jeudi 28 mars 2024

Dương Quốc Chính - Trận đồi A1 Điện Biên Phủ

 

Hôm nọ đọc status của bạn Kiều Mai Sơn tố VTV cho cụ cựu chiến binh lên đóng thế, kể chuyện đào hầm đánh đồi A1 huyên thuyên cả. Nhưng đa số khán giả chắc chả biết chỗ nào sai. Vì dân ta nghe kể chuyện thấy lâng lâng là sướng, chả quan tâm đúng sai làm gì.

Hồi bé học sách giáo khoa và đọc sách thời ấy, thường chỉ biết tới trận đánh cuối cùng ở đồi A1 vào tối 06/05. Nhớ lâu vì mỗi ở đây có sáng tạo là đào hầm ngầm để đánh bom, dẫn tới thắng lợi. Bây giờ nghiên cứu lại, tư liệu chính thống của ta cả nhé. Chưa có thời gian tìm tư liệu Pháp.

Thực ra ta đánh đồi A1 là ba đợt, đánh mãi chả thắng, nói cho vuông là thua cmnr vì chết nhiều quá, chết nhiều hơn địch nhiều. Ta hy sinh hơn 1.000 quân, bị thương hơn 1.500 quân trong vài ngày tấn công, địch thiệt hại cỡ 1/3. Thế nên trung đoàn 174 phải tạm ngừng chiến thay vào đó là trung đoàn dự bị 102, mà cũng vẫn không thắng.

Lý do mà hầu hết tư liệu chấp nhận là do trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An (sau chỉ huy một trong năm cánh quân chiếm Sài Gòn) nhận được lệnh tấn công chậm 30 phút, mất yếu tố bất ngờ, nên mới chưa thắng ngay! Nhưng theo báo Cựu Chiến Binh thì bị chỉ trích rất nặng, mỗi báo này dám đăng ta thua vậy, còn tất cả đều lờ đi.

Trích:

"Trận tiến công cứ điểm A1 không thành công do nhiều nguyên nhân. Có cả nguyên nhân từ cấp chiến dịch và cả nguyên nhân từ cấp chiến thuật, mà đúng như Đại tướng Hoàng Văn Thái - nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch đã nhận xét: "Ta chưa chiếm được A1 vì ngay từ đầu chưa nhận thức được vị trí hiểm yếu của nó, chưa có lực lượng dự bị mạnh, chưa có cách đánh đúng, chưa diệt được địch từ phía sau lên phản kích, chưa kiềm chế được pháo binh ở Hồng Cúm".

Nguyên Chính ủy Đại đoàn 316 Chu Huy Mân cũng cho rằng "Ngay từ đầu, chỉ đạo chiến dịch chưa thấy hết tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của hướng Đông, do đó cũng chưa thấy hết A1 là vị trí then chốt".

Còn mưu đào hầm, có báo Quân đội Nhân dân mới nhận là ông An học tập gương Triều Tiên để đào hầm. Nhưng xét thời điểm đó thì cần hiểu là học cố vấn Trung Quốc. Vì Trung Quốc chỉ đạo Triều Tiên và trực tiếp kháng Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. Hơn nữa, Trần Canh là tướng Tàu tham chiến tại Triều Tiên được điều qua. Nói chung chiến thuật hầm hào là do cố vấn Trung Quốc đề xuất rút kinh nghiệm từ Triều Tiên, nhưng ta thường không nhắc tới yếu tố Trung Quốc ở Điện Biên Phủ. Chứ lúc đó bên ta đã có kinh nghiệm đánh lớn bao giờ đâu.

Đa số tư liệu mình đọc thì cho rằng hầm đã đào xong, nói chung là thành công rực rỡ, đúng tiến độ đã đề ra. Chắc mọi người cũng hiểu vậy.

Nhưng cũng có tư liệu hé lộ là ta đào hầm cũng sai sai, không đúng mấy! Bởi vì có tư liệu bảo đào khó, trúng đá, nên phải tránh, bị lệch đi có 35 mét. Hầm dài có hơn 40 mét mà lệch 35 mét ? Đào chỉ dựa vào la bàn và đèn pin mà. Có tài liệu thì nói thẳng toẹt là thực ra ta...chưa đào xong mà hết cmn thời gian rồi. Vì kế hoạch tổng tấn công đợt ba chốt rồi. Nên ngày 05/05 phải ngừng đào.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, mình suy ra là chưa đào xong thì đúng hơn. Bởi vì mục tiêu là đào đến dưới cái hầm ngầm cố thủ của Pháp, thì mới đánh bom. Vì ta chết nhiều là do địch bắn từ hầm ngầm đó ra. Nhưng thực tế mới đào được tới cách nó 20 - 30 mét, tùy tư liệu. Đại khái đào chưa tới thì sao gọi là xong được? Video mô phỏng của VTV thì thấy đào trúng ngay dưới hầm và thổi bay hầm ngầm địch, là láo toét.

Kết quả là quả bom gần 1 tấn đánh trượt mục tiêu, chỉ gây sức ép tinh thần là chính, cho nó sợ. Ta đánh từ 8 giờ 30 tối 06/05 tới 4 giờ 30 sáng 07/05 mới chiếm được A1. Cái hầm ta đánh mãi không được thực ra là hầm rượu cải tạo lại!

Mình nghĩ chiến thắng không hoàn toàn do quả bom này, mà nó ít tác dụng. Ta thắng vì ở tất cả các cứ điểm khác ta cũng đã và đang thắng (07/05 là toàn thắng mà). Nên địch hết mẹ tăng viện và cũng hoảng khi biết các nơi khác đã thua, thế nên nó đầu hàng thôi.

Tóm lại, đọc tư liệu lịch sử Việt Nam hiện đại cơ bản rất là huyên thuyên, truyền khẩu nhiều, kể cả sử chép thành sách cũng dựa trên hồi ức nhiều. Mà các cụ ấy cũng chém gió bạt mạng, nhất là trên VTV. Thường chém gió ta thắng địch thua là thoải mái, không lo kiểm duyệt và check nguồn. Sai tí cũng không bị làm sao, nên lành.

Nói chung đọc sử Việt Nam luôn phải có tinh thần cảnh giác cao độ, đọc nhiều nguồn chính thống hoặc phi chính thống rồi dùng các biện pháp nghiệp vụ để suy luận xâu chuỗi nữa. Một trận quan trọng như A1 mà còn chả biết thực hư cụ thể ra sao, hay chi tiết quan trọng có hàng trăm người chứng kiến như việc chiếm giữ dinh Độc Lập mà còn độ chế loạn xạ, thì những thứ ít người biết kiểu tù Côn Đảo thỏa sức vẫy vùng chém gió.

Ngày xưa không rành sử mới đọc sách sử, bây giờ phải rành kiến thức đa ngành rồi mới dám đọc! Không là bị chăn ngay.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 28.03.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.