Dịp lễ Phục Sinh ở miền Nam, ở Ông Tạ rơi vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, tháng nóng nhất trong năm. Khí giời oi bức ấy càng khiến không khí dịp lễ này nó “sầu thảm” như buổi lễ Tử nạn tối thứ Sáu.
Thuở ấy dù nhỏ, tôi vẫn nhờ mồn một cảnh ngắm (ngẫm) đàng Thánh giá 14 chặng xung quanh nhà thờ xứ Vinh Sơn - Ông Tạ của tôi. Giọng ngắm tha thiết, buồn thảm. Cứ đi một chặng lại dừng lại nghe ngắm. Các ông thì đứng, các bà và trẻ con thì quỳ trên chiếc chiếu cặp theo bên nách.
Ở Nghĩa Hòa, cha già cố Năng cho rước đàng Thánh Giá dọc đường Nghĩa Hòa. Trẻ con xúng xính mặc áo dài trắng, cầm theo cái chiếu con để trải ra quỳ mỗi khi đọc từng chặng thứ nhất, chặng thứ hai...
Bên xứ An Lạc dạo ấy, cứ mùa Chay, rước Thánh hài (tượng thi hài Chúa sau tử nạn) thì giáo xứ An Lạc tổ chức đoàn rước mặc đồ tang. Đi trước Thánh hài, cụ tổng Vi cầm hai thanh gỗ lệnh điều khiển đội đô tùy khiêng hòm và đội trắc. Trước ngày Chúa tử nạn, trong lễ Rửa chân bên Công giáo, cụ luôn là một trong 12 vị tông đồ được cha chánh xứ An Lạc Trần Ngũ Nhạc rửa chân.
Còn bên Tân Chí Linh, có một cụ, không hiểu sao thanh thiếu niên đặt “hỗn danh” là “Cù không đinh”. Cứ tới Phục Sinh, ông đóng vai Giuđa, cỡi ngựa, hoặc vác thánh giá đi các xóm; lại còn mang theo cả dây thừng để đóng vai Giuđa đi treo cổ nữa. Cũng xứ Tân Chí Linh, cụ Tú hớt tóc cho tôi thuở bé, là bố ông Cử - phở Phú Vương sau này thường đóng vai Chúa khổ nạn vác thánh giá đi khắp xứ.
Thứ Sáu tuần Thánh là ngày chay lớn bên Công giáo. Đám trẻ con các xứ chả đứa nào dám đòi hỏi món này món nọ kẻo “sa chước cám dỗ” như lời dặn dò của các thầy bu.
Chúng cố nhịn một ngày, sang sáng thứ Bảy tuần Thánh thì đừng có mà hòng, đâu đâu trong vùng Ông Tạ cũng hàng đàn hàng đống trẻ con. Chúng đi theo từng nhóm, nhỏ to gì bí mật lắm. Các nhà thờ hôm nay là của chúng, từ sáng tới chiều: đi hôn chân Chúa. Không đợi bố mẹ nhắc nhở “sáng đi lễ, tối đi nhà thờ” như mọi hôm.
Tôi cũng như chúng bạn, cả năm mới được một ngày hưởng lộc nhà xứ: nẻ (nả: bỏng ngô, bỏng nếp bung). Hết đứa này đến đứa kia, chúng xếp hàng khoanh tay ra vẻ đạo đức, chờ tới lượt hôn chân Chúa. Riêng nhà thờ Chí Hòa, như hầu hết các nhà thờ Nam khác, không có rước xách chiêng trống, hôn chân Chúa không có nẻ.
Chân Chúa được xức nước hoa thơm lắm. Bà Kim Chi ở đầu chợ Nghĩa Hòa dùng nước hoa của mình xức vào chân Chúa, thơm cho đến cả sau lễ Phục Sinh. Chả là bà dùng nước hoa chính hiệu của Pháp. Tiếng Pháp, tiếng Anh bà nói như gió cơ mà.
Trẻ con các xứ bây giờ sướng bằng giời: văn minh, lịch sự, hôn chân Chúa xong có bịch nẻ để trên bàn bên cạnh, có người đưa tận tay, chỉ việc lấy. Trẻ con các xứ Ông Tạ xưa, như xứ Vinh Sơn của tôi, nẻ bỏ trong hòm kính Chúa luôn, hôn chân xong thò tay bốc. Cả ngày cứ quanh quẩn trong nhà thờ hôn chân Chúa để bốc nhiều lần. Có lúc nẻ gần hết, phải khom người chui cả vô trong sâu vét, vất vả, tính toán lắm. Ông quản quất cho một roi vô tay, rụt lại và chuồn. Của Chúa chứ có phải của ông ấy đâu mà "bạo lực" với trẻ con như vậy. (Nếu bây giờ là có người quay clip lên Facebook rồi, haizzz...).
Chả cứ gì xứ mình. Ở xứ Sao Mai, ngày xưa ấy, đi hôn chân bốc nẻ thì đám trẻ con luôn canh chừng hai ông bà quản đứng hai bên Thánh hài: một bên là ông quản Thỏa, nhà ở xóm Sình; bên kia là bà quản Thế, nhà ngay sau nhà cha xứ Vãng. Ở xứ Tân Chí Linh, có ông quản Vụ, ông quản Thành, xếp hàng hôn chân Chúa mà đứng, ngồi, quỳ không thẳng người là ăn roi; lim dim mắt cũng roi; không trang nghiêm, nhìn ngang nhìn ngửa cũng roi. Cây roi quất bất ngờ từ sau lưng, giật nẩy người.
Ở xứ Nghĩa Hòa có ông trùm Tiễu, ông quản Vượng, bà quản Thăng, bà quản Nhị... Đứa nào cũng vừa rón rén hôn chân vừa dáo dác canh cái roi ông trùm, bà quản này; sợ cả chú Bưởi giật chuông nhà thờ buồn tình cũng vung roi quất những đứa nghịch phá, không nghe lời.
Đám trẻ con tức ông Tiễu lắm. Khi ngắm đàng Thánh giá, vị xướng ngắm: “Chúa Giêsu đầy tớ táng trong hang đá”, thay vì đáp “Thương xót chúng con”, chúng thưa ầm lên: “Ông Tiễu có ve”, “Bà Tiễu lấy le”.... Chúa lòng lành tha tội cho đám trẻ, bà Tiễu có tội tình gì trong việc quất roi chúng nhưng chúng cho là có “liên đới trách nhiệm” với chồng nên cũng bị chúng lôi ra.
Ngay ông Rĩnh trong xứ chúng cũng không tha. Khi vị xướng ngắm: “Chúa Giêsu thương hết người thế”, chúng hét: “Ông Rĩnh bóp gân”... (!). Trẻ con Nam Thái - “thủ phủ” xôi Ông Tạ thì lành hơn, chúng thưa: “Cơm nếp với xôi!”. Có đứa mới bị bố quất roi, khi nghe xướng: "Chúa Giêsu thương hết người thế", nó gào lên: "Không có bố con"…
(Nói thêm một tí: Mấy cô gái chưa chồng vùng Ông Tạ xưa thì thay vì "Chúa Giêsu thương hết người thế", mấy cổ lén đọc: "Chúa Giêsu thương hết người... ế", rồi tự đáp: "Trong đó có con").
Lạy Chúa tôi, đâu chỉ các ông trùm, bà quản, đến cha xứ chúng cũng lén lút chọc phá: thay vì xướng “Chúa Giêsu đầy tớ táng trong hang đá”, chúng lại xướng: “Chúa Giêsu, cha N. bảo táng đâu thì táng” (!).
Trở lại việc hôn chân Chúa bốc nẻ. Chúng đi theo “băng nhóm”, hàng đàn; có phân công, kế hoạch hẳn hoi. Đứa nào tay to, túi bự vào hôn chân bốc nẻ, đứa nào tay nhỏ làm nhiệm vụ canh các ông, bà quản; có đứa mang cả túi vải của nhà làm kho thu gom.
Không chỉ xứ mình, chúng “hành quân” sang các xứ khác. Đám trẻ con Thái Hòa bắt đầu từ nhà thờ Thái Hòa sang Nam Thái, Tân Chí Linh, An Lạc, Lộc Hưng, Nam Hòa, Nghĩa Hòa, Sao Mai, Hiệp hội Thánh Mẫu... Đi một vòng các xứ như vậy cả ngày chúng bỏ ăn sáng, ăn trưa luôn. Mũi chúng dán vào chân Chúa còn mắt thì đảo nhanh, tay thì quờ, khua tận sâu bên trong. Có đứa tay ngắn, phía ngoài hết nẻ, nó khẽ nhấc cả chân tượng Chúa lên, một tay kéo vạt áo sơ mi cho rộng ra, tay kia khùa qua chân Chúa, lùa một cái cho vào vạt áo thật nhanh.
Có đứa hôn chân Chúa sốt sắng để thò tay bươi nẻ lâu quá, bị mấy đứa khác ghen ăn, lén thúc phía sau, ngã dúi vào hòm kính, mồm va vào chân tượng Chúa bằng gỗ, miệng mũi sưng vù.
Chúng tức nhất là phía trước mình có các ông bà cụ, cứ chậm rãi sốt cả ruột. Có bà bốc mấy nắm nẻ, gói vào vạt áo dài. Thằng bạn tôi chờ lâu quá, lại sợ hết nẻ, nó len lên, rách vạt áo dài của bà cụ phía trước. Đang phải “nhịn mồm nhịn miệng” để rước lễ, bà cụ cũng gào lên “gắt mắm tôm”: “Ơ cái thằng này con cái nhà ai mà hỗn hào nhể? Tao mách bố mẹ mày”. Nó không dại khai báo thành khẩn với bà vì bên cạnh là bà quản X., bạn bún riêu với bà cụ ấy. Nó cãi là chỉ ăn roi.
Có một lần, tôi đi từ sáng tới xế chiều, ôm về cả bịch nẻ. Nhìn con áo quần xộc xệch, tóc tai bơ phờ, hể hả ôm bịch nẻ - công lao vất vả suốt cả buổi, mẹ tôi hiểu ngay sự thể, nổi giận: “Giêsu Maria lạy Chúa tôi. Mày to gan lấy của Chúa, của nhà xứ... một bao như thế này thì xuống hỏa ngục, nghiến răng khóc lóc đời đời, không thấy mặt mẹ đâu con ạ. Mày có mang trả lại nhà xứ ngay không thì bảo”.
Tôi nghẹn họng, chết đứng lúc ấy. Mang trả thì ăn roi ông trùm, bà quản; không trả thì “đời đời" không gặp mẹ nữa, thế đi học hàng ngày, ai cho tôi tiền sáng để mua xôi, bánh mì, mua dế đây!
CÙ MAI CÔNG 29.03.2024
(Trích lược “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!”)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.