi tiếng không kém với rạp hát nằm trong lòng nó ấp ủ, với một tấm panneau thứ hai giống hệt. Đó còn là những cửa hiệu nhỏ nằm theo lối đi hình chữ T khi thông ra phía Bonard, rồi khi ngoặt sang trái để ra Catinat, thì lại gập hình thước thợ, ngay trước cửa chính có hai phòng bán vé trái phải của rạp.
Sissi nữ hoàng Áo Quốc, người ta đã cho chiếu ở đó. Những phim chưởng hay nhất của Vương Vũ như Truy Mệnh Thương, hay Đại Sát Tinh, người ta cũng từng chiếu ở đó. Phim hành động Mỹ Hold Up In The City (Cướp Vàng Trong Thành Phố) hay Khuyển Tặc (Dobermans) người ta cũng đưa lên màn ảnh rộng ở đó. Những cửa hiệu sách thầm lặng, những hiệu bán đèn ngủ hay đèn chùm, những cửa hàng tơ lụa, những cửa hiệu hàng sơn mài, cùng văn phòng đại diện nhà băng quốc tế Pháp Á (Banque Française de l’Asie), nằm ở đó.
Không thấy trong ảnh, cũng nằm bên tay trái người phụ nữ trẻ, là thư viện Abraham Lincoln, nhìn về công viên Đống Đa mà người ta hay ra đó chụp ảnh vào những buổi chiều lộng gió, khi nó nằm giữa Eden và Rex của ông bà Ưng Thi, ngay trước cửa Tòa Đô chính thành phố.
Vào những năm 1960, theo cây bút Tim Dolling tác giả quyển Saigon Cholon - Vanishing Points ghi chép, nằm gần giao lộ Gia Long - Hai Bà Trưng có một tòa building ở số 82. Đó là cơ quan United States Information Service (Cơ quan Cung cấp dịch vụ thông tin Hoa Kỳ - USIS) - Tiền thân của Phòng Thông tin Hoa Kỳ. Thư viện Abraham Lincoln trực thuộc nó, thành lập năm 1956, cũng ở cùng địa chỉ.
Sau đó, thư viện này dời lần thứ nhất về khu tòa nhà liên hợp khách sạn và rạp Rex vào năm 1962. Tới năm 1965, cơ quan phụ này lại nhập với cơ quan Joint US Public Affairs Office (Văn phòng phụ trách Các vấn đề công cộng Hoa Kỳ - JUSPAO) và thường được gọi là JUSPAO 2. Từ cuối 1964, thư viện Abraham Lincolm không còn ở khu trung tâm nữa vì nó lại dời lần hai về số 8 Lê Quý Đôn và cuối cùng, dọn vào khuôn viên trụ sở Hội Việt Mỹ, số 55 Mạc Đĩnh Chi trước khi chấm dứt hoạt động vào năm 1973.
Hồi ấy thủ tục làm thẻ thư viện khá dễ dàng và phí thư viện cũng không phải là quá đắt. Theo Tom Dolling, chính vì số bạn đọc không đủ như mục tiêu phục vụ đã gây khó cho ban quản trị thư viện, dù vị trí của nó tại Rex là tuyệt trần và bản thân nó có hơn 25.000 đầu sách. Giá thuê quá cao ở khu trung tâm, cùng những sinh hoạt giải trí ồn ã từ các vũ trường, rạp hát mà nó lại nằm đối diện thương xá Tax buôn bán tấp nập cũng là một nguyên nhân.
Rạp Rex thì không cần nhắc nhiều, khi nó có cầu thang cuốn, khi nó luôn trình chiếu những phim 35 ly xen kẽ 70 ly nhất hạng toàn cầu và cả khi nó trở thành hình ảnh tiêu biểu của hệ thống rạp chiếu phim đất Sài Thành. Đã có ai trong đời mình từng chưa bước vào trong Rex?
Sẽ là thiếu sót nếu không thấy ở đây những loại xe cộ thịnh hành thời đó như xe Vespa Super màu xanh biển, xe Honda Nam 50 đời 67 hay 68 và xe Suzuki M50 nam. Ngoài ra còn thấy Volkswagen minivan, camion GMC hạng nhẹ (Của General Motors chứ không phải của GMC Charner), Landrover và cả chiếc Dodge W200 Power Wagon thấy lăn bánh quen mắt khi ấy.
Tất cả đang từ phố Lê Lợi rẽ phải vào Nguyễn Huệ, nơi có bao nhiêu là ki-ốt tráng rửa ảnh, bán hoa tươi, nước giải khát và cả bán hàng lưu niệm hay khung ảnh – Có tài liệu ghi lại, dãy ki-ốt này có mặt tại chỗ từ đầu những năm 1950. Con đại lộ này cứ vào dịp cận Tết lại biến thành một chợ hoa rực rỡ những mai vàng, cúc vàng, hoa ly, quất và mào gà hay cúc đại đóa, với bao người đi kẻ lại cùng các phó nhòm luôn lượn lờ quanh đó. Một thời kỳ dù tiếng súng vẫn rền lên từ mặt trận, nhưng bao người đã chấp nhận hy sinh cho bao người thanh thản.
Tất nhiên, không thể không nhắc đến hồ nước phun nằm chính giữa tất cả, mà người Sài Gòn từng âu yếm gọi chỗ nó nằm kể từ năm 1920 là “bùng binh cây Liễu” vì viền quanh nó là những cây Dương liễu non, rủ lá thướt tha xuống nền hè gạch, hay “bùng binh Bồn kèn” vì cứ mỗi Chủ nhật, đội quân nhạc lại chơi concert ở đó.
Tấm ảnh này là của John F. Cordova, 1968.
TRỊNH ĐÌNH SĨ 31.03.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.