Không phải là chiếc ghế gãy đã ngồi, không phải việc đã tắm cho Phật, không phải do bước vào con đường quan lộ bằng chân trái, bước ra ngõ gặp bà chửa, ngày giờ tuyên thệ không tốt đủ hay bất cứ một điều nhảm nhí nào mà dân gian yếu đuối, cảm tính, đã dễ dãi tưởng tượng ra.
Kẻ thù nguy hiểm nhất của mỗi người chính là bản thân người ấy. Nhiều người hiểu điều gì là đẹp đẽ trong cuộc đời, đã thốt ra những lời vàng ngọc dạy dỗ người khác, trong câu này là tầng lớp cầm bút, được gọi là nhà văn nhưng lời nói và việc làm khác nhau.
Câu này luôn đúng: "Đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn."
Vấn đề câu nói này được ai nói ra mới là quan trọng.
Chính xác là đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người. Các vị hãy thương những người dân oan mất đất từ các nơi, họ kéo về thủ đô ăn chực nằm chờ trên vỉa hè nóng lạnh, cuộc đời tạn lụi trong chờ đợi, thất vọng và uất ức.
Thử hỏi phần thượng tầng mà vậy thì với đạo đức quan chức các tỉnh, người dân khổ đến đâu?
Đất nước cần lòng trung thực của người dân thì ít mà của quan chức là nhiều. Bởi một sự dối trá của kẻ trong miệng có gang có thép có thể ảnh hưởng tới hàng triệu sinh linh.
Đừng trách người nông dân trồng riêng luống rau sạch cho gia đình dùng. Họ biết học lòng trung thực từ đâu? Từ quan chức ư. Câu trả lời tôi dành cho các quan chức có tâm huyết (rất ít, rất hiếm nhưng chắc là có).
Đất nước cần sự quả cảm từ các nhà văn. Nhà văn luôn phải là người nói được tiếng nói của người cùng khổ, nhịp viết phải theo nhịp tim của người dân nghèo, không phải theo cái nhịp nhiều ít ngân sách đổ vào hội nhà văn.
Người cầm bút là người suy ngẫm mà không nhìn ra cái xấu, cái bất công của xã hội thì người dân mong nhờ gì được? Lòng quả cảm của các vị nói chung quá kém, tôi sẽ xấu hổ khi phải đứng trong hàng ngũ "nhà văn" cùng các vị.
Bao nhiêu nghìn nhà văn có mấy người viết được bài nào sâu sắc có giá trị khai trí, khai tâm cho dân chúng. Một dàn hợp xướng cầm bút chỉ biết ăn theo nói leo, nhợt nhạt, yếu đuối, thở và viết cùng một giọng chán phèo.
Suy cho cùng một đất nước không tìm được người lãnh đạo anh minh ấy là một nỗi buồn lớn. Các vị đứng đầu đất nước cần phải hỏi tại sao như vậy? Cơ chế nào đã sinh ra những quan chức viết sách dạy cán bộ không được tự diễn biến nhưng nhìn thấy tiền là quên mất bao điều mình đã viết. Điều gì đã khiến bao bộ trưởng, chủ tịch thành phố, bí thư các tỉnh thành phải vào tù?
Trong khi ấy, có vài người dũng cảm phản ánh cái xấu trong xã hội thì bắt bằng hết.
Kẻ thù của mỗi cá nhân là chính người ấy. Thế lực thù địch hay phản động nguy hiểm nhất đang nằm trong chính hệ thống của các vị.
Để đất nước phát triển thì tinh thần phản biện là cần thiết, phải biết chấp nhận ý kiến đa chiều. Không thế lực nào tạo ra các quan chức tham nhũng, không phản động nào nói xấu được chế độ chính bằng thực tế đang diễn ra.
ĐOÀN BẢO CHÂU 23.03.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.