jeudi 28 mars 2024

Ngô Nhân Dụng - ISIS-K đánh tới Moscow

 

Bây giờ thì Tổng thống Belarus giải thích cho mọi người nghe ông Putin làm gì trong thời gian đó. Ông nói điện thoại với ông Alexander Lukashenko, yêu cầu chặn bắt các thủ phạm ở biên giới hai nước.

Mỗi lần có biến cố lớn bất ngờ, ông Vladimir Putin đều không nhanh chóng phản ứng mà hầu như còn biến mất một thời gian. Năm 2023, Yevgeniy Prigozhin đem quân bản bộ kéo về thủ đô đòi bắt bộ trưởng quốc phòng Nga. Sau khi quân Wagner tiến tới cách thủ đô 60 cây số, ông Putin mới đưa ra hai mệnh lệnh trái ngược nhau.

Lệnh đầu kết án Prigozhin tội phản quốc, đáng bị tử hình. Lệnh sau là ân xá tất cả đám quân Wagner, cho rút lui an toàn rồi qua Belarus tị nạn. Prigozhin sau đó đã chết cháy giữa trời, những người đối nghịch với Putin phải lấy đó làm gương: Đừng bao giờ làm Putin mất mặt.

Năm nay, Putin mới bị mất thể diện lần nữa. Ông mới tái đắc cử tổng thống lần thứ năm được mấy ngày, hí viện Crocus City Hall ở ngay thủ đô Moscow đã bị tấn công, đặt bom, đốt, và bắn, giết. Lực lượng Hồi Giáo cực đoan mang danh ISIS-K, đặt căn cứ bí mật tại Afghanistan, đã chính thức xác nhận họ chủ mưu cuộc tàn sát này.

Chữ K viết tắt tên “Tỉnh Khorasan,” một địa bàn tưởng tượng bao gồm hầu hết vùng Trung Á, phía Đông nước Iran. Trước cảnh 139 thường dân Nga đi nghe hát bị tàn sát dã man, những hình ảnh kinh hoàng chiếu cho cả nước coi, Vladimir Putin đã giữ im lặng suốt 19 tiếng đồng hồ trước khi lên ti vi nói.

Tại sao Putin để dân Nga chờ lâu như vậy, sau một cuộc khủng bố lớn nhất trong thời gian 20 năm? Năm 2004, quân Chechen đòi độc lập chiếm một ngôi trường, giữ hơn 1.000 thầy giáo và học sinh làm con tin; quân đội Nga tấn công giải cứu, sau ba ngày có 334 người chết. Nhưng khi lên ti vi lần này, Putin tuyệt nhiên không nhắc gì đến nhóm ISIS. Trái lại, ông tìm cách đổ trách nhiệm cho chính phủ Ukraine, mà ôngvẫn gọi là Nazi, Quốc Xã.

Bây giờ thì Tổng thống Belarus giải thích cho mọi người nghe ông Putin làm gì trong thời gian đó. Ông nói điện thoại với ông Alexander Lukashenko, yêu cầu chặn bắt các thủ phạm ở biên giới hai nước. Bốn hung thủ biết không thể lẻn vào Belarus cho nên đi về hướng Ukraine để tìm kế tẩu thoát. Tiết lộ của ông Lukashenko cũng chứng tỏ Putin đã nói sai sự thật: Bốn hung thủ ISIS không do chính phủ Ukraine gửi đi và cũng không được Ukraine chờ đợi, mở cửa đón về! Họ chỉ tìm cách trốn qua Ukraine sau khi không thể vượt biên vào Belarus.

Nhưng tại sao Putin không hề nhắc đến tên nhóm Thánh chiến Hồi Giáo ISIS khi nói chuyện với dân Nga? Có thể vì trước đây ông đã loan tin quân Nga tiêu diệt hoàn toàn ISIS tại chiến trường Syria, từ năm 2017. Trong mấy ngày qua, cả hệ thống báo, đài ở Nga chạy hết tốc lực để bảo vệ uy tín ông tổng thống. Họ quả quyết quân ISIS không hề có mặt ở Nga. Olga Skabeyeva, chủ trì một chương trình truyền hình, nói rằng các tay khủng bố “trông giống như ISIS nhưng không phải là ISIS!” Đài truyền hình RT của chính phủ Nga thì coi Ukraine là thủ phạm, Mỹ đóng vai xúi giục. Họ coi những lời báo chí Mỹ nói nhóm ISIS chủ mưu là một thủ đoạn tuyên truyền để đánh lạc hướng dư luận!

Trước khi cuộc đánh bom bùng nổ, ông Putin được Tình báo Mỹ báo tin họ biết nhóm ISIS đang lập mưu “đánh lớn” ở thủ đô Nga. Mỹ còn nói rõ chi tiết: Có thể đánh vào một rạp hát. Ông Putin cũng tỏ thái độ hoài nghi. Thay vì lặng lẽ chuẩn bị đối phó, ông Putin công khai lên án lời báo động của Mỹ. Nói chuyện với các sĩ quan tình báo Nga F.S.B., hậu thân của K.G.B. là nơi ông Putin xuất thân, ông tố cáo đây là một thủ đoạn của Mỹ để gây không khí bất ổn định, “khiêu khích,” hoặc đe dọa để “bắt chẹt” chính phủ Nga.

Trong thực tế, từ ngày 7 tháng Ba, Sứ quán Mỹ ở Moscow đã thông báo cho mọi người Mỹ đang ở Nga biết rằng Tình báo “đang theo dõi tin về một hành động khủng bố nhắm vào những cuộc tập họp ở Moscow.” Sứ quán các nước Âu châu cũng báo động kiều dân của họ. Mỹ báo tin này cho chính phủ Nga vì nhóm ISIS là thù nghịch của cả hai nước.

Năm ngoái, tình báo Mỹ cũng báo trước cho Iran biết nhóm ISIS đang âm mưu một cuộc tấn công lớn. Sau đó quả nhiên, một lễ tưởng niệm Tướng Qasem Soleimani ở Nghĩa trang Kerman đã bị đặt bom nổ, 84 người chết. Ông Soleimani từng chỉ huy các đám dân quân Iraq ở Baghdad do Iran bảo trợ chuyên tấn công quân Mỹ và bị “drone” Mỹ ám sát vào đầu năm 2020.

Tổng thống Vladimir Putin và Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei không thể tin được tại sao chính phủ Mỹ lại muốn cứu dân Nga hay dân Iran mà báo trước các vụ âm mưu chết người của ISIS. Đây là một chính sách có sẵn. Khi biết nhiều thường dân, thuộc bất cứ nước nào, có thể chết vì các hành động khủng bố; Tình báo Mỹ có “bổn phận báo động.” Không giúp các nạn nhân biết để tránh thì có thể bị coi là đồng lõa.

Nếu ông Vladimir Putin không gạt bỏ lời cảnh báo ngày 7 tháng Ba của Mỹ thì liệu có thể tránh được cuộc tàn sát ở hí viện Crocus, hoặc giảm bớt số nạn nhân hay không? Không biết chắc được. Dù ông Putin muốn đề phòng một hành động khủng bố trong vùng thủ đô, chưa biết sẽ là một công viên, một trường học, xí nghiệp hay chợ búa, Cơ quan F.S.B. cũng không thể mở một chiến dịch ngăn chặn toàn diện – vì hiện nay họ có hai nhiệm vụ ưu tiên khác. Một là theo dõi dư luận trên mạng xã hội tìm bắt những người chống chính phủ. Hai là theo dõi chiến tranh Ukraine. Trước ống viễn kính của F.S.B., từ 6, 7 năm qua không thấy điều nào báo động nhóm ISIS-K có thể tấn công.

Nhóm ISIS thành hình sau khi Mỹ tấn công Iraq, giết Saddam Hussein, nội chiến bùng nổ giữa hai nhóm tín đồ Hồi Giáo phái Su Ni hoặc Shi A. Người Sun Ni theo ISIS, coi Iran, lãnh đạo khối Shi A là kẻ thù. Có thời họ đã kiểm soát một phần lãnh thổ các nước Iraq và Syria, với một triệu dân, từ năm 2014. Họ là thủ phạm vụ tấn công ở Paris làm chết 130 người vào năm 2015; và đã thúc đẩy vụ bắn giết vào một họp đêm ở Orlando, Florida, năm 2016, có 49 người chết.

Từ năm 2017 ISIS mất hai địa bàn trên, chia mỏng lực lượng ra nhiều nước Á châu và Phi châu. Tại Syria, chính quyền Bashar Al-Assad, thuộc nhóm Shi A thiểu số trong khi đa số dân theo phái Sun Ni. Assad đã đánh giết các nhóm dân quân theo phái Sun Ni và tìm cách tiêu diệt ISIS.

Đó là một lý do ISIS-K coi Vladimir Putin là thù địch, vì Putin đưa quân Nga qua Syria giúp Bashar Al-Assad, một nhà độc tài. Trong nước Nga, ông Putin cũng từng sát hại những đám dân quân đòi độc lập cho Cộng Hòa Chechnya, nơi đa số theo Hồi Giáo, phái Sun Ni. Putin không thấy các hành động tàn ác ở Chechnya có thể làm sôi máu căm thù của những người Hồi Giáo phái Sun Ni sống ở Tajikistan, một trong những nước miền Trung Á trước đây bị cưỡng ép gia nhập Liên bang Xô Viết.

Trong số bốn người bị bắt, bị tra tấn còn để lại dấu vết khi đem trình diện trước công chúng, có một thanh niên nói tiếng Tajik, ngôn ngữ ở Tajikistan và Afghanistan. Hàng ngàn người dân Trung Á cùng gốc gác “Thổ Phồn,” theo đạo Hồi, đã qua Syria và Iraq chiến đấu với người đồng đạo, rồi gia nhập ISIS. Nhiều người Tajik từ Iraq về nước đã đóng những vai trò quan trọng trong quân đội, cảnh sát và tình báo, theo nhật báo The Washington Post.

Guồng máy mật vụ F.S.B. có thể đặt máy thâu hình điểm mặt tất cả dân chúng Nga bằng AI (Trí khôn nhân tạo) nhưng chưa kiểm soát hết được hình dạng, mặt mũi dân chúng tất cả các nước Trung Á – như Tập Cận Bình đã làm được ở Tây Tạng hoặc Tân Cương. Cho nên cuộc tàn sát ở hí viện Crocus City Hall là một biến cố bất ngờ; chính ông Putin cũng ngỡ ngàng, chờ 19 giờ mới biết khi lên ti vi sẽ bịa đặt những chuyện gì.

Nhóm ISIS-K đã đánh thắng một đòn tâm lý lớn. Vladimir Putin vẫn tự hào mình là người duy nhất có khả năng bảo vệ an ninh cho dân Nga trong một thế giới đầy thù nghịch – thù nghịch có thật hoặc do ông bịa đặt ra. Bây giờ, dân Nga cũng không thể tin vào điều đó nữa.

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 28.03.2024)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.